Xác định thị trường liên quan trong kiểm soát tập trung kinh tế

Nghiên cứu "Xác định thị trường liên quan trong kiểm soát tập trung kinh tế" do Th.S Nguyễn Văn Luân (Khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội) thực hiện.

TÓM TẮT:

Trong nền kinh tế thị trường đòi hỏi các chủ thể tiến hành hoạt động kinh doanh phải luôn nỗ lực đổi mới chiến lược kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, cũng như tổ chức quản lý để tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường. Do vậy, các chủ thể kinh doanh luôn tìm cách gia tăng sự lớn mạnh thông qua các hình thức tập trung kinh tế. Từ góc độ khả năng gây hạn chế cạnh tranh của hành vi tập trung kinh tế, pháp luật đặt ra các tiêu chí xác định thị trường liên quan, nhằm điều tiết hành vi này. Bài viết phân tích, đánh giá các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành về xác định thị trường liên quan trong kiểm soát hành vi tập trung kinh tế, từ đó đưa ra các biện pháp hoàn thiện pháp luật.

Từ khoá: tập trung kinh tế, kiểm soát, xác định thị trường liên quan.

1. Xác định thị trường liên quan trong kiểm soát tập trung kinh tế theo pháp luật Việt Nam

Khác với nhiều quốc gia trên thế giới, pháp luật cạnh tranh Việt Nam quan niệm tập trung kinh tế diễn ra dưới nhiều hình thức. Trong đó, những hình thức tập trung kinh tế được liệt kê tại Điều 29 Luật Cạnh tranh năm 2018 bao gồm: sáp nhập doanh nghiệp, hợp nhất doanh nghiệp, mua lại doanh nghiệp, liên doanh giữa các doanh nghiệp và các hình thức tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật [2]. Như vậy, hành vi tập trung kinh tế được coi là một trong các hành vi làm giảm, sai lệch, cản trở cạnh tranh trên thị trường. Hệ quả của hành vi này có thể dẫn tới việc giảm số lượng doanh nghiệp tham gia trên thị trường liên quan và từ đó có khả năng gia tăng các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường hoặc lạm dụng vị trí độc quyền gây thiệt hại đến lợi ích của xã hội nói chung, cũng như lợi ích của các doanh nghiệp khác và của người tiêu dùng nói riêng[6]. Do vậy, Nhà nước cần kiểm soát hành vi tập trung kinh tế.

Xuất phát từ sự cần thiết phải kiểm soát các hoạt động tập trung kinh tế để tránh tình trạng hình thành các doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể hoặc gia tăng nguy cơ thông đồng, phối hợp giữa các doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh trên thị trường, Luật Cạnh tranh đã có những quy định cho phép các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế trên thị trường. Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh không kiểm soát tất cả các hoạt động tập trung kinh tế mà chỉ tập trung vào các trường hợp doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam dựa trên đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của việc tập trung kinh tế và tác động tích cực của việc tập trung kinh tế[7]. 

Theo đó, một trong các bước mà doanh nghiệp tham gia cần phải thực hiện trước khi tiến hành tập trung kinh tế đó là xác định thị trường liên quan. Hiện nay, theo quy định của pháp luật cạnh tranh Việt Nam, việc điều tiết hành vi hạn chế cạnh tranh cũng như quan điểm về tiêu chí xác định thị trường liên quan trong kiểm soát hành vi tập trung kinh tế không có bất kỳ quy định riêng biệt nào. Điều này có nghĩa, việc xác định thị trường liên quan trong hành vi tập trung kinh tế được xác định theo cách thức chung mà Luật Cạnh tranh năm 2018 và Nghị định số 35/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh (sau đây gọi tắt là Nghị định 35) đã quy định.

Theo đó, khoản 7 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018 quy định: “Thị trường liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả trong khu vực địa lý, cụ thể có các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận” và “thị trường liên quan được xác định trên cơ sở thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan”[2]. Quy định này cho thấy quan điểm tiếp cận của pháp luật cạnh tranh Việt Nam tương tự như quan điểm tiếp cận của hầu hết các quốc gia trên thế giới trong việc xác định thị trường liên quan dựa trên 2 yếu tố thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan.

Đồng thời, quy định về thị trường liên quan của Luật Cạnh tranh 2018 tương tự như quy định về thị trường liên quan theo quy định của Luật Cạnh tranh 2004. Theo đó, 2 sản phẩm sẽ được coi là cùng thị trường liên quan nếu chúng được xác định là cùng một thị trường sản phẩm liên quan và cùng thị trường địa lý liên quan. Tức là xác định phạm vi những sản phẩm có thể thay thế cho nhau để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng (thị trường sản phẩm liên quan) và xác định khu vực địa lý riêng biệt nơi diễn ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng kinh doanh các sản phẩm liên quan đó (thị trường địa lý liên quan).

