Phát triển nhân lực cho làng nghề truyền thống tại huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội

BÙI CHÍ THANH (UBND phường Dịch Vọng Hậu)

TÓM TẮT:

Phát triển làng nghề truyền thống là một trong những mục tiêu đặt ra của huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội. Tuy nhiên, để có thể phát triển làng nghề truyền thống một cách bền vững cần có nhiều chính sách hợp lý, hiệu quả. Trong bài báo này, tác giả tiến hành nghiên cứu những ảnh hưởng của chính sách phát triển nhân lực làng nghề truyền thống tại địa bàn huyện Phúc Thọ, từ đó đưa ra những giải pháp hàm ý chính sách nhằm mục tiêu đẩy mạnh phát triển nhân lực làng nghề truyền thống của huyện trong giai đoạn tới.

Từ khóa: làng nghề truyền thống, nhân lực, phát triển bền vững, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội.

1. Cơ sở lý luận

1.1. Nghề truyền thống

Truyền thống là thuật ngữ dùng để chỉ các giá trị, yếu tố, quan niệm của một cộng đồng người hay của xã hội lưu giữ trong một thời gian dài từ thế hệ này qua thế hệ khác. Truyền thống biểu hiện tính kế thừa là chủ yếu, tuy nhiên cũng có sự phát triển theo lịch sử. 

Truyền thống được biểu hiện ở hình thức: truyền thống học tập, lễ hội truyền thống, truyền thống dòng họ, nghề truyền thống. Nghề truyền thống là những nghề tiểu thủ công nghiệp được hình thành, tồn tại và phát triển lâu đời trong lịch sử, được sản xuất tập trung tại một vùng hay một làng nào đó và được lưu truyền từ đời này qua đời khác (truyền nghề), lưu giữ kỹ thuật sản xuất (bí quyết nghề nghiệp), đúc kết kinh nghiệm.

1.2. Làng nghề

Trong quá trình phát triển của lịch sử cho đến ngày nay cho thấy, làng xã Việt Nam có vị trí hết sức quan trọng trong sản xuất, cũng như đời sống dân cư ở nông thôn. Làng xã Việt Nam phát triển từ rất sớm, thường gắn liền với nông nghiệp, kinh tế nông thôn, là nơi sản sinh ra nghề thủ công truyền thống và các sản phẩm mang dấu ấn tinh hoa của nền văn hóa, văn minh dân tộc. Quá trình phát triển của làng nghề chính là quá trình phát triển của các ngành tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn.

Hiện nay, khái niệm làng nghề không chỉ bó hẹp ở những làng chỉ có những người chuyên làm các ngành nghề thủ công nghiệp và cũng không có một làng nào chỉ là những làng buôn bán đơn thuần như các quan niệm trước đây. Trong quá trình công nghiệp hóa và chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường, trong các làng nghề, các công nghệ sản xuất của nhiều nghề không còn hoàn toàn là kỹ thuật thủ công, mà có rất nhiều nghề, nhiều công đoạn sản xuất đã được áp dụng kỹ thuật hiện đại.

1.3. Phát triển bền vững làng nghề truyền thống

Theo logic chung, phát triển bền vững làng nghề truyền thống là quá trình phát triển lâu dài có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa trong việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, duy trì được năng suất lao động, đảm bảo liên tục tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mang tính văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không gây ra những nguy hại đến các thế hệ sau. Do vậy, phát triển bền vững làng nghề truyền thống cũng phải dựa trên 3 trụ cột của phát triển bền vững:

- Bền vững về kinh tế: bảo đảm hoạt động sản xuất - kinh doanh của các đơn vị kinh tế trong làng nghề phát triển lâu dài và liên tục với năng suất và hiệu quả cao.

- Bền vững về mặt xã hội: là bảo đảm sản xuất, kinh doanh phải tuân thủ pháp luật, giữ gìn và phát triển bản sắc, giá trị văn hóa của ngành nghề, đồng thời thực hiện tốt các nghĩa vụ đóng góp với xã hội, bảo đảm quyền lợi và nâng cao đời sống, năng lực cho những đối tượng tham gia hoạt động sản xuất trong làng nghề truyền thống.

- Bền vững về mặt môi trường: là bảo đảm sản xuất, kinh doanh phải đi đôi với duy trì sự cân bằng sinh thái và môi trường tự nhiên không bị suy thoái, đồng thời không gây tác hại đối với sức khỏe con người và ảnh hưởng xấu đối với các hoạt động kinh tế khác trong làng nghề truyền thống.

