Tóm tắt:
Tác giả bài báo đã phân tích thực trạng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, chỉ ra những tồn tại về chậm kế hoạch, nợ đọng tiền, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách và đặc biệt là sự mất công bằng giữa các doanh nghiệp khai thác khoáng sản... do 5 nhóm nguyên nhân khác nhau. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số kiến nghị với UBND tỉnh Nghệ An cũng như với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đẩy mạnh thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp khai thác khoáng sản và tăng nguồn thu cho ngân sách.
Từ khóa: Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, doanh nghiệp khai thác khoáng sản, tỉnh Nghệ An.
1. Thực trạng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 quy định chi tiết Khoản 3 Điều 77 Luật Khoáng sản năm 2010 về: Phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản [4]. Theo đó, công thức tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản:
T = Q x G x K1 x K2 x R (1.1)
Trong đó:
T - Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đơn vị tính: đồng Việt Nam;
Q - Trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đơn vị tính: m3, tấn;
G - Giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đơn vị tính: đồng/đơn vị trữ lượng, chính là giá tính thuế tài nguyên do UBND tỉnh ban hành;
K1 - Hệ số thu hồi khoáng sản liên quan đến phương pháp khai thác, được quy định: Khai thác lộ thiên K1 = 0,9; khai thác hầm lò K1 = 0,6; khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên và các trường hợp còn lại K1 = 1,0;
K2 - Hệ số liên quan đến điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn áp dụng theo danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư do Chính phủ quy định: Khu vực khai thác khoáng sản thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, K2 = 0,90; khu vực khai thác khoáng sản thuộc vùng kinh tế - xã hội khó khăn, K2 = 0,95; các khu vực khai thác khoáng sản thuộc vùng còn lại, K2 = 1,00;
R - Mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đơn vị tính: %, được xác định từ 1-5% tùy thuộc loại khoáng sản, được quy định theo Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ [5];
Nghị định này ra đời là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự khởi đầu việc triển khai thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên cả nước, là cơ sở pháp lý để các địa phương thực hiện, tạo nguồn thu ngân sách cho các địa phương, tránh tình trạng xin giấy phép ồ ạt, giữ mỏ để chuyển nhượng ngầm cho các tổ chức khác gây thất thoát nguồn thu ngân sách và rối loạn hoạt động khai thác khoáng sản ở các địa phương mà Nhà nước khó kiểm soát được. Mặt khác, việc thu tiền cấp quyền khoáng sản còn mục đích loại bỏ những doanh nghiệp nhỏ lẻ, yếu kém, không có khả năng cạnh tranh.
Tại các địa phương, có 2 loại giấy phép khai thác khoáng sản là giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cấp và giấy phép do UBND tỉnh cấp, tương ứng với nó, theo quy định có 2 đơn vị tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Sở TN&MT tỉnh. Như vậy, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An là đơn vị phải tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của tất cả các giấy phép do UBND tỉnh cấp còn hiệu lực đến ngày 1/7/2011 (ngày Luật khoáng sản số 60/2010 có hiệu lực). Mọi nguồn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đều thu qua Cục Thuế tỉnh. Bộ máy quản lý về thu tiền cấp quyền khai thác khoáng được thể hiện qua sơ đồ hình 1.
Trong lúc nhiều địa phương đang lúng túng giữa vấn đề tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, do trong các khối trữ lượng được duyệt có nhiều loại khoáng sản, nhiều phẩm cấp khác nhau, thiếu tương đồng giữa chỉ tiêu tính trữ lượng và giá sản phẩm được tiêu thụ đánh thuế trên thị trường mà địa phương đã ban hành, dẫn tới đa nghiệm khi tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mà doanh nghiệp phải nộp, không thể xác định được tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hoặc là tạm tính, tạm thu,... gây nhiều trở ngại cho các nhà đầu tư, đồng thời là bài toán khó cho các cơ quan quản lý. Tại Nghệ An, sự ra đời Quyết định số 75/2014/QĐ-UBND về việc ban hành “Bảng giá tối thiểu tài nguyên thiên nhiên để tính thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh” đã giải quyết dứt điểm các tồn tại nêu trên, theo đó giúp Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam hoàn thành việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh với dự án do Bộ TN&MT cấp phép.
Theo sơ đồ trên, công tác thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh gồm hai loại:
- Loại khoáng sản do Bộ TN&MT cấp phép khai thác: Đã tiến hành tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản bắt đầu từ năm 2014 vào ngân sách nhà nước theo quy định.
