TÓM TẮT:
Những tổn thất gian lận hoặc sai sót về hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) không chỉ gây thất thu thuế, mà còn tiếp tay cho hành vi tham nhũng của một bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa. Tuy nhiên, hiện nay nhiều vi phạm pháp luật thuế có liên quan đến việc sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng trái phép, gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước. Nghiên cứu này được thực hiện tại Cục Thuế tỉnh Phú Yên, nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp hoàn thiện quản lý hóa đơn giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp. Trên cơ sở đánh giá thực trạng, các giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý hóa đơn giá trị gia tăng được đề xuất, bao gồm: Đa dạng hóa công tác tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế; Hoàn thiện Thông tư liên ngành để hướng dẫn xử lý các vi phạm về hóa đơn; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát doanh nghiệp để quản lý hóa đơn; Tăng cường đối thoại với tổ chức, cá nhân sử dụng hóa đơn; Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý.
Từ khóa: Hóa đơn, hóa đơn GTGT, quản lý hóa đơn, Cục Thuế tỉnh Phú Yên.
1. Đặt vấn đề
Để đảm bảo công tác quản lý tài chính và hạch toán kế toán tốt nhất, hướng tới mỗi doanh nghiệp (DN) cần phải có một hệ thống hóa đơn, chứng từ, sổ sách minh bạch, có số liệu phản ánh rõ ràng các hoạt động kinh doanh, giúp chủ DN có căn cứ thuyết phục đưa ra các quyết định chính xác, kịp thời để DN đi đúng quỹ đạo, xây dựng thương hiệu bền vững và phát triển vững chắc. Tuy nhiên, thực tế nhiều DN chỉ quan tâm tới việc làm đẹp hóa đơn chứng từ để đối phó với cơ quan thuế hơn là quản trị một cách chi tiết và bài bản. Vì vậy, việc quản lý sử dụng hóa đơn của các DN có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc góp phần nâng cao hiệu quả của Luật Thuế và công tác quản lý kinh tế. Nghiên cứu thực hiện tại Cục thuế tỉnh Phú Yên nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý hóa đơn GTGT đối với DN trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
2. Thực trạng công tác quản lý hóa đơn GTGT đối với các DN
Nền kinh tế tỉnh Phú Yên nói riêng đang ngày càng khởi sắc, các thành phần kinh tế được mở rộng, các hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển từng ngày, cùng với đó là đối tượng sử dụng GTGT ngày càng gia tăng. Việc kiểm tra, giám sát và xử lý những đối tượng vi phạm vừa có tác dụng ngăn chặn, răn đe, đồng thời tránh thất thoát nguồn thu cho NSNN. Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, số tiền thuế truy thu qua các năm tăng. Cụ thể: năm 2017 thanh tra, kiểm tra 507 đơn vị số tiền thuế GTGT thu thêm 4.018.691.000 đồng; năm 2018 thanh tra, kiểm tra 530 đơn vị tăng 23 đơn vị so với năm 2017, số tiền thuế GTGT thu thêm 6.107.813.000 đồng; tăng 48,66% so với năm 2017; năm 2019 thanh tra, kiểm tra 530 đơn vị bằng năm 2018, số tiền thuế GTGT thu thêm 4.856.229.000 đồng; đạt 77,51% so với năm 2018.
Chính vì vậy, công tác xử lý vi phạm về hóa đơn GTGT luôn được Cục Thuế chú trọng. Tuy nhiên đã có một số DN chủ yếu là DN tư nhân, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần và hộ kinh doanh đã có hành vi vi phạm quy định về in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn; nghiêm trọng là các hành vi mua, bán hóa đơn bất hợp pháp, lập hóa đơn khống.
Thực tế số doanh nghiệp vi phạm đã bị xử lý chiếm tỷ lệ thấp và giảm dần qua các năm, số còn lại chưa xử lý là các doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh mang theo hóa đơn. Thực trạng này đòi hỏi Cục thuế phải đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng hóa đơn để phòng ngừa, xử lý và đẩy lùi tình trạng vi phạm hành chính về hóa đơn, mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn, chống thất thu cho NSNN.