Như vậy, trong mối quan hệ với phát triển sản xuất, kinh doanh ở các làng nghề truyền thống, bảo vệ môi trường làng nghề phải được kết hợp hài hòa nhằm hướng tới cải thiện môi trường. Xét trên quan điểm này, cần từ bỏ cách tiếp cận cả trong hoạch định chính sách và trong tổ chức quản lý ở làng nghề thời gian qua là chú trọng thiên lệch về tăng trưởng kinh tế, phát triển sản xuất, kinh doanh ở các làng nghề mà không hoặc ít chú ý tới bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường.

Từ các phân tích trên, có thể hiểu phát triển bền vững làng nghề truyền thống là sự phát triển làng nghề hài hòa, cân đối trên cả 3 phương diện kinh tế, xã hội và môi trường hướng đến đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh làng nghề đạt năng suất, tăng thu nhập cho người lao động, đồng thời giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc qua sản phẩm làng nghề và bảo vệ môi trường sinh thái làng nghề.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững làng nghề truyền thống thì yếu tố quan trọng nhất là con người và những chính sách phát triển nhân lực của làng nghề truyền thống. Làm tốt những chính sách này sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển bền vững làng nghề truyền thống.

2. Thực trạng chính sách phát triển nhân lực của huyện Phúc Thọ trong giai đoạn vừa qua

2.1. Chính sách đào tạo nghề

Chính sách này hướng tới mục tiêu hỗ trợ đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng lao động làng nghề, phấn đấu đạt chỉ tiêu 100% làng nghề có lao động được đào tạo qua các nghiệp vụ; thông qua đó tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn tại các làng nghề, đồng thời hướng đến nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Để hiện thực hóa mục tiêu này, huyện Phúc Thọ đã triển khai thực hiện các giải pháp cơ bản như sau:

- Khuyến khích nghệ nhân trực tiếp mở lớp truyền nghề; các lớp đào tạo thợ lành nghề, giáo viên dạy nghề và người thiết kế mẫu trong các làng nghề và hoạt động tư vấn phát triển sản phẩm.

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc thông qua vận động truyền nghề, đào tạo nghề cho lao động trẻ nhằm đảm bảo tính kế thừa trong hoạt động làng nghề.

- Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có đào tạo nghề nhằm phục vụ cho các làng nghề trên địa bàn huyện.

Kết quả thực hiện chính sách đào tạo nghề huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội được thể hiện cụ thể qua Bảng 1.

Bảng 1. Kết quả đào tạo nghề trên địa bàn huyện Phúc Thọ

giai đoạn 2020 - 2022

Các chỉ số

2020

2021

2022

 

Số lớp

Số người

Số lớp

Số người

Số lớp

Số người

Số lao động được đào tạo nghề, truyền nghề, nhân cấy nghề tại các làng nghề

6

120

9

240

25

420

Số lao động được đào tạo nghề theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ

60

1040

63

1203

65

1153

Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo

-

83%

-

78%

-

81%

Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ các báo cáo

Đối với lao động nông thôn sau khi được đào tạo nghề nông nghiệp bước đầu áp dụng những kiến thức đã được đào tạo để phát triển kinh tế hộ gia đình, đa số các hộ vẫn làm nghề cũ, nhưng với năng suất và hiệu quả cao hơn, tỷ lệ lao động tự tạo việc làm sau khi học nghề đạt khoảng hơn 80%.

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu trong công tác đào tạo nghề, tuy nhiên chất lượng lao động tại các làng nghề còn thấp, khả năng quản lý điều hành của doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ làng nghề còn nhiều hạn chế; việc nhân cấy nghề, truyền nghề gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, trừ một số ngành nghề như may, mộc, dệt, đòi hỏi người lao động phải được đào tạo bài bản, các ngành nghề khác hầu như không yêu cầu chất lượng lao động. Do vậy, đa phần lao động là người lớn tuổi, phụ nữ tận dụng thời gian nông nhàn. Tại các làng nghề đòi hỏi lao động phải qua đào tạo, việc đào tạo nghề, truyền nghề cũng đang gặp khó khăn, do người lao động đã chuyển sang xin làm việc trong các KCN, CCN tại địa phương để vừa ổn định việc làm, vừa đảm bảo thu nhập.

