Thực trạng hoạt động kiểm toán nội bộ ở Việt Nam và điều kiện để kiểm toán nội bộ hoạt động hiệu quả

ThS. NGUYỄN HOÀNG GIANG (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang phát triển ngày càng sâu rộng, hội nhập với kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội mới nhưng cũng không tránh khỏi những thách thức. Việc tăng cường kiểm toán nội bộ trong doanh nghiệp sẽ giúp cho doanh nghiệp đảm bảo thực hiện các mục tiêu hoạt động, kiểm soát các rủi ro có thể gặp phải trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Từ khóa: Kiểm toán nội bộ, thực trạng, hiệu quả, Việt Nam.

1. Giới thiệu chung về kiểm toán nội bộ

Theo Viện Kiểm toán nội bộ: Kiểm toán nội bộ “là hoạt động đánh giá và tư vấn độc lập trong nội bộ tổ chức, được thiết kế nhằm cải tiến và làm tăng giá trị cho các hoạt động của tổ chức đó, giúp tổ chức đạt được các mục tiêu bằng việc đánh giá và cải tiến một cách hệ thống và chuẩn tắc tính hiệu lực của quy trình quản trị, kiểm soát và quản lý rủi ro”. Điểm khác biệt giữa kiểm toán nội bộ và các loại kiểm toán khác đó là mối quan hệ giữa chủ thể kiểm toán và khách thể kiểm toán. Đối với kiểm toán nội bộ thì bộ phận kiểm toán nội bộ là bộ phận nằm chính trong cơ cấu tổ chức của đơn vị khách thể kiểm toán, nó là công cụ giúp phát hiện và cải tiến những điểm yếu của hệ thống quản lý của tổ chức. Sau cuộc khủng hoảng tài chính kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu, các nhà quản lý kinh tế trên thế giới đã đánh giá lại vai trò quan trọng của kiểm toán nội bộ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vai trò của kiểm toán nội bộ còn rất mờ nhạt. Đây không phải là vấn đề riêng tại Việt Nam, mà là vấn đề chung ở hầu hết các nước đang phát triển, ưu tiên hàng đầu vẫn là mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận. Các vấn đề liên quan đến rủi ro và kiểm toán nội bộ chưa được quan tâm một cách đầy đủ.

2. Thực trạng hoạt động kiểm toán nội bộ ở Việt Nam

2.1. Thực trạng hoạt động

Quy chế kiểm toán nội bộ được ban hành tại Quyết định số 832/TC/QĐ/CĐKT của Bộ Tài chính ngày 28/10/1997 là văn bản pháp lý đầu tiên đề cập đến các quy định về mục đích, chức năng, nguyên tắc, phạm vi, nhiệm vụ, nội dung cũng như các vấn đề về tổ chức và nhân sự của kiểm toán nội bộ. Tính đến nay có thêm 3 văn bản pháp lý liên quan đến kiểm toán nội bộ do Bộ Tài chính ban hành, đó là: Thông tư số 52/1998-TT/BTC ngày 16/4/1998 hướng dẫn tổ chức bộ máy kiểm toán nội bộ tại doanh nghiệp nhà nước; Công văn số 287-TC/TCDN ngày 3/8/1998 về việc bổ nhiệm kiểm toán viên nội bộ và Thông tư 171/1998-TT/BTC ngày 22/12/1998 hướng dẫn thực hiện kiểm toán nội bộ tại doanh nghiệp nhà nước.

Từ khi ban hành Quyết định số 832-TC/QĐ-CĐKT ngày 28/10/1997, kiểm toán nội bộ ở Việt Nam bắt đầu phát triển và đã có một số quy định pháp lý liên quan. Kiểm toán nội bộ tại Việt Nam phát triển chủ yếu trong lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân khi các doanh nghiệp thực hiện chức năng kiểm toán nội bộ và xây dựng ủy ban kiểm toán nhằm nâng cao chức năng quản trị công ty. Trong khi kiểm toán độc lập đã có mặt ở Việt Nam được hơn 20 năm thì cho đến nay kiểm toán nội bộ vẫn là một khái niệm mới mẻ với nhiều nhà quản lý. Điều này một phần do hệ thống quản lý vẫn còn chưa đồng bộ và chưa được cập nhật kịp thời so với thực tế các hoạt động diễn ra.

