TÓM TẮT:
Theo UNWTO, Việt Nam được xếp hạng 6/10 quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới và được WTA bình chọn là điểm đến du lịch hàng đầu châu Á. Tuy nhiên, đi kèm với tốc độ tăng trưởng cao là những ảnh hưởng bất lợi đến các vấn đề về tài nguyên, môi trường và văn hóa. Đây chính là biểu hiện của phát triển không bền vững. Chính vì vậy, phát triển du lịch xanh được đặt ra như một yêu cầu vô cùng cấp thiết, đòi hỏi ngành Du lịch Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp du lịch, trong đó có các khách sạn nói riêng luôn phải nỗ lực để đạt được mục tiêu này. Bài viết này bàn về phát triển du lịch xanh và những vận dụng trong kinh doanh khách sạn ở Việt Nam.
Từ khóa: du lịch xanh, phát triển du lịch xanh, khách sạn xanh.
1. Du lịch xanh và phát triển du lịch xanh
1.1. Khái niệm
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, du lịch xanh được hiểu là du lịch dựa trên nền tảng khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát triển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển du lịch xanh là chìa khóa để phát triển du lịch có trách nhiệm, đảm bảo phát triển du lịch bền vững. Phát triển du lịch xanh là phát triển du lịch đảm bảo tuân thủ nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ tài nguyên tự nhiên, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch thân thiện và không phá vỡ cảnh quan môi trường; gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, dân tộc; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và tạo nên những cơ hội giao lưu, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau giữa con người các vùng, miền, cũng như các quốc gia, dân tộc.
Trong kinh doanh khách sạn, phát triển du lịch xanh được hiểu là những nỗ lực của các khách sạn để trở nên thân thiện với môi trường hơn bằng việc tiết kiệm năng lượng, nguồn nước và tạo ra văn hóa “xanh” trong phục vụ mà vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Các tiêu chí “xanh” trong khách sạn bao gồm:
- Quản lý năng lượng, nước, chất thải và không khí: Với tiêu chí này, các khách sạn có các giải pháp sử dụng năng lượng tái tạo; có công nghệ xử lý nước thải, rác thải phù hợp trước khi xả thải vào môi trường; hạn chế tối đa các hóa chất tẩy rửa, làm sạch có hại với môi trường mà thay vào đó là các chế phẩm sinh học,...
- Các hoạt động liên quan đến phân phối dịch vụ: Sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường cho đồ dùng một lần trong khách sạn (như lược, bàn chải đánh răng, dao cạo râu,...).
Theo thông tin mới đây, nằm trong nỗ lực giảm lượng rác thải, Ủy ban châu Âu dự kiến cấm sử dụng bộ dầu gội, sữa tắm đóng chai loại nhỏ trong các khách sạn gây ảnh hưởng lớn đến môi trường do sử dụng nhiều nhựa và giấy. Theo đó, khách sạn sẽ cung cấp bộ vệ sinh cá nhân bằng các chai lớn, sử dụng nhiều lần và khách không thể mang về.
- Đội ngũ nhân viên “xanh”: Các khách sạn phải khuyến khích sự tham gia phát triển du lịch xanh của nhân viên thông qua các buổi đào tạo, cuộc thi về duy trì vấn đề nhận thức trong văn hóa phục vụ.
Việc phát triển du lịch xanh trong các khách sạn đem lại nhiều lợi ích cho các cơ sở lưu trú này. Có thể liệt kê ra đây một số lợi ích nổi bật như sau:
- Tăng cường niềm tin của khách hàng: khách hàng sẽ cảm thấy hài lòng hơn khi lưu trú tại khách sạn xanh và có xu hướng quay lại nếu khách sạn đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường.
- Giảm chi phí hoạt động: áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, giảm thiểu lượng chất thải, khách sạn có thể giảm chi phí hoạt động và tiết kiệm chi phí trong dài hạn.
- Tạo sự khác biệt cạnh tranh: hiện nay khách hàng ngày càng nhạy cảm với vấn đề môi trường và sẽ ưu tiên lựa chọn lưu trú tại khách sạn xanh. Được công nhận là khách sạn xanh có thể giúp cho các khách sạn tăng tính cạnh tranh và thương hiệu của mình.
- Tạo động lực cho nhân viên: tham gia vào các hoạt động du lịch xanh, các khách sạn cũng có thể tạo ra động lực cho nhân viên bằng cách đào tạo và hướng dẫn nhân viên thực hiện các hoạt động xanh. Khi đó, họ sẽ cảm thấy hài lòng hơn với công việc của mình và sẽ có động lực làm việc tốt hơn, từ đó cải thiện chất lượng dịch vụ và tăng doanh số bán hàng.
