Sự hài lòng của người dân đối với chính sách ứng phó đại dịch Covid-19 của Chính phủ Việt Nam

MAI THỊ VÂN ANH - NGUYỄN THỊ THÙY - NGUYỄN MINH TRANG - PHẠM THỊ NGUYỆT - NGUYỄN THỦY TIÊN (Sinh viên Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội) - TS. PHẠM THỊ CẨM ANH (Giảng viên Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu nhằm tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng tới sự hài lòng của người dân đối với chính sách ứng phó đại dịch Covid-19 của Chính phủ Việt Nam thông qua việc sử dụng kỹ thuật phân tích đa biến. Kết quả nghiên cứu từ 466 người dân trong thời gian từ tháng 1 đến hết tháng 3/2021 cho thấy, có 5 nhân tố ảnh hưởng tới sự hài lòng của người dân, bao gồm: (1) chính sách pháp luật, (2) chính sách kinh tế - xã hội, (3) chính sách y tế, (4) chính sách truyền thông và (5) chính sách đối ngoại. Ảnh hưởng của chính sách cách ly - phong tỏa đối với sự hài lòng của người dân chưa thể xác định được. Điểm mới của nghiên cứu đó là xác định được mức độ hài lòng khác nhau của những người có tần suất cập nhật thông tin về đại dịch khác nhau. Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số hàm ý chính sách nhằm nâng cao hơn nữa mức độ hiệu quả của chính sách ứng phó Covid-19 của Chính phủ Việt Nam.

Từ khóa: sự hài lòng của người dân, chính sách ứng phó, Covid-19.

1. Đặt vấn đề

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế và đời sống người dân trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Khi dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, việc đưa ra những chính sách phù hợp nhằm bảo vệ sự an toàn của nhân dân, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời ổn định kinh tế - chính trị - xã hội đang là mối quan tâm hàng đầu của chính phủ các nước nói chung và Chính phủ Việt Nam nói riêng.

Trong quá trình tìm hiểu thông tin, nhóm tác giả nhận thấy chưa có nhiều nghiên cứu mang tính tổng quát về sự hài lòng của người dân đối với chính sách ứng phó đại dịch Covid-19 của Chính phủ. Nghiên cứu của Chen và cộng sự (2020) hay Zha và cộng sự (2020) cũng chưa chỉ ra rõ các nhân tố cụ thể ảnh hưởng đến mức độ hài lòng, rất khó để đưa ra những phân tích và nhận định phù hợp nhằm cải thiện sự hiệu quả của chính sách trong hiện tại và tương lai. Hiện cũng chưa có nghiên cứu cụ thể nào tại Việt Nam về mối quan hệ giữa mức độ hài lòng của người dân đối với chính sách ứng phó của chính phủ đối với dịch Covid-19. Vì vậy, nhóm tác giả đã quyết định lựa chọn đề tài nghiên cứu về “Sự hài lòng của người dân đối với chính sách ứng phó Covid-19 của Chính phủ Việt Nam”.

2. Cơ sở lí thuyết và mô hình nghiên cứu

Chen và công sự (2020) đã sử dụng phương pháp hồi quy tuyến tính kết hợp phương pháp lấy mẫu có hoàn lại để đo lường sự hài lòng chung của 14.276 công dân tại 14 quốc gia khác nhau đối với chính phủ trong việc phòng chống Covid-19. Bài nghiên cứu đo lường mức độ hài lòng của người dân dựa trên 5 yếu tố: số ca nhiễm trên một nghìn dân, số ca tử vong trên một nghìn dân, sự nghiêm ngặt của luật pháp, chính sách hỗ trợ kinh tế và chính sách sức khỏe. Kết quả chỉ ra người dân quan tâm đến số ca nhiễm hoặc tử vong hơn các chính sách được đưa ra, và phản ứng của người dân châu Á (bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc) có sự khác biệt rõ rệt so với người dân tại các nước phương Tây. Do các biến vẫn chưa bao hàm toàn bộ các lĩnh vực chính sách, nên kết luận đưa ra chưa cụ thể và chưa có đề xuất cụ thể phù hợp cho tình hình từng quốc gia.