Thực tế, các đơn vị đều biết vị trí vai trò, tầm quan trọng của thông tin trong quá trình quản lý cũng như kiểm toán nội bộ. Sự hiểu biết này một phần do bản thân đơn vị tự nhận thức, một phần cũng do sự nhận thức có tính chất bắc cầu thông qua Kiểm toán Nhà nước và kiểm toán độc lập. Các đơn vị tự đặt ra vấn đề làm thế nào để công cụ nội kiểm lại phát huy được tác dụng thiết thực như các công cụ ngoại kiểm hiện nay. Bên cạnh đó còn rất nhiều vấn đề nổi cộm, nhiều ý kiến đề xuất, nhiều vướng mắc và hạn chế của kiểm toán nội bộ hiện nay trong các đơn vị cần phải được tháo gỡ khắc phục và hoàn thiện. Một số đơn vị đã có tổ chức kiểm toán nội bộ và hoạt động được một số năm, sau đó lại giải thể hoặc thu hẹp nội dung và phạm vi hoạt động. Điều đó nói lên kiểm toán nội bộ chưa định hình một cách chắc chắn, cũng như chưa được thừa nhận một cách rộng rãi ở các đơn vị.

Thông qua khảo sát thực tiễn về kiểm toán nội bộ, một điều thừa nhận rất phổ biến hiện nay ở nước ta là kiểm toán nội bộ hoàn toàn hình thành dựa trên nền tảng công tác kiểm tra kế toán trước đây. Các quy định về kiểm toán nội bộ cũng được dựa trên các quy định về kiểm tra kế toán. Nhiều quan điểm và nhận thức của các đơn vị còn đồng nghĩa giữa việc kiểm tra kế toán với kiểm toán nội bộ. Do vậy, công việc kiểm toán nội bộ đều dựa trên những nội dung, quy trình và thủ tục kiểm tra kế toán nhưng có sự phát triển bổ sung thêm.

2.2. Những hạn chế của kiểm toán nội bộ trong các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Một là, nhiều đơn vị chưa nhận thức đúng đắn về kiểm toán nội bộ ở đơn vị, chưa thấy rõ tính thiết thực, vai trò của nó nên chưa tập trung tổ chức kiểm toán nội bộ, chưa xác định rõ mô hình, cách thức tổ chức và hoạt động hiệu quả. Mặt khác, các nhà quản lý ở các đơn vị này cũng chưa muốn ủng hộ, chưa tạo điều kiện và đầu tư đúng mức cho kiểm toán nội bộ với những lý do tế nhị trong quản lý.

Hai là, nội dung kiểm toán nội bộ ở nhiều đơn vị chưa đi đúng vào bản chất, trọng tâm và chưa đúng với nhiệm vụ và chức năng cơ bản của kiểm toán nội bộ, đó là kiểm toán hoạt động với chức năng tư vấn là chủ yếu.

Ba là, hình thức và phạm vi kiểm toán nội bộ vẫn được xem như là hoạt động kiểm tra kế toán. Hoạt động diễn ra chủ yếu thực hiện kiểm tra sau khi hoạt động xảy ra và chỉ tập trung vào những bộ phận nội dung, chỉ tiêu chứa đựng nhiều sai phạm với rủi ro cao.

Bốn là, phương pháp kiểm toán ở các đơn vị mới chỉ áp dụng các phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán giống như các phương pháp kiểm tra kế toán. Hầu hết các đơn vị khi thực hiện kiểm toán chưa có sự nghiên cứu, đánh giá về hệ thống kiểm soát nội bộ, để từ đó xây dựng và xác định nội dung, quy mô, phạm vi và thời gian kiểm toán.

Năm là, tính hiệu quả, hiệu lực và ý nghĩa vai trò của kiểm toán nội bộ chưa được khẳng định một cách rộng rãi chắc chắn. Hầu hết ở các doanh nghiệp chưa có đội ngũ kiểm toán nội bộ. Hoạt động kiểm toán nội bộ còn rất lỏng lẻo, chỉ mang tính hình thức chứ chưa đi vào thực chất. Bộ phận kiểm toán nội bộ chủ yếu là kiêm nhiệm, do đó không có thời gian tập trung công việc, không đủ năng lực để thực hiện chức năng này.

3. Các điều kiện để kiểm toán nội bộ hoạt động có hiệu quả

3.1. Vấn đề đặt ra với kiểm toán nội bộ ở các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, nâng cao tính chuyên nghiệp với hệ thống công cụ quản lý quan trọng và phải dựa vào hệ thống kiểm soát nội bộ hữu hiệu. Kiểm toán nội bộ có một vai trò to lớn trong việc nâng cao hiệu lực hoạt động và tạo niềm tin trong nội bộ doanh nghiệp, đơn vị. Điều đó đặt ra cho các đơn vị, doanh nghiệp phải xác định kiểm toán nội bộ là xuất phát từ tự thân của doanh nghiệp, đơn vị và chính từ nhu cầu quản lý và kiểm soát của mình.

