TÓM TẮT:
Hiện nay, IFRS (International Financial Reporting Standards - các chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế) đang được áp dụng toàn bộ, hoặc gần như toàn bộ tại hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có một số quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Trong xu thế toàn cầu hóa, áp dụng chuẩn mực chung về lập BCTC, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài tiến trình hội nhập với hệ thống IFRS. Việc áp dụng IFRS sẽ giúp gia tăng mức độ tin cậy và minh bạch trong mắt các nhà đầu tư. Còn ở góc độ các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, việc áp dụng và trình bày BCTC theo chính sách kế toán quốc tế sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển, tăng mức độ uy tín và vị thế trên thị trường quốc tế, tạo ra sức hấp dẫn nhất định khi cạnh tranh với doanh nghiệp ở các nền kinh tế khác.
Từ khóa: áp dụng IFRS, doanh nghiệp, báo cáo tài chính.
1. Xu hướng áp dụng IFRS tại các doanh nghiệp Việt Nam
Nhằm mục tiêu đánh giá sự chấp nhận vận dụng IFRS tại các doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Tài chính đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức một số cuộc hội thảo và khảo sát về nhu cầu và khả năng áp dụng IFRS của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Năm 2016, Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo “IFRS - Định hướng và lộ trình áp dụng tại Việt Nam” tại Hà Nội. Theo kết quả lấy ý kiến thăm dò của đại biểu tham dự tại hội thảo là đại diện từ các công ty niêm yết, các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị có lợi ích công chúng khác thuộc lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, các trường đại học, các công ty dịch vụ kế toán và kiểm toán. Kết quả khảo sát cho thấy có 190/198 ý kiến cho rằng việc áp dụng IFRS là vấn đề cấp thiết và rất cấp thiết, chỉ có 8/198 ý kiến cho rằng vấn đề này chưa thật sự cấp thiết.
Năm 2018, Bộ Tài chính tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm áp dụng IFRS của một số quốc gia, định hướng của Việt Nam” tại Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả lấy ý kiến cho thấy có 190/191 ý kiến cho rằng đây là vấn đề cấp thiết và rất cấp thiết, chỉ có 1 ý kiến cho rằng đây là vấn đề không cấp thiết. Mặc dù đối tượng khảo sát tại 2 cuộc hội thảo có thể không hoàn toàn trùng nhau, nhưng kết quả khảo sát cho thấy đa số các ý kiến đều cho rằng việc áp dụng IFRS tại Việt Nam là cấp thiết và rất cấp thiết.
Năm 2020, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) và Deloitte Việt Nam thực hiện khảo sát nhằm đánh giá mức độ sẵn sàng áp dụng IFRS của doanh nghiệp tại Việt Nam với 322 phản hồi đến từ các loại hình doanh nghiệp khác nhau bao gồm: 107 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 66 doanh nghiệp niêm yết, 43 doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn, 23 tập đoàn kinh tế nhà nước, 6 doanh nghiệp cổ phần, còn lại là các doanh nghiệp khác như doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty liên kết, văn phòng đại diện. Kết quả khảo sát cho thấy nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tỷ lệ quan tâm cao nhất đến việc áp dụng IFRS tại Việt Nam với tỷ lệ là 34%, tiếp đến là nhóm các doanh nghiệp niêm yết với tỷ lệ 20% và nhóm doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn và các tập đoàn kinh tế nhà nước theo sau với tỷ lệ lần lượt là 14% và 7%. (Hình 1)
Xét theo ngành nghề kinh tế, mức độ doanh nghiệp quan tâm đến việc áp dụng IFRS như sau: nhóm ngành Hàng dân dụng và Phân phối chiếm tỷ lệ cao tới 26% (đa phần có yếu tố nước ngoài), tiếp đến là ngành liên quan đến Tài chính như Ngân hàng và Bảo hiểm chiếm 23% (do yêu cầu niêm yết, quản lý và tuân thủ); Công nghiệp tự động hóa và Công nghệ thông tin chiếm 18% (IT và Dịch vụ Viễn thông là ngành chiến lược của Việt Nam). (Hình 2)
Kết quả khảo sát còn cho thấy tín hiệu khả quan, chỉ sau 6 tháng ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC, hơn 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ đã áp dụng hoặc đang chuẩn bị chuyển đổi theo IFRS. Điều này cho thấy sự đồng thuận về tầm quan trọng của việc áp dụng IFRS trong cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Theo các chuyên gia, tỷ lệ tự nguyện áp dụng chuyển đổi IFRS sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.
Các kết quả khảo sát cho thấy, doanh nghiệp tại Việt Nam đã bắt đầu quan tâm và có nhu cầu áp dụng IFRS trong việc lập và trình bày BCTC và đặt biệt là những doanh nghiệp thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng IFRS theo Quyết định số 345/QĐ-BTC.
2. Tác động khi áp dụng IFRS đến doanh nghiệp
- Về công tác quản trị, điều hành doanh nghiệp
IFRS yêu cầu áp dụng nhiều mô hình tài chính để xác định giá trị tài sản và nợ phải trả theo giá trị hợp lý, giá trị có thể thu hồi, giá trị sử dụng, giá trị thời gian, giá trị nội tại,… Vì vậy, thông tin tài chính được cung cấp trên nền tảng IFRS sẽ giúp doanh nghiệp đánh giá được tình hình tài chính tại thời điểm báo cáo cũng như giúp Ban giám đốc có được những thông tin phục vụ tốt hơn cho việc dự báo kết quả hoạt động và dòng tiền trong tương lai, từ đó có căn cứ và công cụ để thực hiện công tác quản trị, điều hành phù hợp với tình hình thực tiễn.
