Chương trình bao gồm 4 khóa đào tạo với 120 tư vấn viên, là sự tiếp nối thành công của 8 khóa đào tạo trong 2 năm 2018, 2019 do Bộ Công Thương phối hợp với Samsung Việt Nam triển khai.
Phát biểu tại Lễ tổng kết, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đánh giá, đây là một chương trình đào tạo rất bài bản, thiết thực và có ý nghĩa quan trọng đối với các tư vấn viên và doanh nghiệp Việt Nam.
Các học viên được đào tạo sẽ là những tư vấn viên nòng cốt về cải tiến sản xuất và chất lượng, góp phần nâng cao năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy khả năng cạnh tranh và mở ra nhiều cơ hội cho công nghiệp hỗ trợ trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, trong đó có Samsung.
“Chương trình hợp tác đào tạo tư vấn viên Việt Nam giữa Bộ Công Thương và Samsung sẽ góp phần tạo làn sóng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp và mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố để phát huy vai trò, năng lực của đội ngũ tư vấn viên và chuyên gia hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam”- ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.
Những khóa đào tạo này triển khai dựa trên quy trình tư vấn đã được Samsung áp dụng rất thành công, trong đó đánh giá tình hình hoạt động và kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam; đồng thời tư vấn cải tiến, đổi mới sản xuất, quản lý chất lượng và lưu thông hàng hóa, cải thiện và duy trì môi trường làm việc (5S3D), tăng năng suất lao động nhằm mục tiêu tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tham gia và tham gia sâu vào chuổi cung ứng toàn cầu.
Các học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo 12 tuần bao gồm 3 tuần lý thuyết và 9 tuần thực hành.
Các học viên đã được trang bị các kiến thức về quản lý sản xuất như các nguyên tắc về quản lý hiện trường, cải tiến lãng phí, tìm hiểu về kỹ thuật công nghiệp, tìm hiểu về năng suất, hoạt động nâng cao năng suất, hoạt động cải tiến dòng vận chuyển sản xuất, kiến thức về quản lý chất lượng,…
Trong 9 tuần thực hành thực tế tại doanh nghiệp theo hình thức chia nhóm, mỗi khóa có 5 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được chọn lựa tham gia chương trình. Mỗi nhóm 5 - 6 học viên đến thực hành tư vấn cải tiến sản xuất tại 1 doanh nghiệp.
Học viên đã thực hiện các quy trình tư vấn cải tiến 4 Step, 13 Process, 22 Activity kết hợp với kiến thức lý thuyết được học và sự chỉ dẫn trực tiếp từ chuyên gia Hàn Quốc để tư vấn cho doanh nghiệp.
Theo đánh giá từ các doanh nghiệp, các học viên của chương trình là một nguồn lực mạnh mẽ cho những chương trình lớn của nhà nước để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam trong tiến trình tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sau khóa học, ông Jang Yoon Ho - Giám đốc bộ phận Hỗ trợ đối tác - Samsung điện tử Việt Nam bày tỏ hy vọng các học viên sẽ tạo nên mạng lưới liên kết chặt chẽ, tư vấn tốt hơn cho doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Đồng thời, đại diện Samsung cũng mong muốn Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp cũng như Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng các học viên và doanh nghiệp, đặc biệt xây dựng các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các học viên phát huy những kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy được qua khóa học.
Trong khuôn khổ Chương trình đào tạo, hơn 20 nhà máy Việt Nam đã được cải tiến, tăng năng suất chất lượng.
Các học viên, giảng viên đào tạo và tư vấn tại hiện trường cho hơn 100 quản lý nhà máy.
Đồng thời, góp phần thúc đẩy tri thức và kiến thức SPS của Tập đoàn Samsung trong hệ sinh thái sản xuất; cũng như xây dựng hình ảnh tích cực của ngành sản xuất trong nền kinh tế Việt Nam.
Chương trình kết thúc vào tháng 10/2020, tuy nhiên các học viên của 4 khóa cũng như 8 khóa trước vẫn có các chương trình để thúc đẩy lan tỏa giá trị của SPS như thành lập hội cựu học viên chương trình, các chương trình đào tạo và chuyển giao tri thức trong các dự án đào tạo và tư vấn của từng thành viên.