Sự tương đồng và khác biệt giữa các mô hình bầu cử ở một số nước

Sự tương đồng và khác biệt giữa các mô hình bầu cử ở một số nước do ThS. Mai Thị Minh Ngọc (Viện Nhà nước và Pháp luật - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) thực hiện

TÓM TẮT:

Bầu cử từ lâu đã được nhiều quốc gia quan tâm và ngày càng có xu hướng hoàn thiện. Bầu cử được ghi nhận trong Hiến pháp và luật, tuy nhiên ở mỗi quốc gia, mức độ và cách thức ghi nhận có khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích sự vận dụng các nguyên tắc bầu cử (NTBC), sự tương đồng và khác biệt giữa các mô hình bầu cử ở một số nước nhằm rút ra những gợi mở cho Việt Nam.

Từ khóa: mô hình bầu cử ở một số nước, nguyên tắc bầu cử, sự tương đồng.

1. Đặt vấn đề

Việc thành lập các cơ quan đại diện trong các nhà nước hiện đại đều được tiến hành thông qua con đường bầu cử, nên chế độ bầu cử được quy định ngày càng hoàn thiện, chặt chẽ và dân chủ hơn, thông qua bầu cử nhân dân tham gia lập nên bộ máy nhà nước. Bầu cử Nghị viện của các nước trên thế giới hầu hết đều dựa trên các nguyên tắc: phổ thông, bình đẳng, tự do (hoặc bắt buộc), trực tiếp (hoặc gián tiếp) và bỏ phiếu kín. Việc vận dụng các nguyên tắc này đã đem lại những kết quả BC đáng mừng cho nhiều quốc gia. Song, mỗi quốc gia khác nhau với các chế độ chính trị và điều kiện kinh tế xã hội khác nhau, mô hình bầu cử cũng có sự khác biệt. Hiện đang có hai mô hình bầu cử căn bản ứng với hai chế độ chính trị, đó là: tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, các NTBC và mô hình bầu cử cũng đang có những hạn chế nhất định. Để việc bầu cử ngày càng hoàn thiện, gợi mở cho Việt Nam việc chỉ ra sự tương đồng và khác biệt giữa các mô hình bầu cử có ý nghĩa vô cùng quan trọng, rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

2. Sự vận dụng các nguyên tắc bầu cử ở một số quốc gia trên thế giới

Nguyên tắc phổ thông: Nguyên tắc phổ thông (NTPT) là một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ bầu cử (CĐBC) mọi công dân đến tuổi trưởng thành đều được tham gia bầu cử, trừ những người mất trí hay những người bị tước quyền bầu cử (QBC) do vi phạm pháp luật. NTPT được thể hiện ở tính toàn dân và toàn diện của bầu cử. Theo Hiến pháp và pháp luật bầu cử (PLBC) của Trung Quốc, mọi công dân đủ 18 tuổi đều có QBC, không phân biệt dân tộc, giới tính, nghề nghiệp, tín ngưỡng, trình độ giáo dục. PLBC Nhật Bản quy định quyền phổ thông đầu phiếu được bảo đảm cho công dân đến tuổi trưởng thành, không phân biệt giới tính, tài sản, hoặc số thuế phải nộp. Tuy nhiên trên thực tế, pháp luật của không ít quốc gia vẫn có những giới hạn nhất định. NTPT bầu cử đòi hỏi cử tri phải thỏa mãn hai yêu cầu cơ bản về độ tuổi và quốc tịch, đồng thời phải đáp ứng các điều kiện cư trú, điều kiện đạo đức, văn hoóa và vật chất, năng lực hành vi.

Yêu cầu về tuổi: “Đa số quốc gia trên thế giới quy định công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền đi bầu cử. Tuy nhiên, ở một số nước, độ tuổi này có thể xê dịch khác nhau từ 15-25 tuổi. Ví dụ tuổi bầu cử ở Singapore, Bolivia, Cốt Đivoa là 21, ở Thái Lan, Nhật Bản là 20 và 16 đối với Cuba, Brazil, Nicaragua. Indonesia, Sudan, CHDCND Triều Tiên, Đông Timor có tuổi bầu cử là 17. Iran là 18... Uzerberkiatan có độ tuổi bỏ phiếu là 25"1.