Cục thuế đã thành lập một tổ công tác chuyên tiến hành rà soát các DN có dấu hiệu vi phạm về mua bán hóa đơn trái phép thông qua in, phát hành, mua bán, sử dụng hóa đơn trái phép cho toàn Cục thuế và chuyển danh sách DN đó cho các phòng kiểm tra thuế. Trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sẽ chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng để điều tra xử lý theo quy định pháp luật.
3. Đánh giá của DN đối với công tác quản lý hóa đơn
Qua khảo sát 110 phiếu được gửi đến các DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Phú Yên (số phiếu phát đi 110, số phiếu nhận về 110, đạt 100%). Kết quả điều tra khảo sát cho thấy 85% người nộp thuế hài lòng với nội dung, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật thuế, các thủ tục hành chính liên quan đến hóa đơn của cơ quan thuế; 95% người nộp thuế hài lòng với thái độ ứng xử của công chức làm tại bộ phận hỗ trợ và quản lý hóa đơn; 95% người nộp thuế hài lòng với trình độ chuyên môn khi được cơ quan thuế tư vấn, hỗ trợ liên quan đến thủ tục hành chính hóa đơn; 85% người nộp thuế hài lòng đối với phần mềm hỗ trợ tra cứu về hóa đơn, cảnh báo hóa đơn có dấu hiệu rủi ro, hóa đơn không hợp pháp trên trang web: tracuuhoadon.gdt.gov.vn của ngành Thuế; 85% người nộp thuế hài lòng đối với phần mềm hỗ trợ kê khai thuế, hóa đơn do cơ quan thuế cung cấp. Bên cạnh đó còn có những hạn chế trong công tác quản lý hóa đơn GTGT được người nộp thuế và cán bộ ngành Thuế đánh giá, cụ thể như sau:
Một là, công tác tuyên truyền, hỗ trợ chưa thật sự đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả chưa cao và chưa đồng đều.
Hai là, nhiều DN chưa có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và cũng chưa được hướng dẫn cụ thể về cách thức thực hiện loại hoá đơn điện tử (HĐĐT).Khi chưa nắm rõ thông tin về cách xử lý những tình huống phát sinh đối với HĐĐT mà phải áp dụng ngay sẽ khiến DN gặp nhiều trở ngại. Vì vậy, khi tiến hành áp dụng sử dụng loại hóa đơn này, các DN cần được tập huấn, có điều kiện hiểu rõ về HĐĐT.
Ba là, đối với các DN, để có thể sử dụng tốt công nghệ về HĐĐT, DN cần chuẩn bị cho kế toán những hiểu biết về HĐĐT, có phần mềm HĐĐT, có đường truyền công nghệ thông tin, thiết kế, lựa chọn HĐĐT phù hợp, đăng ký nhà tư vấn,...
Việc chuyển đổi từ giao dịch sử dụng hóa đơn giấy sang HĐĐT là yêu cầu tất yếu của một hệ thống thương mại hiện đại, minh bạch. Tuy nhiên, để HĐĐT trở nên phổ cập cần rất nhiều nỗ lực của cơ quan quản lý, của DN cung cấp dịch vụ để thay đổi nhận thức, tư duy của người dân và cộng đồng DN.
Bốn là, công tác quản lý việc tạo, in, phát hành và quản lý hóa đơn của DN còn chưa chặt chẽ, chưa thực hiện đầy đủ quy trình kiểm tra về hóa đơn.
Năm là, công tác quản lý kiểm tra hồ sơ tại bàn chưa sâu sát để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường trong hoạt động của DN như cơ sở vật chất, vốn và ngành nghề kinh doanh.
4. Một số giải pháp hoàn thiện công tác quản lý hóa đơn GTGT đối với DN
Một là, các cơ quan pháp luật đang hoàn thiện Thông tư liên ngành để hướng dẫn xử lý các hành vi phạm tội về hoá đơn. Tổng cục Thuế đang trình Bộ Tài chính có chỉnh lý để hoàn thiện các văn bản hướng dẫn nghị định 119/2018/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình hiện nay theo hướng: Quản lý chặt chẽ việc sử dụng hóa đơn nhưng đơn giản các thủ tục không thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN chấp hành tốt công tác kê khai thuế và quản lý, sử dụng hóa đơn.
