Xây dựng cơ chế pháp lý thương mại điện tử trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Xây dựng cơ chế pháp lý thương mại điện tử trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam" do Đàm Ngọc Sơn (Học viên Cao học, Trường Đại học Luật Hà Nội) thực hiện. DOI: https://doi.org/10.62831/202501009.

Tóm tắt:

Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành một yếu tố chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hệ thống pháp lý và hạ tầng TMĐT vẫn còn hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về các vấn đề pháp lý của TMĐT, nhưng tác giả chưa thấy có công trình nào làm rõ vai trò của việc xây dựng cơ chế pháp lý trong lĩnh vực TMĐT đối với sự chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu vai trò của cơ chế pháp lý đối với TMĐT và đề xuất giải pháp tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

Từ khóa: chuyển đổi số, thương mại điện tử, kỷ nguyên vươn mình, dân tộc Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam đang chuẩn bị các nền tảng vững chắc để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trong đó chuyển đổi số và TMĐT đóng vai trò vô cùng quan trọng. thương mại điện tử không chỉ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn giúp chuyển mình các ngành nghề truyền thống và tạo cơ hội mới cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, hệ thống pháp lý hiện hành chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và chưa khai thác hết tiềm năng trong bối cảnh chuyển đổi số. Các nghiên cứu hiện nay chủ yếu tập trung vào các vấn đề cụ thể như bảo vệ người tiêu dùng và giao dịch xuyên biên giới, nhưng chưa làm rõ vai trò của việc xây dựng cơ chế pháp lý đối với sự chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, việc tập trung nghiên cứu và phân tích rõ vai trò của cơ chế pháp lý thương mại điện tử và đề xuất các giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp lý, tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế số phát triển bền vững là cần thiết.

2. Cơ sở lý luận

2.1. Lịch sử phát triển của thương mại điện tử

Thương mại điện tử ra đời và phát triển cùng với sự ứng dụng các phương tiện điện tử trong hoạt động thương mại. Ban đầu, thương mại điện tử chủ yếu là việc đặt hàng và giao nhận hàng hóa qua điện tín vào những năm 40 của thế kỷ XX. Đến những năm 60, việc trao đổi dữ liệu điện tử và thư điện tử qua mạng nội bộ được nhiều doanh nghiệp thực hiện. Các dịch vụ tài chính điện tử như chuyển tiền và thanh toán thẻ tín dụng cũng phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn này. Mặc dù thương mại điện tử đã xuất hiện từ lâu, thuật ngữ này chỉ trở nên phổ biến cùng với sự phát triển của Internet vào thập niên 90. Internet không chỉ kết nối toàn cầu, mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ với chi phí thấp hơn. Tại Việt Nam, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ từ cuối thập niên 90 cùng với sự gia tăng sử dụng Internet, đến nay đã trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế số.[1]

2.2. Khái niệm thương mại điện tử và kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Thương mại điện tử là hoạt động kinh doanh, bao gồm việc bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và các giao dịch thương mại khác, được thực hiện một phần hoặc toàn bộ thông qua các phương tiện điện tử, có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác. Hoạt động này bao gồm mọi giao dịch điện tử giữa các bên tham gia, từ việc trao đổi thông tin, đặt hàng, thanh toán, cho đến giao nhận sản phẩm hoặc dịch vụ.

Kỷ nguyên vươn mình là giai đoạn đánh dấu sự chuyển động mạnh mẽ, quyết liệt và tích cực của dân tộc Việt Nam nhằm vượt qua thách thức, khẳng định nội lực và thực hiện khát vọng. Đây là thời kỳ phát triển mạnh mẽ, nỗ lực vươn tới mục tiêu lớn lao, xây dựng một xã hội giàu mạnh và hạnh phúc. Kỷ nguyên này, Việt Nam phát triển toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Trong đó, chuyển đổi số là một trong bảy định hướng chiến lược quan trọng, giúp Việt Nam hiện đại hóa nền kinh tế, tăng cường năng suất lao động và khẳng định vị thế quốc gia. Mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, với tinh thần tự chủ, tự tin và khát vọng vươn lên mạnh mẽ.[2]

2.3. Vai trò của thương mại điện tử đối với định hướng chiến lược đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Kinh tế số với với sự dẫn dắt của thương mại điện tử đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc mở rộng thị trường, tăng cường giao thương nội địa và quốc tế. Các nền tảng thương mại điện tử tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng toàn cầu, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ Việt. Đồng thời, thương mại điện tử còn thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực chuyển đổi số, đặc biệt là các kỹ năng số, góp phần xây dựng nền tảng hạ tầng công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

Trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia, thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy nền kinh tế số. Việc phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử sẽ làm tăng năng suất lao động, tối ưu hóa quy trình sản xuất và cung ứng, tạo ra các cơ hội mới cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thương mại điện tử không chỉ cải thiện hiệu quả giao dịch, mà còn là công cụ quan trọng trong thúc đẩy các ngành nghề truyền thống chuyển mình, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu.