Yêu cầu về quốc tịch: Quyền phổ thông bầu cử áp dụng cho công dân mang quốc tịch của nước sở tại. Cư dân Nga, Đức và Italia, dù có sống ở nước ngoài đều được tạo điều kiện tham gia bầu cử. Tuy vậy, pháp luật của một số nước hạn chế những công dân mới gia nhập quốc tịch thì không có QBC. Ví dụ, công dân nhập quốc tịch Argentina phải sau 3 năm mới có QBC. Cư dân Niu-di-lân từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt quốc tịch, nếu sống ở Niu-di-lân 12 tháng và cư trú tại khu vực bầu cử 1 tháng thì có quyền đi bầu cử.

Điều kiện cư trú: PLBC của hầu hết các nước đều quy định về điều kiện cư trú của cử tri. Công dân Anh sống tại đơn vị BC vào thời điểm đăng ký danh sách cử tri có QBC. Công dân Pháp và Bỉ phải sống tại nơi đăng ký danh sách cử tri ít nhất 6 tháng trước ngày bầu cử mới có QBC Quốc hội. Ở Bốtxoana, 20% dân số là dân di cư không có QBC. Theo PLBC của Cộng hòa Áo, nếu cử tri không thường xuyên cư trú tại một nơi sẽ được đăng ký vào danh sách cử tri nơi cử tri đó cư trú trước ngày bầu cử.

Điều kiện đạo đức: PLBC của một số nước quy định về điều kiện đạo đức của cử tri. Những người bị tước quyền làm cha, làm mẹ ở Hà Lan không có QBC. Ở Mêhicô, những công dân được xác định có sử dụng ma túy sẽ không có QBC.

Điều kiện văn hóa và vật chất: Công dân Thái Lan không biết chữ, các nhà Tu hành Thái Lan không có QBC. Công dân Libêria phải đóng thuế nhà ở mới có QBC. Brazil không cho phép các quân nhân tại ngũ tham gia BC, vì cho rằng quân đội không được tham gia hoạt động chính trị. Cô-oét là quốc gia duy nhất chỉ cho phép nam giới có QBC.

Nguyên tắc bình đẳng (NTBĐ): Nguyên tắc này là một nguyên tắc quan trọng xuyên suốt quá trình bầu cử. Nguyên tắc này quy định mỗi cử tri có một phiếu bầu, mỗi lá phiếu có giá trị ngang nhau, không phụ thuộc vào giới tính, địa vị xã hội, tài sản và tôn giáo của cử tri... NTBĐ bảo đảm để mọi công dân có khả năng như nhau tham gia bầu cử, nghiêm cấm mọi sự phân biệt dưới bất cứ hình thức nào. Nguyên tắc này nhằm bảo đảm tính khách quan trong bầu cử, không thiên vị. Mỗi cử tri chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri, chỉ được ứng cử vào một đơn vị bầu cử, mỗi cử tri chỉ được bỏ một phiếu bầu, mỗi phiếu bầu có giá trị ngang nhau.

Xét về mặt lý luận, hầu hết các quốc gia đều quy định về NTBĐ trong bầu cử. Tuy nhiên, trên thực tế, NTBĐ này dễ bị vi phạm. Ở Anh, những người có bất động sản lớn và những người đã tốt nghiệp các trường đại học tổng hợp thường có phiếu bầu bổ sung. Ở Niu-di-lân có quy định những người có tài sản dưới 1 ngàn bảng Anh có 1 lá phiếu, từ 1 ngàn tới 2 ngàn có 2 lá phiếu và trên 3 ngàn có 3 lá phiếu.

