Thực trạng xây dựng bộ chỉ số bền vững tại Việt Nam và một số kiến nghị

NGUYỄN NGỌC THÍA (Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Điện lực, Hà Nội, Việt Nam)

TÓM TẮT

Để đánh giá một kết quả hay một quá trình liên quan đến bền vững thì cần phải có công cụ đo lường, đó là bộ chỉ số. Bài báo nghiên cứu thực trạng xây dựng bộ chỉ số liên quan đến phát triển bền vững ở Việt Nam và chỉ ra những vấn đề tồn tại. Từ việc phân tích các nghiên cứu trước đó, bài báo đề xuất một số giải pháp cho để xây dựng chỉ số phát triển bền vững trong từng trường hợp cụ thể.

Từ khóa: chỉ số, chỉ số bền vững, phương pháp, công cụ.

1. Đặt vấn đề

Phát triển bền vững (PTBV) nhận được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam. Các nghiên cứu về bền vững được thực hiện từ cấp vĩ mô ở góc độ phát triển bền vững quốc gia, địa phương đến cấp vi mô ở góc độ bền vững ngành, doanh nghiệp trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Để đánh giá bền vững cần phải xây dựng bộ chỉ số đánh giá bền vững. Chỉ số bền vững có vai trò quan trọng đối với tổ chức thực hiện xây dựng và các bên liên quan như cơ quan chủ quản, khách hàng,… Chỉ số bền vững cần thiết để đánh giá hoạt động của doanh nghiệp trong phát triển bền vững ngành cũng như quốc gia. Đối với cơ quan quản lý, chỉ số là công cụ sử dụng để đánh giá phát triển bền vững của doanh nghiệp so với các doanh nghiệp khác trong ngành, mức độ hoàn thành kế hoạch đặt ra; chỉ số là công cụ để đánh giá thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường và chính quyền địa phương. Theo Veleva Vesela (2001) chỉ số có vai trò đối với doanh nghiệp như sau:

- Giáo dục doanh nghiệp về vấn đề cần đo lường

- Hỗ trợ ra quyết định bằng việc cung cấp một thông tin về trạng thái và xu hướng hiện tại về kết quả doanh nghiệp.

- Thúc đẩy cải tiến doanh nghiệp từ chỉ số và kết quả của doanh nghiệp khác.

- Công cụ để đo lường việc đạt được mục tiêu.

- Cho phép so sánh giữa các doanh nghiệp về kết quả đạt được.

- “Kiểm tra” sứ mệnh doanh nghiệp và thông tin các kết quả tới các bên liên quan.

- Khuyến khích sự tham gia các bên liên quan vào quá trình ra quyết định.

Trong những năm đây, kinh nghiệm của các nghiên cứu trên thế giới cho thấy việc xây dựng bộ chỉ số bền vững cần chỉ rõ quy trình, phương pháp xây dựng bộ chỉ số; phương pháp sàng lọc bộ chỉ số; các tiêu chuẩn lựa chọn chỉ số; sự tham gia của các chuyên gia trong việc xác định các khía cạnh đánh giá cũng như đánh giá trọng số của các khía cạnh, trọng số của từng chỉ số trong mỗi khía cạnh đánh giá; và phương pháp đo lường mỗi chỉ số. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số bền vững ở Việt Nam lại chưa thể hiện được các đặc điểm đó. Tính chất quan trọng của việc hoàn thiện bộ chỉ số liên quan đến PTBV đã được chỉ rõ trong nghiên cứu của Lê Huy Đức (2016). Bài báo nghiên cứu thực trạng xây dựng bộ chỉ số bền vững ở Việt Nam kết hợp với kinh nghiệm xây dựng chỉ số bền vững trên thế giới để đưa ra những kiến nghị giúp hoàn thiện phương pháp xây dựng bộ chỉ số bền vững trong trường hợp cụ thể.

