Phát huy vai trò của kinh tế chia sẻ trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư

NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HOA (Học viện Hành chính Quốc gia)

TÓM TẮT:

Lịch sử loài người đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp và đang bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư (còn gọi là Cách mạng Công nghiệp 4.0). Cuộc cách mạng này đã tạo ra những tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, tất yếu mở ra thời đại ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực của đời sống con người. Công nghệ 4.0 đem đến nhiều cơ hội hợp tác và chia sẻ trong hoạt động kinh doanh, đồng thời cũng làm thay đổi cách thức vận hành của các doanh nghiệp. Kinh tế chia sẻ là một mô hình kinh doanh mới, gần gũi, đem lại lợi ích cho các bên tham gia. Phát huy vai trò của mô hình này ở nước ta hiện nay là nội dung chính được đề cập trong bài viết.

Từ khóa: kinh tế chia sẻ, mô hình kinh tế chia sẻ, Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư.

1. Đặt vấn đề

Các cộng đồng người đã chia sẻ tài sản để sử dụng trong hàng ngàn năm, nhưng sự ra đời của internet và việc sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) đã giúp chủ sở hữu tài sản và những người có nhu cầu sử dụng chúng tìm thấy nhau dễ dàng hơn. Kinh tế chia sẻ là cơ hội đối với sự phát triển của các quốc gia, có khả năng đem lại siêu lợi nhuận nhanh chóng cho doanh nghiệp, đồng thời cũng đem lại lợi ích cho toàn xã hội. Tại thị trường Việt Nam hiện nay, kinh tế chia sẻ chưa mạnh như ở nhiều nước, nhưng mô hình kinh tế mới này cũng đã xuất hiện và có những kết quả tích cực.

2. Nội dung

2.1. Một số khái niệm

2.1.1. Kinh tế chia sẻ

Kinh tế chia sẻ có thể được gọi theo nhiều tên khác nhau, như: kinh tế cộng tác (Collaborative Economy), kinh tế theo cầu (On-demand Economy), kinh tế nền tảng (Platform Economy), kinh tế truy cập (Access Economy), kinh tế dựa trên các ứng dụng di động (App Economy). Lý thuyết về kinh tế chia sẻ bắt đầu manh nha vào năm 1995. Khởi điểm của lý thuyết này tại Mỹ với mô hình ban đầu có tính chất “chia sẻ ngang hàng” nhưng không rõ rệt. Nó khởi đầu bằng dịch vụ website thông tin cho thuê quảng cáo, người tìm việc, việc tìm người,… và giúp cho những cá nhân có thể kiếm được việc làm, kiếm được tiền quảng cáo. Mô hình kinh doanh này thực sự phát triển mạnh mẽ khi nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng năm 2008, người dân buộc phải thay đổi cách tiêu dùng để thích ứng với bối cảnh khó khăn. Mô hình “chia sẻ” những tài nguyên sẵn có bằng các ứng dụng công nghệ đã nhanh chóng phát triển vượt ra khỏi biên giới Mỹ, lan rộng khắp châu Âu và toàn thế giới bởi có những khoản lợi nhuận khổng lồ đem lại cho nhà cung ứng dịch vụ lẫn người cho thuê và sử dụng tài nguyên. Trong sự thành công của kinh tế chia sẻ có thể kể đến nhiều tên tuổi nổi tiếng như Airbnb, Uber, RabbitTask,…

Có nhiều định nghĩa và cách hiểu khác nhau về kinh tế chia sẻ. Theo cách hiểu phổ biến nhất: kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh khai thác các yếu tố tài nguyên sẵn có của người dùng cuối cùng và kết hợp với các yếu tố công nghệ. Mô hình này thường do các doanh nghiệp khởi nghiệp khởi xướng - đối tượng này không sở hữu bất kỳ một nhà máy hay một kho hàng nào nhưng lại có cả một kho tài nguyên sẵn có trên toàn cầu và luôn sẵn sàng gia nhập vào hệ thống.

Kinh tế chia sẻ là một mô hình kinh doanh khá mới ở Việt Nam. Trong điều kiện nước ta, có thể hiểu kinh tế chia sẻ là một mô hình thị trường kết hợp giữa sở hữu và chia sẻ, trong đó đề cập đến vai trò ngang hàng dựa trên sự chia sẻ quyền sử dụng hàng hóa và dịch vụ nhằm gia tăng lợi ích cho các bên tham gia. Hiện nay, có 3 yếu tố giúp cho việc chia sẻ quyền sử dụng các hàng hóa và dịch vụ mới được thuận lợi như:

Thứ nhất, hành vi của khách hàng đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ được thay đổi tính chất từ sở hữu đến chia sẻ.

