TÓM TẮT:
Bài viết nghiên cứu việc tổ chức sản xuất rau an toàn đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn TP. Cần Thơ. Kết quả của nghiên cứu cung cấp thêm cơ sở khoa học cho việc tổ chức sản xuất rau an toàn, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn TP. Cần Thơ. Kết quả cũng cho thấy xu hướng người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm rau có tiêu chuẩn an toàn cao hơn trong thời gian tới; có nhu cầu tham quan đồng ruộng và quy trình sản xuất của nông dân; tỷ lệ khách hàng cá nhân chấp nhận trả tiền trước cho nông dân cao hơn nhóm khách hàng tập thể.
Từ khóa: sản xuất an toàn, nhu cầu rau an toàn, liên kết sản xuất rau màu, thành phố Cần Thơ.
1. Đặt vấn đề
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, cùng với nhiều mô hình canh tác khác, sản xuất rau màu tại TP. Cần Thơ đã khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai và cung cấp nhiều sản phẩm đa dạng cho thị trường [3]. Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố, một số vùng canh tác rau màu gặp khó khăn trong tiếp cận thị trường tiêu thụ, ảnh hưởng đến tổ chức sản xuất của nông dân [5]. Có nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, trong đó mô hình CSA (Community Supported Agriculture) có nhiều ưu điểm, tận dụng được tiềm năng và đáp ứng nhu cầu tại một địa phương nhất định. Thông qua CSA, việc sản xuất các loại thực phẩm thường tập trung vào chất lượng cao, an toàn cho cộng đồng tại địa phương, khuyến khích đa dạng chủng loại để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng [2]. Đặc biệt, trong mô hình này, người nông dân an tâm sản xuất vì đã biết trước thị trường tiêu thụ, người tiêu dùng an tâm hơn vì biết rõ nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.
Bài báo chia sẻ một phần kết quả trong đề tài “Nghiên cứu tính khả thi của mô hình Nông nghiệp hỗ trợ cộng đồng (CSA, community supported agriculture) trên một số cây trồng chính tại thành phố Cần Thơ” dưới sự quản lý của Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ; đồng thời bổ sung thêm kết quả phỏng vấn sâu nông dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực này, nhằm cung cấp thêm cơ sở khoa học cho việc tổ chức sản xuất rau an toàn đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn TP. Cần Thơ.
2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu đã phỏng vấn 30 khách hàng cá nhân và 30 khách hàng tập thể (trường học có học sinh nội trú) trên địa bàn quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ; phỏng vấn sâu 2 nông dân canh tác rau màu và 1 đơn vị tổ chức sản xuất và cung cấp rau an toàn cho địa bàn TP. Long Xuyên, Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh (Công ty TNHH Nông trại Ếch Ộp). Số liệu thu thập được xử lý thống kê mô tả làm cơ sở phân tích nhu cầu của người tiêu dùng và cung cấp minh chứng cho người sản xuất. Đối với dữ liệu định tính được lựa chọn, so sánh và bổ sung cho thông tin đã được thống kê.
3. Kết quả thảo luận
3.1. Sự tiếp cận thông tin về rau an toàn
Bảng 1. Nguồn thông tin tiếp cận rau an toàn của người tiêu dùng
Người tiêu dùng tiếp cận thông tin về rau an toàn chủ yếu thông qua các kênh như: người thân quen, qua tivi, mạng xã hội, báo, đài (Bảng 1). Điều này giúp nông dân chọn cách phù hợp để giới thiệu nông sản an toàn của mình đến người tiêu dùng, có thể tận dụng các kênh miễn phí như mạng xã hội để tăng cường liên kết giữa sản xuất và tiêu dùng.
3.2. Nhu cầu đặt hàng trước của người tiêu dùng
Trong nỗ lực tìm kiếm nguồn nông sản an toàn, một số người tiêu dùng đã liên kết và đặt hàng trước với nông dân. Khảo sát cho thấy chỉ có 5/30 người tiêu dùng cá nhân và 4/30 trường học đã liên hệ đặt hàng rau an toàn với nông dân. Tuy nhiên, số lượng này còn khiêm tốn và thường thông qua những mối quan hệ quen biết. Người tiêu dùng luôn mong muốn tìm được nông sản an toàn nhưng thường không chủ động liên lạc đặt hàng với nông dân sản xuất mà thường mua ở cửa hàng hoặc chợ truyền thống. Tuy nhiên, trong thời gian tới, người tiêu dùng cá nhân đặt hàng trước với nông dân hoặc doanh nghiệp cung cấp sản phẩm an toàn (chiếm khoảng 66%), trong khi chỉ có khoảng 36% trường học muốn thực hiện điều này. Phần lớn trường học còn lại chưa muốn đặt hàng với nông dân, trong đó một số trường đã đặt suất ăn với bếp ăn tập thể, nên họ không có nhu cầu này.
