Tại hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi các nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại trong các Hiệp định thương mại tự do và kinh nghiệm đối với ngành Dệt may; Nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại trong bối cảnh mới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam - Chống gian lận xuất xứ & một số lưu ý trong việc ứng phó với vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Khi hàng xuất khẩu của Việt Nam đang có những chỗ đứng trên thị trường thế giới và nguy cơ các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sẽ trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại bởi việc tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất tại nước nhập khẩu, khiến các ngành sản xuất này có thể phải yêu cầu Chính phủ sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để bảo vệ mình.
Ngành dệt may là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam. Riêng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nhóm các sản phẩm dệt may của Việt Nam đã tăng 13,85% so với năm 2017, lên tới 36,2 tỷ USD, đứng vị trí thứ ba trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu xơ sợi dự kiến đạt xấp xỉ 3 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này cả năm 2021 là 5,6 tỷ USD. Lần đầu tiên Việt Nam vượt qua Hàn Quốc để trở thành nước xuất khẩu xơ sợi lớn thứ 6 thế giới.
Với kim ngạch xuất khẩu lớn như hiện nay cũng như đối với thị trường trong nước, ngành dệt may Việt Nam có một vai trò vô cùng quan trọng đóng góp cho việc tăng trưởng kinh tế của quốc gia và giải quyết việc làm cho 5 triệu lao động trên cả nước với mức thu nhập trên 7 triệu đồng/người/tháng.
Hội thảo cũng đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của các đại biểu, đặc biệt là các doanh nghiệp, hiệp hội tham gia.
Các diễn giả đã đưa ra các lưu ý cho doanh nghiệp và hiệp hội cần phải nghiên cứu và nắm vững các quy định về phòng vệ thương mại; chủ động và tích cực phối hợp giữa các doanh nghiệp vì lợi ích chung của ngành sản xuất trong nước; xây dựng hệ thống kế toán minh bạch và theo chuẩn kế toán Việt Nam.
Từ đó giúp các doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài, đồng thời hạn chế những thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước và bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam.