Tóm tắt:
Hòa giải là phương án giải quyết tranh chấp tối ưu nhất, thường được các bên tranh chấp lựa chọn bởi những ưu điểm như tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cũng như duy trì mối quan hệ giữa các bên. Hiện nay, việc hòa giải vụ việc dân sự có thể được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau, có thể thực hiện trong tố tụng và ngoài tố tụng, có thể được tiến hành bởi Tòa án hoặc các chủ thể khác. Bài viết đề cập đến các phương thức hòa giải vụ việc dân sự tại Tòa án được pháp luật Việt Nam quy định, đồng thời phân tích ưu điểm và hạn chế của các phương thức hòa giải đó và một số điểm chưa thống nhất trong các quy định của pháp luật liên quan.
Từ khóa: hòa giải, phương thức hòa giải, hòa giải vụ việc dân sự, hòa giải, đối thoại tại Tòa án, hòa giải trong tố tụng dân sự.
1. Hòa giải và đối tượng của thủ tục hòa giải
Hiện nay, theo quy định của pháp luật, việc giải quyết các vụ việc dân sự (theo nghĩa rộng) có thể được thực hiện theo các phương thức: thương lượng, hòa giải, Tòa án và Trọng tài. Trong đó, phương thức hòa giải ngày càng được quan tâm và được nhiều người dân lựa chọn. Theo từ điển Tiếng Việt, hòa giải được định nghĩa là “hành vi thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột hoặc xích mích một cách ổn thỏa”[1]. Theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, hòa giải ở cơ sở “là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này”[2]. Theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (viết tắt là LHĐGT) năm 2020, hòa giải tại Tòa án được hiểu là “hoạt động hòa giải do hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự, nhằm hỗ trợ các bên tham gia hòa giải thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Luật này”[3]. Từ những định nghĩa trên có thể hiểu hòa giải là hoạt động do người thứ ba làm trung gian, tiến hành giúp đỡ các bên tìm ra phương án giải quyết tranh chấp một cách tự nguyện, đảm bảo được hòa khí giữa các bên tham gia. Đối với thủ tục hòa giải được tiến hành tại Tòa án, hiện nay có hai hình thức: hòa giải theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và hòa giải trong tố tụng dân sự theo Bộ luật Tố tụng dân sự (viết tắt BLTTDS). Đối với thủ tục hòa giải theo LHGĐT, cơ bản có thể hiểu, Tòa án là nơi diễn ra việc hòa giải, nhưng việc hòa giải sẽ do Hòa giải viên tiến hành. Hòa giải viên theo quy định của Luật này là người có đủ điều kiện, được Chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm nhưng không thuộc cơ cấu của ngành Tòa án. Thẩm phán tại Tòa án chỉ tham gia vào việc chỉ định Hòa giải viên, tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải và trong trường hợp các bên có yêu cầu sẽ ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành. Đối với thủ tục hòa giải trong tố tụng theo BLTTDS, việc hòa giải cũng được diễn ra tại Tòa án, nhưng người tiến hành hòa giải sẽ là Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc và cũng là người ra quyết định công nhận hòa giải thành.

Về đối tượng của thủ tục hòa giải, từ các định nghĩa trên, có thể thấy, thủ tục hòa giải được áp dụng trong trường hợp các bên có tranh chấp với nhau, họ không tự giải quyết được mâu thuẫn giữa các bên nên cần có người thứ ba làm trung gian, phân tích, thuyết phục họ cùng thống nhất phương án giải quyết tranh chấp một cách hoà bình. Như vậy, về nguyên tắc, thủ tục hòa giải sẽ được áp dụng đối với các vụ án dân sự, là những vụ việc mà các bên có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ dân sự. Bên cạnh đó, thẩm quyền giải quyết của Tòa án còn bao gồm các việc dân sự, là những việc mà đương sự yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ phát sinh, thay đổi, hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự [4]. Những loại việc dân sự này về bản chất không có tranh chấp nên không cần thực hiện thủ tục hòa giải, tuy nhiên, trường hợp “yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn” là một ngoại lệ. Đối với yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn, các bên đã có sự tự nguyện, thống nhất với nhau về việc giải quyết vấn đề nuôi con và chia tài sản, không có bất cứ tranh chấp gì ở đây, nhưng theo quy định của BLTTDS, Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ [5]. Bởi lẽ, việc ly hôn có thể phát sinh những hệ luỵ không tốt, nhất là đối với những đứa trẻ, nên Nhà nước sẽ luôn cố gắng hàn gắn mối quan hệ giữa các bên vợ chồng giúp họ đoàn tụ với nhau.