Thứ hai, theo xu hướng phát triển thì kiểm toán nội bộ là nhu cầu cần thiết đối với tất cả các doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần đón trước xu hướng, nhu cầu để tiến hành tổ chức hệ thống kiểm toán nội bộ đơn vị.

Thứ ba, để thấy được vai trò và sự cần thiết của kiểm toán nội bộ ở mỗi đơn vị như là một nhu cầu từ sự tự thân của doanh nghiệp, các nhà quản lý cần nhận thức đúng chức năng, nội dung nhiệm vụ của kiểm toán nội bộ.

Thứ tư, về mặt pháp lý, không bắt buộc các doanh nghiệp phải có kiểm toán nội bộ. Không thể thay thế cho kiểm toán bên ngoài nhưng lại giúp ích rất nhiều cho nhà quản lý trong quản lý và kiểm soát các hoạt động tài chính và phi tài chính đơn vị.

Thứ năm, mô hình tổ chức kiểm toán nội bộ ở các doanh nghiệp phù hợp nhất là một bộ phận độc lập trực thuộc lãnh đạo cao nhất là HĐQT (hoặc Ban Giám đốc) doanh nghiệp để bảo đảm sự vững mạnh và tính độc lập cao. Đối với kiểm toán viên nội bộ cần được đào tạo và chuẩn hóa dần theo các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, các phẩm chất cá nhân. Ngoài ra, cần phải cải tiến và chuẩn hóa quy trình, phương pháp kỹ thuật kiểm toán, nâng dần tính chuyên nghiệp của kiểm toán nội bộ.

3.2. Các điều kiện để kiểm toán nội bộ hoạt động có hiệu quả

Một là, để tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động kiểm toán nội bộ, Nhà nước cần xây dựng và ban hành những quy định phù hợp với điều kiện mới với nội dung hướng dẫn các đơn vị thiết lập bộ phận kiểm toán nội bộ.

Hai là, thiết lập hiệp hội nghề cho loại hình kiểm toán nội bộ. Chức năng chủ yếu là hướng dẫn, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, kiểm tra giám sát chất lượng kiểm toán nội bộ.

Ba là, nâng cao khả năng chuyên môn và tính chuyên nghiệp cho các kiểm toán viên nội bộ là hết sức cần thiết. Hiện nay, chứng chỉ kiểm toán viên nội bộ CIA đã được một số tổ chức nước ngoài đào tạo, sát hạch và cấp tại Việt Nam, đây là một tín hiệu đáng mừng bởi đã có những quan tâm đúng hướng để nâng cao chất lượng cho đội ngũ kiểm toán viên nội bộ.

Bốn là, kiểm toán nội bộ là một bộ phận của một đơn vị nhưng nó phải là bộ phận kiểm tra độc lập với các bộ phận khác trong đơn vị, đặc biệt đối với các nhà lãnh đạo cấp cao trong đơn vị đó. Bộ phận kiểm toán nội bộ phải được giao quyền hạn rộng rãi để có thể kiểm tra toàn bộ hoạt động của đơn vị.

Năm là, để tạo môi trường cho hoạt động kiểm toán nội bộ, trong đơn vị cần có một hệ thống các văn bản về địa vị pháp lý, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm toán nội bộ. Trong các văn bản phải có các chuẩn mực kiểm toán nội bộ để giúp cho bộ phận này và các kiểm toán viên có căn cứ pháp lý và định hướng trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Mặt khác, các nhà quản lý cũng dựa vào hệ thống chuẩn mực này để kiểm tra đánh giá hiệu quả hoạt động của bộ phận kiêm toán nội bộ và các kiểm toán viên.

Sáu là, ngoài những điều kiện trên, để đảm bảo và tăng cường hiệu quả hoạt động kiểm toán nội bộ cần phải có sự trợ giúp đầy đủ và đúng lúc của các nhà quản lý cấp cao cũng như sự hợp tác toàn diện của các bộ phận và cá nhân trong đơn vị. Hoạt động kiểm toán nội bộ trong các đơn vị của nền kinh tế không những tăng cường hiệu quả hoạt động của đơn vị đó mà còn tạo ra sự ổn định và tính hiệu quả chung của toàn bộ nền kinh tế. Nhà nước cần định hướng và tạo ra môi trường cần thiết cho loại hình kiểm tra này hoạt động và phát huy có hiệu quả.