Ngoài ra, một số quốc gia còn áp dụng các quy định về việc phân biệt các thành phần cử tri đặc biệt. Trong bầu cử Nghị viện ở Trung Quốc, quân đội được tổ chức thành những đơn vị bầu cử riêng với số đại biểu khác biệt. Trong hệ thống bầu cử của Pháp, để bảo đảm sự đại diện của các cộng đồng lãnh thổ của nước Cộng hòa, Hạ nghị viện dành riêng 22 ghế cho các vùng hải ngoại và Thượng nghị viện dành 12 ghế cho cư dân Pháp ở nước ngoài.

NTBC tự do và bầu cử bắt buộc: NTBC tự do quy định rằng cử tri có quyền tự quyết định tham gia hoặc không tham gia bầu cử. (Điều 1 của Luật Bầu cử của Cộng hòa Liên bang Nga quy định: "Việc tham gia của các công dân liên bang Nga trong hoạt động bầu cử là tự do và tự nguyện. Không ai có quyền gây ảnh hưởng đối với công dân để buộc người đó tham gia hoặc không tham gia bầu cử ". Pháp luật bầu cử của Tây Ban Nha quy định: “Không ai có thể bị buộc hoặc bắt buộc thực QBC của mình”)2.

Như vậy, NTBC tự do có những ảnh hưởng nhất định tới kết quả bầu cử của quốc gia, đặc biệt khi cử tri từ chối tham gia bỏ phiếu đây là nguyên nhân chính dẫn tới thất bại của cuộc tuyển cử. Ở hầu hết các quốc gia, kết quả bầu cử được xem là hợp lệ nếu tỷ lệ cử tri đi bầu phải đạt tới một con số nhất định. Để tôn trọng NTBCTD mà vẫn đảm bảo sự tham gia đầy đủ của nhân dân vào các cuộc bầu cử, PLBC của Vương quốc Thái Lan quy định việc tước bỏ một số quyền lợi chính trị cơ bản của công dân nếu họ không tham gia bầu cử, như: quyền kiến nghị bầu cử, quyền ứng cử đại biểu Nghị viện và các cơ quan hành chính địa phương, quyền kiến nghị luật, quyền khiếu nại tố cáo... Việc thực hiện NTBC tự do của công dân vẫn có những hạn chế nhất định.

Trái với NTBC tự do, bầu cử ở một số nước là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi công dân đến tuổi trưởng thành trừ những người vi phạm pháp luật hình sự. "Pháp luật Singapore quy định NTBC bắt buộc. Điều 48 Hiến pháp Italy quy định: bỏ phiếu là nghĩa vụ của công dân. PLBC của một số nước còn áp dụng các chế tài hình sự và kinh tế buộc cử tri phải tham gia bỏ phiếu. Ví dụ, theo pháp luật Hy Lạp, công dân không đi bỏ phiếu sẽ bị phạt tù từ một tháng đến 1 năm. Công dân Úc không đi bỏ phiếu sẽ phải nộp phạt 50 đôla Úc. NTBC bắt buộc còn được áp dụng tùy thuộc vào độ tuổi của công dân. ở Brazil, bầu cử là bắt buộc đối với những công dân trưởng thành từ 18 đến 70 tuổi. Ngoài độ tuổi đó, công dân từ 16 đến 18 tuổi và ngoài 70 tuổi có quyền bầu cử tự do".3

Nguyên tắc trực tiếp và gián tiếp: Bầu cử trực tiếp (BCTT) là phương thức theo đó cử tri trực tiếp lựa chọn người đủ tín nhiệm vào cơ quan quyền lực Nhà nước bằng lá phiếu của chính mình. Hầu hết Nghị viện của các nước theo chế độ một Viện và Hạ nghị viện của các nước theo chế độ hai Viện đều áp dụng chế độ BCTT. Một số Thượng nghị viện (Mỹ, Italia, Ba Lan) cũng áp dụng BCTT, các Thượng nghị sĩ đều do nhân dân bầu ra. Thông qua BCTT, nhân dân có cơ hội thể hiện ý chí, nguyện vọng lựa chọn những người đại biểu Nghị viện.