2. Thủ tục hòa giải vụ việc dân sự tại Tòa án theo quy định của pháp luật Việt Nam
Thủ tục hòa giải các vụ việc dân sự hiện nay được pháp luật Việt Nam quy định rất đa dạng, có thể liệt kê các phương thức sau: hòa giải tại cơ sở theo Luật Hòa giải ở cơ sở; hòa giải tiền tố tụng bao gồm hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã và hòa giải tranh chấp về lao động trước khi khởi kiện tại Tòa án; hòa giải theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; hòa giải trong tố tụng dân sự theo BLTTDS. Trong bài viết này, tác giả chỉ giới hạn trong phạm vi khái quát và so sánh giữa thủ tục hòa giải theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và hòa giải trong tố tụng dân sự theo BLTTDS.
2.1. Hòa giải theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Theo quy định tại Điều 2 LHGĐT 2020, hòa giải tại Tòa án là hoạt động hòa giải do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự, nhằm hỗ trợ các bên tham gia hòa giải thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Luật này. Hòa giải viên tham gia hòa giải, là những người có đủ điều kiện, được Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm để tiến hành hòa giải tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn theo quy định của Luật HGĐT.
Sau khi người khởi kiện, người yêu cầu gửi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự tại Tòa án theo quy định tại Điều 190 BLTTDS, Tòa án sẽ thông báo để người khởi kiện, người yêu cầu biết về quyền được lựa chọn hòa giải và lựa chọn Hòa giải viên theo quy định của LHGĐT. Thủ tục hòa giải được quyết định theo các bước:
- Người khởi kiện, người yêu cầu đồng ý hòa giải, hoặc được thông báo đến lần thứ hai nhưng vẫn chưa có ý kiến trả lời.
- Thẩm phán phụ trách hòa giải chỉ định Hòa giải viên theo nguyên tắc: (i) người khởi kiện, người yêu cầu lựa chọn Hòa giải viên trước; (ii) Thẩm phán phụ trách hòa giải tự mình chỉ định Hòa giải viên trong các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 17 LHGĐT.
- Tòa án thông báo bằng văn bản về việc chuyển vụ việc sang hòa giải, đối thoại và văn bản chỉ định Hòa giải viên cho Hòa giải viên, người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
- Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại nếu người bị kiện đồng ý hòa giải hoặc không trả lời Tòa án [6].
Như vậy có thể kết luận, thủ tục hòa giải theo LHGĐT được thực hiện khi các bên đương sự có ý kiến đồng ý hoặc không trả lời. Trường hợp một trong hai bên có ý kiến không đồng ý vụ việc sẽ được chuyển sang để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Nhìn chung, thủ tục hòa giải theo LHGĐT có rất nhiều ưu điểm như tiết kiệm chi phí bởi chi phí hòa giải sẽ do ngân sách nhà nước đảm bảo trừ những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 9 LHGĐT; tiết kiệm công sức, thời gian của công dân, thủ tục đơn giản, gọn lẹ. Việc hòa giải cũng được tiến hành bởi những người có trình độ, chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật, bởi Hòa giải viên theo quy định của pháp luật là những người đã công tác trong ngành Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, hoặc các luật sư, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác [7]. Kết quả hòa giải thành cũng sẽ được Tòa án ra quyết định công nhận khi các bên có yêu cầu. Quyết định này có hiệu lực pháp luật, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của BLTTDS và được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự [8].
