Cùng tham gia đoàn công tác có đại diện Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp thuộc Bộ Công Thương; đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0).
Tăng cường kiểm tra thực tế thiết bị, vận hành linh hoạt hồ chứa
Báo cáo đoàn công tác, ông Khương Thế Anh - Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La cho biết, năm 2023, do ảnh hưởng của hiện tượng El nino dẫn tới khô hạn, nắng nóng kéo dài, lưu lượng nước về 02 hồ thấp hơn trung bình nhiều năm (năm 2023 tổng lượng nước về hồ chỉ đạt 61,59% đối với hồ Sơn La và 61,73% đối với hồ Lai Châu so với trung bình nhiều năm).
Với lượng nước về hồ thấp hơn so với kế hoạch nên sản lượng điện sản xuất năm 2023 của 2 nhà máy chỉ đạt 9,166 tỷ kWh đạt 71,65% so với kế hoạch giao đầu năm. Trong đó, thủy điện Sơn La là 6,29 tỷ kWh, đạt 74,81% kế hoạch giao đầu năm; thủy điện Lai châu là 2,88 tỷ kWh, đạt 65,60% kế hoạch giao đầu năm.
Công ty đã phối hợp với đơn vị tư vấn để hoàn thiện Đề án "Đề xuất phương án vận hành linh hoạt hồ chứa đảm bảo vận hành an toàn hạ du và khai thác hiệu quả tài nguyên nước trên cơ sở năng lực dự báo khí tượng, thủy văn trên lưu vực sông Hồng" với mục tiêu rà soát các nội dung tồn tại trong Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng ban hành theo Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 để đề xuất phương án vận hành linh hoạt, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng nước, đồng thời vẫn đảm bảo an toàn công trình và yêu cầu phòng lũ hạ du. Công ty đã trình EVN để Tập đoàn xem xét trình các Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt để thực hiện trước mùa mưa lũ năm 2024.
Đặc biệt, Trung tâm kiểm soát an toàn công trình trên bậc thang thủy điện sông Đà sau 2 năm thí điểm đã được Hội đồng An toàn đập đề xuất đưa vào vận hành chính thức. Với kết quả đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giao nhiệm vụ cho Công ty kết nối mở rộng đối với các nhà máy thủy điện trực thuộc Tập đoàn trên lưu vực sông Sê San.
2 tháng đầu năm 2024, nhà máy thủy điện Sơn La, Lai châu vận hành an toàn, ổn định, không có sự cố xảy ra và tuân thủ lệnh điều độ của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0). Lưu lượng nước về tháng 1-2/2024 hồ thủy điện Sơn La là 329 m3/s, đạt 72,10% so với trung bình nhiều năm và bằng 86,46% so với năm 2023; hồ thủy điện Lai châu 169 m3/s, đạt 64,14% so với trung bình nhiều năm và bằng 94,20% so với năm 2023.
Với định hướng khai thác tối ưu và tiết kiệm nước đối với các hồ thủy điện lớn miền Bắc các tháng đầu năm, sản lượng 2 nhà máy Sơn La và Lai Châu lần lượt đạt 443.695.711 kWh và 168.939.884 kWh, tương ứng 5,59% và 4,01% kế hoạch được giao.
Để đảm bảo các tổ máy vận hành tin cậy, ông Khương Thế Anh cho biết Công ty Thủy điện Sơn La đã tăng cường công tác kiểm tra thực tế thiết bị để phát hiện trước khi sự cố xảy ra, tăng cường chế độ kiểm tra, sửa chữa định kỳ, sửa chữa thường xuyên hệ thống thiết bị công nghệ theo RCM và các hạng mục công trình. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ vật tư thiết bị dự phòng tối ưu và trình EVN Đề án nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư tổng thể để nâng cấp, kéo dài tuổi thọ nhà máy thủy điện Sơn La, Lai Châu và các giải pháp giảm sự cố, nâng cao độ tin cậy và hiệu quả vận hành giai đoạn 2024-2030…
Bên cạnh đó, nhằm chủ động trong công tác vận hành hồ chứa, Công ty cũng tiến hành theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn; bổ sung các thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn (đo mưa, lưu lượng), phối hợp chặt chẽ với các hồ chứa trên lưu vực và đề xuất phương án vận hành linh hoạt hồ chứa đảm bảo vận hành an toàn hạ du và khai thác hiệu quả tài nguyên nước trên cơ sở năng lực dự báo khí tượng, thủy văn trên lưu vực sông Hồng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương… đặc biệt Công ty đã đề xuất với UBND tỉnh Sơn La, Lai Châu để trong năm 2024 sẽ làm việc với tỉnh Vân Nam để đề xuất phối hợp vận hành nhà máy thủy điện trên thượng nguồn sông Đà với địa phương và Công ty.