1.1. Thị trường sản phẩm liên quan

Thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả[2]. Việc xác định khả năng thay thế cho nhau của sản phẩm phản ánh được mức độ cạnh tranh của các doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh của nhau, bởi lẽ, khi đã có thể thay thế cho nhau thì các sản phẩm đó đã có chung mục đích là đáp ứng cho một nhu cầu của thị trường. Sự thay thế cho nhau của hàng hóa, dịch vụ được xác định qua đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả. Trên thực tế, các quốc gia thường áp dụng đồng thời 2 phương pháp có liên quan chặt chẽ và bổ sung cho nhau trong việc xác định thị trường sản phẩm liên quan là khả năng thay thế hợp lý trong việc sử dụng (the reasonable interchangeability of use) và độ đàn hồi chéo của cầu (the cross elasticity of demand)[8].

Xem xét tính thay thế cho nhau về mục đích sử dụng và đặc tính của sản phẩm chính là xem xét khả năng thay thế hợp lý trong việc sử dụng và khả năng thay thế về giá của sản phẩm chính là xác định độ đàn hồi chéo của cầu. Do đó, để xác định thị trường sản phẩm liên quan vấn đề quan trọng chính là xác định được phạm vi những sản phẩm đáp ứng được thuộc tính có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả. Việc xác định đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả của sản phẩm cũng như thuộc tính có thể thay thế cho nhau của sản phẩm dựa trên những yếu tố này không được Luật Cạnh tranh 2018 quy định cụ thể mà được quy định trong Nghị định 35. Đây được coi là quy định hợp lý bởi lẽ phương pháp xác định thị trường liên quan là vấn đề kỹ thuật chuyên sâu, đòi hỏi nhiều đánh giá chi tiết theo lý thuyết kinh tế nên cần thiết phải được Chính phủ hướng dẫn, quy định chi tiết trong Nghị định.

Theo đó, hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về đặc tính nếu hàng hóa, dịch vụ đó có sự giống nhau hoặc tương tự nhau về một hoặc một số yếu tố như sau: a) Đặc điểm của hàng hóa, dịch vụ; b) Thành phần của hàng hóa, dịch vụ; c) Tính chất vật lý, hóa học của hàng hóa; d) Tính năng kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ; đ) Tác dụng phụ của hàng hóa, dịch vụ đối với người sử dụng; e) Khả năng hấp thu của người sử dụng; g) Tính chất riêng biệt khác của hàng hóa, dịch vụ. Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về mục đích sử dụng nếu hàng hóa, dịch vụ đó có mục đích sử dụng chủ yếu giống nhau.

Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về giá cả khi giá của hàng hóa, dịch vụ chênh lệch nhau không quá 5% trong điều kiện giao dịch tương tự. Trường hợp có sự chênh lệch nhau trên 5%, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xác định hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về giá cả căn cứ thêm vào một số yếu tố và phương pháp nhất định[4]. Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về giá cả, nếu có ít nhất 35% của một lượng mẫu ngẫu nhiên 1.000 người tiêu dùng sinh sống tại khu vực địa lý liên quan chuyển sang mua hoặc có ý định mua hàng hóa, dịch vụ khác có đặc tính, mục đích sử dụng giống với hàng hóa, dịch vụ mà họ đang sử dụng hoặc có ý định sử dụng trong trường hợp giá của hàng hóa, dịch vụ đó tăng lên quá 10% và được duy trì trong 6 tháng liên tiếp. Trường hợp số người tiêu dùng sinh sống tại khu vực địa lý liên quan quy định tại điểm này không đủ 1.000 người thì lượng mẫu ngẫu nhiên được xác định tối thiểu bằng 50% tổng số người tiêu dùng trong khu vực địa lý đó.

Theo quan điểm của tác giả, việc pháp luật cạnh tranh vẫn giữ nguyên quy định về khả năng thay thế cho nhau của hàng hóa, dịch vụ phải được xem xét “cả về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả” như Luật Cạnh tranh 2004 là chưa hợp lý[4]. Việc đánh giá cả ba tiêu chí đối với bất cứ sản phẩm, dịch vụ nào dẫn đến kết luận về khả năng thay thế cho nhau của các sản phẩm, dịch vụ không phản ánh đúng thực tế cạnh tranh trên thị trường. Chẳng hạn có rất nhiều sản phẩm có mục đích sử dụng, giá cả có thể thay thế cho nhau, nhưng về đặc tính lại không thể thay thế cho nhau, song người tiêu dùng vẫn lựa chọn thay thế nhau và chúng là 2 sản phẩm cạnh tranh với nhau (ví dụ như các sản phẩm về thuốc, dược phẩm).