2. Thực trạng nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số liên quan đến bền vững ở Việt Nam

Bộ chỉ số phát triển bền vững có thể được xây dựng ở cấp quốc gia, địa phương, ngành, doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp trong lĩnh vực ngành nghề cụ thể. Ở cấp độ quốc gia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BKHĐT quy định Bộ chỉ tiêu thống kê PTBV của Việt Nam gồm 158 chỉ tiêu, phản ánh 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể của Việt Nam quy định tại Quyết định số 622/QĐ-TTg, trong đó: 38 chỉ tiêu thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; 103 chỉ tiêu được phát triển trên các chỉ tiêu PTBV toàn cầu; 18 chỉ tiêu thống kê có lộ trình sẽ thu thập, tổng hợp từ năm 2025 (Tổng cục thống kê, 2019). Ở khía cạnh khác, trên cơ sở bộ chỉ số tăng trưởng xanh (TTX) của OECD tác giả Võ Thanh Sơn (2014) đã đề xuất bộ chỉ số TTX Việt Nam gồm 10 chỉ số ở 3 khía cạnh (không gồm khía cạnh cơ hội kinh tế và phản hồi chính sách). Nói chung, ở cấp quốc gia những bộ chỉ số trên đã được xây dựng theo các bộ chỉ số tương ứng trên thế giới (với phương pháp và khung đã được xác định) và điều chỉnh theo điều kiện phù hợp ở Việt Nam.

Ở các cấp độ vùng địa phương, Lê Trịnh Hải & Phạm Hoàng Hải (2014) xây dựng bộ chỉ số đánh giá phát triển bền vững ở tỉnh Quảng Trị bằng cách sử dụng phương pháp Delphi để đạt được sự đồng thuận của các chuyên gia để xây dựng chỉ số. Tran Tran Y, Ngô Trí & cộng sự (2014) xây dựng bộ chỉ tiêu phát triền bền vững cho các tỉnh Tây Nguyên. Hồ Minh Dũng, Vương Thế Hoàn & cộng sự (2015) đã xây dựng bộ tiêu chí tăng trưởng xanh cho các quận nội thành TP. Hồ Chí Minh. Ở cấp ngành, Nguyễn Công Quang (2016) xây dựng bộ chỉ tiêu phát triển bền vững ngành Than Khoáng Sản Việt Nam dựa trên phương pháp áp lực-trạng thái-ứng phó (PSR). Ở cấp độ doanh nghiệp, bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) được nhóm chuyên gia của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) xây dựng, áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp với 127 chỉ số ở các khía cạnh: kết quả, quản trị, môi trường, lao động và xã hội (VBCSD, 2015). Lê Huy Đức (2016) dựa trên nguyên tắc của PTBV và mối quan hệ giữa PTBV & TTX để đưa ra những kiến nghị giúp hoàn thiện bộ chỉ số đánh giá TTX ở Việt Nam.

Ngoài ra, Viện tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xây dựng các tiêu chí hướng đến TTX của một dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với các nhóm tiêu chí: sản phẩm đầu ra, tính đổi mới, môi trường, năng lực quản trị điều hành doanh nghiệp, tạo việc làm và yếu tố về giới (GGGI, 2019).

Qua các công trình nghiên cứu về xây dựng bộ chỉ số liên quan đến PTBV ở Việt Nam cho thấy có một số điểm lưu ý sau:

- Thứ nhất, các thuật ngữ như chỉ số, tiêu chí, chỉ tiêu vẫn còn được sử dụng chưa nhất quán trong các nghiên cứu. Việc phân biệt các thuật ngữ đó được hiểu như sau: “Tiêu chí” là các khía cạnh/nội dung giúp đánh giá một vấn đề. Mỗi “tiêu chí” được đánh giá thông qua tập các chỉ số/chỉ số con cụ thể đo lường từng tiêu chí/khía cạnh của bộ tiêu chí. Chỉ tiêu là giá trị mục tiêu đặt ra mà chỉ số cần đạt được. Chỉ số khi đo lường thực tế sẽ cho ra một kết quả cụ thể, kết quả của chỉ số có thể đạt hoặc không đạt chỉ tiêu đề ra (Ngô Thắng Lợi & Vũ Cương, 2008).

- Thứ hai, các nghiên cứu thường không chỉ rõ hoặc xây dựng phương pháp hay quy trình phát triển bộ chỉ số mang tính hệ thống và logic cao được sử dụng là gì. Cụ thể, liên quan đến việc xác định mục tiêu xây dựng chỉ số, căn cứ xác định nguồn dữ liệu xây dựng chỉ số, quá trình sàng lọc cũng như bổ sung chỉ số như thế nào?

- Thứ ba, các nghiên cứu không chỉ rõ căn cứ hay cơ sở để xác định các khía cạnh/nội dung đánh giá đo lường và sắp xếp theo cấu trúc thứ bậc. Liệu các căn cứ này đã được những chuyên gia và người quản lý đánh giá cũng như chấp nhận hay không?