Mô hình nghiên cứu của Zha và cộng sự (2020) đã chỉ ra sự đánh giá của người dân với hoạt động của Chính phủ trong 3 mảng quản lý, gồm thông tin, y tế công cộng và quản lý khẩn cấp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, người dân có sự quan tâm lớn và mong muốn Chính phủ nỗ lực hơn trong việc quản lý thông tin và y tế công, đặc biệt là trong việc làm bảo vệ nhân viên y tế, công bố thông tin và giảm lo lắng của người dân.

Nghiên cứu của Yusnaidi và cộng sự (2020) sử dụng 8 câu hỏi chỉ báo để đo lường sự hài lòng của người dân. Nhìn chung, các câu hỏi này giúp phản ánh góc nhìn của người dân về khả năng đưa kế hoạch ứng phó, khả năng hành động chống lại virus, khả năng điều phối và quản lý, khả năng cung cấp thông tin về dịch bệnh và khả năng kêu gọi, gắn kết người dân.

Từ các nghiên cứu trước đây và thực tế hoạt động của Chính phủ Việt Nam trong ứng phó với dịch Covid-19 đã được nhóm tác giả tìm hiểu qua các thông tin công bố chính thống, cũng như từ phản hồi sau khảo sát, nhóm tác giả tổng hợp và lựa chọn 6 mảng chính sách để đánh giá sự hài lòng của người dân, bao gồm: kinh tế - xã hội; khung pháp luật; y tế; truyền thông; cách ly phong tỏa và đối ngoại.

 Mô hình tổng quát:

Trong đó:  là hệ số hồi quy của biến độc lập ( ); u là sai số ngẫu nhiên; biến HL là sự hài lòng của người dân; biến LP là chính sách pháp luật; biến KT là chính sách kinh tế - xã hội; biến CP là chính sách cách ly - phong tỏa; biến YT là chính sách y tế; biến TT là chính sách truyền thông; biến ĐN là chính sách đối ngoại.

Các giả thuyết nghiên cứu của mô hình bao gồm:

H1: Chính sách pháp luật có tác động tích cực tới mức độ hài lòng của người dân đối với chính sách ứng phó Covid-19 của Chính phủ.

H2: Chính sách kinh tế - xã hội có tác động tích cực tới mức độ hài lòng của người dân đối với chính sách ứng phó Covid-19 của Chính phủ.

H3: Chính sách cách ly, phong tỏa có tác động tích cực tới mức độ hài lòng của người dân đối với chính sách ứng phó Covid-19 của Chính phủ.

H4: Chính sách y tế có tác động tích cực tới mức độ hài lòng của người dân đối với chính sách ứng phó Covid-19 của Chính phủ.

H5: Chính sách truyền thông có tác động tích cực tới mức độ hài lòng của người dân đối với chính sách ứng phó Covid-19 của Chính phủ.

H6: Chính sách đối ngoại có tác động tích cực tới mức độ hài lòng của người dân đối với chính sách ứng phó Covid-19 của Chính phủ.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Đánh giá độ tin cậy của thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha

Kết quả phân tích cho thấy hệ số Cronbach’s Alpha của nhân tố Truyền thông là lớn nhất (0,91) và của nhân tố Y tế là nhỏ nhất (0,71). Hệ số Cronbach’s Alpha của nhân tố Kinh tế - Xã hội và Đối ngoại bằng nhau (0,87) còn hệ số Cronbach’s Alpha của nhân tố Cách ly - phong tỏa và Pháp luật lần lượt là 0,78 và 0,74.

Tất cả các thang đo của các biến quan sát đều có hệ số tương quan biến tổng lớn hơn 0.3 và hệ số Cronbach’s Alpha đều lớn hơn 0.6. Điều này cho thấy, các biến quan sát của tất cả các thang đo đảm bảo độ tin cậy. Do đó, cả 34 biến quan sát cho 6 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc đều được giữ lại để phân tích EFA.