Bảng 2. Sự chấp nhận trả tiền trước của người tiêu dùng
Tại các trang trại tham gia mô hình CSA ở Đức, người tiêu dùng phải trả một khoản đóng góp hàng tháng cho nông dân để trang trải các chi phí dự kiến trong mùa vụ bao gồm chi phí lao động, hạt giống, trang thiết bị và vật tư. Đổi lại, người tiêu dùng sẽ nhận được một phần sản phẩm thu hoạch hàng tuần trong suốt mùa vụ như trái cây tươi, rau quả và các mặt hàng bổ sung khác theo thỏa thuận [2]. Kết quả khảo sát tại TP. Cần Thơ cho thấy có khoảng 56% hộ tiêu dùng cá nhân đồng ý trả tiền trước cho nông dân và tỷ lệ này với trường học là 20% (Bảng 2). Qua đây cũng cho thấy tỷ lệ người tiêu dùng cá nhân chấp nhận trả tiền trước nhiều hơn nhóm tiêu dùng tập thể. Kết quả phỏng vấn sâu cho thấy, hầu hết khách hàng của Nông trại Ếch Ộp là khách hàng cá nhân, họ mua rau an toàn cho chính gia đình mình sử dụng hoặc làm quà tặng cho người thân. Khách hàng cá nhân có thể gửi ý kiến hoặc đặt hàng trước đối với một số loại rau ít được trồng quanh năm (ví dụ dưa gang) thông qua việc gặp trực tiếp tại cửa hàng mỗi ngày hoặc qua mạng xã hội. Trong nhiều năm qua, chưa có bếp ăn tập thể, hoặc cửa hàng ăn uống nào liên hệ để mua rau an toàn của Ếch Ộp, mặc dù đơn vị cũng đã nhiều lần chào hàng. Điều này rất có ý nghĩa cho nông dân tham khảo để định hướng nguồn khách hàng tiềm năng của mình.
Kết quả phỏng vấn cũng cho thấy người tiêu dùng sẵn sàng trả chi phí cao hơn để mua được nông sản an toàn, nhưng lo ngại sản phẩm có thật sự an toàn để xứng đáng với chi phí bỏ ra.
3.3. Nhu cầu về số lượng và chủng loại
Kết quả khảo sát 30 khách hàng gia đình cho thấy, số lượng rau/tháng/gia đình trung bình là 19,8kg (thấp nhất 5 kg, cao nhất 40kg). Trong đó, số lượng rau/người/tháng trung bình là 5,5kg (thấp nhất 1,3 kg, cao nhất 15kg). Trong khi đó, nhu cầu về số lượng rau/tháng/trường học trung bình là 813kg (thấp nhất 36 kg, cao nhất 2.688kg). Sự chênh lệch này phụ thuộc vào tỷ lệ học sinh bán trú tại trường học. Số lượng rau/học sinh/tháng trung bình là 1,6kg (thấp nhất 0,4 kg, cao nhất 3,0kg).
Thực tế, trong bữa cơm gia đình của người Việt Nam, việc đa dạng chủng loại rau rất cần thiết, điều này đặc biệt có ý nghĩa về mặt dinh dưỡng [1]. Thật vậy, kết quả phỏng vấn cho thấy phần lớn (90%) hộ gia đình và phần lớn (90%) trường học đều có nhu cầu sử dụng đa dạng chủng loại rau. Các loại rau thường sử dụng chủ yếu từ nhóm rau ăn lá (cải ngọt, rau muống, cải thìa, cải xanh, rau dền, mồng tơi, bồ ngót, đọt lang, rau tập tàng, xà lách) và một số loại rau ăn củ/quả (cà rốt, su su, su hào, đậu que, bí đỏ, bí xanh, bầu, mướp, khổ qua, cà chua, dưa leo, dưa hấu).