Như vậy, do áp lực kinh tế trong khi thu nhập từ việc làm nghề không đảm bảo, nên phần lớn số lao động đã qua đào tạo nghề không tiếp tục tham gia làm việc tại các làng nghề, mà đã trở thành công nhân trong các KCN, CCN để có thu nhập trang trải cho cuộc sống. Chính vì thế, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ tạo việc làm sau đào tạo, đồng thời có giải pháp nhằm tăng thu nhập cho người lao động làm nghề tại các làng nghề.

2.2. Chính sách công nhận, tôn vinh nghệ nhân

Chính sách này hướng tới thiết lập chế độ ưu đãi để thu hút các nghệ nhân, cán bộ khoa học kỹ thuật giỏi tham gia vào phát triển ngành nghề, làng nghề. Nhằm khuyến khích, động viên, phát huy vai trò của các nghệ nhân, thợ giỏi ở địa phương trong việc khôi phục nghề truyền thống, du nhập nghề mới về địa phương.

Theo Quy chế, nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề về địa phương được công nhận khi đáp ứng các tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức; thâm niên hoạt động trong nghề; thành tích trong sản xuất sản phẩm và kết quả truyền nghề, dạy nghề. 

Khi được xét công nhận, các nghệ nhân, thợ giỏi và người có công được hỗ trợ trên các nội dung cơ bản sau:

- Hỗ trợ thủ tục và miễn giảm phí đăng ký bản quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, tác phẩm làm ra.

- Được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân khi hội tụ đủ điều kiện theo quy định.

- Tổ chức truyền, dạy nghề trực tiếp và thu tiền học phí của học viên trên nguyên tắc thỏa thuận.

- Được hỗ trợ kinh phí trong các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, cải tiến mẫu mã, đổi mới công nghệ, tổ chức truyền nghề, dạy nghề, tham gia hội chợ, triển lãm; được ưu tiên tham gia và hỗ trợ kinh phí từ các Chương trình Khuyến công, Khuyến nông, Chương trình Xúc tiến thương mại và các chương trình khác. (Bảng 2)

Bảng 2. Số người được công nhận nghệ nhân thợ giỏi trên địa bàn huyện Phúc Thọ giai đoạn 2020 - 2021

Danh hiệu

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Tổng cộng

Nghệ nhân

5

4

6

15

Thợ giỏi

36

26

45

107

Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ các báo cáo

Với 5/8 làng nghề đã được công nhận trên địa bàn huyện Phúc Thọ, trong đó là làng nghề truyền thống và chủ yếu là làng nghề truyền thống sản xuất TTCN,  số lượng nghệ nhân (bao gồm cả nghệ nhân và thợ giỏi) được công nhận trong giai đoạn 2020 - 2022 không nhiều, do việc quy định công nhận nghệ nhân ngày càng chặt chẽ hơn, số lượng người quan tâm làm hồ sơ để được công nhận ngày càng ít hơn.

Thực tế cho thấy, những người lớn tuổi ở các làng nghề, bám trụ lâu năm với nghề, là những người giữ hồn của làng nghề. Dù có danh vị hay không, họ cũng hết mình với nghề của tổ tiên, gia đình và quê hương. Tuy vậy, sự công nhận và phong tặng danh hiệu từ phía cơ quan quản lý là động lực khuyến khích họ tiếp tục sáng tạo và cống hiến để đóng góp cho việc gìn giữ và phát triển của làng nghề. Thế nhưng, bên cạnh việc thiếu quan tâm của chính quyền địa phương trong việc đề xuất các cá nhân xét duyệt, nội dung một số quy định xét duyệt thuộc Quy chế 35 còn chưa phù hợp thực tế cũng đang là rào cản không nhỏ khiến người làm nghề không mặn mà với các danh hiệu. Như vậy, việc đưa ra các tiêu chí cho công tác xét duyệt danh hiệu nghệ nhân là cần thiết, nhằm đảm bảo tính minh bạch, công khai. Tuy nhiên, cần xem xét nội dung các quy định liên quan đến số lượng truyền nghề, dạy nghề và quy định về thành tích của người làm nghề để phù hợp hơn với tình hình thực tế tại địa phương, đồng thời đánh giá chính xác hơn mức đóng góp của người làm nghề có thâm niên và uy tín đối với việc gìn giữ và phát huy giá trị của sản phẩm làng nghề. 