- Các tiêu chuẩn để lựa chọn một chỉ số cũng không được xác định hay đề cập đến trong quá trình xây dựng bộ chỉ số.

- Nhiều nghiên cứu sử dụng phương pháp Delphi thực hiện xây dựng bộ chỉ số. Tuy vậy, phương pháp Delphi cũng có điểm hạn chế là khó khăn trong việc xác định chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu và những chuyên gia cần đảm bảo những yêu cầu gì. Hơn nữa, nhiều tài liệu cũng chỉ ra rằng việc tham khảo ý kiến chuyên gia chỉ có ý nghĩa ở khía cạnh kỹ thuật hơn là ở khía cạnh vận hành và quản lý doanh nghiệp. Bên cạnh đó phương pháp Delphi nên sử dụng cho công đoạn sàng lọc, loại bỏ chỉ số hơn là cho toàn bộ quá trình xây dựng bộ chỉ số.

- Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững do VBCSD xây dựng không chỉ rõ phương pháp, quy trình xây dựng bộ chỉ số là gì? Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành nghề khác nhau liệu so sánh đánh giá xếp hạng với nhau liệu có phù hợp chưa kể đến quy mô các doanh nghiệp cũng khác nhau; và nếu có thể so sánh thì trọng số của mỗi tiêu chí hay khía cạnh đánh giá được xác định như thế nào?

- Các nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số trong trường hợp cụ thể chưa thực hiện hoặc không thực hiện việc đánh giá hệ thống thông qua việc sử dụng các phương pháp mô tả hệ thống và quá trình cụ thể.

- Các phương pháp bổ trợ hay kỹ thuật giảm chỉ số không được đề cập đến trong quá trình sàng lọc bộ chỉ số.

- Đơn vị đo lường và phương pháp đo lường cụ thể các chỉ số trong bộ chỉ số cũng không được đề cập hoặc đề cập một cách cụ thể và chi tiết.

Cuối cùng, trọng số của các khía cạnh và trọng số của mỗi chỉ số trong mỗi khía cạnh cũng như cả bộ chỉ số chưa được xác định để hỗ trợ cho quá trình đánh giá xếp hạng các doanh nghiệp.

3. Đề xuất một số giải pháp hoàn thiện phương pháp xây dựng bộ chỉ số bền vững tại Việt Nam

Thực trạng trên cho thấy, việc hoàn thiện phương pháp xây dựng bộ chỉ số phát triển bền vững nói chung hết sức cấp thiết để xây dựng được bộ chỉ số toàn diện nhằm đánh giá phát triển bền vững trong lĩnh vực cụ thể ở các cấp độ. Qua nghiên cứu thực trạng xây dựng bộ chỉ số PTBV thời gian qua và kinh nghiệm quốc tế, tôi đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện phương pháp, quy trình xây bộ chỉ số đánh giá PTBV như sau:

Thứ nhất, xác định cụ thể quy trình các bước xây dựng bộ chỉ số PTBV trong trường hợp cụ thể. Dựa trên việc tìm hiểu các phương pháp và quy trình nghiên cứu xây dựng chỉ số đánh giá, chúng tôi đề xuất quy trình xây dựng bộ chỉ số PTBV gồm các bước sau: (1) xác định căn cứ lựa chọn chỉ số; (2) xây dựng cấu trúc của bộ chỉ số; (3) sàng lọc và chuẩn hóa các chỉ số tiềm năng; (4) lấy ý kiến phản hồi từ các bên liên quan.

Thứ hai, thống nhất sử dụng các thuật ngữ “chỉ số”, “tiêu chí” (khía cạnh) và “chỉ tiêu”. Cụ thể, các nghiên cứu xây đựng bộ chỉ số, bộ chỉ số bao gồm các tiêu chí (khía cạnh) đánh giá và chỉ tiêu là giá trị về kết quả đo lường trong trường hợp cụ thể cần đạt được (mục đích).

Thứ ba, xác định rõ các khía cạnh (tiêu chí) đánh giá của bộ chỉ số bao gồm những vấn đề đánh giá cụ thể nào. Các khía cạnh của Bộ chỉ số phải được xác định với căn cứ rõ ràng, nếu cần thiết cần phải tham khảo ý kiến chuyên gia (sử dụng phương pháp Delphi) trong việc đánh giá và lựa chọn các khía cạnh của bộ chỉ số.

