Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam cho biết, hiện, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 5 của Việt Nam. Trước đó, từ năm 2008 đến năm 2013, xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc dao động từ 85 triệu USD đến 225 triệu USD.
Sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực cuối năm 2015, từ 2016 đến 2018, XK tôm Việt Nam sang Hàn Quốc tăng từ 285 triệu USD lên 386 triệu USD. Như vậy, VKFTA đã có những tác động nào đó lên XK tôm Việt Nam trong thời gian qua.
VKFTA được ký kết ngày 5/5/2015 và chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12/2015. Theo cam kết của Hàn Quốc trong VKFTA, các sản phẩm tôm XK từ Việt Nam sang Hàn Quốc từ mức thuế 20% được giảm về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực gồm các sản phẩm tôm mã HS 0306161090, 0306169090, 0306171090, 0306179090, 0306261000, 0306271000, 1605219000 (tôm nước lạnh đông lạnh đã bóc vỏ, tôm nước lạnh chưa bóc vỏ, tôm và tôm prawn khác đã bóc vỏ, tôm và tôm prawn khác chưa bóc vỏ, tôm nước lạnh sống/tươi/ướp lạnh, tôm và tôm prawn khác sống/tươi/ướp lạnh, tôm và tôm prawn không đóng hộp kín khí).
Hạn ngạch tôm được miễn thuế từ Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc đạt 10.000 tấn trong năm đầu tiên VKFTA có hiệu lực. Trong khi đó, Thái Lan, Indonesia, Malaysia chỉ được cấp hạn ngạch 5.000 tấn. Cơ hội này giúp tôm Việt Nam dễ dàng cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường Hàn Quốc.
Theo cam kết trong 5 năm tiếp theo kể từ khi VKFTA có hiệu lực, Hàn Quốc sẽ nâng hạn ngạch tôm XK của Việt Nam vào thị trường này lên mức 15.000 tấn (tăng thêm 10% qua mỗi năm) và duy trì mức 15.000 tấn từ năm thứ 7 trở đi.
Cơ chế hạn ngạch thuế quan theo VKFTA được áp dụng song song với cơ chế hạn ngạch thuế quan thông thường của Hàn Quốc (HSK). Do đó các sản phẩm thuộc diện hưởng hạn ngạch thuế quan theo VKFTA khi đã hết hạn ngạch theo VKFTA vẫn có thể sử dụng hạn ngạch thuế quan theo HSK.
Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho Hàn Quốc chiếm thị phần áp đảo 50,5% trong khi các đối thủ khác (Thái Lan 9,6%, Ecuador 13,5%, Trung Quốc 5,2%). Trên thị trường Hàn Quốc, Việt Nam phải cạnh tranh về giá với tôm Trung Quốc, Ấn Độ và Ecuador.
Bốn tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 94,6 triệu USD, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái. XK tôm sang Hàn Quốc giảm trong những tháng đầu năm nay trong bối cảnh sụt giảm chung trong XK tôm sang các thị trường chính và tác động của giá tôm thế giới giảm.
Mặc dù có nhiều ưu đãi nhưng việc tận dụng VKFTA còn chưa đạt hiệu quả cao. Cụ thể, Việt Nam được miễn thuế tôm NK vào Hàn Quốc với hạn ngạch 10.000 tấn/năm, đến 2020 là 15.000 tấn/năm, nhưng hiện tại Việt Nam mới tận dụng được 2.500 tấn/năm.
Để nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi mà VKFTA mang lại, các DN Việt Nam cần nâng cao ý thức chủ động tiếp cận thông tin về VKFTA để lựa chọn các ưu đãi phù hợp với điều kiện của DN đồng thời thay đổi công nghệ, định hướng phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường NK.
Từ 2008 đến 2013, XK tôm Việt Nam sang Hàn Quốc dao động trong khoảng từ 85 triệu USD đến 225 triệu USD. Sau khi VKFTA có hiệu lực, từ 2016 đến 2018, XK tôm Việt Nam sang Hàn Quốc tăng từ 285 triệu USD lên 386 triệu USD. Mặc dù không tăng nhiều nhưng rõ ràng tôm Việt Nam đã duy trì được chỗ đứng khá ổn định trên thị trường Hàn Quốc.