Trong “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, kinh tế số với sự dẫn dắt của thương mại điện tử sẽ trở thành yếu tố chiến lược để Việt Nam phát triển kinh tế bền vững, thực hiện các mục tiêu phát triển toàn diện. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế số, thương mại điện tử chính là công cụ hiệu quả giúp Việt Nam vươn lên, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Việc phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử sẽ giúp Việt Nam khai thác tối đa tiềm năng của các thị trường mới, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam khẳng định thương hiệu, góp phần xây dựng một nền kinh tế số năng động và phát triển bền vững, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược đã được Đảng và Nhà nước đề ra.[3]

3. Những kết quả đạt được của thương mại điện tử tại Việt Nam

Trong những năm qua, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử tại Việt Nam không chỉ phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng, mà còn là minh chứng rõ ràng cho tầm quan trọng của lĩnh vực này trong chiến lược phát triển kinh tế số của đất nước. Tốc độ tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang đứng đầu khu vực Đông Nam Á, với mức tăng trưởng trung bình lên tới 30% mỗi năm trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2019. Doanh thu bán lẻ từ thương mại điện tử đã tăng từ 2,97 tỷ USD lên 10,8 tỷ USD trong khoảng thời gian này. Đặc biệt, dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, thương mại điện tử Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng với tốc độ 18%, đưa quy mô thị trường lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020.[4] Những năm qua, thương mại điện tử tại Việt Nam đã khẳng định được vai trò tiên phong trong nền kinh tế số. Mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, song thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Năm 2023, thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng 25%, với quy mô doanh thu 20,5 tỷ USD. Dự báo, năm 2024, quy mô thị trường sẽ vượt mốc 25 tỷ USD. [HN1] 

Sự phát triển mạnh mẽ này không chỉ là kết quả của sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng, mà còn thể hiện vai trò quan trọng của thương mại điện tử trong thúc đẩy các doanh nghiệp, giữa bối cảnh giãn cách xã hội. Các nền tảng thương mại điện tử như Lazada và Shopee đã ghi nhận sự gia tăng vượt bậc về số lượng người tiêu dùng và các nhà bán hàng tham gia. Thêm vào đó, sự gia tăng của các phiên livestream bán hàng và sự chuyển đổi sang thanh toán không dùng tiền mặt cho thấy sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử và hình thức giao dịch trực tuyến tại Việt Nam. Xu hướng này đặc biệt rõ ràng trong thời gian dịch bệnh - khi người tiêu dùng ưu tiên sử dụng thương mại điện tử để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày.

Trong bối cảnh này, Chính phủ đã có những bước đi quan trọng để xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, nhằm tạo dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử. Các văn bản pháp luật như Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP), Luật Giao dịch điện tử, Luật Quảng cáo, Luật An ninh mạng và các Nghị định hướng dẫn thi hành đã giúp xác định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia hoạt động thương mại điện tử, qua đó tạo ra một khuôn khổ pháp lý rõ ràng và minh bạch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Chính phủ cũng đã triển khai các chương trình, đề án cụ thể, như “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” [5], để thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong thương mại điện tử. Các cơ chế hỗ trợ như phát triển hệ thống thanh toán điện tử, logistics và các dịch vụ hạ tầng số đã tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử. Đặc biệt, việc xây dựng các cơ chế, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử là một điểm sáng trong các chính sách của Nhà nước. Chính phủ đã ban hành các quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo tính minh bạch và an toàn trong giao dịch trực tuyến, tạo ra niềm tin cho người tiêu dùng khi tham gia vào các hoạt động thương mại điện tử. Những chính sách này không chỉ giúp người tiêu dùng an tâm hơn khi giao dịch, mà còn thúc đẩy sự phát triển của thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Những kết quả đạt được trên đã cho thấy sự thay đổi nhận thức một cách linh hoạt và sáng suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc coi trọng phát triển thương mại điện tử như một động lực quan trọng của nền kinh tế số - là cơ sở nền tảng cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

4. Những hạn chế, bất cập

Thứ nhất, hạn chế trong khuôn khổ pháp lý và thực thi pháp luật.