3.3. Kinh nghiệm tổ chức thực hiện kiểm toán nội bộ của Australia và một số quốc gia khác có thể áp dụng tại Việt Nam

Trước hết, việc bổ nhiệm đúng người lãnh đạo kiểm toán nội bộ là một điều rất cần thiết. Họ cần phải có những kỹ năng chuyên môn, giao tiếp và tổ chức phù hợp với chức vụ. Bên cạnh đó là nguồn lực. Bộ phận kiểm toán nội bộ có thể dựa trên nguồn lực trong, ngoài công ty hoặc kết hợp cả trong và ngoài. Tuy nhiên, nguồn lực đó được xây dựng như thế nào, trách nhiệm kiểm toán nội bộ phải do những người của công ty đó gánh vác. Người của công ty phải có trách nhiệm đạt được kết quả như mong muốn.

Việc nắm rõ kỳ vọng của các đối tác và cổ đông đóng vai trò quan trọng. Ban lãnh đạo và điều hành cần xác định kiểm toán nội bộ sẽ bổ sung giá trị nào cho công ty chứ không chỉ làm gia tăng chi phí quản lý nói chung. Các doanh nghiệp cũng cần xác định rõ mục tiêu của kiểm toán nội bộ. Nếu xác định được rõ kỳ vọng và kết quả, có thể áp dụng công cụ đo lường hoạt động để đánh giá mức độ thành công.

Về kế hoạch kiểm toán, các doanh nghiệp cần thiết lập kế hoạch chiến lược bao gồm việc xác định tất cả những hoạt động có thể được kiểm toán trong công ty, tổ chức trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm dựa trên cơ sở là khả năng chấp nhận rủi ro và tầm quan trọng chiến lược của các hoạt động này với tổ chức. Việc thiết lập ngân sách cho hoạt động kiểm toán nội bộ phải gắn kết chiến lược với các nguồn lực để đạt được kết quả như mong đợi.

Ngoài những yếu tố đã nêu trên, việc tiếp tục đánh giá nhu cầu của công ty và các kỹ năng cần có trong kiểm toán nội bộ là vấn đề cần thiết. Điều quan trọng nhất vẫn là kỹ năng, năng lực và năng suất của từng người trong đội ngũ kiểm toán nội bộ công ty. Bên cạnh đó, cần tiếp cận một cách phù hợp và chính thống với các cuộc phỏng vấn, việc quản lý tài liệu, báo cáo, lưu trữ tài liệu và tất cả quy trình khác có liên quan tới kiểm toán nội bộ.

Ngoài ra, các đơn vị cần thiết lập một quy trình truyền đạt thông tin đến bộ phận được kiểm toán, ban lãnh đạo và ban kiểm toán một cách nhất quán. Doanh nghiệp cũng cần đánh giá được mức độ hiệu quả của kiểm toán nội bộ.

4. Kết luận

Có thể nói, kiểm toán nội bộ là một công cụ giúp cho các nhà quản lý doanh nghiệp phân tích các hoạt động đầu tư, kinh doanh, kiểm soát, đánh giá các chiến lược phát triển kinh doanh của doanh nghiệp. Trong nền kinh tế thị trường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước như hiện nay thì kiểm toán nội bộ là một hoạt động cần thiết để có thể kiểm soát chất lượng hoạt động và chất lượng thông tin kinh tế - tài chính, đưa ra các quyết định đúng để tồn tại và phát triển cho các doanh nghiệp. Để kiểm toán nội bộ có thể phát triển đúng hướng cần phải có sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan nhà nước, giúp các doanh nghiệp bằng cách tạo ra một môi trường pháp lý kinh doanh rõ ràng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Các giáo trình, tài liệu tham khảo về Kiểm toán của Học viện Tài chính; Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

2. Quy chế Kiểm toán nội bộ theo Quyết định 832/TC/QĐ-CĐKT của Bộ Tài chính.

3. Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam - Bộ Tài chính.

4. Theo AJ Purcell - Trưởng ban kiểm toán nội bộ của CPA Australia.

CURRENT SITUATIONS OF INTERNAL AUDIT

IN VIETNAMESE ENTERPRISES AND SOLUTIONS TO

IMPLEMENT THE INTERNAL AUDIT EFFECTIVELY

MA. NGUYEN HOANG GIANG

Faculty of Accounting, University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

The deeply economic integration progress and the rapid economic growth of Vietnam bring not only numerous opportunities but also substantially inevitable challenges to domestic enterprises. Enhancing internal audit acitivities could be a pragmatic approach to help Vietnamese companies to control their business risks in order to achieve their business goals.

Keywords: Internal audit, current situation, efficiency, Vietnam.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây