Mức cắt giảm 20 điểm phần trăm lần này là mức cắt giảm mạnh nhất của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) trong gần 5 năm trở lại đây. Điều này phản ánh Trung Quốc đang hành động mạnh tay hơn trong việc kích thích nền kinh tế nước này tái khởi động sau hơn 2 tháng bị đình trệ vì sự bùng phát của đại dịch Covid-19.
Đây cũng là lần cắt giảm lãi suất thứ ba liên tiếp đối với các hợp đồng mua lại đảo ngược của PBOC kể từ tháng 11/2019. Theo ông Ma Jun, chuyên gia tư vấn của PBOC, Trung Quốc hiện vẫn còn nhiều dư địa trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ và lãi suất trong việc cân nhắc các doanh nghiệp Trung Quốc đang dần quay lại làm việc, diễn biến đại dịch Covid-19 trên toàn cầu và tình trạng suy thoái của nền kinh tế toàn cầu. Sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc – nơi khởi phát của đại dịch hiện đã diễn ra chậm lại so với những khu vực khác trên thế giới.
Hãng tư vấn kinh tế Capital Economics cho biết Chính phủ Trung Quốc sẽ cần phải nới lỏng các chính sách, đặc biệt là các chính sách tài khoá hơn nữa để giúp nền kinh tế nước này quay lại thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra.
Trong khi đó, ông Yan Se, nhà kinh tế trưởng của hãng chứng khoán Founder Securities cho biết việc Trung Quốc cắt giảm lãi suất là một phần cam kết của nước này đưa ra trong cuộc họp thượng đỉnh giữa lãnh đạo các nền kinh tế lớn – khối G20 trong tuần trước nhằm thảo luận các biện pháp đối phó dịch bệnh và ổn định thị trường tài chính.
Trong phiên thảo luận, lãnh đạo các quốc gia thuộc khối G20 đã cam kết tung ra hơn 5.000 tỷ USD để giúp nền kinh tế toàn cầu chống chọi trước đại dịch Covid-19. Trong thời gian gần đây, các quốc gia trên thế giới đã đưa hàng loạt biện pháp kích thích kinh tế với quy mô lớn nhất trong lịch sử, bơm hơn 7.000 tỷ USD nhằm ngăn chặn các tác động kinh tế nghiêm trọng do đại dịch virus Covid-19 gây ra.
Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới chưa thực hiện các biện pháp kích thích quy mô lớn như nới lỏng định lượng và cắt giảm sâu mức lãi suất cơ bản, theo ông Yan Se.
Ông Xing Zhaopeng, chuyên gia kinh tế thị trường tại tập đoàn ngân hàng ANZ chi nhánh Thượng Hải (Trung Quốc), nhận định Trung Quốc sẽ điều chỉnh giảm mức lãi suất cho vay trung hạn (MLF) và mức lãi suất cho vay cơ bản (LPR) tương ứng với mức giảm lãi suất của các hợp đồng mua lại đảo ngược trong tháng 4/2020.
Trong phiên họp ngày 27/3, Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2020. Trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2019 chỉ đạt 6,1% trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại giữa nước này và Hoa Kỳ nổ ra. Mức tăng trưởng này là mức thấp nhất trong gần 30% trở lại đây và cũng là năm giảm tốc độ tăng trưởng thứ ba liên tiếp.
Giới phân tích dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ sụt giảm mạnh trong quý 1/2020 do sự bùng phát của dịch bệnh khiến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bị đình trệ và sức tiêu dùng sụt giảm mạnh.