Tăng cường lãnh đạo thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở trong cơ quan hành chính nhà nước

Ths. LÊ MINH HƯỜNG (Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên)

Tóm tắt:

Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 về thực hiện dân chủ trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập ra đời đã tạo cơ sở pháp lý cho cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện quyền làm chủ tại cơ quan. Bài viết này phân tích và đề xuất giải pháp để đẩy mạnh thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở trong cơ quan hành chính nhà nước, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy vai trò của Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, phát huy vai trò của người đứng đầu và cán bộ, đảng viên trong cơ quan; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện pháp luật trong cơ quan.

Từ khóa: Dân chủ cơ sở, cơ quan hành chính nhà nước, thực hiện pháp luật.

1. Đặt vấn đề
Quan điểm của Đảng về dân chủ và thực hiện thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở đã được thể chế hóa trong hệ thống pháp luật. Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ, Chính phủ ban hành Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08/09/1998 về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 về thực hiện dân chủ trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (thay thế Nghị định 71).
Xây dựng một nền hành chính trong sạch, hiệu lực, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay là một nhiệm vụ cấp bách. Để làm được điều đó, cần xây dựng được hệ thống cơ quan hành chính nhà nước đủ mạnh, bắt đầu từ việc tăng cường sự lãnh đạo thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở trong cơ quan hành chính nhà nước. Theo đó, tác giả đề xuất một số giải pháp cơ bản và cụ thể như sau.
2. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng
Hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng trong cơ quan hành chính. Tổ chức Đảng thực hiện vai trò này thông qua việc ban hành các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn, chỉ đạo… và giám sát, kiểm tra việc triển khai các nghị quyết, hướng dẫn, chỉ đạo đó. Cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết,… của các cấp ủy, bằng các chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm thực hiện sự lãnh đạo của tổ chức Đảng trong mỗi cơ quan.
Trong nội bộ cơ quan hành chính nhà nước, Cấp ủy Đảng chỉ đạo và giám sát chặt chẽ việc thông qua chủ trương, kế hoạch tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức; lãnh đạo và chỉ đạo việc tiến hành xây dựng các quy trình, thủ tục trong cơ quan hành chính, đảm bảo các bước thực hiện trong quy trình phải có sự tham gia của cán bộ, công chức hoặc đảm bảo cán bộ, công chức được biết, được bàn bạc, được thông qua, được tham gia thực hiện hoặc được giám sát, kiểm tra; lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Quy chế làm việc của cơ quan hành chính nhà nước, Quy chế tiếp công dân, Quy chế chi tiêu nội bộ. Cấp ủy Đảng cũng lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các nội dung đó trên thực tế, thực hiện giám sát, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh nếu có nội dung được thực hiện chưa đúng hoặc chưa đủ, chậm trễ hoặc thiếu sót; đảm bảo quyền dân chủ của cán bộ, công chức trong cơ quan; đảm bảo cá nhân, tổ chức có thẩm quyền phải thực hiện hiện pháp luật về dân chủ cơ sở.
Trong quan hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Cấp ủy Đảng lãnh đạo cơ quan hành chính nhà nước xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động trong thực hiện quyền làm chủ của cán bộ, công chức và nhân dân địa phương; đảm bảo quyền làm chủ của cán bộ, công chức và nhân dân địa phương; khắc phục tình trạng thực hiện pháp luật kém hiệu quả do thiếu phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
3. Kiện toàn, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở
Thực tiễn ở địa phương nào Ban Chỉ đạo được kiện toàn kịp thời, có quy chế hoạt động, chương trình công tác, phân công trách nhiệm cụ thể, rành mạch cho từng thành viên thì ở cơ quan đó việc thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở có nề nếp, chất lượng và hiệu quả được nâng cao. Trong quá trình thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở trong cơ quan hành chính nhà nước, phải tạo sự thống nhất, phối hợp đồng bộ giữa tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể quần chúng trong cơ quan.
Để củng cố và kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp, cần coi trọng việc bố trí những cán bộ có tâm huyết, có uy tín và năng lực tham gia Ban Chỉ đạo; tạo điều kiện thuận lợi để Ban Chỉ đạo các cấp hoạt động có hiệu quả.
4. Làm tốt công tác quy hoạch, phát huy vai trò người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước
Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước, người có chức vụ trong quan hành chính nhà nước với sự hiểu biết pháp luật, sự tôn trọng pháp luật của họ, có ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở trong cơ quan hành chính nhà nước. Nói “thủ trưởng nào, phong trào ấy” là không sai, đặc biệt là khi xây dựng môi trường văn hóa pháp lý công sở hành chính. Trong quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý, cần chú trọng lắng nghe ý kiến quần chúng từ khâu phát hiện, giới thiệu, đến các bước bỏ phiếu tín nhiệm… để đảm bảo cán bộ, công chức do Đảng cử là đúng người, phù hợp; và khi Đảng đã cử thì dân sẽ bầu vì việc quy hoạch cán bộ đã cân nhắc trên cơ sở ý kiến của nhân dân.