Mặc dù hệ thống pháp lý về thương mại điện tử của Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng, nhưng vẫn còn tồn tại một số bất cập. Các văn bản pháp lý hiện hành, như Nghị định số 52/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP) và Luật Giao dịch điện tử, Luật Quảng cáo, Luật An ninh mạng… vẫn chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các mô hình thương mại điện tử và các công nghệ mới như thanh toán điện tử, bảo mật dữ liệu và thương mại qua các nền tảng mạng xã hội. Việc áp dụng các quy định pháp lý này còn thiếu tính đồng bộ và chưa có quy định cụ thể đối với các hình thức kinh doanh thương mại điện tử mới, như livestream bán hàng và giao dịch qua các sàn thương mại điện tử quốc tế. Hơn nữa, mặc dù đã có các quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng việc thực thi và giám sát các quy định này vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Thực tế cho thấy, một số người tiêu dùng vẫn gặp khó khăn trong việc khiếu nại và bảo vệ quyền lợi khi tham gia vào giao dịch thương mại điện tử, đặc biệt là trong các giao dịch xuyên biên giới, nơi mà việc áp dụng pháp luật và cơ chế giải quyết tranh chấp vẫn còn bất cập.

Thứ hai, thiếu hụt hạ tầng công nghệ và dịch vụ hỗ trợ.

Một trong những vấn đề lớn đối với sự phát triển thương mại điện tử là sự thiếu hụt hạ tầng công nghệ và dịch vụ hỗ trợ. Mặc dù Việt Nam đã có một số tiến bộ trong việc phát triển các nền tảng giao dịch trực tuyến và hệ thống thanh toán điện tử, nhưng vẫn còn nhiều khu vực, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa chưa có đủ cơ sở hạ tầng internet hoặc kết nối mạng đủ mạnh để tham gia vào các giao dịch thương mại điện tử. Điều này hạn chế khả năng tiếp cận của người tiêu dùng và doanh nghiệp ở những khu vực này, làm giảm sự phát triển đồng đều của thị trường.

Ngoài ra, các dịch vụ hậu cần như vận chuyển, giao hàng và quản lý kho vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù có những tiến bộ, nhưng các vấn đề như chi phí vận chuyển cao, thời gian giao hàng kéo dài và thiếu hụt hệ thống kho bãi hiện đại vẫn là một rào cản đối với sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khi họ muốn mở rộng quy mô bán hàng nhưng gặp khó khăn trong việc xây dựng mạng lưới logistics hiệu quả.

Thứ ba, các vấn đề liên quan đến bảo mật thông tin và an ninh mạng.

Bảo mật thông tin và an ninh mạng luôn là vấn đề lớn trong thương mại điện tử, đặc biệt khi các giao dịch trực tuyến liên quan đến việc chia sẻ thông tin cá nhân và tài chính của người tiêu dùng. Mặc dù Chính phủ và các doanh nghiệp thương mại điện tử đã đầu tư vào các công nghệ bảo mật và xây dựng các hệ thống bảo vệ thông tin người dùng, nhưng các sự cố rò rỉ thông tin, lừa đảo qua mạng và các hành vi gian lận trong thương mại điện tử vẫn diễn ra khá phổ biến. Điều này tạo ra tâm lý không an tâm cho người tiêu dùng, làm giảm tính minh bạch và an toàn trong các giao dịch và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thương mại điện tử trong dài hạn.

Thứ tư, vấn đề quản lý và kiểm soát các sàn thương mại điện tử quốc tế.

Với sự phát triển của các sàn thương mại điện tử quốc tế như Amazon, eBay và Alibaba, cũng như các nền tảng bán hàng trực tuyến xuyên biên giới, vấn đề quản lý và kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử quốc tế trở thành một thách thức lớn đối với cơ quan quản lý Việt Nam. Các sàn thương mại điện tử quốc tế không phải lúc nào cũng tuân thủ các quy định của Việt Nam về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thuế và các quy định liên quan đến an ninh mạng. Điều này khiến cho việc áp dụng pháp lý và giải quyết tranh chấp trong giao dịch xuyên biên giới gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ năm, thiếu sự đồng bộ trong chiến lược phát triển thương mại điện tử.