Nhu cầu về chủng loại rau cũng thay đổi theo các mùa trong năm. Theo kết quả phỏng vấn Nông trại Ếch Ộp, vào mùa mưa, khách hàng có xu hướng chọn loại rau nấu canh (cải xanh, cải ngọt, cải thìa, mồng tơi, mướp, bầu, bồ ngót), trong khi các tháng mùa nắng khách hàng thường chuyển qua sử dụng các loại rau nấu canh chua và các loại rau ăn sống (cà chua, dưa leo, xà lách, bẹ dún, combo rau sống các loại), Ngoài ra, đối với các dịp lễ, Tết, người tiêu dùng có xu hướng mua nhiều loại rau ăn lẫu, rau ăn trái để trữ và dùng dần với các món ăn truyền thống. Do đó, nông dân phải sản xuất đa dạng chủng loại rau đáp ứng các nhu cầu đa dạng trên của khách hàng.
Thực tế cho thấy, thông thường nông dân có diện tích canh tác trồng cây nhỏ dễ đa dạng chủng loại rau màu hơn những nông dân có diện tích canh tác lớn. Canh tác rau màu cần nhiều nhân công hơn so với mô hình lúa hay cây ăn trái, đặc biệt trong điều kiện lao động nông nghiệp đang dần khan hiếm như hiện nay. Nông dân có thể liên kết với nhau nhằm có được sản phẩm đa dạng hóa chủng loại, đảm bảo nhu cầu sử dụng hằng ngày của khách hàng [6]. Đây là ý kiến hay và rất thực tiễn, cần được xem xét ứng dụng, đặc biệt là những nông dân có nguồn lực lao động hạn chế.
3.4. Mức giá chấp nhận của người tiêu dùng
Theo kết quả phân tích, hộ tiêu dùng cá nhân sẵn sàng mua rau an toàn với giá trung bình là 31.833đ (thấp nhất 10.000đ, cao nhất 60.000đ). Các trường học sẵn sàng mua với giá trung bình là 31.267đ (thấp nhất 20.000đ, cao nhất 50.000đ). Mức giá này cao hơn mức giá trung bình của nhiều loại rau thông thường trên thị trường. Trong điều kiện thu nhập tốt hơn, người tiêu dùng có xu hướng quan tâm đến chất lượng, chọn lựa sản phẩm an toàn hơn [4]. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người tiêu dùng cần thực phẩm an toàn nhưng khó chấp nhận giá cao.
3.5. Nhu cầu về chất lượng rau
Ở thời điểm khảo sát, hầu hết nhóm tiêu dùng tập thể có mong muốn lựa chọn rau an toàn (96%), trong khi các hộ gia đình lựa chọn tập trung nhiều nhất vào loại rau thường (Bảng 3). Tuy nhiên, trong thời gian tới chiếm đến 83% hộ tiêu dùng gia đình sẽ lựa chọn rau an toàn, đặc biệt có 20% hướng đến chọn rau hữu cơ. Nông dân cần điều chỉnh tập quán canh tác, kết hợp chất xám trong quá trình sản xuất để nâng cao chất lượng (ngon và an toàn). Đây là cái khó và cần đầu tư để tăng lợi thế cạnh tranh, không nên chạy theo năng suất vốn rất dễ làm, ai cũng làm được. Mô hình CSA thường tập trung vào việc sản xuất các loại thực phẩm chất lượng cao cho cộng đồng địa phương, khuyến khích canh tác tốt hơn về mặt sinh thái như các phương pháp trồng hữu cơ hoặc sinh học [2].
Bảng 3. Sự lựa chọn chất lượng rau của người tiêu dùng
3.6. Nhu cầu tham quan đồng ruộng
Nhiều trang trại trong mô hình CSA tổ chức ngày tham quan thực địa, lễ hội thu hoạch hoặc các sự kiện đặc biệt khác như hội thảo phổ biến kiến thức cho các thành viên về nông nghiệp bền vững và lựa chọn thực phẩm lành mạnh. Các hoạt động này tạo điều kiện cho mọi người xích lại gần nhau hơn trong suốt mùa vụ. Đồng thời, qua đó người tiêu dùng gửi ý kiến trong việc phát triển, chế biến và phân phối nguồn thực phẩm của mình [2]. Đối với Nông trại Ếch Ộp, hầu hết khách hàng mua rau lâu dài đều đã đến tham quan tại nông trại, họ tận mắt chứng kiến phương pháp canh tác, từ đó giúp quảng bá rau an toàn đến những người thân thiết của họ bằng nhiều cách khác nhau. Đây là điều kiện thuận lợi để đơn vị này tạo dựng lòng tin từ khách hàng trong thời gian qua. Việc tham quan có thể được lồng ghép vào hoạt động xã hội của trang trại tại địa phương, góp phần gắn kết, tạo sự thân thiện với khách hàng, nông trại được xem như là một vườn rau gia đình.