- Về chi phí đầu tư ban đầu của doanh nghiệp
Khi áp dụng IFRS, các doanh nghiệp sẽ phát sinh một số chi phí đầu tư ban đầu phục vụ cho việc đào tạo lại nguồn nhân lực cũng như thay đổi hệ thống thông tin, phần mềm kế toán. Mặc dù các chi phí đầu tư ban đầu là tương đối lớn nhưng xét về lâu dài thì những lợi ích từ việc minh bạch hóa thông tin, thu hút nhà đầu tư không những sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn các chi phí ban đầu mà còn giúp doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững.
- Về BCTC của doanh nghiệp
IFRS yêu cầu BCTC của các doanh nghiệp phải được trình bày cho mục đích chung một cách trung thực và hợp lý mà không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Ban giám đốc hoặc Ban Lãnh đạo doanh nghiệp nhằm phản ánh không trung thực tình hình tài chính của đơn vị (cho mục đích đi vay, đẩy giá cổ phiếu hoặc che giấu những khoản lợi nhuận để hưởng lợi về thuế). Một trong những nguyên tắc cơ bản của IFRS là yêu cầu các khoản mục của BCTC phải được ghi nhận và trình bày theo bản chất hơn là hình thức hay tên gọi của giao dịch. Vì vậy, BCTC được lập và trình bày theo IFRS sẽ giảm thiểu tác động của hình thức giao dịch đến phương pháp kế toán, từ đó làm tăng khả năng so sánh giữa BCTC của doanh nghiệp tại Việt Nam với các doanh nghiệp khác trong khu vực và thế giới.
IFRS yêu cầu trình bày và thuyết minh chi tiết về những rủi ro mà doanh nghiệp có thể gặp phải như rủi ro kinh doanh, rủi ro tín dụng, rủi ro chính sách,… nhằm cung cấp thông tin đầy đủ hơn cho các nhà đầu tư, chủ nợ khi quyết định đầu tư vào doanh nghiệp. Ngoài ra, IFRS cũng yêu cầu thuyết minh rất chi tiết các khoản mục quan trọng của BCTC để giúp người sử dụng có được những thông tin tài chính hữu ích nhất trước khi đưa ra các quyết định kinh tế.
IFRS hướng đến việc trình bày thông tin tài chính một cách thận trọng, đề cao sự ổn định và an toàn tài chính lên trên mục tiêu lợi nhuận. Với cách tiếp cận trên, IFRS yêu cầu các doanh nghiệp phải ghi nhận ngay các khoản tổn thất do suy giảm giá trị tài sản, do biến động về giá trị hợp lý, do giá trị thuần có thể thực hiện được hoặc giá trị có thể thu hồi của tài sản thấp hơn giá trị ghi sổ… Vì vậy, khi ban hành và đưa IFRS vào áp dụng, kết quả kinh doanh trình bày trên BCTC của nhiều doanh nghiệp có khả năng bị suy giảm do nguyên tắc thận trọng, có thể ảnh hưởng đến việc huy động vốn và tín dụng của một số doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém.
Mặt khác, IFRS cũng yêu cầu đưa ra nhiều xét đoán, đánh giá mang tính chủ quan nên mức độ trung thực và hợp lý của BCTC phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tuân thủ pháp luật của Ban giám đốc, những người có trách nhiệm trình bày và công bố thông tin tài chính. Trong bối cảnh ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế thì sẽ không tránh khỏi sự tranh cãi đối với các ước tính kế toán như có hay không tổn thất lợi thế thương mại, giá trị hợp lý của một số tài sản có thật sự được đánh giá một cách đáng tin cậy hay không,… Điều này dẫn đến trong một số trường hợp, việc cố tình đưa ra các giả định xét đoán sẽ tác động rất lớn đến xu hướng lãi, lỗ của BCTC.
3. Kết luận
Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, việc đẩy nhanh sự phát triển, nâng cao trình độ nghề nghiệp triển khai thực hiện IFRS để đảm bảo chất lượng BCTC tiếp cận và ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với mọi quốc gia đang phát triển. Để áp dụng thành công IFRS, doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm và lựa chọn đội ngũ tư vấn đủ năng lực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai áp dụng IFRS, giúp doanh nghiệp “làm đúng ngay từ đầu” các yêu cầu cần thiết khi áp dụng IFRS.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Tài chính (2016), “IFRS - Định hướng và lộ trình áp dụng tại Việt Nam”, Hội thảo, Hà Nội.
- Bộ Tài chính (2018), “Xu hướng toàn cầu của ngành Kế toán Kiểm toán Tài chính và chiến lược của Việt Nam đến 2020”, Hội thảo, Hà Nội.
- Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) và Deloitte Việt Nam (2020), Báo cáo kết quả khảo sát Mức độ sẵn sàng áp dụng IFRS của doanh nghiệp tại Việt Nam.
- IFRS Standards: https://www.ifrs.org;
- IFRIC Interpretations: https://www.ifrs.org
The trend of applying IFRS in Vietnamese enterprises
Master. Nguyen Thi Tho
Faculty of Accounting
University of Economics - Technology for Industries
Abstract:
Currently, IFRS (International Financial Reporting Standards) is being applied in its entirety or almost entirely in more than 100 countries around the world including some countries in the Southeast Asia region. In the trend of applying common standards on preparing financial statements, it is necessary for Vietnam to apply the IFRS. The implementation of IFRS will help increase the level of trust and transparency for investors. From the perspective of Vietnamese enterprises, the application and presentation of financial statements in accordance with international accounting standards will have many opportunities for development, increase their prestige and positions in the international market, and create a certain attractiveness when competing with businesses in other economies.
Keywords: IFRS application, corporate, financial statements.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3, tháng 2 năm 2022]