Sự thiếu đồng bộ trong chiến lược phát triển thương mại điện tử giữa các bộ, ngành, địa phương cũng chính là một rào cản trong thực thi chiến lược phát triển thương mại điện tử. Việc thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các chính sách, chương trình phát triển thương mại điện tử có thể dẫn đến sự chồng chéo trong các quy định, làm giảm hiệu quả triển khai và quản lý thương mại điện tử. Ngoài ra, việc thiếu chiến lược phát triển thương mại điện tử bền vững trong dài hạn có thể dẫn đến sự phát triển thiếu đồng đều, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn là động lực quan trọng trong nền kinh tế số.

Thứ sáu, lợi dụng kẽ hở pháp luật để trốn thuế.

Một trong những vấn đề nghiêm trọng trong sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam là việc lợi dụng kẽ hở pháp luật để trốn thuế. Mặc dù các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada và Tiki đã áp dụng một số chính sách thuế đối với các đơn vị bán hàng, nhưng vẫn còn rất nhiều kẽ hở mà các doanh nghiệp có thể lợi dụng để giảm thiểu nghĩa vụ thuế của mình. Một trong những hình thức phổ biến là các đơn vị bán hàng cá nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ chỉ thực hiện các giao dịch dưới danh nghĩa cá nhân và không kê khai đầy đủ doanh thu khi bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử. Việc trốn thuế gây bất lợi cho các doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định pháp luật và dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước.

Thứ bảy, quảng cáo sai sự thật và gian lận thương mại.

Bên cạnh vấn đề trốn thuế, một thực trạng phổ biến trong thương mại điện tử là việc quảng cáo sai sự thật và gian lận thương mại. Trên các sàn thương mại điện tử, một số nhà bán hàng đã sử dụng các chiêu trò quảng cáo không đúng sự thật về chất lượng, công dụng, nguồn gốc của sản phẩm để thu hút người tiêu dùng. Những hình thức quảng cáo này thường không được kiểm soát chặt chẽ và có thể gây nhầm lẫn, hoặc lừa dối khách hàng. Chẳng hạn, có không ít sản phẩm được quảng cáo là hàng chính hãng, nhưng thực tế lại là hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ kém chất lượng. Các nhà bán hàng sử dụng những mô tả hoa mỹ, hình ảnh sản phẩm chỉnh sửa kỹ thuật số để tạo sự hấp dẫn cho khách hàng. Ngoài ra, trong một số trường hợp, các nhà bán hàng còn sử dụng các thủ thuật như “săn sale”, “giảm giá cực sâu”, hoặc “quà tặng miễn phí” để lừa dối người tiêu dùng. Thực tế, các chương trình giảm giá này có thể được thiết lập chỉ để thu hút người mua, trong khi chất lượng sản phẩm không được đảm bảo, hoặc giá trị không đúng như quảng cáo. Điều này gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với cả người tiêu dùng và các doanh nghiệp.

5. Kiến nghị giải pháp

Thứ nhất, xây dựng luật chuyên biệt cho thương mại điện tử, đây là cơ sở để tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho lĩnh vực này.

Luật này cần quy định rõ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo mật thông tin, thuế và các quy định về giao dịch xuyên biên giới. Đồng thời, xây dựng cơ chế giám sát, theo dõi và áp dụng các biện pháp xử lý mạnh mẽ để tránh tình trạng trốn thuế hoặc giảm thiểu nghĩa vụ thuế một cách bất hợp pháp. Ngoài ra, các điều khoản trong luật cần đồng bộ với các cam kết quốc tế và phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế số, giúp tạo ra một khung pháp lý ổn định và công bằng cho mọi bên tham gia vào thị trường thương mại điện tử.

Thứ hai, tăng cường công tác quản lý và giám sát của các cơ quan chức năng.

 Hiện nay, sự thiếu đồng bộ trong công tác quản lý giữa các cơ quan nhà nước, các địa phương và các doanh nghiệp thương mại điện tử dẫn đến việc thực thi pháp luật chưa hiệu quả. Do đó, việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng và tăng cường năng lực giám sát, kiểm tra sẽ tạo ra một môi trường thương mại điện tử minh bạch, hiệu quả. Công tác giám sát không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra hành vi vi phạm, mà còn cần phải áp dụng các công nghệ hiện đại để phát hiện nhanh chóng và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính.

