Theo đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, nhờ đó đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân và ý thức cũng như trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm vẫn tồn tại một số bất cập như mô hình quản lý chưa đồng bộ, hiệu quả thấp; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở; các hình thức kinh doanh trên nền tảng số ngày một đa dạng, khó quản lý; tình trạng buôn lậu thực phẩm qua biên giới; quảng cáo thực phẩm sai sự thật; lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý diễn biến phức tạp; thực phẩm trong các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục chưa thực sự bảo đảm, ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ người dân cũng như an ninh, an toàn thực phẩm.
Trước tình hình đó, ngày 21/10/2022, tại Chỉ thị số 17-CT/TW, Ban Bí thư đã yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới với 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Ngày 2/12/2022, thực hiện nhiệm vụ Ban Bí thư giao, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 82-HD/BTGTTW nhằm triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên.
Ngày 28/3/2023, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch số 13-KH/BCSĐ thực hiện Chỉ thị số 17 nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của ngành Công Thương đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm. Theo đó, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị thuộc Bộ.
Tại Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 21/04/2023, Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư nhằm quán triệt những quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tại Chỉ thị số 17. Điểm nhấn quan trọng trên cơ sở chúng ta thí điểm nhiều chính sách, mô hình quản lý, Thủ tướng Chính phủ giao liên Bộ sớm kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh an toàn thực phẩm.
Hiện nay, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Công Thương đang khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch của Bộ thực hiện Quyết định 426/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước ngành Công Thương theo hướng thống nhất một đầu mối xuyên suốt từ trung ương tới địa phương và lồng ghép nhiệm vụ an ninh, an toàn thực phẩm thành nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của từng đơn vị trong Bộ. Trong đó, định hướng giao Vụ Thị trường trong nước chủ trì xây dựng, liên kết các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế nhằm hỗ trợ việc phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn.
Để đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong thời gian tới, đại diện Vụ Khoa học và công nghệ cho biết, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ nhằm giúp các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình, góp phần phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn.
Thứ nhất về hoàn thiện chính sách pháp luật và tổ chức bộ máy, Bộ Công Thương sẽ tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp về thu hồi, giám sát và xử lý đối với sản phẩm, hàng hóa là thực phẩm có khuyết tật trên thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; kiện toàn, giao một đơn vị giữ vai trò đầu mối tham mưu Lãnh đạo Bộ trong công tác quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm và lồng ghép an ninh, an toàn thực phẩm thành nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của từng đơn vị trong Bộ.
Thứ hai về công tác thanh tra kiểm tra, Bộ Công Thương sẽ rà soát, hoàn thiện các quy định về thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm theo hướng phù hợp với Luật Thanh tra được thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023; Đồng thời, xây dựng, đề xuất các biện pháp phù hợp với tình hình thực tế để đẩy mạnh công tác phòng, chống nạn hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng nhái đang lưu thông trên thị trường;
Thứ ba về công tác truyền thông, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh, tăng cường tuyên truyền, vận động, giáo dục, cung cấp thông tin, hỗ trợ pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về an ninh, an toàn thực phẩm.
Thứ tư về chính sách hỗ trợ, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, ban hành chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm ứng dụng công nghệ cao và kết nối chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn; tiếp tục triển khai các hoạt động nhân rộng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm, phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; khuyến khích đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới logistics, bảo quản, chế biến, thương mại điện tử ở nông thôn; Đẩy mạnh ký kết các điều ước, thỏa thuận quốc tế về công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm của ngành liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
Thứ năm về cơ chế phối hợp, liên Bộ: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tham mưu Chính phủ thí điểm nhiều chính sách như thí điểm mô hình quản lý tập trung dưới dạng Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh, thành phố; thí điểm công bố sản phẩm và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu dựa trên quản lý rủi ro, thí điểm miễn giảm chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, thí điểm lựa chọn cơ quan hành chính thực hiện thủ tục hành chính, thí điểm quản lý chợ đầu mối giao ngành Nông nghiệp, thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở cấp huyện, xã ….
Những kết quả thí điểm trên đã mang lại nhiều kết quả tích cực như giảm đầu mối quản lý và giải quyết thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí, thời gian giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và công tác quản lý nhà nước đã từng bước đi vào thực chất.
"Tuy nhiên, khi thay đổi mô hình quản lý theo hướng thống nhất một đầu mối, lồng ghép an ninh, an toàn thực phẩm thành nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của các Bộ, ngành, đơn vị thì chúng ta cần tăng cường sự phối hợp liên ngành, chia sẻ thông tin thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, hệ thống thông tin hoặc cơ sở dữ liệu chuyên ngành để công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm đạt hiệu quả", đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ nêu rõ.