Trái với BCTT, bầu cử Quốc hội theo chế độ gián tiếp hiếm khi được áp dụng. Bầu cử gián tiếp là hoạt động bầu cử do các Tuyển cử đoàn, hoặc do các đại biểu của nhân dân thực hiện. Thượng nghị viện nước Pháp được bầu theo chế độ gián tiếp bởi cử tri đoàn trong mỗi tỉnh gồm các hạ nghị sĩ, đại biểu Hội đồng vùng, đại biểu Hội đồng hàng tỉnh và đại diện của các hội đồng xã.

Là nước đông dân nhất thế giới, CHND Trung Hoa áp dụng chế độ bầu cử đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) gián tiếp, thông qua nhiều cấp. Tất cả các đại biểu đều do đại diện của cử tri tại các đơn vị bầu cử bầu ra. Điều đó có nghĩa, nhân dân chỉ trực tiếp bầu ra đại biểu HĐND cấp phường xã. Các đại biểu cấp xã này bầu ra đại biểu HĐND cấp quận huyện. Các đại biểu cấp quận huyện bầu ra đại biểu HĐND tỉnh. Sau đó, đại biểu Quốc hội Trung Quốc do đại biểu HĐND các tỉnh bầu ra, chứ không do cử tri trực tiếp bầu ra.

Nguyên tắc bỏ phiếu kín: Nguyên tắc bỏ phiếu kín thể hiện việc loại trừ sự theo dõi và kiểm soát từ bên ngoài đối với hoạt động bỏ phiếu của cử tri. Mục đích của việc bỏ phiếu kín nhằm bảo đảm sự tự do đầy đủ trong việc thể hiện ý chí của cử tri. Công đoạn bỏ phiếu phải diễn ra trong phòng kín, không có sự tham gia của bất cứ nhân vật nào, kể cả nhân viên phụ trách phòng bỏ phiếu. PLBC của hầu hết các nước đều quy định việc bố trí nơi viết phiếu phải kín, không có ai được đến xem lúc cử tri viết phiếu bầu.

Tuy nhiên, việc bỏ phiếu đôi khi được vận dụng trái với nguyên tắc bỏ phiếu kín. Ví dụ như ở Singapore, trong mỗi phiếu bầu đều có mã số của cử tri trùng với tên và mã số trong danh sách cử tri. Vì vậy, mặc dù Hiến pháp Singapo quy định việc bỏ phiếu kín, các phương thức áp dụng xem ra không đảm bảo cho việc tuân thủ nguyên tắc này.

3. Mô hình chế độ bầu cử ở một số nước: Những tương đồng và khác biệt.

Các NTBC được áp dụng ở một số quốc gia như phân tích ở trên đã cho thấy, ở mỗi nước khác nhau với các chế độ chính trị và điều kiện kinh tế xã hội khác nhau, thậm chí ngay trong một nước ở các giai đoạn khác nhau chế độ bầu cử (CĐBC) cũng có sự khác biệt. Tuy nhiên, xét về tổng thể có hai mô hình bầu cử căn bản ứng với hai chế độ chính trị, đó là: tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa.

Khái quát chế độ bầu cử ở các nước tư bản chủ nghĩa (TBCN): Đối với các  nhà nước tư sản, tổ chức và hoạt động của nó theo nguyên tắc phân chia quyền lực, cho nên BC không những là phương thức thành lập cơ quan lập pháp mà còn có thể được áp dụng để bầu các chức danh trong nhánh quyền lực khác (chức danh trong các cơ quan tư pháp, Thị trưởng, Cảnh sát trưởng, Tổng thống...). Đối với mỗi cơ quan khác nhau, BC cũng được tiến hành theo những cách thức khác nhau. Chẳng hạn, trong nghị viện Mỹ, hai viện có nhiệm kỳ khác nhau, trước đây được bầu với hai cách thức khác nhau. “Từ khi Tu chính án XVII được phê chuẩn vào năm 1913, bầu cử thượng nghị sĩ được tiến hành theo chế độ phổ thông đầu phiếu”4 Tổng thống Mỹ không được bầu trực tiếp như các nghị sĩ của nghị viện mà được bầu gián tiếp qua lá phiếu của đại cử tri.

Các quy định về quyền ứng cử cũng có những tiến bộ nhất định, hầu hết các quốc gia tư bản đều quy định các ứng cử viên được ứng cử độc lập. Tuy nhiên trên thực tế hiếm khi các ứng cử viên độc lập chúng cử trong các cuộc bầu cử ở các nước tư bản. Những người chúng cử thường là những người do các đảng phái có tiếng nói quyết định trong đời sống chính trị của đất nước giới thiệu ra ứng cử và có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các thế lực khác trong xã hội.

Khái quát chế độ bầu cử ở các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN): CĐBC ở các nước XHCN không chỉ ghi nhận NTBC dân chủ: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín mà còn tuân thủ một cách triệt để các nguyên tắc này trong các cuộc BC. Nghĩa là, QBC của công dân không bị hạn chế bởi bất kỳ điều kiện nào, mọi thành phần trong xã hội không phân biệt giới tính, tuổi, tài sản... đều có QBC, nếu đạt đến độ tuổi nhất định do pháp luật quy định.

Ở các nước XHCN, trong đó có Việt Nam, tất cả quyền lực nhà nước tập trung vào cơ quan đại diện ở trung ương và địa phương do nhân dân trực tiếp bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Cụ thể cử tri ở nước ta là bầu ra Quốc hội và HĐND các cấp, tiếp theo đó Quốc hội và HĐND mới thành lập ra các cơ quan nhà nước khác. Như vậy, ở các nước XHCN, CĐBC chỉ đề cập đến việc bầu cử của nhân dân đối với cơ quan quyền lực nhà nước. Chính vì thế, CĐBC ở các nước XHCN không phức tạp nhiều bằng CĐBC ở các nước TBCN.

Từ phân tích trên cho thấy sự tương đồng và khác biệt như sau:

Tương đồng: bầu cử trực tiếp hay gián tiếp được thực hiện ở từng quốc gia khác nhau, CĐBC ở các nước XHCN và các nước TBCN về mặt hình thức có điểm tương đồng:

- Đều tuyên bố các nguyên tắc bầu cử phổ thông, bình đẳng, bỏ phiếu kín trong bầu cử.

-  Đều ghi nhận QBC và ứng cử của công dân trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Khác biệt: Sự khác biệt giữa 2 CĐBC này là việc thực hiện các nguyên tắc trên thực tế và quy định của pháp luật về bầu cử. Cụ thể:

- Ở các nước TBCN, các tiêu chí, điều kiện cho việc bầu cử và ứng cử được quy định chặt chẽ hơn. Chính vì quy định chặt chẽ như vậy, nên những người lao động trong xã hội khi muốn tham gia vào các hoạt động chính trị nói chung và ứng cử nói riêng rất khó. Ở các nước XHCN, bầu cử và ứng cử được áp dụng rộng rãi đối với đông đảo quần chúng nhân dân lao động trên tinh thần phát huy rộng rãi quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện dân chủ XHCN thu hút đông đảo nhân dân tham gia vào xây dựng và quản lý nhà nước.

- Đối với các nhà nước tư sản, tổ chức và hoạt động của nó theo nguyên tắc phân chia quyền lực, cho nên bầu cử không những là phương thức thành lập cơ quan lập pháp mà còn có thể được áp dụng để bầu các chức danh trong nhánh quyền lực khác. Hay nói cách khác, đối tượng bầu cử ở các nước TBCN rộng hơn. Nhân dân không chỉ bầu ra các nghị sĩ và đại biểu của các cơ quan tự quản Hội đồng địa phương trong một địa hạt nhất định mà còn bầu ra các quan chức cao cấp khác như tổng thống, thị trưởng, thậm chí cả thẩm phán, công tố viên... Ngược lại, các nước XHCN cử tri chỉ bầu ra các cơ quan quyền lực nhà nước để từ đó các cơ quan quyền lực nhà nước thành lập các cơ quan khác.