- Loại khoáng sản do UBND tỉnh cấp phép khai thác: Năm 2014 và 2015, Sở TN&MT bước đầu hoàn thành triển khai thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định. Năm 2016, Sở TN&MT tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 46 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tổng số tiền phải nộp 153.197.008.500 đồng; trong đó, tổng số tiền phải nộp hàng năm tại thời điểm phê duyệt là 16.013.506.876 đồng.
Theo số liệu của Cục Thuế Nghệ An, tính đến ngày 16/12/2016 có 26 doanh nghiệp còn nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, trong đó: 22 giấy phép tỉnh cấp; 04 giấy phép Bộ cấp. Tổng số tiền nợ 17.017.960.000 đồng, trong đó: nợ đối với 04 đơn vị Bộ phê duyệt 4.331.142.000 đồng; nợ đối với 22 đơn vị tỉnh phê duyệt 12.686.818.000 đồng [1]. Qua đây cho thấy, công tác thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của tỉnh gặp nhiều khó khăn vì các lý do như sau:
- Thứ nhất: Nghị định 203/2013/NĐ-CP triển khai chậm. Việc truy thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản từ thời điểm Nghị định 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 có hiệu lực đến thời điểm thu năm 2016 là rất khó khăn do: Doanh nghiệp đã quyết toán tài chính năm các năm trước; Trong số 22 đơn vị còn nợ tiền thì đến năm 2016 có 7 doanh nghiệp đã hết hạn giấy phép, 3 giấy phép bị thu hồi và 1 giấy phép bị đình chỉ hoạt động nên khả năng không thể thu được tiền của các đối tượng này rất cao.
- Thứ hai: Phần giải thích từ ngữ tại Nghị định 203 không có khái niệm về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Điều này gây ra nhiều vấn đề tranh cãi, thắc mắc, nhiều doanh nghiệp cho rằng có hiện tượng trùng lặp thuế tài nguyên.
- Thứ ba: Nghị định ban hành thiếu đồng nhất trong hệ thống văn bản quản lý, giữa thuế tài nguyên và giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (G), cụ thể:
+ Tại Điều 7 Nghị định 203/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định theo giá tính thuế tài nguyên do UBND tỉnh xây dựng, công bố và tại thời điểm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản còn hiệu lực”. Cụ thể quy định: “Mỗi loại khoáng sản trong một khu vực khai thác khoáng sản chỉ áp dụng một mức giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Trường hợp trong một khu vực khai thác khoáng sản, sản phẩm sau khai thác có nhiều loại và mỗi loại có mức giá khác nhau, thì áp dụng giá trị trung bình các mức giá. Đối với loại khoáng sản chưa có giá tính thuế tài nguyên hoặc phải điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên do không còn phù hợp theo quy định, Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng giá; Sở Tài chính thẩm định, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt”.
+ Tại Điều 6 Thông tư số 152/2015/TT-BTC ngày 02/10/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế tài nguyên, quy định: “Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng nhưng không được thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định; Trường hợp giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định thì tính thuế tài nguyên theo giá do UBND cấp tỉnh quy định".
Như vậy, các quy định giá tính thuế tài nguyên và giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản còn những mâu thuẫn nhất định dẫn đến các doanh nghiệp và cơ quan quản lý có sự không nhất quán trong cách tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
- Thứ tư: Mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (R); Theo quy định, R nằm ở mức 1-5% là dựa trên đặc tính phức tạp của loại hình khoáng sản, nguồn gốc mỏ là chưa đủ sức thuyết phục. Các mức tỉ lệ % này được xây dựng chưa có căn cứ khoa học xác đáng nên khi áp dụng vào thực tế, có những mỏ mức tiền cần phải thu vào ngân sách nhà nước thấp và có những mỏ phải thu rất cao, gây ra sự không công bằng với các nhà đầu tư khai thác các loại mỏ khoáng sản khác nhau.
- Thứ năm: Về trữ lượng khoáng sản đưa vào công thức tính (Q). Theo quy định, đây là trữ lượng địa chất có đơn vị tính là tấn, m3. Một số hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác còn gặp vướng mắc:
+ Các giấy phép khai thác khoáng sản đã trải qua nhiều thời kỳ khác nhau chịu sự điều chỉnh của các văn bản luật khác nhau nên trữ lượng được ghi trong giấy phép thường là: trữ lượng địa chất; trữ lượng công nghiệp hoặc ghi cả hai, đặc biệt có trường hợp còn ghi tài nguyên được phép khai thác, công suất khai thác năm và thời hạn khai thác hoặc chỉ ghi công suất khai thác năm và thời hạn khai thác. Đây là những thông tin quan trọng để xác định trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Tuy nhiên khi đưa vào công thức tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, cần phải quy đổi về trữ lượng địa chất nằm trong ranh giới khu vực được phép khai thác và việc quy đổi này đôi khi gặp những bất cập và không đủ thông tin để chuyển đổi.
