Trong bối cảnh hội nhập, nhất là khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng dòng vốn đầu tư nước ngoài có thể chuyển hướng "đổ" vào Việt Nam thông qua nhiều hình thức; trong đó phải kể tới hoạt động mua bán-sáp nhập (M&A).
Với chủ trương tạo thuận lợi của Chính phủ, đặc biệt sau khi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)... sẽ tạo chất xúc tác để nhiều thương vụ M&A triển khai mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết ngoài việc đưa ra các định hướng chiến lược mới trong thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng ưu tiên thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chuyển từ số lượng sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao, lấy hiệu quả và công nghệ sử dụng làm thước đo chủ yếu gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững..., Chính phủ còn chủ trương áp dụng các hình thức đầu tư mới như đầu tư xuyên biên giới không góp vốn (NEM) và mở rộng phương thức M&A.
Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, những yếu tố tích cực này mở ra kỷ nguyên mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam với những cơ hội bứt phá và đưa M&A thực sự trở thành kênh thu hút đầu tư nước ngoài quan trọng.
Thực tế cho thấy, mới đây thị trường đã chứng kiến một số thương vụ M&A "đình đám" mang lại nguồn thu lớn cho doanh nghiệp và Nhà nước như việc Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đã trở thành cổ đông chiến lược của Tập đoàn Vingroup (VIC) với giá trị 1 tỷ USD; thương vụ bán 15% cổ phần của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho Ngân hàng Keb Hana Bank (Hàn Quốc) với 885 triệu USD.
Hay trước đó là thương vụ "bắt tay" giữa Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt với Công ty Samty Asia Investment Pte. Ltd và đơn vị phát triển bất động sản hàng đầu của Nhật Bản thông qua Quỹ Vietnam New Urban Center LP với tổng trị giá đầu tư lên tới 22,5 triệu USD. Cùng với đó, Quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures cũng chính thức công bố khoản đầu tư 4 triệu USD vào Công ty Công nghệ môi giới bất động sản Rever...
Bên cạnh những thương vụ gọi vốn thành công cũng có không ít dự án thất bại, cho dù doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm và "hào hứng" rót vốn. Song, do đôi bên không đạt được tiếng nói chung trong việc định giá tài sản dẫn tới không thống nhất về giá trị hơp đồng.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Vietnam, cho biết thời gian qua, hoạt động M&A diễn ra rất sôi động; trong đó, lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ lệ rót vốn lớn nhất. Các dự án M&A không chỉ thúc đẩy thị trường bất động sản, hoạt động ngân hàng mà còn giúp nâng cao tính hấp dẫn cho thị trường tài chính, chứng khoán.
Với sự hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay thì hoạt động M&A sẽ có nhiều triển vọng và cơ hội phát triển, nhất là khi Việt Nam đang là điểm sáng thu hút nhiều dòng vốn ngoại. Tuy nhiên, cũng có không ít các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài còn khá dè dặt và ngại ngần khi tiếp cận và tìm hiểu hoạt động M&A tại Việt Nam vì nhiều lý do; trong đó đa phần là những quan ngại về chính sách và các thủ tục tài chính.
Sự thiếu nhất quán trong thực hiện các thủ tục đầu tư khiến nhiều thương vụ M&A bị kéo dài thời gian giao dịch so với dự kiến và kéo theo đội chi phí, giá thành tăng cao.
Bà Trần Thị Bảo Ngọc, Giám đốc Khối dịch vụ ngân hàng đầu tư, Công ty Chứng khoán VPBank, cho hay lường trước vấn đề này nên đã có không ít nhà đầu tư nước ngoài phải nhờ sự can thiệp của các chuyên gia tư vấn luật chuyên nghiệp. Song cũng không thể chắc chắn được kết quả của thương vụ sẽ được hoàn tất vào thời điểm nào và có trùng với kế hoạch hay không.
Vì thế, theo bà Ngọc, một khi thực hiện các cam kết mở cửa thị trường thì quy định về M&A của Việt Nam cần phải tiệm cận với thông lệ quốc tế và hỗ trợ các nhà đầu tư gỡ vướng trong các giao dịch.
Định giá tài sản và thẩm định giá trị để đạt được sự thống nhất về mức giá trong mỗi thương vụ M&A là vấn đề hết sức nan giải. Qua kinh nghiệm của mình, ông Nguyễn Hoàng cho biết nhiều nhà đầu tư giao dịch M&A thất bại do kết quả thẩm định không như kỳ vọng của họ và có sự chênh lệch khá lớn về định giá, chưa kể những phát sinh trong quá trình thẩm định dẫn tới phải điều chỉnh mức giá, gây ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư.
Liên quan tới việc M&A một số dự án, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ và quản lý đa số phần vốn, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, do triển khai cổ phần hóa chậm chạp, còn nhiều vướng mắc trong thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước nên dù dòng vốn đầu tư có tiềm năng và chủ đầu tư có quan tâm tới đâu thì đạt được thỏa thuận giữa bên bán và bên mua cũng sẽ rất khó khăn.
Ngoài ra, lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty và đơn vị nhà nước còn nhận thức chưa đầy đủ, thiếu quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động, công khai minh bạch tài chính và không thực hiện nghiêm túc các quy định để đảm bảo nguyên tắc của thị trường hay xuất hiện lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.... Đây là những rào cản cần được tháo gỡ nhằm tạo lối đi thông thoáng, dễ dàng, thuận lợi đón các dòng vốn đầu tư từ nước ngoài đang "ngấp nghé" tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho hay để tạo sự bứt phá thì thị trường M&A Việt Nam kỳ vọng vào sự đổi mới, cải cách trong quá trình ban hành và thực thi chính sách của các cơ quan có thẩm quyền; đồng thời tiến hành hoạt động kết nối các thương vụ giữa bên bán và bên mua./.