Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam - Liên bang Nga phát triển thị trường
Nhằm đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì, củng cố vị trí tại các thị tường xuất khẩu truyền thống trong điều kiện mới, ngày 12/10, Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga và các cơ quan hữu quan tổ chức Chương trình “Ngày Việt Nam tại Liên bang Nga” và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Liên bang Nga tại thành phố Moskva, Liên bang Nga.
Chương trình thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu đại diện chính quyền, các tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp hai nước. Đặc biệt, sự kiện vinh dự được đón Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Nga V.E. Ilichev tham dự lễ khai mạc và phát biểu chỉ đạo.
Tại Chương trình “Ngày Việt Nam tại Thành phố Moskva 2023”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên khẳng định trong bối cảnh hiện nay, việc củng cố và tăng cường hợp tác kinh tế song phương nhằm chống lại sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội mỗi nước là một đòi hỏi tất yếu, khách quan và là hành động vô cùng cần thiết.
Vì vậy, sáng kiến tổ chức Những ngày Việt Nam tại Liên bang Nga, với sự góp mặt của trên 50 doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực nông sản, thực phẩm, đồ uống, may mặc, cơ khí chế tạo… và hoạt động kết nối giao thương của trên 150 doanh nghiệp hai nước chính là một trong những hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm giúp cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên liên kết, hợp tác với nhau chặt chẽ hơn, giúp những người tiêu dùng Nga có nhiều cơ hội sử dụng hàng hóa có chất lượng với giá cả phù hợp từ Việt Nam.
Bộ Công Thương luôn sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng của Liên bang Nga để làm cầu nối, hỗ trợ hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp 2 nước triển khai các hoạt động hợp tác trong tương lai, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước.
Thứ trưởng Bộ phát triển kinh tế Nga V.E. Ilichev khẳng định quan hệ đối tác Nga - Việt Nam là mối quan hệ đáng tin cậy và ổn định ngay cả trong tình hình thế giới đầy biến động hiện nay. Thứ trưởng cho biết Chính phủ Nga luôn hỗ trợ và bảo đảm sự ổn định làm ăn đối với các doanh nghiệp Việt Nam tại Nga.
Thứ trưởng V.E. Ilichev cũng chúc mừng Việt Nam đã giữ vững tăng trưởng, GDP hơn 8% trong thời kỳ khó khăn của kinh tế thế giới. Với tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế Nga và Việt Nam, Thứ trưởng V.E. Ilichev tin tưởng rằng quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển. Nhất là khi tuyến đường biển từ Vladivostoc do tập đoàn Fesco mới đưa vào hoạt động sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa tới Việt Nam. Bên cạnh đó, việc thanh toán giữa hai bên cũng được thực hiện qua ngân hàng liên doanh Việt - Nga dễ dàng.
Tham gia Ngày Việt Nam tại Liên bang Nga lần này, Bộ Công Thương tổ chức Đoàn giao dịch xúc tiến thương mại cấp quốc gia với hơn 50 doanh nghiệp trong các lĩnh vực nông sản, thực phẩm, đồ uống, may mặc, cơ khí chế tạo.
Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia trưng bày các sản phẩm tiêu biểu tại Hội chợ “Hàng Việt Nam chất lượng cao Moskva 2023” nhằm quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác và ký kết hợp đồng, tìm kiếm cơ hội phát triển thị trường. Hội chợ dự kiến thu hút sự quan tâm tham gia của hơn 10.000 lượt khách trong 5 ngày trưng bày.
Tháo gỡ khó khăn, mở rộng hợp tác cho doanh nghiệp Việt Nam - Liên bang Nga
Cùng ngày 12/10 đã diễn ra Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Liên bang Nga, thu hút sự quan tâm tham dự của hơn 200 đại biểu đại diện chính quyền, các tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp hai nước.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương khẳng định quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư giữa hai nước đã không ngừng phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thời gian qua, nhất là khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012 và cùng triển khai Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu vào năm 2016.
Mặc dù quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước là hết sức tốt đẹp, và cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước là rất lớn, nhưng cũng cần thừa nhận rằng, kim ngạch thương mại song phương còn rất khiêm tốn so với tổng kim ngạch thương mại của hai nước, chỉ chiếm chưa đầy 1% kim ngạch xuất nhập khẩu của mỗi nước.
Theo số liệu thống kê, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga năm 2021 đạt 7,1 tỷ USD. Do tác động từ nhiều phía, giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Nga năm 2022 chỉ đạt khoảng 3,6 tỷ USD. Trong các tháng đầu năm 2023, thương mại song phương Việt-Nga đang trên đà phục hồi; 8 tháng đầu năm đạt 2,2 tỷ USD.
Hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên bang Nga có nhiều thuận lợi nhờ tính chất bổ trợ của nền kinh tế. Nga có nhu cầu nhập khẩu lớn những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh dựa trên điều kiện kinh tế tự nhiên thuận lợi, lợi thế về nhân công trong nhiều lĩnh vực như dệt may, da giày, máy móc thiết bị điện tử...
Ở chiều ngược lại, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu lớn nhiều loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông, các sản phẩm nông nghiệp phục vụ đầu vào cho hoạt động sản xuất để đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao và sự mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế. Tuy căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của các nước vào thị trường Nga nhưng đây vẫn là thị trường với tiềm năng xuất khẩu còn rất lớn mà các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác hết.
“Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, việc tăng cường hợp tác quốc tế giữa các tổ chức xúc tiến thương mại là tất yếu và cần thiết. Cục Xúc tiến thương mại với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại sẽ luôn hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước kết nối giao thương, góp phần tăng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước.” - Ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Với phần chia sẻ của các diễn giả đến từ Liên đoàn các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga hợp tác với châu Á, Ngân hàng VTB, Tập đoàn X5, công ty vận tải Fesco, các doanh nghiệp Việt Nam đã nắm bắt thêm thông tin về các quy định nhập khẩu, phân phối hàng hoá vào thị trường LB Nga, phương thức thanh toán thông qua hệ thống ngân hàng Nga và cách thức vận chuyển hàng hoá trong tình hình mới.
Ông Lê Đắc Quân, Tham tán, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga cho rằng, Diễn đàn là nơi phù hợp và thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp hai nước thảo luận với các cơ quan chức năng về các giải pháp cụ thể tháo gỡ các khó khăn hiện hành cũng như trao đổi chi tiết về những cơ hội mở rộng hợp tác trong giai đoạn tới.
Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga luôn sẵn sàng phối hợp với Bộ Công Thương, các Bộ, ngành của Việt Nam và Nga, hỗ trợ doanh nghiệp hai nước kết nối, tháo gỡ khó khăn và mở rộng hợp tác, góp phần đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày càng phát triển.
Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Eksler Maria Viktorovna cho biết X5 là hệ thống bán lẻ thực phẩm hàng đầu, hoạt động trên 25 năm tại thị trường Nga với hơn 22.000 cửa hàng, lượng khách đạt 17.3 triệu khách hàng mỗi ngày.
Bên cạnh việc chia sẻ những quy định đưa hàng vào hệ thống siêu thị X5, bà cũng cho biết hiện X5 đang tìm kiếm nguồn hàng từ các nước, trong đó có Việt Nam gồm: Sô cô la, Bia, Nước giải khát có ga, Cá và hải sản (cá tra, cá ngừ, sò điệp, tôm), Cá đóng hộp, Bánh pudding, Kem tươi, Sốt mayonnaise, Nước cốt dừa, Bánh bao đông lạnh.
Đại diện Ngân hàng VTB Nga, bà Gulnara Schlessinger chia sẻ những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thanh toán không qua hệ thống SWITF, theo các kênh liên lạc nội bộ của nhóm công ty VTB. Các giải pháp VTB đưa ra linh hoạt, theo nhu cầu của khách hàng và đảm bảo tính an toàn. VTB có các mối liên kết với thị trường Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và các nước thuộc CIF và đảm bảo thanh toán cho các doanh nghiệp nếu mở tài khoản ở VRB bằng RUB hoặc tiền Việt.
Trong lĩnh vực vận tải, ông Ruabiki Mikhail, đại diện công ty Fesco cho biết đã đưa vào vận hành tuyến vận tải đường biển trực tiếp giữa Việt Nam với cảng Vladivostok thuộc khu vực Viễn Đông của Liên bang Nga, mở ra Cửa sổ phương Đông cho hàng hóa Việt Nam nhanh chóng tiếp cận thị trường Nga.
Ông Ruabiki Mikhail cũng chia sẻ, thời gian vận chuyển từ cảng Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng đến Vladivostosk hoặc ngược lại được rút ngắn từ 10-12 ngày xuống còn 7-8 ngày.
Hiện Fesco không gặp trở ngại nào trong việc vận tải hàng hóa từ Việt Nam sang Vladivostok và công ty cũng hợp tác rất chặt chẽ với tập đoàn Đường sắt Nga (RZhD) và các doanh nghiệp khác để hàng hóa từ Việt Nam có thể nhanh chóng được chuyển đến các khu vực của Nga. Ngoài ra, Fesco cũng đã lập văn phòng ở Việt Nam để đơn giản hóa và đẩy nhanh hoạt động chuyên chở hàng hóa cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Kornilov Anton Sergeevich đại diện Trung tâm Xuất khẩu Nga (JSC EXIAR) thuộc Tập đoàn REC cho biết sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu làm ăn kinh doanh với Nga. REC đã thành lập một văn phòng đại diện của Tập đoàn tại Việt Nam, nhằm cung cấp hỗ trợ toàn diện cho các hoạt động xuất nhập khẩu của các công ty Nga, cũng như kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam. Trong xu thế thương mại điện tử ngày càng phát triển, REC cung cấp các nền tảng kết nối, tuyên truyền, quảng bá trực tuyến, tạo điều kiện để các doanh liên hệ với nhau hoặc thông qua REC.
Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra Lễ Ký kết Thoả thuận hợp tác giữa Công ty cổ phần Good Charme và Trung tâm doanh nghiệp quốc tế, Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Thiên Nga với Công ty RUSKHOPRO. Lễ ký kết đã được diễn ra dưới sự chứng kiến của đại diện Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga và Tổng giám đốc Công ty INCENTRA.
Ngay sau Diễn đàn, các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện các hoạt động kết nối giao thương B2B trực tiếp với doanh nghiệp sở tại, ước tính có hơn 150 lượt giao dịch đã diễn ra.