+ Trữ lượng cấp phép lớn không đúng với thực tế hay nói cách khác trữ lượng trong giấy phép khai thác lớn hơn rất nhiều so với trữ lượng thực tế khai thác được; Ví dụ như có mỏ đá hoa trắng tổng trữ lượng 10 triệu m3 với một nửa là đá xẻ, nhưng tỷ lệ các loại cấp đá xẻ với các tiết diện khác nhau ứng với đơn giá khác nhau (chúng có mức giá từ 2 - 12 triệu đ/m3) và theo báo cáo của doanh nghiệp thì tỷ lệ đá xẻ có tiết diện lớn tương đương giá 12 triệu chỉ chiếm 1,5 - 2%. Việc định giá cho đối tượng khoáng sản với trữ lượng và chất lượng không rõ dẫn đến kết quả sai lệch tùy theo quan điểm của người định giá.
+ Diện tích cấp phép bị chồng lấn với các dự án khác nên không khai thác được.
Ngoài các lý do trên, tính đến thời điểm hiện nay, qua hơn 2 năm thực hiện theo Quyết định số 75/2014/QĐ-UBND về việc ban hành “Bảng giá tối thiểu tài nguyên thiên nhiên để tính thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh”, đến nay có một số điểm không còn phù hợp với tình hình thực tế do: Mức giá các loại tài nguyên, khoáng sản trên thị trường có sự thay đổi; một số loại tài nguyên, khoáng sản mới chưa đưa vào bảng giá; một số loại khoáng sản có nhiều phẩm cấp khác nhau nên có giá khác nhau nhưng chưa được quy định cụ thể để áp dụng như loại khoáng sản đá hoa, đá VLXD thông thường...
Do những vướng mắc trên mà xuất hiện những tranh luận giữa các doanh nghiệp với các cơ quan tính tiền cấp quyền khai thác và phải đưa ra Hội đồng của UBND tỉnh để xem xét quyết định hoặc trình lên Bộ TN&MT xin ý kiến chỉ đạo.
2. Kiến nghị về phương hướng đẩy mạnh thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An
2.1. Với UBND tỉnh Nghệ An
a) UBND tỉnh cần ban hành bảng giá tối thiểu tài nguyên mới trên cơ sở điều chỉnh bảng giá cũ để tính thuế tài nguyên và tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, giữa Thông tư số 152/2015/TT - BTC ngày 02/10/2015 về hướng dẫn Thuế tài nguyên và Nghị định 203/2013/ NĐ-CP về tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản không đồng nhất đơn vị đo tài nguyên đòi hỏi UBND tỉnh phải ban hành quy định về tỷ lệ quy đổi sản lượng khoáng sản thành phẩm về khoáng sản nguyên khai và về trữ lượng khoáng sản trong lòng đất cho phù hợp, với các bước công việc sau:
Bước 1: UBND tỉnh Nghệ An cần thành lập tổ tư vấn mà Sở TN&MT chủ trì, tiến hành khảo sát thực tế về sản lượng sản phẩm thu hồi, tỉ lệ nở rời của các loại đất đá, tỉ trọng sản phẩm, giá bán sản phẩm tại một số địa bàn có tập trung nhiều tài nguyên khoáng sản như Quỳ hợp, Đô Lương, Quỳnh Lưu,... tham vấn ý kiến của các hội doanh nghiệp trên địa bàn, tham vấn ý kiến đề xuất của các chi cục thuế trên cơ sở tài liệu kê khai của doanh nghiệp, tham khảo bảng giá của một số địa phương trên cả nước về từng loại khoáng sản.
Bước 2: Trên cơ sở tài liệu thu thập được, Sở TN&MT phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Quyết định ban hành:
* Bảng giá tối thiểu tài nguyên (G): Căn cứ vào khung giá tính thuế tài nguyên do Bộ Tài chính ban hành, mức giá tính thuế tài nguyên do UBND tỉnh đã ban hành ở năm trước, khảo sát giá thị trường giao dịch đang được niêm yết, mua bán trên thị trường trong nước, quốc tế, kết hợp với giá ghi hóa đơn các doanh nghiệp trong tỉnh kê khai trong vòng 1 năm. Nếu giá tính được có sự sai lệch ± 20% so với mức giá đang có hiệu lực thi hành thì tiến hành điều chỉnh giá để đưa ra mức giá tính thuế cho phù hợp. Trong đó, với các mỏ có nhiều sản phẩm đầu ra như đá hoa trắng được duyệt làm đá ốp lát cần tính (G) trong công thức tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên cơ sở bình quân tỉ lệ các sản phẩm đầu ra và giá tính thuế tài nguyên đã nêu. Với một số khoáng sản mới tiến hành bổ sung giá tính thuế tài nguyên cho phù hợp.