3.2. Phân tích nhân tố khám phá EFA

Phân tích khám phá EFA cho biến độc lập: Hệ số KMO bằng 0,92 thuộc khoảng (0,5;1) và giá trị sig trong kiểm định Bartlett bằng 0,000 < 0,05 cho thấy, việc phân tích nhân tố là phù hợp vì các biến quan sát có tương quan với nhau. Tiếp theo, giá trị Eigenvalue = 1,02 > 1 tại hàng thứ 6 trong bảng các biến được giải thích thể hiện có 6 nhóm nhân tố đại diện cho phần biến thiên mà các nhân tố giải thích được. Tổng phương sai trích = 64,28% > 50% cho biết các nhóm nhân tố này giải thích được 64,28% sự biến thiên của các biến quan sát. Kết quả phân tích đã cho thấy phân tích EFA là thích hợp với dữ liệu nghiên cứu. (Bảng 1)

Kết quả xoay các nhân tố cho thấy 27 biến quan sát được gom thành 6 nhân tố với hệ số tải nhân tố đều lớn hơn 0,5. Phân tích khám phá EFA cho biến phụ thuộc: Hệ số KMO = 0,90 và sig = 0,000 trong kiểm định Bartlett thỏa mãn điều kiện đảm bảo các biến quan sát có tương quan với nhau và phân tích nhân tố là hợp lý. Kết quả phân tích đã cho thấy phân tích EFA là thích hợp với tập dữ liệu. (Bảng 2)

3.3. Phân tích tương quan

Kết quả phân tích tương quan Pearson cho thấy, có thể đã xảy ra vấn đề đa cộng tuyến trong mô hình nghiên cứu giữa biến độc lập và biến phụ thuộc, giữa các cặp biến độc lập với nhau do giá trị sig của các biến đều có ý nghĩa thống kê ở mức 1% và nhiều cặp biến độc lập có hệ số Pearson tương đối lớn ở mức 0,5 - 0,6. Tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra hệ số phóng đại phương sai VIF thì khẳng định không có hiện tượng đa cộng tuyến xảy ra trong mô hình, vì tất cả các hệ số phóng đại phương sai đều nhỏ hơn 2.

Kiểm định về tính độc lập của phần dư: Trị số Durbin-Watson của mô hình nghiên cứu thu được là 1,74. Tuy nhiên, bảng giá trị dL và d của thông kê DW với mức ý nghĩa 1% và 5% chỉ có giá trị khi  (  là số biến độc lập trong mô hình) và  (n là số quan sát). Nghiên cứu sử dụng  và   nên không có giá trị dL và d để đối chiếu kết quả DW. Do đó, không thể kết luận mô hình có mắc tự tương quan hay không.

3.4. Kết quả chạy mô hình hồi quy

Bảng 3 cho thấy R2 hiệu chỉnh của mô hình bằng 0,551 có nghĩa là các biến độc lập giải thích được 55,1% sự biến thiên của biến phụ thuộc h, còn lại là do các biến ngoài mô hình và sai số ngẫu nhiên. Cùng với đó, giá trị sig của kiểm định F trong phân tích ANOVA bằng 0,000 < 1% cho thấy mô hình hồi quy tuyến tính được xây dựng phù hợp với tổng thể. Vì vậy, mô hình hồi quy là phù hợp.

Kết quả hồi quy tại Bảng 4 cho thấy sig. của biến i = 0,455, vậy biến i không có ý nghĩa thống kê ở mức 5% trong mô hình hồi quy, tức là không đủ điều kiện chứng minh tác động của biến phong tỏa - cách ly tới mức độ hài lòng h. Các biến còn lại đều có ý nghĩa thống kê vì có giá trị sig. < 5%.

Như vậy, trong 6 yếu tố được đưa vào mô hình, có 5 yếu tố (LP, KT, YT, TT, DN) tác động tích cực đến sự hài lòng của người dân, không tìm thấy ảnh hưởng của yếu tố chính sách cách ly - phong tỏa. Để lí giải cho điều này, có thể thấy hiện nay, phản ứng của người dân với chính sách này chưa đồng nhất. Chính sách cách ly - phong tỏa là một chính sách quan trọng nhằm ngăn chặn dịch bệnh, nhưng đồng thờicũng hạn chế nhiều đến hoạt động đời sống của người dân. Một bộ phận người dân cảm thấy an toàn và hài lòng với chính sách này, trong khi bộ phận khác cảm thấy chính sách ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của họ, và vì thế họ cảm thấy không hài lòng. Do đó, khó có thể đánh giá được tác động của chính sách này tới sự hài lòng chung của người dân Việt Nam. Ngoài ra, yếu tố tác động mạnh nhất tới sự hài lòng là chính sách kinh tế - xã hội và yếu tố có tác động yếu nhất đó là chính sách đối ngoại.