1.2. Thị trường địa lý liên quan

Thị trường địa lý liên quan là khu vực địa lý cụ thể, trong đó có những hàng hóa, dịch vụ được cung cấp có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận[2]. Quy định của Luật Cạnh tranh 2018 về thị trường địa lý liên quan gần như được giữ nguyên so với định nghĩa được quy định tại Điều 3 Luật Cạnh tranh 2004. Có thể thấy, thị trường địa lý liên quan được xác định trên cơ sở các dấu hiệu sau: (i) trong phạm vi thị trường sản phẩm liên quan đã được xác định; (ii) trong phạm vi khu vực mà lợi thế so sánh về chi phí, giá thành sản phẩm (lợi thế cạnh tranh) giữa các sản phẩm như nhau hoặc có thể thay thế cho nhau; (iii) có sự khác biệt đáng kể về lợi thế cạnh tranh với các khu vực lân cận. Xác định thị trường địa lý liên quan cũng tương tự như đối với thị trường sản phẩm liên quan, đó là việc đi tìm kiếm những căn cứ để đánh giá tâm lý của người tiêu dùng có sẵn sàng chuyển thói quen mua sản phẩm ở một địa điểm nào đó sang mua sản phẩm tương tự ở địa điểm khác hay không[9].

Tức là, thị trường địa lý cần được xác định bởi quan điểm của người mua về khả năng thay thế cho nhau của các sản phẩm được sản xuất hoặc tại các địa điểm khác nhau. Cụ thể, nếu người mua sản phẩm được bán ở một địa điểm, để đáp ứng với mức tăng nhỏ nhưng đáng kể và không nhất thời về giá, chuyển sang mua sản phẩm được bán tại một địa điểm khác, thì 2 địa điểm đó được xác định là nằm trong cùng một thị trường địa lý liên quan đối với sản phẩm đó. Ngược lại, nếu họ không coi sản phẩm được bán ở một địa điểm là sản phẩm thay thế cho một sản phẩm được bán ở địa điểm kia, thì 2 địa điểm đó nằm ở các thị trường địa lý khác nhau, đối với sản phẩm đó.

Đồng thời, ranh giới của khu vực địa lý được xác định căn cứ theo yếu tố sau đây: a) Khu vực địa lý có cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp tham gia phân phối hàng hóa, dịch vụ liên quan; b) Cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp khác đóng trên khu vực địa lý lân cận đủ gần với khu vực địa lý quy định tại điểm a khoản này để có thể tham gia cạnh tranh với các hàng hóa, dịch vụ liên quan trên khu vực địa lý đó; c) Chi phí vận chuyển hàng hóa, cung ứng dịch vụ; d) Thời gian vận chuyển hàng hóa, cung ứng dịch vụ; đ) Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường; e) Tập quán tiêu dùng; g) Chi phí, thời gian để khách hàng mua hàng hóa, dịch vụ[4]. Như vậy, giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, pháp luật Việt Nam quy định về thị trường địa lý liên quan về cơ bản cũng dựa trên các yếu tố như chi phí vận chuyển, thời gian vận chuyển, rào cản gia nhập, mở rộng thị trường. Đồng thời, pháp luật Việt Nam hiện hành cũng bổ sung thêm yếu tố được xem xét để xác định ranh giới của thị trường địa lý liên quan là xem xét chi phí, thời gian để người tiêu dùng mua hàng hóa, dịch vụ mà pháp luật các quốc gia trên thế giới thường sử dụng.

Để chỉ ra khu vực địa lý được coi là có điều kiện cạnh tranh tương tự và khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận, pháp luật cạnh tranh Việt Nam còn đưa ra một số yếu tố để nhận biết, đó là nếu thỏa mãn một trong các tiêu chí sau đây: a) Chi phí vận chuyển và thời gian vận chuyển làm giá của hàng hóa, dịch vụ tăng không quá 10%; b) Có sự hiện diện của một trong các rào cản gia nhập, mở rộng thị trường[4]. Theo quan điểm của tác giả, việc ấn định một ngưỡng cố định là 10% như pháp luật Việt Nam hiện nay là không thực sự hợp lý, bởi liên quan đến quan điểm của từng người tiêu dùng, tỷ lệ tối đa chi phí vận chuyển trên giá trị sản phẩm mà người tiêu dùng sẵn sàng chịu là bao nhiêu sẽ không thể có một câu trả lời chính xác và đúng cho tất cả các trường hợp. Đây là vấn đề đã gây tranh cãi từ Luật Cạnh tranh năm 2004 khi xác định thị trường liên quan trong các hình thức tập trung kinh tế.