Thứ hai, liên kết mạng lưới người tiêu dùng qua các mạng xã hội trực tuyến và thị trường điện tử dễ dàng hơn.

Thứ ba, ứng dụng công nghệ thông tin qua các thiết bị di động và các dịch vụ điện tử làm cho việc sử dụng, chia sẻ các hàng hóa và dịch vụ trở nên thuận tiện hơn.

Mô hình kinh tế chia sẻ đưa đến rất nhiều giá trị hiện thực: góp phần tiết kiệm chi phí giao dịch trong các hoạt động kinh tế (thông qua nền tảng trực tuyến, người mua và người bán nhanh chóng tìm được nhau, tương tác trực tiếp với nhau), nó cho phép mọi người tìm kiếm từ các tài sản không được tận dụng hết như ô tô khi không sử dụng hoặc phòng ngủ dự phòng có thể cho thuê; giúp bảo vệ môi trường; tăng tính hiệu quả của nền kinh tế; giảm bớt sự lãng phí tài nguyên xã hội và sự dư thừa năng lực của các sản phẩm dịch vụ. Đây chính là những yếu tố khiến mô hình kinh tế chia sẻ có những tiềm năng phát triển lớn mạnh hơn nữa trong tương lai, đó không chỉ là một thị trường ngách hay một hiện tượng nhất thời mà là tương lai của môi trường kinh doanh toàn cầu.

2.1.2. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được đề cập lần đầu tiên tại Hội chợ triển lãm công nghệ Hannover (Cộng hòa Liên bang Đức) vào năm 2011 và được chính phủ Đức đưa vào “Kế hoạch hành động chiến lược công nghệ cao” năm 2012. Năm 2013, trong một bản báo cáo của Chính phủ Đức, một từ khóa mới là “Công nghiệp 4.0” (Industrie 4.0) bắt đầu nổi lên nhằm nói tới chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người. Đến nay, “Công nghiệp 4.0” đã vượt ra khỏi khuôn khổ dự án của Đức và có sự tham gia của nhiều nước trên thế giới. Đồng thời, nó trở thành một phần quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Về bản chất, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khác với 3 cuộc cách mạng công nghiệp đã từng diễn ra trong lịch sử. Nội dung cơ bản của cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (từ giữa thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX) là chuyển từ lao động thủ công thành lao động sử dụng máy móc, đánh dấu bằng sự ra đời của máy hơi nước. Cuộc cách mạng lần thứ hai (diễn ra vào nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX) thể hiện ở sự xuất hiện của năng lượng điện và động cơ điện để tạo ra các dây chuyền sản xuất có tính chuyên môn hóa cao. Cách mạng lần thứ ba (bắt đầu từ khoảng những năm đầu thập niên 60 thế kỷ XX đến cuối thế kỷ XX) với đặc trưng cơ bản là sử dụng công nghệ thông tin và tự động hóa sản xuất. Đến cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nó không gắn liền với sự ra đời của một công nghệ cụ thể nào mà là sự tích hợp của nhiều công nghệ thông minh khác nhau nhằm tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Trong đó, 3 trụ cột chính của cuộc cách mạng này là: kỹ thuật số (nổi bật là internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, trí thông minh nhân tạo và chuỗi khối), công nghệ sinh học (nổi bật là các công nghệ về gen và tế bào, công nghệ phức hợp y sinh - thông tin) và lĩnh vực vật lý thông tin (nổi bật là công nghệ in 3D, Big Data, Blockchain,...).

Cách mạng công nghiệp 4.0 có những tác động vô cùng to lớn đến sự phát triển lực lượng sản xuất cũng như quan hệ sản xuất của các quốc gia. Không những vậy, nó còn tác động mạnh mẽ đến phương thức quản trị và điều hành của nhà nước và các doanh nghiệp. Cuộc cách mạng này đã tạo cơ hội cho các nước phát triển nhiều ngành kinh tế và những ngành mới thông qua mở rộng ứng dụng những thành tựu về công nghệ thông tin, công nghệ số. Trên nền tảng của công nghệ số, giúp kết nối nhu cầu chia sẻ nguồn lực nhàn rỗi một cách chính xác, hiệu quả, nhanh chóng với chi phí thấp. Nền tảng công nghệ sẽ xử lý thông tin, kết nối người cung cấp nguồn lực với người sử dụng nguồn lực.