Trên thực tế, những người làm nghề lâu năm thật sự không quan tâm đến danh hiệu, do vậy, việc tôn vinh nghệ nhân chính là để khuyến khích, động viên những người đang hết lòng gìn giữ, phát triển tri thức văn hóa dân gian của dân tộc bởi phong tặng danh hiệu là để người làm nghề tiếp tục cống hiến và sáng tạo.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc thực hiện chính sách nhằm phát triển và tôn vinh những nghệ nhân của các làng nghề truyền thống, song thực tế việc suy tôn là “thầy” thì xét trên phương diện chính thức, các đối tượng này khó có thể được công nhận là nghệ nhân theo tiêu chí đã đặt ra.

Thêm vào đó, quy định về thành tích truyền và dạy nghề của người được phong danh hiệu nghệ nhân là không khả thi, chưa sát với tình hình thực tế. Theo đó, người được phong danh hiệu nghệ nhân phải có thành tích trong việc khôi phục, duy trì và phát triển ngành nghề; đã truyền nghề, dạy nghề cho tối thiểu 50 người hoặc được chính quyền địa phương, tổ chức xã hội nghề nghiệp công nhận đã truyền nghề, dạy nghề được nhiều thợ giỏi tại địa phương. Đây là quy định rất khó thực hiện đối với ngay cả doanh nghiệp làm nghề, vậy nên càng trở nên khó áp dụng đối với người làm nghề cá thể. Rõ ràng, mỗi làng nghề truyền thống được ví như “báu vật nhân văn sống”, bởi nơi đây lưu giữ kho tàng di sản văn hóa phi vật thể và vật thể, góp phần làm nên bức tranh văn hóa dân tộc đa sắc màu và đậm đà bản sắc dân tộc. Chính vì thế, mỗi nghệ nhân làng nghề được xem là “báu vật nhân văn sống”, vậy nên cần thiết phải điều chỉnh các nội dung quy định để công nhận, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của nghệ nhân.

3. Giải pháp nhằm phát triển nhân lực làng nghề

Hướng tới mục tiêu nhằm phát triển làng nghề truyền thống nói chung của huyện Phúc Thọ và phát triển nguồn nhân lực cho các làng nghề truyền thống của huyện nói riêng. Trong phạm vi nghiên cứu này, tác giả đã đưa ra một số giải pháp hàm ý chính sách như:

Thứ nhất, chính sách đào tạo nhân lực cho làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ

Trong điều kiện mới, người chủ doanh nghiệp, chủ hộ sản xuất cần phải được trang bị các kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản trị, kinh doanh, thị trường và các nội dung về bảo tồn văn hóa, khoa học kỹ thuật… Bản thân các đối tượng này vốn dĩ xuất thân từ nông dân, nông thôn nên còn hạn chế về các kiến thức trên. Do vậy, để trở thành chủ doanh nghiệp trong tình hình mới, về phía cá nhân, mỗi người cần có ý thức tự vươn lên làm giàu bằng năng lực và khả năng, đồng thời về phía Nhà nước, cần có hỗ trợ bằng cách mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức mà đối tượng này còn thiếu sót. 

Đối với người lao động trong làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ, thực tế hiện nay các hình thức đào tạo, truyền nghề được áp dụng khá đa dạng tại các làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ song vẫn chưa thu hút được người lao động tham gia. Đa phần người lao động tham gia các lớp đào tạo nghề mà sau này họ có khả năng tìm kiếm việc làm trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại địa phương, nghĩa là họ ít gắn bó với ngành nghề tại các làng nghề. Chính vì thế, cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ mở các lớp đào tạo, truyền nghề miễn phí cho người lao động, đồng thời kết nối với các cơ sở sản xuất để tạo điều kiện tìm kiếm việc làm sau đào tạo. Thực tế tại các làng nghề ở huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội cho thấy, kết quả đào tạo nghề ở các làng nghề như ở Thượng Hiệp, Phụng Thương cao hơn các làng nghề khác, do tạo điều kiện cho người lao động có việc làm sau đào tạo, đảm bảo thu nhập. Do vậy, về phía cơ quan chủ trì đào tạo nghề nông thôn (thuộc phòng LĐ-TB-XH), cần có cơ chế kết nối với các cơ sở sản xuất,  kinh doanh của làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ nhằm vừa mang đến cơ hội việc làm cho người lao động, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất được diễn ra thường xuyên. Bên cạnh việc cung cấp lực lượng lao động đã qua đào tạo cho các làng nghề, cần thiết phải có cơ chế phối hợp, liên kết để cung cấp thợ lành nghề và am hiểu về các ngành nghề truyền thống của địa phương. Hoạt động này vừa góp phần đa dạng hóa các loại hình kinh doanh, đồng thời vừa gìn giữ, bảo tồn và truyền bá các giá trị văn hóa dân tộc. 

