Tín dụng cho học sinh, sinh viên tại TP. Cần Thơ: Thực trạng và giải pháp

Đề tài Tín dụng cho học sinh, sinh viên tại TP. Cần Thơ: Thực trạng và giải pháp do Trần Thị Hương Trà (Học viện Chính sách và Phát triển) thực hiện.

TÓM TẮT:

Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên (HSSV) được triển khai trên địa bàn thành phố Cần Thơ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thời gian qua đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Trên cơ sở đánh giá thực trạng trả nợ của HSSV có quan hệ vay vốn với Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (NHCSXH Cần Thơ), bài viết đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả, đồng thời hạn chế rủi ro của chương trình tín dụng HSSV có hoàn cảnh khó khăn tại TP. Cần Thơ.

Từ khóa: tín dụng đối với học sinh sinh viên, TP. Cần Thơ, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Chương trình tín dụng HSSV được triển khai theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (gọi tắt là Quyết định 157)  sử dụng nguồn lực của Nhà nước với mục đích cung cấp tín dụng ưu đãi cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm không để HSSV nào phải bỏ học vì lý do không có khả năng đóng học phí và trang trải các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu.

Những năm gần đây, một phần dư nợ HSSV đã đến kỳ hạn trả nợ, nhiều HSSV ra trường có việc làm ổn định đã thanh toán nợ đúng hạn cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Bên cạnh đó, do sự tác động chung của cơ chế kinh tế thị trường, giá cả nông sản thấp và không ổn định, nhiều hộ gia đình của HSSV vay vốn còn khó khăn về kinh tế, nhiều HSSV đã ra trường, nhưng chưa tìm được việc làm, trong khi đó việc quy định bắt đầu hoàn trả vốn vay 12 tháng sau khi tốt nghiệp là một khoảng thời gian tương đối ngắn. Tất cả các yếu tố trên đã ảnh hưởng lớn đến khả năng hoàn trả nợ vay khi đến hạn cho NHCSXH nói chung và NHCSXH Cần Thơ.

2. Thực trạng tín dụng cho học sinh, sinh viên tại Thành phố Cần Thơ

Chương trình tín dụng HSSV theo Quyết định 157 được triển khai là một chính sách có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của người dân có thu nhập thấp, tạo được sự đồng thuận cao của cộng đồng xã hội trên địa bàn TP. Cần Thơ. Điều đó khẳng định chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ về tín dụng đối với HSSV theo Quyết định 157 là đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.

Chương trình cũng đã tạo sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bình đẳng trong giáo dục, góp phần tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế, xã hội thành phố Cần Thơ. Việc xã hội hóa chương trình tín dụng đối với HSSV đã tạo sự minh bạch trong thực hiện chính sách, giảm thiểu được rủi ro, phát huy được vai trò trách nhiệm của cả xã hội, gia đình và HSSV - người trực tiếp sử dụng vốn vay. Vì vậy, hộ gia đình vay vốn HSSV có ý thức trách nhiệm hơn trong việc tiết kiệm các khoản chi, tận dụng mọi nguồn thu nhập từ gia đình để trả nợ khi đến hạn.

Việc thay đổi phương thức cho vay từ cơ chế cho vay trực tiếp đối với HSSV sang cơ chế cho vay hộ gia đình có con là HSSV đã phát huy hiệu quả. Trước đây thu hồi nợ của HSSV gặp nhiều khó khăn, nhiều HSSV khi ra trường không có mối liên hệ gì với ngân hàng và nhà trường, đã gây khó khăn trong việc theo dõi và thu hồi nợ. Nhiều học sinh ra trường đã có việc làm, nhưng không tự giác trả nợ hoặc gia đình có con vay vốn, nhưng không muốn khai báo HSSV đang công tác ở đâu, khiến ngân hàng không thu hồi được vốn để quay vòng cho HSSV các khóa sau vay vốn. NHCSXH đã thay đổi phương thức cho vay, chuyển cho vay trực tiếp với HSSV sang cho vay hộ gia đình, hộ gia đình là người đại diện cho HSSV trực tiếp vay vốn và trả nợ ngân hàng thực hiện phương án cho vay thông qua hộ gia đình, gia đình trực tiếp nhận nợ và chịu trách nhiệm trả nợ. Đây là căn cứ quan trọng để NHCSXH Cần Thơ đề ra các giải pháp hiệu quả thu hồi nợ đến hạn.