Thứ ba, đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ và nâng cấp các dịch vụ hậu cần.

Theo đó, Việt Nam cần tập trung vào việc mở rộng mạng lưới internet ở các khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa, để người dân có thể tiếp cận và tham gia vào thị trường thương mại điện tử. Đồng thời, hệ thống vận chuyển và kho bãi cần được cải thiện để giảm chi phí và thời gian giao hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp thương mại điện tử, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp họ có thể cạnh tranh hiệu quả hơn trên thị trường.

Thứ tư, tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân, đảm bảo an toàn thông tin trong các giao dịch trực tuyến là rất quan trọng.

Cùng với đó, cần phát triển các chương trình đào tạo, tuyên truyền về an toàn thông tin, giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp nhận thức rõ về các mối nguy hại tiềm tàng trong môi trường thương mại điện tử. Các doanh nghiệp, cá nhân cũng cần áp dụng các công nghệ bảo mật hiện đại để bảo vệ dữ liệu khách hàng và ngăn chặn các rủi ro liên quan đến an ninh mạng.

Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ và mở rộng ra các thị trường quốc tế.

Để quản lý hiệu quả các sàn thương mại điện tử quốc tế, Việt Nam cần thiết lập các cơ chế hợp tác quốc tế chặt chẽ. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý của Việt Nam phải ký kết thỏa thuận hợp tác với các quốc gia có các sàn thương mại điện tử lớn như Amazon, Alibaba, nhằm đảm bảo các giao dịch xuyên biên giới được thực hiện đúng quy định, đặc biệt là về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nghĩa vụ thuế. Đồng thời, Việt Nam cần xây dựng và triển khai các cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả, giúp xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh từ giao dịch xuyên biên giới. Cơ chế này đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi họ gặp phải các vấn đề liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ không đúng như quảng cáo. Những giải pháp này không chỉ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà còn thúc đẩy sự phát triển của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia một cách công bằng và minh bạch trong môi trường quốc tế.

6. Kết luận

Việc hoàn thiện cơ chế pháp lý cho thương mại điện tử là yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong kỷ nguyên số. Một hệ thống pháp lý minh bạch, đồng bộ sẽ tạo ra nền tảng vững chắc, góp phần tạo sự chuyển mình mạnh mẽ cho lĩnh vực thương mại điện tử, đưa Việt Nam nhanh chóng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Chuyển đổi số là cơ hội mang tính bước ngoặt, nhưng chỉ khi có cơ chế pháp lý đầy đủ và hiệu quả, cơ hội này mới có thể được tận dụng tối đa. Vì vậy, việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp pháp lý cho TMĐT là nhiệm vụ cấp bách và thiết yếu trong kỷ nguyên mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

(1) Phí Mạnh Cường (2022). Pháp luật về thương mại điện tử ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.

(2); (3) Tô Lâm (2024). Một số nội dung cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tạp chí Cộng sản, truy cập tại: <https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/ky-nguyen-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-ky-nguyen-phat-trien-giau-manh-duoi-su-lanh-dao-cam-quyen-cua-dang-cong-san-xay-dung-thanh-cong-nuoc-vie >.

(4) Hoàng Lan (2021). Phát triển thương mại điện tử gắn với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Báo Công Thương, truy cập tại: <https://congthuong.vn/apicenter@/print_article&i=167973>.

(5) Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 749/QĐ-TTg Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

(6) Phan Trang (2024). Thương mại điện tử tăng trưởng 20% trong năm 2024. Truy cập tại: https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM337307

Establishing a legal framework for e-commerce in Vietnam’s era of national rise

Dam Ngoc Son

Master’s student, Hanoi Law University

Abstract

In the era of national rise, as Vietnam undergoes rapid digital transformation, e-commerce has become a pivotal force in economic development. However, shortcomings in the legal framework and infrastructure continue to hinder its full potential. While numerous studies have addressed legal aspects of e-commerce, the crucial role of a well-structured legal framework in driving Vietnam’s economic transformation remains insufficiently explored. This paper examines the impact of legal mechanisms on e-commerce development and proposes strategic solutions to establish a solid foundation for sustainable growth in the digital era.

Keywords: digital transformation, e-commerce, era of national rise, Vietnamese.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1 tháng 1 năm 2025]

DOI: https://doi.org/10.62831/202501021