Một cán bộ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước từ khi nắm giữ những chức vụ thấp đã thể hiện thói quen chuyên quyền, độc đoán, phi dân chủ thì thói quen ấy khó có thể thay đổi được khi cán bộ này nắm giữ những chức vụ cao hơn trong bộ máy hành chính. Và nếu ở những chức vụ chưa cao, với tầm ảnh hưởng chưa nhiều mà cá tính lãnh đạo của họ đã thể hiện rõ ràng khuynh hướng phi dân chủ, thì người có thẩm quyền, thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước cần phải thật sự cân nhắc khi xây dựng, quy hoạch hoặc bổ nhiệm họ ở những vị trí quản lý cao hơn. Thông tin về khuynh hướng lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý nằm chính trong cán bộ, công chức hành chính. Hay nói cách khác, lắng nghe ý kiến, coi trọng, tôn trọng ý kiến của cơ sở trong quy trình quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ là vô cùng cần thiết; tránh tình trạng quá coi trọng yếu tố này mà bỏ qua hoặc xem nhẹ yếu tố khác. Ví dụ: bởi vì quá đề cao trình độ, chuyên môn nên bỏ qua việc cán bộ ấy có tác phong chuyên quyền, độc đoán, không lắng nghe người khác.
5. Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên
Cán bộ, đảng viên vừa là người trực tiếp thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở tại cơ quan, vừa là người tổ chức cho nhân dân thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở tại xã, phường, thị trấn. Thực tế cho thấy, vai trò, vị trí của cán bộ, đảng viên trong cơ quan hành chính nhà nước là vai trò đầu tầu, dẫn dắt phong trào thực hiện dân chủ cơ sở. Chính vì thế, cần nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở trong cơ quan. Không có khẩu hiệu về thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở nào thuyết phục hơn chính khẩu hiệu toát ra từ hành động thực tế của cán bộ, đảng viên.
Khi đã có phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, đảng viên thì rất cần có đánh giá, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, đảng viên về việc thực hiện nhiệm vụ, thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở trong cơ quan hành chính nhà nước. Việc đánh giá cán bộ, đảng viên cần đi vào thực chất, tránh việc qua loa, phiến diện, căn cứ vào vị trí công tác của cán bộ, đảng viên nhiều hơn là kết quả thực hiện nhiệm vụ, giữ gìn đạo đức, tính gương mẫu, dám chịu trách nhiệm, đấu tranh chống các biểu hiện sai trái, tiêu cực… trong Đảng.
6. Tăng cường kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả việc thực hiện đường lối, pháp luật về dân chủ cơ sở trong cơ quan
Kiểm tra, giám sát của Đảng là một trong những phương thức cơ bản để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động quản lý nhà nước. Đảng thực hiện kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và các đảng viên trong các cơ quan nhà nước để phát hiện, khuyến khích những nhân tố tích cực, đồng thời chấn chỉnh kịp thời các hiện tượng tiêu cực, vi phạm đường lối, chủ trương, điều lệ của Đảng. Kiểm tra, giám sát của Đảng được thực hiện nghiêm túc và thường xuyên là điều kiện quan trọng để bảo đảm cho hoạt động quản lý nhà nước theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng.
Hoạt động kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả việc thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật về dân chủ cơ sở tại cơ quan hành chính nhà nước và xử lý kỷ luật Đảng đối với cán bộ, đảng viên (nếu có) được thực hiện bởi: Đảng bộ cấp trên với đảng bộ cấp dưới, đặc biệt là thông qua hoạt động của Ủy ban kiểm tra các cấp; tự kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng. Mục đích của kiểm tra, giám sát là nắm bắt thông tin về việc thực hiện đường lối, pháp luật dân chủ cơ sở trong cơ quan hành chính nhà nước để có chỉ đạo tiếp theo; phát hiện được vi phạm để xử lý (nếu có).
Kết quả của kiểm tra, giám sát sẽ được sử dụng để đánh giá về mức độ thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở trong cơ quan hành chính nhà nước; rút ra các bài học kinh nghiệm; quy trách nhiệm cá nhân, tập thể đối với kết quả thực hiện để từ đó đánh giá năng lực, trình độ, trách nhiệm, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân, tập thể; là căn cứ để khen thưởng, kỷ luật…
7. Kết luận
Các cơ quan hành chính nhà nước dù đã và đang tích cực cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đặt ra của xã hội. Thời gian vừa qua, hàng loạt đại án tham nhũng đã được đưa ra xét xử. Trong số đó, có nhiều cá nhân vi phạm là người đứng đầu, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước. Cùng với đó là không ít các hành vi vi phạm pháp luật về dân chủ cơ sở trong cơ quan hành chính nhà nước đã gây mất niềm tin của nhân dân.
Thực hiện tốt quá trình lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hiện pháp luật sẽ đảm bảo cho việc thực hiện pháp luật về dân chủ trong cơ quan hành chính nhà nước diễn ra đúng hướng, đúng quy định; tạo môi trưởng công tác vừa dân chủ, vừa đảm bảo kỷ cương trong cơ quan.

Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
2. Nguyễn Quốc Sửu (2016), Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Tạp chí Cộng sản, (9).
3. Bùi Thị Ngọc Mai (2015), Trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ quan hành chính nhà nước, Luận án tiến sĩ Quản lý hành chính công, Học viện Hành chính Quốc gia, Hà Nội.

STRENGTHEN THE LEADERSHIP OF THE PARTY COMMITTEES ON THE IMPLEMENTATION OF DEMOCRATIC REGULATIONS AT STATE ADMINISTRATIVE AGENCIES

Master. Le Thi Minh Huong
Political School of Thai Nguyen Province

Abstract:
The Decree No. 04/2015 / ND-CP dated on January 9, 2015 on the implementation of democracy in activities of state administrative organs and public non-business units has created legal foundations for public servants and officials to use their leadership right at their working places. This paper is to analyze and propose solutions to promote the implementation of regulation on grassroots democracy at state administrative agencies. It is necessary to strengthen the leadership of the Party committees at all levels, promote the role of the Steering Committee on the Implementation of Democratic Regulations at the grassroots level, promote the role of heads, cadres and party members at agencies and intensify the inspection, supervision and evaluation the results of enforcing laws at agencies.
Keywords: Grassroots democracy, state administrative agencies, law enforcement.