Việc thực hiện tốt chính sách giảm lãi tiền vay khi trả nợ trước hạn đã tạo ý thức tự nguyện, động lực kích thích trả nợ của người vay trên địa bàn tỉnh. Do vậy, khi hộ vay HSSV có tiền là nghĩ ngay đến việc trả nợ, nhiều hộ vay đã chủ động và tự nguyện trả nợ trước hạn để hưởng chính sách giảm lãi suất tiền vay. Việc trả nợ trước hạn cũng đã góp phần giảm gánh nặng cho HSSV khi đến hạn trả nợ cuối cùng, đồng thời giúp NHCSXH Cần Thơ có nguồn vốn bổ sung cho vay quay vòng.

Việc cho vay thông qua ủy thác một số công việc đối với các tổ chức chính trị - xã hội đã giúp chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả người vay và ngân hàng; Đồng thời tranh thủ được sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương, sự tham gia của tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), của các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh cùng triển khai thực hiện chương trình từ bình xét, xác nhận đối tượng, hướng dẫn thủ tục để cho vay đến việc sử dụng vốn vay và trả nợ tiền vay khi đến hạn.

Theo Quyết định số 751/QĐ-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, mức cho vay HSSV là 1,5 triệu đồng/tháng/HSSV, với lãi suất 6,6%/năm (theo Quyết định 750/QĐ-TTg năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ). Từ khi triển khai thực hiện chương trình đến nay, NHCSXH Cần Thơ đã giúp cho hơn 41.609 gia đình HSSV được vay vốn để cho trên 44.393 HSSV đến trường học tập, bình quân mỗi HSSV vay 13,83 triệu đồng. Qua đó, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ là không để một HSSV nào phải bỏ học vì lý do khó khăn tài chính (Báo cáo tổng kết hoạt động 3 năm NHCSXH Cần Thơ, 2021).

Dư nợ chương trình tín dụng HSSV hiện nay chiếm tỷ trọng tương đối trong tổng dư nợ của NHCSXH Cần Thơ (tỷ lệ khoảng 10%). Dư nợ cho vay HSSV những năm qua giảm, do một phần dư nợ đã đến kỳ hạn trả nợ, và việc xác nhận đối tượng gia đình vay vốn HSSV được UBND xã/phường rà soát sát với Quyết định 157 hơn. Bên cạnh đó, một số hộ gia đình khó khăn về kinh tế, khi HSSV ra trường chưa có việc làm, không có thu nhập hoặc thu nhập thấp nên không thể phụ gia đình trả nợ. Trong khi đó, kinh tế người dân Cần Thơ chủ yếu dựa chăn nuôi heo, bò và trồng cây nông nghiệp như dừa, lúa và cây ăn quả. Nhưng nhiều năm qua, dừa khô xuất khẩu giảm và liên tục rớt giá, chăn nuôi heo thường xuyên xảy ra dịch bệnh, giá cả không ổn định, hạn mặn xâm nhập kéo dài, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế và đời sống, nên người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc trả nợ đến hạn, nợ quá hạn những năm qua tại NHCSXH Cần Thơ liên tục tăng (Báo cáo tổng kết hoạt động 3 năm NHCSXH Cần Thơ, 2021). Bảng 1 thể hiện dư nợ cho vay HSSV giai đoạn 2019 - 2021.