* Bảng tỉ lệ quy đổi sản lượng khoáng sản thành phẩm về khoáng sản nguyên khai và về trữ lượng khoáng sản trong lòng đất (Q): Căn cứ vào kết quả khảo sát thực tế về sản lượng sản phẩm thu hồi, tỉ lệ nở rời của các loại đất đá, tỉ trọng sản phẩm của một số địa bàn tập trung nhiều tài nguyên khoáng sản như Quỳ Hợp, Đô Lương, Quỳnh Lưu,... tham vấn ý kiến của các hội doanh nghiệp trên địa bàn, để xây dựng và hiệu chỉnh các hệ số quy đổi.
Bước 3: Tổ chức lấy ý kiến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và lấy ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật. Sở TN&MT sẽ tiếp thu, chỉnh sửa hoàn thiện dự thảo văn bản và trình UBND tỉnh xem xét, quyết định lần 1.
Bước 4: Tổ chức Hội nghị tại UBND tỉnh có sự tham gia đầy đủ các sở, ngành có liên quan để cho ý kiến đánh giá, góp ý về bản dự thảo. Sở TN&MT tiếp thu và chỉnh sửa hoàn chỉnh dự thảo và trình UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt.
b) Tăng cường công tác điều tra, bổ sung tài liệu nhằm khoanh định xác định trữ lượng khoáng sản, đảm bảo sai số về trữ lượng thấp nhất, đồng thời xác định rõ ranh giới giữa các dự án khai thác để khắc phục hiện tượng chồng lấn. Điều này giúp hạn chế tới mức thấp nhất các sai số liên quan đến trữ lượng khoáng sản đưa vào tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Q).
c) Đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nói riêng và quản lý hoạt động khoáng sản nói chung.
2.2. Với Bộ Tài nguyên và Môi trường
a) Cần có sự thống nhất các từ ngữ của các văn bản pháp quy có liên quan đến vấn đề tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích để tránh hiện tượng hiểu nhầm.
b) Về mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (R) cần có sự điều chỉnh trên cơ sở đánh giá giá trị địa tô của từng mỏ hoặc nhóm mỏ khoáng sản.
3. Kết luận
Việc nghiên cứu, thực hiện các phương hướng đã nêu ra trên sẽ góp phần:
- Tạo nguồn thu lớn và ổn định cho ngân sách nhà nước.
- Tạo cơ sở để thu thuế tài nguyên và tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đảm bảo tính công bằng và bình đẳng giữa những người nộp thuế tài nguyên và nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khi họ thực hiện khai thác các mỏ khác nhau. Qua đó, đẩy nhanh tiến độ thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Cục Thuế Nghệ An, Báo cáo thống kê khoản thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản năm 2016.
2. Phạm Thu Hiền (2016), “Giải pháp tăng cường quản lý Nhà nước về thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại Cục Kinh tế, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam”, Luận văn thạc sĩ quản lý kinh tế, Trường Đại học Mỏ - Địa chất.
3. Nguyễn Công Lực (2015), “Nghiên cứu nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý tài nguyên khoáng sản và phát triển bền vững ngành Khai khoáng tỉnh Nghệ An”, Luận văn thạc sĩ chuyên ngành Địa chất khoáng sản và thăm dò, Trường Đại học Mỏ - Địa chất.
4. Nghị định số 203/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
5. Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khoáng sản.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An (2016) Báo cáo “Đánh giá tình hình 5 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010”.
Curren state and strategy for collecting fees on mineral rights in Nghe An province
Phan Thi Thai
Hanoi University of Mining and Geology
Hoang Quoc Viet
People's Committee of Nghe An
Abstract:
The authors analyzed the current state of collecting fees on mineral rights, pointed out the delays in the plan, the arrears of payment, the impacts on the budget and especially the inequality across miningcompanies,all of which are due to 5 different categories. On that basis, the authors proposed some recommendations to the People's Committee of Nghe An as well as the Government agencies to accelerate the pace of collecting mineral rights fee, to create fairness across mining companies, and to increase budget revenues.
Keywords: Collecting fees on mineral rights; mining enterprises, Nghe An province.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 10 tháng 09/2017 tại đây