Kết quả khảo sát cho thấy, người tiêu dùng cá nhân có nhu cầu tìm hiểu quy trình sản xuất và tham quan đồng ruộng của nông dân (chiếm khoảng 53%). Các thông tin mà người tiêu dùng quan tâm chủ yếu là nguồn gốc xuất xứ, việc bón phân, phun thuốc trong quá trình sản xuất, thời gian cách ly phân thuốc, quá trình bảo quản. Trong khi đó, đối với nhóm tiêu dùng tập thể, nhu cầu tìm hiểu quy trình sản xuất của nông dân chiếm khoảng 40% và khoảng 26% trường học có nhu cầu tham quan đồng ruộng của nông dân. Họ muốn tham quan chủ yếu ở thời điểm thu hoạch hoa mầu, đặc biệt là vào dịp hè, vì thuận tiện hơn cho các em học sinh khi đó được nghỉ hè sẽ có nhiều thời gian đi chơi tham gia cùng gia đình. Quá trình sản xuất của nông dân có thêm hoạt động tham quan của người tiêu dùng sẽ giúp hai bên hiểu nhau và tạo dựng niềm tin tốt hơn.
4. Kết luận
Người tiêu dùng tiếp cận thông tin về rau an toàn chủ yếu thông qua người thân quen, họ ít chủ động liên hệ và đặt hàng trước với các hộ nông dân, tuy nhiên trong thời gian tới nhu cầu được này sẽ được người tiêu dùng quan tâm hơn.
Người sản xuất cần đáp ứng nhu cầu đa dạng chủng loại rau từ phía người tiêu dùng. Lượng rau tiêu thụ trung bình ở hộ gia đình là khoảng 20kg/tháng, tương đương 5,5kg/người/tháng. Tỷ lệ khách hàng cá nhân chấp nhận trả tiền trước cho nông dân cao hơn nhóm khách hàng tập thể.
Người tiêu dùng quan tâm đến chất lượng rau nhiều hơn trong thời gian tới. Ngoài ra, họ còn quan tâm đến việc tham quan đồng ruộng và tham khảo quy trình sản xuất để tăng lòng tin vào chất lượng sản phẩm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Đỗ Hà (2020). Bữa ăn hợp lý đủ dinh dưỡng tại gia đình. Báo Sức khỏe và Đời sống. Truy cập tại https://suckhoedoisong.vn/bua-an-hop-ly-du-dinh-duong-tai-gia-dinh-169180012.htm.
- Hồng Nhung (2017). Cộng đồng hỗ trợ nông nghiệp (CSA) tại CHLB Đức. Tạp chí Mặt trận. Truy cập tại http://tapchimattran.vn/the-gioi/cong-dong-ho-tro-nong-nghiep-csa-tai-chlb-duc-9216.html.
- Khánh Trung (2020). Tiềm năng phát triển sản xuất rau màu. Báo Cần Thơ. Truy cập tại https://baocantho.com.vn/tiem-nang-phat-trien-san-xuat-rau-mau-a128170.html.
- Minh Phương (2019). Xu hướng tiêu dùng: Sản phẩm nông sản sạch. Báo Đại đoàn kết. Truy cập tại http://daidoanket.vn/xu-huong-tieu-dung-san-pham-nong-san-sach-452782.html.
- Ngọc Thiện (2021). Giá rau màu ở Cần Thơ cận Tết giảm mạnh. Truy cập tại https://bnews.vn/gia-rau-mau-o-can-tho-can-tet-giam-manh/185687.html.
- Nguyễn Thành Thông (2021). Khảo sát nhu cầu tiêu dùng rau của hộ gia đình trên địa bàn thành phố Long Xuyên. Khóa luận tốt nghiệp ngành Phát triển Nông thôn, Trường Đại học An Giang.
ORGANIZING THE PRODUCTION
OF SAFE VEGETABLES TO BETTER MEET THE NEEDS
OF CUSTOMERS IN CAN THO CITY
• HUYNH NGOC DUC
Faculty of Agriculture and Natural Resources
An Giang University - Vietnam National University, Ho Chi Minh City
ABSTRACT:
This study explores the production of safe vegetables in order to better meet the needs of consumers in Can Tho city. The study is expected to provide additional scientific basis for organizing the production of safe vegetable production. The study’s results also reveal that consumers tend to choose vegetables with higher safety standards in the coming time, and they also wish to visit farms and experience the production process. In addition, the proportion of individual customers willing to pay in advance for farmers is higher than that of group customers.
Keywords: safe vegetable production, demand for safe vegetables, vegetable production linkage.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8 tháng 4 năm 2023]