Bảng 1: Dư nợ và tỷ lệ nợ quá hạn cho vay HSSV giai đoạn 2019 - 2021

Năm

Dư nợ (triệu đồng)

Nợ quá hạn

Dư nợ quá hạn

(triệu đồng)

Tỷ lệ (%)

2019

188.674

1.355

0,72

2020

179.417

1.830

1,02

2021

174.746

2.113

1,21

                                                              Nguồn: Báo cáo tài chính NHCSXH Cần Thơ (2021)

Đến cuối năm 2021, đối tượng gia đình vay vốn HSSV là hộ nghèo, cận nghèo đạt tỷ lệ 18,67%, đối tượng là hộ có thu nhập bằng 150% mức thu nhập của hộ nghèo vay vốn cho con đi học tăng lên 22,79%. Tuy nhiên, đối tượng gia đình vay vốn HSSV chủ yếu vẫn là hộ có hoàn cảnh khó khăn về tài chính, chiếm tỷ trọng tương đối cao trên tổng dư nợ 58,45%. Qua đó cho thấy, đối tượng gia đình khó khăn về tài chính đang có nhu cầu rất lớn về vay vốn cho con đi học, một phần lớn HSSV tập trung vào đối tượng gia đình này, Bảng 2 thể hiện rõ cơ cấu dư nợ vay vốn HSSV theo đối tượng gia đình.

Bảng 2: Cơ cấu dư nợ cho vay theo đối tượng gia đình vay vốn HSSV

STT

Đối tượng

Dư nợ (triệu đồng)

Số hộ vay

Số hộ

Tỷ lệ %

1

Hộ nghèo, hộ cận nghèo

32.627

1.264

18,67

2

Hộ khó khăn về tài chính

102.139

4.188

58,45

3

Học sinh, sinh viên mồ côi

91

3

0,05

4

Bộ đội xuất ngũ

58

4

0,03

5

Hộ có thu nhập 150% mức thu nhập của hộ nghèo

39.831

1.470

22,79

 

Tổng cộng

174,746

6,929

100

                                                             Nguồn: Báo cáo tài chính NHCSXH Cần Thơ (2021)

Tỷ lệ HSSV vay vốn học đại học luôn ở mức cao 65,38%. HSSV theo học hệ cao đẳng, trung cấp, học nghề vay vốn đạt 34,62%, cho thấy việc vay vốn cho con theo học ở các hệ đào tạo trung cấp, học nghề chưa được người dân quan tâm (Báo cáo tổng kết hoạt động 3 năm NHCSXH Cần Thơ, 2020). Bảng 3 thể hiện cơ cấu dư nợ theo hệ đào tạo.

Bảng 3: Cơ cấu dư nợ cho vay theo hệ đào tạo

STT

Hệ đào tạo

Dư nợ (triệu đồng)

HSSV

Số HSSV

Tỷ lệ %

1

Đại học

114.241

4.363

65,38

2

Cao đẳng

48.543

2.287

27,78

3

Cao đẳng nghề

3.873

185

2,22

4

Trung cấp chuyên nghiệp

5.408

317

3,09

5

Trung cấp nghề

2.605

158

1,49

6

Sơ cấp nghề

75

4

0,04

 

Tổng cộng

174.746

7.314

100

                                                           Nguồn: Báo cáo tài chính NHCSXH Cần Thơ (2021)

Nghề nghiệp chính của đa số hộ gia đình vay vốn HSSV tại Cần Thơ là hoạt động sản xuất nông nghiệp với nguồn thu nhập không ổn định. Khi HSSV ra trường tìm được việc làm, phần lớn thu nhập thường phải phụ gia đình trang trải cuộc sống, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến KNTN vay.

Thu nhập bình quân hàng tháng của HSSV sau khi ra trường tìm được việc làm chưa ổn định, thu nhập thường không cao, mức thu nhập bình quân 5,6 triệu đồng/tháng. Nhiều HSSV vay vốn ra trường gặp khó khăn để tìm kiếm một công việc phù hợp. Thực trạng sinh viên chấp nhận làm các công việc trái ngành hoặc chưa tìm được việc làm khá phổ biến hiện nay. Khoản thu nhập này chủ yếu để phục vụ cho việc trang trải các chi phí sinh hoạt và rất áp lực cho việc hoàn trả nợ đến hạn khi có phát sinh.