Có thể thấy, thị trường địa lý liên quan là một trong những yếu tố quan trọng để xem xét tính cạnh tranh của tập trung kinh tế. Chẳng hạn, trong vụ Tập đoàn Central (Thái Lan) mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam[5]. Vào tháng 10/2016, Cục Quản lý Cạnh tranh nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế của Tập đoàn Casino (Pháp) về việc Tập đoàn này sẽ bán lại hệ thống các siêu thị Big C Việt Nam cho Tập đoàn Central (Thái Lan) tại Việt Nam. Theo giải trình của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế, Tập đoàn Central Thái Lan mua quyền sở hữu phần vốn góp của Tập đoàn Casino Pháp để sở hữu chuỗi siêu thị Big C tại Việt Nam theo hình thức mua lại doanh nghiệp quy định tại Khoản 1 Điều 17 Luật Cạnh tranh. Trong trường hợp này, Cơ quan Cạnh tranh đã xác định thị trường sản phẩm liên quan được xác định là thị trường bán lẻ trong siêu thị, còn thị trường địa lý liên quan là thị trường bán lẻ trong siêu thị tại các khu vực tỉnh, thành phố nơi có siêu thị Big C hoạt động. Trong quá trình xem xét, đánh giá vụ việc, Cục Quản lý Cạnh tranh cũng đã lấy ý kiến đóng góp về chuyên môn của một số đơn vị quản lý chuyên ngành có liên quan để đánh giá tác động về cạnh tranh của việc tập trung kinh tế. Dựa trên kết quả thẩm định, Cục Quản lý Cạnh tranh đã đánh giá tại một số thị trường liên quan nhất định (một số tỉnh, thành phố), thị phần kết hợp của các bên khá cao. Từ đó, Cục Quản lý Cạnh tranh cho rằng, về lâu dài, vụ việc tiềm ẩn một số vấn đề đáng lưu tâm về cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt nhấn mạnh đến các tác động có thể xảy ra trong bối cảnh tại Việt Nam số lượng các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài có sức mạnh thị trường ngày càng gia tăng.

2. Một số kiến nghị cụ thể liên quan đến xác định thị trường liên quan trong kiểm soát tập trung kinh tế

Thứ nhất, theo tác giả, vấn đề đầu tiên cần phải hoàn thiện đó chính là liên quan đến khái niệm “tập trung kinh tế”. Để kiểm soát tập trung kinh tế, xác định thị trường liên quan trong kiểm soát tập trung kinh tế thì cần phải làm rõ ràng tất cả các khái niệm cơ bản. Do đó, cần phải đưa ra một khái niệm chung nhất về tập trung kinh tế. Theo đó, khái niệm tập trung kinh tế cần phải xác định được đầy đủ các yếu tố cơ bản sau đây: bản chất của hành vi, các hành vi tập trung kinh tế có thể xảy ra trên thị trường. Khái niệm này nên đưa vào điều khoản “Giải thích từ ngữ” (Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2018). Trước tiên, khái niệm này đòi hỏi bao quát và thể hiện được bản chất của hành vi tập trung kinh tế. Trên cơ sở này, các điều khoản tiếp theo của Luật Cạnh tranh sẽ quy định cụ thể các hành vi tập trung kinh tế và xác định về các hành vi tập trung kinh tế bị cấm. Đối với định nghĩa của các hình thức tập trung kinh tế như quy định tại Điều 29 Luật Cạnh tranh 2018 và Nghị định 35 như hiện nay theo tác giả là phù hợp.