Thứ hai, chính sách công nhận và tôn vinh nghệ nhân.

Các nghệ nhân có vai trò quan trọng đối với việc giữ gìn và phát triển làng nghề truyền thống TCMN. Cần có chính sách khen thưởng và ưu đãi thích đáng đối với các nghệ nhân, khuyến khích họ dạy nghề và truyền nghề cho lớp trẻ. Thực tế cho thấy phần lớn nghệ nhân đều có mong muốn được truyền nghề, bí quyết sản xuất cho thế hệ trẻ kế cận, nhưng vấn đề họ gặp phải là (1) thế hệ trẻ không mặn mà với nghề, (2) việc mở lớp đào tạo đối với một số ngành nghề đòi hỏi kinh phí, nguyên vật liệu. Để khắc phục các vấn đề trên, cần có biện pháp tuyên truyền, phổ biến đến thế hệ trẻ về tầm quan trọng của việc gìn giữ và bảo tồn nghề truyền thống của dân tộc, đồng thời đảm bảo người lao động yên tâm sống được với nghề. Thêm vào đó, cần hỗ trợ một phần kinh phí đối với việc mở các lớp đào tạo, truyền nghề của các nghệ nhân. Có như vậy, công tác đào tạo nghề mới thực sự mang lại hiệu quả, giúp duy trì được lực lượng lao động đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của các làng nghề truyền thống TCMN.

Đối với việc công nhận nghệ nhân, hiện nay, mặc dù đã có những quy định cụ thể về việc công nhận nghệ nhân, song các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương cần thường xuyên tổ chức xét, công nhận và trao tặng danh hiệu cao quý, cũng như phần thưởng vật chất xứng đáng cho những nghệ nhân, thợ giỏi có công làm ra những sản phẩm mang đậm nét truyền thống, tinh xảo.

Thêm vào đó, việc xét công nhận nghệ nhân cần đảm bảo tính minh bạch, công bằng và cần tiến hành khảo sát ý kiến người dân ở làng nghề để vừa đảm bảo công nhận, xét tặng đúng người, đúng công trạng, vừa gìn giữ được nhiệt huyết của các nghệ nhân.

Đối với điều kiện xét công nhận các danh hiệu Nghệ nhân, Thợ giỏi, cơ quan quản lý cần tham mưu UBND huyện về việc điều chỉnh các quy định về thành tích đào tạo nghề cũng như thành tích đạt giải trong các cuộc thi. Theo đó, việc xét công nhận cần có tiêu chí mở, căn cứ vào đóng góp thực tế của người làm nghề, được sự ghi nhận của người dân làng nghề và các hiệp hội.

Với những giải pháp hàm ý chính sách trên, tác giả hy vọng trong thời gian tới việc đẩy mạnh phát triển làng nghề sẽ được đẩy mạnh, các làng nghề thuyền thống sẽ ngày càng ổn định và phát huy tốt những giá trị văn hóa truyền thống của làng, cũng từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Thủ tướng Chính phủ. (2016). Quyết định số 1600/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, ban hành ngày 18/8/2016, Hà Nội.
  2. Bạch Thị Lan Anh. (2010). Phát triển bền vững làng nghề truyền thống vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
  3. Cục Môi trường. (2002). Hành trình vì sự phát triển bền vững 1972 -1992 - 2002, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  4. Thanh Nga. (2018). “Hà Nội sẽ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề”, <https://baodautu.vn/ha-noi-se-trien-khai-nhieu-chinh-sach-ho-tro-lang-nghed79947.html >

Developing human resources for traditional craft villages in Phuc Tho district, Hanoi

Bui Chi Thanh

People's Committee of Dich Vong Hau Ward

Abstract:

Facilitating the sustainable development of local traditional craft villages is one of the goals of Phuc Tho district, Hanoi. However, it needs appropriate and effective policies to promote the sustainable development of Phuc Tho distrrict’s traditional craft villages. This study explores the impacts of human resource development policies on the development of traditional craft villages in Phuc Tho distrrict. Based on the study’s findings, some policy implications are proposed to facilitate the development of human resources in Phuc Tho distrrict’s traditional craft villages in the coming time.

Keywords: traditional craft villages, human resources, sustainable development, Phuc Tho district, Hanoi.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 5  tháng 3 năm 2023]