4. Kết luận

Bầu cử luôn được nhiều quốc gia quan tâm và ngày càng có xu hướng hoàn thiện, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trên cơ sở phân tích việc áp dụng các NTBC ở một số nước và hai mô hình CĐBC căn bản ứng với hai chế độ chính trị đã rút ra gợi mở cho Việt Nam như sau:

Các nước trên thế giới áp dụng 5 NTBC tự do (hoặc bắt buộc), phổ thông, bình đẳng, trực tiếp (hoặc gián tiếp) và bỏ phiếu kín (trong đó có cả nguyên tắc tự do, nguyên tắc bình đẳng).

Ở Việt Nam, Hiến pháp năm 1946 ghi nhận 4 nguyên tắc của bầu cử là “phổ thông đầu phiếu, tự do, trực tiếp và bỏ phiếu kín“ (trong đó có nguyên tắc tự do nhưng không ghi nhận nguyên tắc bình đẳng). Tiếp đến, các Hiến pháp năm 1959, năm 1980, năm 1992, năm 2013 đều quy định “nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín” (đều ghi nhận nguyên tắc bình đẳng, nhưng lại không còn nguyên tắc tự do).

Đối tượng bầu cử ở Việt Nam hẹp hơn so với các nước TBCN, cử tri nước ta chỉ bầu ra các cơ quan quyền lực nhà nước (Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp), để từ đó các cơ quan quyền lực nhà nước bầu ra các chức danh khác. Chẳng hạn, cử tri bầu Quốc hội, Quốc hội bầu ra Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án tòa án nhân dân tối cao.

Với chế độ chính trị một Đảng duy nhất cầm quyền như nước ta, trước mắt việc thực hiện bầu cử vẫn nên duy trì như hiện nay, nhưng cần khắc phục một số hạn chế. Khi điều kiện cho phép, cần nghiên cứu đổi mới CĐBC.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1https://daibieunhandan.vn/nghi-vien-the-gioi-viet-nam-va-the-gioi/BaU-Cu-LaP-PHaP-TReN-THe-GIoI-Chung-va-rieng-i206134/

2https://daibieunhandan.vn/nghi-vien-the-gioi-viet-nam-va-the-gioi/Cac-nguyen-tac-bau-cu--Bau-cu-tu-do-va-bau-cu-bat-buoc-i206782/

3https://daibieunhandan.vn/nghi-vien-the-gioi-viet-nam-va-the-gioi/Cac-nguyen-tac-bau-cu--Bau-cu-tu-do-va-bau-cu-bat-buoc-i206782/

4https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C6%B0%E1%BB%A3ng_vi%E1%BB%87n_Hoa_K%E1%BB%B3

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. HL (2017). Bầu cử lập pháp trên thế giới: chung và riêng. Truy cập tại: https://daibieunhandan.vn/nghi-vien-the-gioi-viet-nam-va-the-gioi/BaU-Cu-LaP-PHaP-TReN-THe-GIoI-Chung-va-rieng-i206134/
  2. HL (2017). Các nguyên tắc bầu cử, bầu cử tự do và bầu cử bắt buộc. Tuy cập tại https://daibieunhandan.vn/nghi-vien-the-gioi-viet-nam-va-the-gioi/Cac-nguyen-tac-bau-cu--Bau-cu-tu-do-va-bau-cu-bat-buoc-i206782.
  3. Hiến pháp Việt Nam các năm 1946, 1959,1980,1992, 2013.

THE SIMILARITIES AND DIFFERENCES

BETWEEN ELECTION MODELS OF SOME COUNTRIES

• Master. MAI THI MINH NGOC

Institute of State and Law, Vietnam Academy of Social Sciences

ABSTRACT:

Elections have long been of interest to many countries, and they are becoming increasingly perfect. Elections are required by the Constitution and laws; however, countries have different election methods and levels. This paper analyzes the application of electoral principles and the similarities and differences between election models of some countries in order to make suggestions for Vietnam.

Keywords: Election models in some countries, electoral principles, similarity.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23 tháng 10 năm 2023]

Tạp chí Công Thương