Thứ hai, hoàn thiện về cách thức xác định thị trường sản phẩm liên quan. Pháp luật cạnh tranh hiện hành nên sửa đổi quy định theo hướng không bắt buộc phải xác định thị trường sản phẩm liên quan trên cả 3 thuộc tính thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả. Như trên đã phân tích, việc quy định khả năng thay thế cho nhau của hàng hóa, dịch vụ phải được xem xét “cả về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả” có thể không phản ánh đúng thực tế cạnh tranh trên thị trường. Cơ quan cạnh tranh trên thế giới cũng sử dụng 3 tiêu chí này để đánh giá khả năng thay thế cho nhau của các hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, cách sử dụng linh hoạt, xem xét một cách tổng thể và tùy từng sản phẩm, dịch vụ đặc thù, các tiêu chí mới được cân nhắc sử dụng nhằm phản ánh đúng nhất thực trạng thực tế thị trường sản phẩm. Các quốc gia khi đánh giá thị trường sản phẩm liên quan thường coi trọng 2 thuộc tính cuối cùng, đó là thay thế cho nhau về mục đích sử dụng và giá cả. Còn thuộc tính thay thế về đặc tính thường được xem xét tùy vào từng vụ việc. Chẳng hạn, trường hợp khi các sản phẩm được xem xét là sản phẩm trung gian, sản phẩm phụ trợ được các công ty khác mua để sử dụng trong quy trình sản xuất của họ và do đó phải đáp ứng một số yêu cầu.

Thứ ba, hoàn thiện về cách thức xác định thị trường địa lý liên quan. Hiện nay, pháp luật cạnh tranh Việt Nam quy định về ngưỡng cố định về tỷ lệ chi phí vận chuyển và thời gian vận chuyển. Như tác giả đã phân tích ở trên, nên bỏ quy định ngưỡng cố định về tỷ lệ chi phí vận chuyển trên giá trị của sản phẩm được suy đoán là người tiêu dùng chấp nhận để làm căn cứ xác định thị trường liên quan, bởi vì việc suy đoán chi phí vận chuyển và thời gian vận chuyển làm giá hàng hóa, dịch vụ tăng không quá 10% là được người tiêu dùng chấp nhận là mang tính “gò ép”. Việc kiểm định phản ứng của người tiêu dùng và nhà sản xuất trong việc chuyển mua hoặc cung ứng sản phẩm trong một khu vực địa lý nhất định sang mua hoặc cung ứng sản phẩm ở khu vực địa lý khác cũng tương tự như kiểm định thuộc tính thay thế cho nhau về giá của các hàng hóa, dịch vụ phải được đặt trong trạng thái động, Cơ quan cạnh tranh sẽ kết luận về ranh giới của thị trường địa lý liên quan dựa trên phân tích tính hiệu quả kinh tế của việc tiêu dùng các sản phẩm ở các khu vực lân cận với khu vực địa lý đang xem xét cho dù có sự gia tăng về chi phí và thời gian vận chuyển.

Bên cạnh đó, cần bổ sung các yếu tố khác mà Cơ quan cạnh tranh có thể xem xét để kết luận về ranh giới của thị trường địa lý liên quan là chi phí, thời gian người tiêu dùng mua hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm khác; đặc điểm của hàng hóa, dịch vụ./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2004), Luật Cạnh tranh năm 2004.
  2. Quốc hội (2008), Luật Cạnh tranh năm 2018.
  3. Chính phủ (2005), Nghị định số 116/2005/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh 2004.
  4. Chính phủ (2020), Nghị định số 35/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh 2018.
  5. Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công Thương (2016), Báo cáo thường niên của Cục Quản lý Cạnh tranh năm 2016.
  6. Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương (2020), Sổ tay pháp luật cạnh tranh: Tập trung kinh tế (Quyển 3).
  7. Bộ Công Thương (2019). Kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh, truy cập tại: <https://www.vcca.gov.vn/?page=competition&do=detail&id=4c2a4e04-fa34-44a7-8910-13e9e7399e46&current_id=878b9b5e-b35a-4ab2-bf43-e340307d5703>
  8. Hurley, Denis (2017). Use Case Product Markets and the Spirit of Reasonable Interchangeability, Cornell Journal of Law and Public Policy: Vol. 27 : Iss. 2 , Article 6, <https://scholarship.law.cornell.edu/cjlpp/vol27/iss2/6
  9. Nguyễn Ngọc Sơn (2005), Xác định thị trường liên quan theo Luật Cạnh tranh 2004, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, 11 (63).

Determining the relevant market to control the economic concentration

Master. Nguyen Van Luan

Faculty of Economic Law, Hanoi Law University

Abstract:

In a market economy, business entities always seek ways to improve their business performance, increase the quality of their goods and services, optimize their operations to better compete with rivals. Business entities can also increase their powers through economic concentration transactions. Governments have set provisions governing economic concentration transactions to ensure the fair competition among businesses. This paper analyzes the current Vietnamese provisions on determining the relevant market to control the economic concentration. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to strengthen these provisions.

Keywords: economic concentration, control, determine the relevant market.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7  tháng 3 năm 2023]

Tạp chí Công Thương