Thứ tư, xác định cấu trúc thứ bậc của bộ chỉ số. Việc xác định cấu trúc thứ bậc của bộ chỉ số có thể sử dụng mô hình cấu trúc thứ bậc dựa trên lý thuyết tập mờ đưa ra cấu trúc chỉ số (Tseng M.L, 2013). Bộ chỉ số cần được phân chia thành chuỗi các cấp như Hình 1 (Barry Dalal-Clayton & Stephen Bass, 2002):

Thứ năm, xác định các tiêu chuẩn để đánh giá và lựa chọn chỉ số. Từ các nghiên cứu của (Veleva Vesela, 2001), (Rahdari A. H & Anvary Rostamy A. A, 2015), (MDF Training & Consultancy, 2005) và các nghiên cứu điển hình cho thấy rằng các tiêu chuẩn lựa chọn chỉ số bao gồm các tiêu chuẩn sau: sự phù hợp (phù hợp với mục tiêu PTBV trong lĩnh vực cụ thể); khả năng đo lường (tính đơn giản và dễ thực hiện); độ tin cậy (tính chính xác, sai số); tính sẵn có dữ liệu (dữ liệu có sẵn, dễ thu thập); tính hữu ích (hữu ích cho tổ chức trong quản lý); chi phí đo lường; có thể so sánh (so sánh giữa các doanh nghiệp).

Thứ sáu, quá trình xây dựng cũng như sàng lọc chỉ số nên sử dụng các công cụ, kỹ thuật và phương pháp bổ trợ như PAM (process analysis method), MFA (material flow analysis). PAM sử dụng để phân tích quá trình và hệ thống hỗ trợ cho việc xây dựng bộ chỉ số (Darton R. C, 2015). MFA giúp xác định dòng vật chất vào và ra của một hệ thống (Stefan Bringezu, Helmut Schütz & cộng sự, 2004). MFA dựa trên việc tiếp cận hệ thống, thuận lợi trong việc xây dựng và ước tính các chỉ số cho các quá trình và hệ thống (Helmi Risku-Norja & Ilmo Mäenpää, 2007). Phân tích ra quyết định đa tiêu chuẩn (MCDA) cũng được sử dụng để xây dựng bộ chỉ số trong các nghiên cứu của Rowley Hazel V, Peters Gregory M & cộng sự (2012). Trong trường hợp có quá nhiều chỉ số và không đảm bảo về mặt chất lượng thì có thể sử dụng kỹ thuật giảm chỉ số dựa trên phân tích thành phần chính (PCA), mô phỏng Monte Carlo trên cơ sở cho điểm đánh giá các chỉ số theo các tiêu chuẩn (Mascarenhas André, Nunes Luís M & cộng sự, 2015).