Đặc biệt, để đảm bảo vận hành hồ chứa hiệu quả, an toàn cho hạ du, Công ty đã xây dựng và đưa vào vận hành các trạm Cảnh báo hạ du với mục đích cảnh báo chế độ vận hành các tổ máy, đóng mở cửa xả đến nhân dân địa phương (thủy điện Sơn La có 14 hệ thống loa cảnh báo, 16 biển cảnh báo; thủy điện Lai Châu có 6 hệ thống loa cảnh báo, 6 biển cảnh báo).
Đối với khó khăn về nhân sự, để giữ chân người lao động, Công ty cũng đã quan tâm tạo điều kiện về chế độ đãi ngộ như cân đối lương cho lao động làm việc tại Lai Châu, môi trường làm việc, nhà nghỉ chờ ca, nhờ địa phương tạo công ăn việc làm cho người thân… tuy nhiên tình trạng chảy máu chất xám tại nhà máy thủy điện Lai Châu vẫn xảy ra và đang có xu hướng gia tăng.
“Với 9 tổ máy thủy điện của 2 nhà máy thủy điện Sơn La và Lai Châu có công suất lớn nhất hệ thống điện nên 2 nhà máy phải thường xuyên thực hiện nhiệm vụ điều tần và điều áp để đảm bảo ổn định hệ thống điện, đặc biệt từ khi nguồn năng lượng tái tạo vào vận hành ngày càng nhiều nên đã và đang ảnh hưởng đến độ ổn định của thiết bị công nghệ”, ông Khương Thế Anh cho biết, đồng thời đề nghị Cục Điều tiết điện lực yêu cầu các nhà máy điện phải tham gia vào việc điều chỉnh tần số sơ cấp và các quy định liên quan theo thông tư quy định hệ thống điện truyền tải để giảm áp lực điều tần, điều áp cho các nhà máy lớn.
Công ty cũng kiến nghị xem xét sửa đổi Thông tư số 39/2022/TT-BCT để Công ty thành lập Trung tâm điều khiển xa nhà máy thủy điện Sơn La, Lai Châu trong thời gian tới.
Sẵn sàng vật tư, thiết bị, nhân sự, đáp ứng cao nhất cho mục tiêu cung cấp điện mùa khô
Sau quá trình kiểm tra thực tế công tác vận hành, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Thế Hữu và đoàn công tác đánh giá cao và ghi nhận sự chủ động, sáng tạo cũng như năng lực và trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật và lực lượng vận hành tại hai nhà máy Sơn La - Lai Châu thuộc Công ty Thủy điện Sơn La. Công tác đảm bảo cung cấp điện mùa khô năm 2024 được chuẩn bị kĩ lưỡng, có các phương án cụ thể.
Nhấn mạnh mục tiêu cao nhất là đảm bảo cung cấp điện cho mùa khô sắp tới và cả năm 2024, Phó Cục trưởng Nguyễn Thế Hữu đề nghị Công ty Thủy điện Sơn La bám sát tình hình thủy văn, cập nhật thông tin từ nhiều nguồn như Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, các nhà máy thủy điện tại thượng nguồn phía Trung Quốc,… để đề xuất và chủ động triển khai phương án vận hành phù hợp.
Đối với vấn đề điều tiết mực nước, Công ty cần có báo cáo lên EVN để tổng hợp ý kiến của các nhà máy thủy điện và kiến nghị đến Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc điều chỉnh các điều khoản, quy định cụ thể trong quy trình vận hành liên hồ chứa trên một số lưu vực sông để cập nhật phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc biệt là để đảm bảo tính đa mục tiêu của các hồ thủy điện như Sơn La, Mộc Châu, Hòa Bình và nhiều hồ chứa lớn khác trong bối cảnh công tác cung ứng điện năm 2024 đối diện nhiều khó khăn.
Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cũng đề nghị Công ty Thủy điện Sơn La thực hiện đúng kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị, tập trung vào tháng 3 và tháng 4 - trước cao điểm lũ, giúp các tổ máy duy trì trạng thái sẵn sàng cao nhất để đáp ứng cho công tác cung cấp điện mùa khô. Rà soát lại các phương án khởi động, phương án xử lý sự cố, diễn tập sự cố để cho đội ngũ trực ca, lực lượng kỹ thuật của đơn vị sẵn sàng trong mọi tình huống.
“Cần sẵn sàng vật tư, phương tiện, nhân sự để đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp trong quá trình vận hành, đảm bảo mục tiêu là đáp ứng cao nhất cho việc cung cấp điện mùa khô này”, Phó Cục trưởng Nguyễn Thế Hữu nhấn mạnh.
Liên quan đến các kiến nghị của Công ty, trưởng đoàn công tác cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương khẩn trương giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ; đối với những vấn đề ngoài thẩm quyền, Bộ Công Thương sẽ có ý kiến đến các bên liên quan.