Tuy nhiên, thủ tục hòa giải này cũng có hạn chế nhất định. Việc giải quyết tranh chấp chỉ đạt hiệu quả cao nếu các tình tiết, sự việc được làm sáng tỏ thông qua các hoạt động thu thập chứng cứ. Hiện nay, LHGĐT chỉ có quy định Hòa giải viên có quyền xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến tranh chấp và yêu cầu các bên cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan mà không có quy định nào cụ thể về việc Hòa giải viên có thể thực hiện các biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ khác. Tại công văn số 196/TANDTC-PC ngày 03/10/2023 về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử, cũng có thông tin trả lời rằng Hòa giải viên không xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định tại Điều 97 của BLTTDS [9]. Trên cơ sở hạn chế về việc xác minh, thu thập chứng cứ như vậy, kết quả hòa giải thành nếu được Tòa án ra quyết định công nhận có thể sẽ gặp khó khăn trong quá trình thi hành án, đặc biệt đối với những vụ việc phức tạp như có liên quan đến bất động sản. Một mặt trái nữa có thể chỉ ra, quyết định công nhận kết quả hòa giải thành trong trường hợp này được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự, nhưng nếu việc thi hành án không khả thi, khi này đương sự sẽ không khởi kiện lại theo thủ tục tố tụng dân sự được vì sự việc này đã được giải quyết bằng quyết định có hiệu lực của Tòa án.
2.2. Hòa giải trong tố tụng dân sự theo Bộ luật Tố tụng dân sự
Đây là thủ tục bắt buộc tòa án phải tiến hành trong quá trình giải quyết vụ án dân sự và yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận về nuôi con và chia tài sản khi ly hôn trừ những trường hợp pháp luật quy định không được hòa giải hoặc vụ án được quyết theo thủ tục rút gọn. Thủ tục này khác với thủ tục hòa giải theo LHGĐT ở chỗ, được Tòa án tiến hành trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, tức là sau khi thụ lý vụ án và trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Thời hạn này có thể kéo dài tối đa từ 4 tháng đến 6 tháng tuỳ vào loại việc. Tòa án có thể chủ động sắp xếp thời gian hòa giải trong khoảng thời gian này. Và việc hòa giải được tiến hành bởi Tòa án đã thụ lý vụ án dân sự, là chủ thể được thực hiện các biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định của BLTTDS. Như vậy, việc hòa giải có thể được thực hiện sau khi họ đã có thời gian nghiên cứu hồ sơ, xác minh, thu thập, đánh giá chứng cứ. Điều này có thể mang lại hiệu quả cao đối với quá trình hòa giải. Trong trường hợp các bên hòa giải thành, Tòa án cũng sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên đương sự. Quyết định này có hiệu lực ngay sau khi ban hành, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm nên sẽ được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Tuy nhiên, so với thủ tục hòa giải trước khi thụ lý theo LHGĐT, việc hòa giải tại Tòa án sau khi thụ lý vụ án có một nhược điểm, đó là đương sự vẫn phải chịu mức án phí sơ thẩm là 50% mức án phí theo quy định nếu vụ án được đưa ra xét xử [10].
3. Điểm chưa đồng bộ giữa Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án và Bộ luật Tố tụng dân sự
Thứ nhất, về thời hạn xử lý đơn khởi kiện theo quy định của BLTTDS
Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án và Bộ luật Tố tụng dân sự là hai văn bản pháp luật khác nhau quy định về thủ tục hòa giải các vụ việc dân sự. Việc hòa giải theo hai quy định này cũng có thủ tục khác nhau, có những ưu điểm và hạn chế riêng, tuy nhiên, giữa hai thủ tục này vẫn có một mối liên hệ nhất định. Kết hợp quy định giữa hai văn bản pháp luật này, có thể hình dung quy trình giải quyết vụ việc như sau: (i) Đương sự nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự hoặc đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án; (ii) Tòa án thông báo để đương sự biết về quyền lựa chọn thủ tục hòa giải theo LHGĐT và lựa chọn Hòa giải viên; (iii) Vụ việc được chuyển sang giải quyết theo quy định của BLTTDS trong những trường hợp: đương sự có ý kiến không đồng ý hòa giải; những vụ việc không tiến hành hòa giải tại Điều 19 LHGĐT; đương sự vắng mặt sau 2 lần được thông báo hợp lệ về việc hòa giải; Thẩm phán ra quyết định không công nhận kết quả hòa giải; (iv) Khi đó vụ việc dân sự tiếp tục được Tòa án xem xét đơn và đưa ra một trong các quyết định tại khoản 3 Điều 191 BLTTDS.