Việc sử dụng công nghệ đã và đang giúp cho mô hình nền kinh tế chia sẻ hoạt động với hiệu suất cao, tăng lợi ích cho người cung ứng, người có nhu cầu và người trung gian. Đồng thời, nó giúp các công ty hoạt động theo mô hình này tiết kiệm được nguồn vốn do không phải xây dựng cơ sở vật chất, mua nguyên vật liệu đầu vào mà sử dụng vốn cộng đồng (xe ôtô, nhà ở của người tham gia, tài chính nhàn rỗi,…) và dễ dàng mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra toàn thế giới một cách nhanh chóng - không cần phải qua các hình thức liên doanh nước ngoài hay mở văn phòng đại diện ở nước ngoài. 

2.2. Kinh tế chia sẻ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở nước ta hiện nay

Ở Việt Nam, những năm gần đây đã chứng kiến sự phát triển của các dịch vụ kinh tế chia sẻ làm thay đổi cách thức vận hành và hoạt động kinh doanh, tiêu dùng. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ Việt Nam đã có những phản ứng làm căn cứ pháp lý cho sự tồn tại của kinh tế chia sẻ ở nước ta. Ngày 12 tháng 8 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Mục tiêu của đề án nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống; đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng; khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số. Đề án này thể hiện sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của Chính phủ trong việc công nhận hình thức kinh doanh mới trên cơ sở tận dụng các nguồn lực, tài nguyên còn dư thừa trong xã hội, nhằm tối ưu hóa tài nguyên cũng như các hoạt động kinh tế dựa trên những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ở cấp độ cao hơn, ngày 27 tháng 09 năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52/NQ-TW về “Một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Nghị quyết chỉ rõ “Phải xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới, sáng tạo. Sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”[1]. Đây là một trong những nhiệm vụ then chốt, tạo cơ sở pháp lý cho sự phát triển các mô hình kinh doanh mới ở Việt Nam.

Một số mô hình kinh tế chia sẻ phổ biến ở nước ta hiện nay:

Mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực vận tải trực tuyến. Đây là một trong những dịch vụ chia sẻ xuất hiện sớm nhất ở Việt Nam với sự góp mặt của một số ứng dụng kết nối, như: GrabTaxi (nay là Grab), Dichung, Uber Fastgo, GoViet (nay là Gojek Việt Nam),… và đã huy động được một lượng khá lớn lao động, ô tô, xe máy của cá nhân, đơn vị kinh doanh tham gia vào cung cấp dịch vụ vận tải. Các mô hình kinh tế chia sẻ này ứng dụng định vị tự động dùng để đặt và điều phối xe vận chuyển hành khách trên điện thoại thông minh nhằm tối ưu hóa quá trình kết hợp giữa công ty vận tải và hành khách, mang đến chi phí hiệu quả cho cả 2 bên. Đặc biệt trong thanh toán, các nền tảng hiện nay đều tích hợp và khuyến khích khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt. Chẳng hạn, Grab hợp tác với Moca để cung cấp các giải pháp thanh toán số cho khách hàng. Hiện nay, tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab đạt 43%, riêng GrabMart đạt 70%. Không những vậy, mô hình này còn có tác động lan tỏa đến các đối tượng kinh doanh khác. Chẳng hạn, kết nối và tham gia mạng lưới qua nền tảng Grab, không chỉ mang lại thu nhập cho trên 100 nghìn tài xế xe máy, mà còn mang lại thu nhập cho hàng nghìn chủ cửa hàng đồ ăn, đồ uống, bán hàng tiêu dùng online.

Mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực lưu trú, du lịch. Những nền tảng cơ bản đang chiếm thị phần lớn tại Việt Nam là: Airbnb, Triip.me và Luxstay. Trong đó, Airbnb là công ty của Mỹ được thành lập từ năm 2008 với dịch vụ chia sẻ nhà ở cho người đi du lịch, bắt đầu tiếp cận thị trường Việt Nam từ năm 2015. Lúc mới vào Việt Nam, dịch vụ của Airbnb tập trung chủ yếu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nhất là các địa bàn du lịch. Để tạo sự yên tâm cho người thuê nhà, ứng dụng Airbnb xác nhận danh tính chủ nhà thông qua Facebook, số điện thoại, hộ chiếu, chứng minh nhân dân và đặc biệt là thông qua sự phản hồi của những người đã thuê nhà trước đó. Tốc độ tăng trưởng số phòng đăng ký cho thuê tăng mạnh hàng năm. Theo thống kê, tháng 6/2019, số lượng phòng cho thuê đạt khoảng hơn 40.800 phòng.

Mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P Lending). Đây là mô hình kinh doanh sử dụng các dịch vụ online để kết nối bên cho vay với người đi vay (có thể là cá nhân hay doanh nghiệp muốn vay vốn), mới xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2016. Các tác nhân tham gia trong mô hình P2P lending gồm có: Công ty P2P Lending, người đi vay, người cho vay; ngân hàng, công ty cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (ví điện tử), công ty bảo hiểm, thu hồi nợ,… Sản phẩm vay vốn trên các nền tảng trực tuyến của các công ty P2P Lending là khá đa dạng, chủ yếu dưới hình thức vay vốn không có tài sản đảm bảo, thời hạn vay ngắn, khách hàng phải trả phí và lãi suất đối với các khoản vay. Mô hình P2P Lending tuy chưa phổ biến nhưng đã mang lại nhiều tác động tích cực: gợi ý thêm giải pháp tiếp cận nguồn vốn cho người có nhu cầu vay và đáp ứng nhu cầu vay linh hoạt của người vay; đa dạng hóa kênh đầu tư với nguồn thu nhập hấp dẫn; góp phần mạnh mẽ đẩy lùi tín dụng đen; đẩy mạnh cải cách chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng trong lĩnh vực tài chính, cũng như góp phần vào cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam.

Tuy có những lợi ích vượt trội, nhưng các mô hình kinh tế chia sẻ ở nước ta còn tồn tại nhiều mối lo ngại cho sự phát triển của nó. Đó là:

Một là, chưa có được khung pháp lý chặt chẽ để quản lý mô hình kinh tế chia sẻ và đảm bảo cho sự cạnh tranh công bằng giữa kinh tế truyền thống với kinh tế chia sẻ. Một số luật về hoạt động kinh doanh của nước ta hiện nay như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Giao dịch điện tử,… hầu như còn bỏ ngỏ đối với mô hình kinh tế chia sẻ. Một số hạn chế có thể kể đến: thiếu các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ để bảo vệ người tiêu dùng; quy định trách nhiệm rõ ràng của các bên trong kinh tế chia sẻ chưa hoàn thiện; thiếu các chính sách về quản lý lao động, việc làm đối với ngườ lao động; vấn đề bảo hiểm, an toàn cho các bên bao gồm cả người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ cũng đang được đặt ra. 

Hai là, cơ chế, chính sách quản lý thuế chưa hoàn thiện có thể dẫn đến việc trốn thuế của các công ty tham gia kinh doanh chia sẻ. Đồng thời, những doanh nghiệp đã hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam còn gặp khó khăn về kê khai thuế do hệ thống pháp luật chưa ghi nhận loại hình kinh doanh này và các cơ quan thuế lúng túng khi xác định bản chất giao dịch để áp thuế.

Ba là, lượng thông tin lớn được chia sẻ trên các nền tảng trực tuyến có thể tạo ra sự mất an toàn cho người sử dụng: tình trạng rò rỉ thông tin của các bên tham gia giao dịch thị trường, bán thông tin trái phép khi chưa được sự đồng ý của khách hàng, phân biệt người dùng dựa vào đặc điểm lịch sử của họ.

2.3. Một số giải pháp phát huy vai trò của kinh tế chia sẻ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở nước ta hiện nay

Những năm vừa qua, nhờ ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học công nghệ đặc biệt là thành tựu của cách mang công nghiệp lần thứ tư, kinh tế chia sẻ ở nước ta đã có những bước phát triển nhất định. Để mô hình này phát huy vai trò hơn nữa trong nền kinh tế, cần tập trung vào một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, cung cấp môi trường pháp lý đầy đủ nhằm quản lý hiệu quả và tạo điểu kiện cho kinh tế chia sẻ phát triển phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của nền tảng khoa học công nghệ. 

Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về đăng ký kinh doanh; quy định rõ trách nhiệm giữa các bên trong kinh tế chia sẻ, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý đối với mô hình kinh tế chia sẻ. Bên cạnh đó, cần rà soát các quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bao gồm: Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư Luật Thương mại điện tử,… cùng các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống trong từng ngành cụ thể. Cần có những chính sách để tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh dựa trên ứng dụng công nghệ số. Giải quyết các vấn đề nảy sinh về lao động, việc làm, an sinh xã hội của khu vực kinh doanh truyền thống khi bị thu hẹp thị phần trong cạnh tranh với các loại hình kinh doanh chia sẻ.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, vai trò của Nhà nước đối với quản lý nền kinh tế nói chung và kinh tế chia sẻ nói riêng cũng cần được đổi mới. Tăng cường sự phối hợp trong công tác điều hành, quản lý và chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành, thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2020 - 2025. Các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm điều chỉnh và bổ sung kịp thời các văn bản pháp quy để khai thác tối đa tiềm năng của mô hình này, qua đó giúp nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.           

Thứ hai, cần có chính sách thuế hiệu quả cho mô hình kinh tế chia sẻ để phòng ngừa thất thoát thuế. Ngành Tài chính cần triển khai công nghệ mới để quản lý các hoạt động kinh doanh có doanh thu trên mạng. Bên cạnh đó, cần sự phối hợp giữa cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan quản lý địa phương, các ngân hàng để thu thuế dựa trên doanh thu. Chẳng hạn, muốn thu thuế của Airbnb cần có sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước, các khách sạn cung cấp dịch vụ và doanh nghiệp nền tảng.

Thứ ba, đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin trên môi trường mạng. Cần xây dựng cơ chế để các bên trong hoạt động kinh tế chia sẻ có thể kiểm soát được việc sử dụng thông tin của các nền tảng, các doanh nghiệp sử dụng dữ liệu cá nhân, tổ chức của mình theo đúng thỏa thuận giữa các bên. Kiểm soát việc minh bạch về thông tin; quản lý giao dịch điện tử, tuyên truyền nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc bảo mật thông tin cá nhân.

3. Kết luận

Mô hình kinh tế chia sẻ đã và đang phát triển ở Việt Nam mang lại nhiều thay đổi trong đời sống xã hội, tạo tiền đề hợp tác, chia sẻ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ban đầu có thể thấy rõ ở các loại hình dịch vụ như vận tải trực tuyến, kinh doanh dịch vụ, du lịch và cho vay ngang hàng. Một số dịch vụ khác cũng đã bắt đầu xuất hiện như chia sẻ chỗ làm, gửi xe, chia sẻ nhân lực. ‎Nhằm tận dụng và phát huy tối đa điểm mạnh, hạn chế tới mức thấp nhất những bất cập mà kinh tế chia sẻ đem lại, mỗi chủ thể trong nền kinh tế ủng hộ và thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Chính phủ (2013). Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, ngày 16/5/2013.

2. Hoàng Ngọc Hải, Hồ Thanh Thủy (2021). Quan hệ sở hữu trong xu thế phát triển kinh tế chia sẻ ở Việt Nam. Tạp chí Cộng sản, 8/2021.

3. Hoàng Xuân Lâm (2021). Kinh tế chia sẻ: Thực trạng và các đề xuất đối với Việt Nam. Truy cập tại: https://doanhnghieptiepthi.vn/kinh-te-chia-se-thuc-trang-va-cac-de-xuat-doi-voi-viet-nam-161210330090133947.htm.

4. Nguyễn Thị Loan (2018). Kinh tế chia sẻ - Tiềm năng và thách thức đối với Việt Nam. Truy cập tại: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/kinh-te-chia-se-tiem-nang-va-thach-thuc-doi-voi-viet-nam-301322.html.

5. Thủ tướng Chính phủ (2019). Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, ngày 12/8/2019.

Promoting the role of the sharing economy in the context of the Industry 4.0

Nguyen Thi Phuong Hoa

National Academy of Public Administration

Abstract:

The history of humanity has gone through three industrial revolutions and the world is now entering the Fourth Industrial Revolution (Industry 4.0). This revolution has significantly impacted the development of many countries, including Vietnam, inevitably opening up a new era of technology application in various aspects of human life. The Industry 4.0 brings many opportunities for cooperation and sharing in business activities while it is also changing the operating methods of enterprises. The sharing economy is a new business model that brings benefits to all participants. Developing and utilizing this model in Vietnam is the main topic discussed in this paper.

Keywords: sharing economy, sharing economic model, the Fourth Industrial Revolution.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6  tháng 3 năm 2023]

Tạp chí Công Thương