Ý nghĩa: Trong điều kiện các nhân tố khác không đổi, khi các yếu tố chính sách pháp luật, chính sách kinh tế - xã hội, chính sách y tế, chính sách truyền thông và chính sách đối ngoại tăng thêm 1 đơn vị, thì mức độ hài lòng của người dân sẽ tăng thêm lần lượt là 0,244; 0,279; 0,172; 0,149 và 0,097 đơn vị.

3.5. Kết quả kiểm định sự khác biệt trung bình

Kết quả kiểm định cho thấy, sig trong Levene’s Test và sig trong T-Test đều lớn hơn 0,05, do đó không có sự khác biệt giữa các nhóm trong từng biến định tính. Cụ thể, không có sự khác biệt giữa nam và nữ, giữa những người ở gần vùng dịch và những người không ở gần vùng dịch, giữa nhóm người từng đi xét nghiệm và nhóm người chưa từng đi xét nghiệm Covid-19, giữa nhóm từng đi cách ly và nhóm chưa từng đi cách ly (cả cách ly tập trung và cách ly tại nhà). (Bảng 5)

Kiểm định khác biệt trung bình theo độ tuổi cho kết quả sig của Levene và ANOVA đều lớn hơn 0,05, nên kết luận không có sự khác biệt giữa 3 nhóm này; tức là không có sự khác biệt về mức độ hài lòng về chính sách ứng phó Covid-19 của Chính phủ giữa những người thuộc nhóm tuổi trẻ, người lao động và người già. Tuy nhiên, giá trị sig của Welch bằng 0,01 < 0,05 chứng tỏ có sự khác biệt trung bình giữa các nhóm giá trị của biến tần suất cập nhật thông tin Covid-19. (Bảng 6)

Kết quả kiểm định Tamhane’s T2 cho biến tần suất cập nhật thông tin Covid-19 cho thấy, có sự khác biệt về mức độ hài lòng giữa các tần suất cập nhật thông tin khác nhau. Có thể thấy có sự khác biệt về mức độ hài lòng về chính sách ứng phó Covid-19 giữa những người theo dõi thông tin Covid-19 2 lần/ngày và những người theo dõi thông tin theo tuần; giữa những người theo dõi thông tin Covid-19 1 lần/ngày và những người theo dõi theo tuần. Với những cặp giá trị khác thì không có sự khác biệt trung bình. (Bảng 7)

4. Kết luận và đề xuất

Kết quả nghiên cứu đã cho thấy có có 5 yếu tố tác động tích cực đến sự hài lòng của người dân Việt Nam, bao gồm: chính sách pháp luật; chính sách kinh tế - xã hội; chính sách y tế; chính sách truyền thông và chính sách đối ngoại trong khi chưa thể chứng minh sự tác động của chính sách cách ly - phong tỏa đối với sự hài lòng của người dân. Đặc biệt, chính sách pháp luật và chính sách kinh tế có tác động mạnh mẽ nhất đến sự hài lòng của người dân Việt Nam.

Nghiên cứu cũng cho thấy, không có sự khác biệt về mức độ hài lòng của người dân khi phân biệt theo giới tính, độ tuổi, hay yếu tố dịch tễ, nhưng lại có sự khác biệt khi tính tới mức độ hài lòng theo tần suất cập nhật thông tin. Tần suất cập nhật thông tin về bệnh dịch Covid-19 càng cao, mức độ hài lòng của người dân đối với năng lực ứng phó của Chính phủ càng cao. Điều này một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của truyền thông, cũng như khả năng cung cấp thông tin của Chính phủ đối với người dân.

Một số hàm ý được rút ra bao gồm:

Đối với chính sách pháp luật: có thể tăng mức phạt và thắt chặt xử phạt đối với các hành vi vi phạm, đồng thời cần đưa ra một văn bản chung tổng hợp tất cả các thông tin có liên quan đến hình thức xử phạt và hành vi vi phạm có liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam để giúp người dân tiện theo dõi.

Đối với chính sách kinh tế - xã hội: Chính phủ cần xem xét để đưa ra các biện pháp, nỗ lực kéo dài thêm thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm vào quỹ hưu trí và tử tuất ít nhất là đến hết 2021. Cơ quan chức năng tại các địa phương cần đảm bảo tính minh bạch và thực thi đầy đủ, không sai sót đối với khoản tiền hỗ trợ đại dịch từ phía Nhà nước.