Đa số các khoản vay HSSV đều là những món vay nhỏ, phù hợp với đối tượng nghiên cứu có quy mô món vay thấp nhất là 4,5 triệu đồng, cao nhất là 38,5 triệu đồng và trung bình vào khoảng 19,4 triệu đồng. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay ưu đãi được Chính phủ quy định thường rất thấp, thấp nhất là 6%/năm và cao nhất là 7,8%/năm.

3. Một số giải pháp trong thời gian tới

Để tăng khả năng trả nợ của HSSV, phát huy hiệu quả hơn nữa của Chương trình tín dụng cho HSSV tại TP. Cần Thơ, trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp. Cụ thể như sau:

3.1. Về phía NHCSXH Cần Thơ

NHCSXH Cần Thơ cần làm tốt công tác tuyên truyền và tham gia thực hiện tốt chính sách tín dụng hỗ trợ giảm nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cần phối hợp tốt hơn nữa với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho vay, cấp ủy chính quyền địa phương và nhà trường tuyên truyền sâu rộng, giúp người dân hiểu rõ hơn về chính sách tín dụng đối với HSSV của Chính phủ được triển khai trên địa bàn thành phố. Qua đó, giúp hộ dân mạnh dạn vay vốn cho con đi học. Đặc biệt, tích cực vận động các gia đình có con thi đỗ đại học thuộc đối tượng vay vốn theo Quyết định 157 vay vốn đầu tư cho học tập, giúp sinh viên có năng lực học tập nhưng khó khăn về tài chính có điều kiện được phấn đấu và rèn luyện ở bậc đại học.

Bên cạnh đó, NHCSXH Cần Thơ cần chú trọng mở rộng dư nợ đối với các HSSV theo học hệ đào tạo cao đẳng nghề, trung cấp nghề, bảo đảm không để HSSV nào phải bỏ học vì lý do không có khả năng đóng học phí và trang trải các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu. Qua đó, giúp HSSV hoàn thành tốt chương trình học của mình, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực có trình độ góp phần phát triển khi tế cho thành phố.

Việc thu hồi nợ đúng hạn nhằm nêu cao ý thức của người dân về việc sử dụng đồng vốn của Nhà nước đến đúng người thụ hưởng, tạo cho người vay có ý thức về việc trả nợ, nếu được đôn đốc thu hồi nợ thường xuyên theo đúng kỳ quy định, đẩy mạnh công tác thu nợ sẽ tạo sức lan tỏa về ý thức và trách nhiệm của người vay về việc hoàn trả vốn vay cho Nhà nước.

NHCSXH cần thực hiện chuẩn hóa hệ thống thông tin khách hàng vay vốn chương trình tín dụng đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn theo Quyết định 157. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai triển khai hệ thống Data Warehouse kho dữ liệu tập trung chuyên dùng cho tạo báo cáo và phân tích dữ liệu quản lý hệ thống khách hàng.

NHCSXH Cần Thơ cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tham mưu tốt cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp. Từ đó, giúp nâng cao vai trò của UBND cấp xã, trưởng ấp/khu phố, tổ tiết kiệm, đây là một mắt xích quan trọng trong quy trình thực hiện chương trình tín dụng HSSV, là cầu nối giữa NHCSXH và các hộ vay vốn HSSV. Thực tế cho thấy, cấp xã, ấp là nơi gần gũi nhất với các đối tượng gia đình vay vốn, trực tiếp tiếp cận và nắm rõ tình hình của từng gia đình hộ vay. Vì thế, việc chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị tại địa phương là rất quan trọng, quyết định tính bền vững của chương trình tín dụng HSSV theo Quyết định 157.

3.2. Về phía cơ quan nhà nước

UBND TP. Cần Thơ cần chỉ đạo UBND quận, huyện, xã, phường thường xuyên rà soát bổ sung kịp thời đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo theo quy định của pháp luật. Từ đó, có cở sở thực hiện nghiêm túc về việc xác nhận các hộ gia đình vay vốn Chương trình tín dụng HSSV đúng đối tượng theo quy định.

Đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo nguồn thu nhập hằng tháng chủ yếu từ hàng hóa nông sản, giá cả bấp bênh không ổn định. Do đó, nguồn trả nợ vay vốn HSSV khi đến hạn phần lớn phụ thuộc vào thu nhập của HSSV sau khi ra trường tìm được việc làm, nên xác suất hộ không có khả năng trả nợ đúng hạn rất cao. Các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm hỗ trợ đặc biệt những hộ này, đồng thời có những biện pháp hỗ trợ, như: Vận động các hộ nghèo đăng ký tham gia phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình phát triển sản xuất giảm nghèo; tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi cho vay hộ nghèo từ NHCSXH Cần Thơ để đầu tư phát triển kinh tế, khởi nghiệp, đa dạng sinh kế thoát nghèo; tham gia thực hiện dự án tại địa phương như trồng cây giống, hoa kiểng, cây ăn trái, nuôi bò, nuôi dê, may túi xách,... giúp hộ có nguồn thu nhập ổn định cuộc sống, từng bước phát triển khi tế vươn lên thoát nghèo. Từ đó, nâng cao thu nhập của hộ và khả năng hỗ trợ HSSV hoàn trả nợ vay được tốt hơn.

3.3. Đối với HSSV

Việc lựa chọn theo học hệ đào tạo nào cho phù hợp nhất với khả năng, sở thích và nguyện vọng của học sinh và thỏa mãn nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội đang cần, có ý nghĩa rất quan trọng đối với mỗi học sinh. Hiện nay, quy mô đào tạo chưa thích ứng với nhu cầu đầu ra, đào tạo ồ ạt, chưa hướng cho người học chọn cho mình ngành học phù hợp, dẫn đến thừa thầy thiếu thợ, HSSV ra trường với tỷ lệ tìm được việc làm thấp ảnh hưởng không nhỏ đến việc trả nợ của người vay. Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh việc Chính phủ cần có chính sách phân luồng đào tạo, giúp sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đã qua đào tạo tại Việt Nam, mỗi HSSV cần có ý thức lựa chọn ngành nghề đào tạo phù hợp, tập trung học hành thật tốt để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, để khi tốt nghiệp có được việc làm, trả nợ tín dụng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đào Thanh Bình và cộng sự (2011). Chất lượng tín dụng đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam nhìn từ phía sinh viên: Nghiên cứu thực nghiệm tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Truy cập tại <https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/chat-luong-tin-dung-doi-voi-hoc-sinh-sinh-vien-co-hoan-canh-kho-khan-cua-ngan-hang-chinh-sach-xa-hoi-viet-nam-nhin-tu-phia-sinh-vien-nghien-cuu-thuc-nghiem-tai-truong-dai-hoc-bach-khoa-ha-noi-51150.htm>, xem 29/11/2017.
  2. Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Chi nhánh Thành phố Cần Thơ (2017). Báo cáo tổng kết 15 năm (2002 - 2020) thực hiện tín dụng chính sách xã hội, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ và tổng kết hoạt động Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Thành phố Cần Thơ giai đoạn 2002-2017, Cần Thơ.
  3. Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Chi nhánh Thành phố Cần Thơ (2021). Báo cáo tài chính năm 2021.
  4. Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Chi nhánh Thành phố Cần Thơ (2023). Báo cáo hoạt động năm 2022 và kế hoạch năm 2023, Hội nghị tổng kết hoạt động tín dụng chính sách xã hội năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, Cần Thơ.

The student loan program in Can Tho City: Current situation and solutons

Tran Thi Huong Tra

Institute of Policy and Development

Abstract:

The student loan program, which has been implemented in Can Tho City according to the recent Prime Minister's decision, has brought many positive results. This study assesses the relationship between the debt repayment status of students who have student loans and the Vietnam Bank for Social Policies - Can Tho City Branch. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to improve the student loan program and reduce the risks related to this loan program for students in Can Tho City.

Keywords: loan for students, Can Tho City, Vietnam Bank for Social Policies.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18 tháng 8 năm 2023]

Tạp chí Công Thương