Điểm chưa đồng bộ ở đây là quy định về thời hạn giải quyết vụ việc tại Điều 191 BLTTDS. Theo đó, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án phân công một Thẩm phán xem xét đơn. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và đưa ra một trong các quyết định khoản 3 Điều 191 BLTTDS. Như vậy, tổng thời gian để đưa ra quyết định tiến hành thủ tục thụ lý vụ án, hay trả lại đơn khởi kiện, chuyển đơn khởi kiện hoặc yêu cầu, sửa đổi, bổ sung đơn là 8 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện. Tuy nhiên, nhìn vào quy trình ở trên có thể thấy, theo quy định của LHGĐT, sau khi nhận đơn khởi kiện, Tòa án sẽ thông báo về việc lựa chọn thủ tục hòa giải theo LHGĐT và thời gian đến lúc giải quyết vụ việc theo pháp luật về tố tụng dân sự là khác nhau giữa các trường hợp khác nhau. Nhưng BLTTDS lại ấn định thời hạn xử lý đơn là 8 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn khởi kiện. Mặc dù, khoản 9 Điều 16 LHGĐT có quy định, thời gian nhận, giải quyết đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo quy định của Luật này không tính vào thời hiệu khởi kiện, thời hạn xử lý đơn theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính nếu vụ việc được giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng. Tuy nhiên, trong các thời hạn quy định tại Điều 191 BLTTDS lại không có một phần quy định nào có nhắc tới thủ tục hòa giải theo LHGĐT. Với thực trạng quy định như vậy, nếu là những người có am hiểu về pháp luật, họ có thể có sự kết nối, liên hệ giữa các quy định với nhau và nắm rõ được về thời hạn, thủ tục. Nhưng nếu đương sự là người không am hiểu pháp luật và trong trường hợp Tòa án cũng không thực hiện trách nhiệm của mình là thông báo cho đương sự biết về thủ tục hòa giải theo LHGĐT thì họ sẽ không biết đến sự “hiện diện” của LHGĐT và nghĩ rằng việc giải quyết vụ việc dân sự tại Tòa án chỉ được thực hiện theo quy định của BLTTDS. Mặc dù, LHGĐT được ban hành năm 2020 và BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung đến năm 2023 theo văn bản hợp nhất BLTTDS số 24/VBHN-VPQH ngày 02 tháng 8 năm 2023, nhưng BLTTDS vẫn không có sự điều chỉnh về mốc thời gian được quy định tại Điều 191 về thời hạn xử lý vụ việc để phù hợp, thống nhất với quy định của LHGĐT.
Vì vậy, để đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, theo tác giả, cần bổ sung quy định tại Điều 191 BLTTDS theo hướng, sau khi Tòa án nhận đơn, cần quy định hai mốc thời gian với hai trường hợp:
- Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện nếu vụ việc thuộc một trong các trường hợp không tiến hành hòa giải quy định tại các khoản 1, 2, 4, 6 và 7 Điều 19 của LHGĐT. Các thời hạn tiếp theo được giữ nguyên theo khoản 3 Điều 191 BLTTDS.
- Sau khi vào sổ nhận đơn, Tòa án thực hiện việc thông báo theo khoản 3 Điều 16 LHGĐT. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày một trong các bên có ý kiến không đồng ý hòa giải hoặc việc hòa giải chấm dứt theo khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 40 của LHGĐT, Chánh án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện và đưa ra một trong các quyết định tại khoản 3 Điều 191 BLTTDS.