Thứ bảy, cần xác định tầm quan trọng của các khía cạnh (tiêu chí) và tầm quan trọng của mỗi chỉ số trong khía cạnh giúp hỗ trợ cho quá trình đo lường xếp hạng so sánh giữa các doanh nghiệp, tổ chức. Tầm quan trọng mỗi khía cạnh, chỉ số được xác định bằng cách sử dụng toán mờ và các kĩ thuật TOPSIS (Technique for Order of Preference by Similarity to Ideal Solution) (Liu G, 2014) hoặc phương pháp AHP (Analytic Hierarchy Process) (Saaty T. L, 1980). Phương pháp AHP sử dụng phương thức so sánh cặp từng khía cạnh của bộ chỉ số để xác định trọng số của mỗi tiêu chí/khía cạnh thay vì chỉ đơn thuần liệt kê và xếp hạng các mức độ quan trọng. AHP nên kết hợp với phỏng vấn chuyên gia dựa trên phiếu khảo sát (thiết kế sẵn) có thể được sử dụng để xác định trọng số của các chỉ số trong mỗi khía cạnh đánh giá. Phương pháp AHP được thực hiện qua 3 bước: (1) xây dựng ma trận so sánh cặp giữa các khía cạnh của bộ chỉ số; (2) xác định trọng số của các khía cạnh; và (3) kiểm tra tính nhất quán và tính khách quan của dữ liệu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Rahdari A. H & Anvary Rostamy A. A (2015). "Designing a general set of sustainability indicators at the corporate level." Journal of Cleaner Production 108, Part A: 757-771.
  2. Mascarenhas André & cộng sự (2015). "Selection of sustainability indicators for planning: combining stakeholders' participation and data reduction techniques." Journal of Cleaner Production 92: 295-307.
  3. Stefan Bringezu & cộng sự (2004). "International comparison of resource use and its relation to economic growth: The development of total material requirement, direct material inputs and hidden flows and the structure of TMR." Ecological Economics 51(1-2): 97-124.
  4. MDF Training & Consultancy (2005). MDF Tool: Indicators.
  5. Barry Dalal-Clayton & Stephen Bass (2002). Sustainable development strategies, a resource book, London: Earthscan.
  6. Lê Huy Đức (2016). "Hoàn thiện bộ chỉ số đánh giá tăng trưởng xanh ở Việt Nam."
  7. Hồ Minh Dũng & cộng sự (2015). "Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí tăng trưởng xanh áp dụng đánh giá, phân hạng và đề xuất giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh cho các quận nội thành TP. Hồ Chí Minh." Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ 18: 15.
  8. Liu G (2014). "Development of a general sustainability indicator for renewable energy systems: A review". Renewable and Sustainable Energy Reviews. 31: 611–621.
  9. GGI (2019). "Tiêu chí gắn với tăng trưởng xanh." from https://www.google.com/url?sa=t&rct=j&q=&esrc=s&source=web&cd=&cad=rja&uact=8&ved=2ahUKEwjm5eOtvrzuAhXMyYsBHdFuC7AQFjAGegQIBxAC&url=https%3A%2F%2Fgggi.org%2Fsite%2Fassets%2Fuploads%2F2020%2F03%2Fso-tay-cong-nghiep-A5.pdf&usg=AOvVaw2rUvUrzC6y1G6b7OOWqP27.
  10. Lê Trịnh Hải & Phạm Hoàng Hải (2014). "Các chỉ số cho phát triển bền vững: Lấy ví dụ cho nghiên cứu điểm tỉnh Quảng Trị, Việt Nam."
  11. Rowley Hazel V & cộng sự (2012). "Aggregating sustainability indicators: Beyond the weighted sum". Journal of Environmental Management 111: 24-33.
  12. Tổng cục Thống kê (2019). "Tổng quan chung về bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam." Retrieved January 25, 2020, from https://www.gso.gov.vn/tin-tuc-khac/2019/11/tong-quan-chung-ve-bo-chi-tieu-thong-ke-phat-trien-ben-vung-cua-viet-nam/.
  13. Saaty T. L (1980). The Analytic Hierarchy Process. New York, McGraw-Hill.
  14. Ngô Thắng Lợi & Vũ Cương (2008). "Phân biệt mục tiêu, chỉ tiêu, chỉ số trong lập kế hoạch phát triển." Tạp chí Kinh tế và Dự báo 14(Khoa học-Kiến thức kinh tế): 40-42.
  15. Tseng M.L (2013). "Modeling sustainable production indicators with linguistic preferences." Journal of Cleaner Production(40): 46-56.
  16. Nguyễn Công Quang (2016). Nghiên cứu phát triển bền vững ngành Than Việt Nam. Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách Khoa Hà Nội.
  17. Darton R. C (2015). Setting a policy for sustainability: the importance of measurement. Assessing and Measuring Environmental Impact and Sustainability, Butterworth-Heinemann: (pp. 479-496).
  18. Helmi Risku-Norja & Ilmo Mäenpää (2007). "MFA model to assess economic and environmental consequences of food production and consumption." Ecological Economics 60(4): 700-711.
  19. Võ Thanh Sơn (2014). "Đánh giá giám sát tăng trưởng xanh: Thực tiễn trên thế giới và khả năng áp dụng ở Việt Nam." Tạp chí Môi trường, Chuyên đề II: 55-57.
  20. Tran Tran Y & cộng sự (2014). "Xây dựng bộ chỉ tiêu phát triển bền vững về các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường các tỉnh Tây Nguyên. Vietnam Journal of Earth Sciences. VBCSD (2015). "Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững."
  1. Veleva Vesela (2001). Developing indicators of sustainable production. Departement of work enviroment, University of Massachusetts Lowell. Doctor.

Developing the set of sustainable indicators in viet nam and recommentdations

Nguyen Ngoc Thia1,*

1Faculty of Economics and Management, Electric Power University,

Hanoi, Vietnam

ABSTRACT

To evaluate a result or process relates to sustainability, we need to have a tool to measure that is a set of indicators. The paper studies the current application of developing indicators related to sustainable development in Vietnam and displays the problems. From experiences of The World, this research suggests recommendations for researches that determine indicators of sustainable development in each specific case.

Keywords: indicator, sustainable indicators, method, tool.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2, tháng 1 năm 2021]