- Tăng doanh thu: nhờ lượng khách hàng tăng, tiết kiệm chi phí, tạo ra sự khác biệt cạnh tranh giúp các khách sạn xanh có thể tăng doanh thu.
- Góp phần bảo vệ môi trường: các hoạt động du lịch xanh có tác động tích cực đến môi trường, giúp giảm thiểu lượng chất thải, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và đóng góp vào sự phát triển bền vững.
Với các lợi ích như vậy, du lịch xanh đang trở thành một xu hướng phát triển mới của ngành du lịch và khách sạn và các khách sạn có thể tận dụng để nâng cao hiệu quả kinh doanh.
1.2. Nguyên tắc phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh
- Đảm bảo tốc độ tăng trưởng ổn định, chú trọng phát triển theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả; “xanh hóa” các hoạt động kinh doanh và tiêu dùng du lịch.
- Đầu tư phát triển du lịch phải theo hướng “đầu tư xanh”, đầu tư phải có trách nhiệm, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và các nguồn lực cho phát triển du lịch; tôn trọng tính nguyên bản của tài nguyên du lịch, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, không đánh đổi tài nguyên để phát triển du lịch bằng mọi giá.
- Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, nguồn nhân lực du lịch và các yếu tố khác đảm bảo tương thích với mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh.
- Coi trọng bảo vệ tài nguyên, môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động xấu và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.
- Giảm thiểu phát thải khí nhà kính, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
- Phát triển du lịch trên nền tảng môi trường xã hội văn minh, lịch sự, thân thiện, an toàn; phát triển du lịch cho con người và vì con người; đảm bảo cộng đồng và người dân hưởng thụ các giá trị từ du lịch; tạo việc làm xanh và bền vững, tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân; giải quyết tốt các vấn đề an sinh và phúc lợi xã hội; bảo tồn và phát huy tối ưu các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc.
- Phát triển du lịch trên nguyên tắc công bằng và bình đẳng.
1.3. Các yếu tố tác động
- Thể chế và chính sách: phát triển du lịch xanh phải được định hướng trong các chủ trương, đường lối của Đảng, trong hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Điều kiện kinh tế - xã hội: du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, phát triển du lịch xanh chịu sự tác động trực tiếp bởi nhiều ngành kinh tế khác.
- Yếu tố văn hóa - xã hội: các giá trị văn hóa đặc sắc, phong phú vừa là tài nguyên đầu vào vừa là đối tượng cần được bảo tồn và phát huy từ các hoạt động phát triển du lịch xanh.
- Yếu tố môi trường và biến đổi khí hậu: môi trường và khí hậu thuận lợi là điều kiện để phát triển du lịch; ngược lại, nếu xảy ra biến đổi khí hậu, môi trường bị xâm phạm sẽ gây khó khăn cho phát triển du lịch và đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực điều chỉnh để phục hồi.
- Yếu tố khoa học và công nghệ: khoa học và công nghệ hiện đại là điều kiện để phát triển du lịch xanh. Những tiến bộ của khoa học và công nghệ sẽ giúp phát triển du lịch mà không gây ra những tác động xấu đến môi trường với những công nghệ như xử lý rác thải, nước thải, công nghệ sản xuất năng lượng mới, năng lượng tái tạo,…
2. Vận dụng phát triển du lịch xanh trong kinh doanh khách sạn ở Việt Nam hiện nay
Trước những tác hại do biến đổi khí hậu gây ra, con người ngày càng có ý thức rõ ràng, đúng đắn hơn về bảo vệ môi trường và dần hình thành ý thức và hành động “tiêu dùng xanh”. Do vậy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực lưu trú tại Việt Nam đã từng bước cập nhật và áp dụng các biện pháp nhằm phát triển du lịch xanh trong hoạt động kinh doanh của mình. Một cơ sở lưu trú khi muốn áp dụng các biện pháp bền vững vào hệ thống cần tập trung vào 3 yếu tố nền tảng quan trọng, đó là: năng lượng, nước và chất thải. Quản lý chặt chẽ và xử lý thành công những yếu tố nêu trên sẽ góp phần giảm thiểu đáng kể các tác động của khách sạn đối với môi trường, xây dựng được lòng tin đối với khách hàng và tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Tại các khách sạn Việt Nam hiện nay, các nhà quản lý nhận định rằng có hai xu hướng về phát triển xanh đang tồn tại bao gồm: xây dựng xanh và vận hành xanh. Tuy nhiên, xây dựng một cơ sở vật chất bền vững vẫn là một câu hỏi đang còn để ngỏ của ban quản lý khách sạn khi ở khá nhiều khách sạn tại Việt Nam hiện nay, việc xây dựng này không được can thiệp các biện pháp thân thiện ngay từ đầu. Chính vì lẽ đó, tiếp cận xu hướng vận hành xanh đang được nhiều khách sạn lựa chọn.
Tuy rằng các khách sạn tại Việt Nam đang thay đổi nhận thức và chủ động hơn trong việc bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển xanh, song trên thực tế trong quá trình triển khai đã gặp phải những khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện, như: không đủ chi phí đầu tư ban đầu (vốn), vị trí khách sạn không thuận lợi (địa điểm), thiếu các quy chuẩn xanh chính thống từ cơ quan quản lý có thẩm quyền (quy định và hướng dẫn thực hiện), lệ thuộc vào mức độ hài lòng của khách hàng (ý kiến khách hàng) và biến động nhân sự lớn (sự tham gia của nhân viên). Cụ thể:
- Chi phí lên ý tưởng, xây dựng và đầu tư cơ sở vật chất để tạo nên “khách sạn xanh” sẽ cao hơn so với xây dựng khách sạn theo tiêu chuẩn thông thường. Vì vậy, các nhà đầu tư sẽ phải chờ rất lâu trước khi thu hồi lại vốn của mình.
- Xây dựng khách sạn ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng các công trình xanh.
- Việt Nam chưa có một quy chuẩn chính thống nào về du lịch xanh, khiến cho các khách sạn chưa thể xây dựng và áp dụng một cách hệ thống và hiệu quả nhất.
- Ngoài ra, không phải đối tượng khách nào cũng có nhận thức đúng về du lịch xanh, một số du khách lựa chọn các khách sạn 3-5 sao sẽ có những mong đợi nhất định tương ứng với số tiền mình bỏ ra và điều này thường ngược lại với các thực hành xanh.
- Cuối cùng là khó khăn về vấn đề nhân sự trong khách sạn. Với đặc điểm có tỷ lệ “nhảy việc” cao, điều này khiến cho việc đào tạo nhân viên mới các thói quen và ý thức bảo vệ môi trường trở nên khó khăn và tốn kém.
3. Một số giải pháp nhằm thực hiện phát triển xanh trong kinh doanh khách sạn ở Việt Nam
Trên cơ sở nhận thức được sự cần thiết của việc phát triển xanh trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, cũng như nhìn nhận được những khó khăn còn tồn tại trong quá trình triển khai, tác giả xin được đề xuất một số giải pháp như sau:
Về phía cơ quan quản lý nhà nước về du lịch: Cần xây dựng chiến lược, kế hoạch tổng thể quốc gia về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh; phát triển hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch thân thiện với môi trường; phối hợp liên ngành trong phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, cần có các chính sách khuyến khích tăng cường tính “xanh” trong phát triển du lịch; có quy định rõ ràng về các tiêu chí “xanh” và hướng dẫn thực hiện một cách bài bản, thống nhất; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển theo hướng xanh; đồng thời, có chế tài cụ thể, rõ ràng để xử lý đối với những doanh nghiệp mà hoạt động kinh doanh đi ngược lại với những tiêu chí phát triển xanh.