Hai là, tiến hành phân loại tổ chức, cá nhân sử dụng hóa đơn để có biện pháp quản lý thích hợp, theo hướng giảm bớt thủ tục về mua và quản lý hóa đơn đối với các tổ chức, cá nhân chấp hành tốt. Các tổ chức, cá nhân vi phạm. Đối với tổ chức, cá nhân mới thành lập, thủ tục mua hóa đơn và biện pháp quản lý cần chặt chẽ hơn.
Ba là, tăng cường đối thoại với tổ chức, cá nhân sử dụng hoá đơn.
Bốn là, tăng cường kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp để quản lý hoá đơn, quản lý thuế, chống thất thu cho ngân sách nhà nước, đảm bảo công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho ngân sách nhà nước. Tăng cường kiểm tra khu vực hành chính, sự nghiệp thụ hưởng ngân sách nhà nước để ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về sử dụng hóa đơn trong thanh toán, quyết toán tài chính.
Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ máy tính trong công tác quản lý kinh doanh, hạch toán kế toán, kết nối mạng với cơ quan thuế, quy định nguyên tắc khai thác dữ liệu của các tổ chức, cá nhân đối với các cơ quan quản lý nhà nước.
3. Kết luận
Hóa đơn, chứng từ cũng là bằng chứng chủ yếu ghi lại các hoạt động sản xuất - kinh doanh của mỗi DN, giúp đưa ra các báo cáo về tình hình hoạt động một cách chuẩn xác và làm tiền đề cho những hoạch định mang tính chiến lược của DN. Quản lý tốt hóa đơn, chứng từ còn thể hiện quy trình chặt chẽ của DN, tránh lãng phí, thất thoát và tránh được các trường hợp bị đối tượng xấu lợi dụng kẽ hở trong công tác quản lý nhằm gian lận tiền của, rò rỉ bí mật công nghệ, chiến lược kinh doanh vào tay đối thủ. Trong thời gian qua, Cục Thuế tỉnh Phú Yên đã giao quyền chủ động cho các doanh nghiệp trong việc in, phát hành và sử dụng hóa đơn, cơ quan thuế chỉ in và cấp cho các đối tượng là hộ gia đình và các cá nhân kinh doanh; Đồng thời, nâng cao trách nhiệm cho cơ quan quản lý thuế địa phương trong việc in ấn, phát hành quản lý và sử dụng hóa đơn GTGT. Các hoạt động tuyên truyền về chính sách thuế, hóa đơn được đăng tải sâu rộng thông qua các phương tiện truyền thông.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Tổng cục Thuế (2015), Quy trình kiểm tra hóa đơn số 1403/QĐ-TCT, ngày 28/07/2015.
- Tổng cục Thuế (2010), Chiến lược hoàn thiện hệ thống chiến sách thuế giai đoạn 2011 – 2020.
- Cục Thuế tỉnh Phú Yên (2017 - 2019), Báo cáo tổng kết công tác thuế hàng năm.
- Số liệu tại các phòng chức năng Cục Thuế tỉnh Phú Yên.
ENHANCING THE MANAGEMENT OF VALUE-ADDED TAX INVOICES AT THE DEPARTMENT OF TAXATION OF PHU YEN PROVINCE
Maste. LE THI KIM ANH
Master. LE THI CHI
Mien Trung Industry and Trade College
ABSTRACT:
The fraudulent losses or errors on value-added tax (VAT) invoices not only cause tax losses but also fuel corruption among public servants. However, tax law violations related to unauthorized VAT invoices are increasing, leading to bigger tax losses to the state budget. This study is to assess the current situation of VAT invoices management of Phu Yen Province’s the Department of Taxation, proposing solutions to improve the management of VAT invoices. This study also proposes solutions to perfect the management of VAT invoices including Diversifying communication and support methods for taxpayers; Completing the inter-sectoral circular on guiding the handling of invoice violations; Strengthening the business inspection and control to manage VAT invoices of enterprises; Increasingly communicating with organizations and individuals using invoices; and Implementing advancements in information technology into the management of VAT invoices.
Keywords: Invoices, value-added tax (VAT) invoices, invoices management, Department of Taxation of Phu Yen Province.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2020]