Đối với vấn đề cập nhật thông tin của người dân, Chính phủ đưa ra văn bản yêu cầu tất cả người dùng điện thoại thông minh ở Việt Nam cài đặt ứng dụng phần mềm BlueZone; tăng cường tần suất cập nhật thông tin về dịch bệnh tới người dân và cập nhật một cách nhanh chóng, đầy đủ, chính xác và hiệu quả.

Nghiên cứu được thực hiện trong phạm vi 3 làn sóng đầu của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ ngày 27/04/2021, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đã xuất hiện ở nước ta và đợt dịch này có tác động sâu và rộng hơn tới đời sống của người dân ở nhiều khía cạnh khác nhau. Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách ứng phó mới, mạnh mẽ và quyết liệt hơn để dập làn sóng này và tạo nên sự khác biệt về mức độ hài lòng của người dân so với các đợt dịch trước đó. Tuy nhiên, do đợt dịch vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, các chính sách vẫn đang được hoàn thiện và ban hành mới liên tục, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục tiến hành nghiên cứu để tìm hiểu thêm về mức độ hài lòng của người dân và sự khác biệt nêu trên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

  1. Chen, C.W.S., Lee, S., Dong, M.C. & Taniguchi, M. (2021). What factors drive the satisfaction of citizens with governments’ reponses to Covid-19? International of Infectious Disease, 102, 327-331.
  2. Toluna, (2020). The World in Crisis. [online]. Tại: https://issuu.com/blackbox4/docs/world_in_crisis_final_report.
  3. Yusnaidi, Fahlevi, S.M. & Marlizar, (2020). Level of Public Satisfaction with Aceh Government Performance in Relation to Covid-19 Responses. In 6th International Conference on Social and Political Sciences (ICOSAPS 2020) (pp. 375-382). Paris: Atlantis Press.
  4. Zha, H., Zhang, Y., Zhao, J. & Zhu, X., (2020). Citizen Assessments of Government Actions in the Covid-19 Outbreak in China. Chinese Public Administration Review, 11(2), 110.
  5. Chính phủ (2020), Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
  6. Nguyễn Tài (2021). Các gói hỗ trợ chống suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 và khuyến nghị chính sách cho Việt  [online]. Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ. Truy cập tại: https://thitruongtaichinhtiente.vn/cac-goi-ho-tro-chong-suy-thoai-kinh-te-do-dai-dich-COVID-19-va-khuyen-nghi-chinh-sach-cho-viet-nam-33373.html.
  7. Trung, P. (2021, 02 01). Ứng dụng Bluezone đạt mốc 27 triệu lượt tải. [online]. Báo Nhân Dân điện tử. Truy cập tại: https://nhandan.com.vn/thong-tin-so/ung-dung-bluezone-dat-moc-27-trieu-luot-tai--633849/Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (2020). Chính phủ thực hiện một số biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.  [online]. Truy cập tại: https://vksndtc.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/chinh-phu-thuc-hien-mot-so-bien-phap--ho-tro-nguoi-d8-t7669.html.                                

The satisfaction of Vietnamese citizens with the Government of Vietnam’s response policies to the Covid-19 pandemic

Mai Thi Van Anh 1

Nguyen Thi Thuy 1

Nguyen Minh Trang 1

Pham Thi Nguyet 1

Nguyen Thuy Tien 1

Ph.D Pham Thi Cam Anh 2

1 Student, Foreign Trade University

2 Lecturer, Foreign Trade University

ABSTRACT:

This study examines the factors affecting citizen satisfaction with the Government of Vietnam’s response policies to the Covid-19 pandemic by using multivariate analysis techniques. By surveying 466 respondents, the study’s results show that there are five factors affecting the satisfaction of Vietnamese citizens, namely (1) legal policy, (2) socio-economic policy, (3) medical policy, (4) communication policy, and (5) foreign policy. Meanwhile, the impact of quarantine - lockdown policy on Vietnamese citizens’ satisfaction has not been assessed. The new finding of this study is that the differences in updating news and information about the Covid-19 pandemic lead to the different levels of citizen satisfaction with the government’s response policies. Based on the study’s findings, several implications are proposed to promote the efficiency of the Government of Vietnam’s response policies to the Covid-19 pandemic.

Keywords: citizen satisfaction, response policy, Covid-19.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20, tháng 8 năm 2021]