Về phía các doanh nghiệp khách sạn: Cần có kế hoạch đầu tư dài hạn cho việc phát triển theo hướng xanh. Hiện nay, nhiều khách sạn đã thực hiện và thành công trong việc đầu tư cho việc sử dụng năng lượng xanh - năng lượng mặt trời, năng lượng gió,…; sử dụng thẻ chìa khóa từ tích hợp tính năng kích hoạt điện; sử dụng vòi nước cảm biến chuyển động giúp tiết kiệm nước;… Những ứng dụng cơ bản này cần được nhân rộng cho nhiều khách sạn khác. Bên cạnh đó, các khách sạn cũng có thể thực hiện các biện pháp khác như đầu tư công trình tích trữ nước mưa để sử dụng cho các sinh hoạt hàng ngày hoặc đầu tư các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường tùy thuộc vào điều kiện và nguồn vốn của mình, chẳng hạn như: sử dụng các sản phẩm hữu cơ như ga trải giường bằng vải tre, chất tẩy rửa phòng tự nhiên, phòng xông hơi khô bằng tia hồng ngoại; tránh sử dụng đồ dùng nhựa, sử dụng vật liệu thay thế như sử dụng túi cotton hoặc túi cói thay vì polythene, hoặc hộp đựng bằng đất nung thay vì hộp nhựa; hạn chế sử dụng giấy mà sử dụng công nghệ để lưu giữ và quản lý thông tin; tăng cường đào tạo ý thức, thái độ cho nhân viên về phát triển xanh, tạo văn hóa xanh trong doanh nghiệp; khuyến khích khách hàng tiêu dùng xanh bằng các hành động hạn chế giặt là đối với đồ vải còn có thể tái sử dụng,…
4. Kết luận
Phát triển xanh là xu hướng và cũng là yêu cầu tất yếu được đặt ra trong phát triển kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Đây cũng là xu hướng phát triển trong kinh doanh du lịch nói chung và kinh doanh khách sạn nói riêng ở Việt Nam. Mặc dù còn gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, nhưng ngành Du lịch và các khách sạn Việt Nam đang dần từng bước thay đổi để đáp ứng xu hướng này. Để có thể đạt kết quả mong muốn, cần phải có sự chỉ đạo sát sao từ các cơ quan quản lý nhà nước về chủ trương chính sách, sự hỗ trợ về nguồn lực, sự phối hợp của các cấp các ngành có liên quan, cũng như từ sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp khách sạn, cộng đồng dân cư địa phương và cả khách du lịch.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Lê Thanh Bình (2016), Du lịch xanh. Truy cập tại: https://vtr.org.vn/du-lich-xanh.html
- Hoàng Anh Duy, Nguyễn Phan Phúc, Phan Thị Nhung (2019), Quản trị khách sạn xanh - Kinh nghiệm của nhiều khách sạn trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho các khách sạn ở Việt Nam. Truy cập tại: https://giaoducvaxahoi.vn/giao-duc-dao-tao/qu-n-tr-khach-s-n-xanh-kinh-nghi-m-c-a-nhi-u-khach-s-n-tren-th-gi-i-va-bai-h-c-kinh-nghi-m-cho-cac-khach-s-n-vi-t-nam.html
- Medhi Azam and Tapan Sarker (2011), Green tourism in the context of climate change towards sustainable economic development in the South Asian Region, Journal of Environmental Management and Tourism, Volume II, Issue 1(3), pp.6-15.
- Anh Minh (2020), Xu hướng “Going Green” trong các khách sạn tại Việt Nam. Truy cập tại: https://www.vtr.org.vn/xu-huong-%E2%80%9Cgoing-green%E2%80%9D-trong-cac-khach-san-tai-viet-nam.html
- Vũ Hoài Phương, Nguyễn Thị Vinh Hương, Nguyễn Xuân Thắng (2022), Thực hiện tăng trưởng xanh trong các doanh nghiệp du lịch. Truy cập tại: http://tapchimoitruong.vn/phap-luat--chinh-sach-16/thuc-hien-tang-truong-xanh-trong-cac-doanh-nghiep-du-lich-26870
- Nguyễn Thị Hoài Thanh (2020), Thúc đẩy du lịch xanh thông qua chứng nhận du lịch xanh. Truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/thuc-day-du-lich-xanh-thong-qua-chung-nhan-du-lich-xanh-70684.htm
- UN and ADB (2012), Green Growth, Resources and Resilience: Environmental Sustainability in Asia and the Pacific.
- UNESCAP (2010), Tăng trưởng xanh, tài nguyên và ứng phó - Bền vững môi trường ở châu Á và Thái Bình Dương (United Nation).
The green tourism development and its implementation into hotels in Vietnam
Ph.D Vu Lan Huong
Faculty of Tourism and Hotel, Thuongmai University
Abstract:
According to the World Tourism Organization (UNWTO), Vietnam is ranked 6th out of ten countries with the highest tourist growth rate in the world. In addition, Vietnam is the leading tourist destination in Asia, according to the World Tourism Alliance (WTA). However, the rapid growth of tourism has adversely impacted on the natural environment and has created cultural issues. In other words, these issues are a manifestation of the tourism’s unsustainable development. Developing green tourism is an extremely urgent task for Vietnam’s tourism industry in general and tourism businesses like hotels in particular. This paper presents the development of green tourism in the world and its implementation into hotels in Vietnam.
Keywords: green tourism, green tourism development, green hotel.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9 tháng 4 năm 2023]