Thứ hai, về việc thay đổi Thẩm phán tham gia tố tụng.
Để đảm bảo tính khách quan khi tham gia tố tụng, khoản 2 Điều 41 LHGĐT đã quy định, “Thẩm phán đã tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại không được tham gia giải quyết vụ việc đó theo trình tự tố tụng dân sự, tố tụng hành chính”. Tuy nhiên, Điều 53 BLTTDS quy định về việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân lại không có quy định thay đổi Thẩm phán trong trường hợp trên, cũng không có thêm quy định “các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”. Vì vậy, dưới góc độ đương sự tham gia tố tụng, nếu họ không biết đến sự hiện diện của LHGĐT, họ sẽ không biết được mình có quyền đề nghị thay đổi Thẩm phán trong trường hợp trên. Do đó, theo tác giả, cần bổ sung trường hợp thay đổi Thẩm phán theo khoản 2 Điều 41 LHGĐT vào Điều 53 BLTTDS để có sự thống nhất giữa hai văn bản, đồng thời đương sự có thể tiếp cận thông tin và thực hiện tối đa quyền tố tụng của mình.
4. Kết luận
Như vậy, hiện nay, pháp luật đã có rất nhiều hành lang pháp lý quy định về việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục hòa giải. Mỗi phương thức đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định để đương sự cân nhắc lựa chọn. Tuy nhiên, cũng có một số thủ tục có mối liên quan với nhau nhưng pháp luật vẫn còn một số điểm chưa thống nhất, đồng bộ, đặc biệt là về thủ tục giữa LHGĐT và BLTTDS. Để đáp ứng yêu cầu cao hơn trong bối cảnh các giao dịch ngày càng phát triển, các quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp nói chung và về thủ tục hòa giải nói riêng cần được sửa đổi những quy định chưa phù hợp và bổ sung thêm những quy định mới để đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể./.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Từ điển Tiếng Việt, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 1995
[2] Điều 2 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013
[3] Điều 2 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020
[4] Điều 27, 29, 31, 33 văn bản hợp nhất Bộ luật Tố tụng dân sự số 24/VBHN-VPQH ngày 02/8/2023
[5] Điều 397 văn bản hợp nhất Bộ luật Tố tụng dân sự số 24/VBHN-VPQH ngày 02/8/2023
[6] Điều 16 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020
[7] Điều 10 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020
[8] Điều 32, 35 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020
[9] Câu hỏi số 5, mục V. Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Công văn số 196/TANDTC-PC ngày 03/10/2023 về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử.
[10] Điều 147 văn bản hợp nhất Bộ luật Tố tụng dân sự số 24/VBHN-VPQH ngày 02/8/2023.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2013), Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013
2. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2020), Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020
3. Văn phòng Quốc hội (2023), Văn bản hợp nhất Bộ luật Tố tụng dân sự số 24/VBHN-VPQH ngày 02/8/2023.
4. Tòa án nhân dân tối cao (2023), Công văn số 196/TANDTC-PC ngày 03/10/2023 về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử.
PROCEDURES FOR MEDIATION OF CIVIL CASES IN COURT UNDER CURRENT VIETNAMESE LAWS
Master. Ngu Thi Nhu Hoa
Faculty of Economic Law, School of Social Sciences and Humanities - Vinh University
Abstract:
Mediation is considered the most optimal dispute resolution method, frequently chosen by parties in conflict due to its advantages, such as cost and time savings, reduced effort, and the preservation of relationships between the parties. Currently, civil mediation can be conducted in various forms, both in and out of litigation, and may involve the Court or other entities. This paper explored the methods of civil mediation within the court system as prescribed by Vietnamese law, analyzing the benefits and limitations of these methods, as well as identifying inconsistencies within the relevant legal provisions.
Keywords: mediation, mediation method, civil case mediation, mediation, dialogue in court, mediation in civil proceedings.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21 tháng 10 năm 2024]