Xu hướng phát triển Ngân hàng số tại Việt Nam: Bài học từ các nước phát triển trên thế giới

Bài báo nghiên cứu "Xu hướng phát triển Ngân hàng số tại Việt Nam: Bài học từ các nước phát triển trên thế giới" do ThS. Trần Thúy Quỳnh (Trường Đại học Phenikaa) thực hiện.

Tóm tắt:

Bài viết tập trung vào thực trạng phát triển hệ thống ngân hàng số tại Việt Nam, trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo đang dần thay thế những nghiệp vụ truyền thống trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Đồng thời, tác giả tổng hợp những số liệu về sự phát triển của ngân hàng số trên toàn thế giới để từ đó đề xuất những giải pháp giúp đảm bảo tính an toàn và bảo mật trong hoạt động ngân hàng số. Từ đó cho thấy để thúc đẩy sự phát triển của ngân hàng số tại Việt Nam, cần phải tăng cường ý thức về an ninh mạng cho cả người dùng và ngành Ngân hàng, phát triển hệ thống thanh toán tiện lợi, đầu tư vào công nghệ, tăng cường quản lý rủi ro và tạo ra môi trường pháp lý thích hợp.

Từ khóa: ngân hàng số, giao dịch không tiền mặt, chuyển đổi số ngành ngân hàng.

1. Đặt vấn đề

Chuyển đổi số từ lâu đã không còn xa lạ đối với toàn bộ nền kinh tế của nước ta, cũng như trên toàn thế giới. Trong đó, ngành Tài chính- Ngân hàng được đánh giá là một trong những ngành nghề có tốc độ chuyển đổi số nhanh và hiệu quả với những nỗ lực không ngừng của toàn hệ thống nhằm hướng đến mục tiêu tối đa hóa thanh toán không dùng tiền mặt và an toàn trong giao dịch trực tuyến. Để đạt được những mục tiêu trên, việc phát triển ngân hàng số là một bước tiến tất yếu trong hoạt động ngành Ngân hàng.

Về khái niệm ngân hàng số, hầu hết các khái niệm chính thống về ngân hàng số đều nhấn mạnh sự kết hợp giữa công nghệ số và tài chính để tạo ra các dịch vụ tài chính tiện lợi, an toàn và minh bạch hơn cho khách hàng, thay thế hoặc bổ sung cho hệ thống ngân hàng truyền thống. Cụ thể, theo Ngân hàng Thế giới (WB) "Ngân hàng số là sự kết hợp của các công nghệ số và truyền thông để cung cấp dịch vụ tài chính bằng cách sử dụng các phương tiện trực tuyến và không cần sự can thiệp của người nhân viên ngân hàng truyền thống". Hay trong nghiên cứu của Chris (2014), ngân hàng số là một mô hình hoạt động của tổ chức cung cấp và kinh doanh các dịch vụ ngân hàng. Trong mô hình này, toàn bộ quá trình quản lý, điều hành, kinh doanh và cung cấp dịch vụ đều được tích hợp với công nghệ số hiện đại. Ngân hàng số tận dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bao gồm sự sử dụng dữ liệu lớn (big data) và trí thông minh nhân tạo (artificial intelligence) để cung cấp dịch vụ ngân hàng hiệu quả, tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng và đảm bảo tính minh bạch trong mọi giao dịch. Như vậy, ngân hàng số là việc ứng dụng các tiến bộ trong công nghệ trong hoạt động truyền thống của các tổ chức tín dụng, tuy nhiên cần phân biệt giữa hoạt động của ngân hàng điện tử và ngân hàng số. Ngân hàng số là bước phát triển toàn diện trong việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động tài chính ngân hàng, chứ không chỉ đơn thuần là một ứng dụng phát triển đễ hỗ trợ các hoạt động truyền thống trong các tổ chức tín dụng.

Phát triển hoạt động của ngân hàng số sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả các tổ chức tín dụng và cả trải nghiệm của người dùng. Một trong những điểm nổi bật của xu hướng này là sự tăng cường về tiện ích và dễ dàng trong giao dịch tài chính. Không còn cần phải đến chi nhánh ngân hàng truyền thống, người dùng có thể thực hiện các giao dịch tài chính từ bất kỳ đâu và bất kỳ khi nào thông qua các ứng dụng di động hoặc trang web ngân hàng. Điều này đã giúp tiết kiệm thời gian và công sức đáng kể cho người dùng. Ngoài ra, ngân hàng số còn đem lại tính minh bạch và an toàn cao hơn cho giao dịch tài chính. Hệ thống ngân hàng số được kiểm soát chặt chẽ và sử dụng các biện pháp bảo mật tiên tiến để bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng. Điều này giúp tạo ra một môi trường tin cậy cho các giao dịch tài chính trực tuyến. Tuy nhiên, để xây dựng và phát triển thành công một ngân hàng số lại không phải là một điều dễ dàng đối với các tổ chức tín dụng. Việc hiểu rõ lợi thế và nguy cơ của thị trường là một trong những yếu tố quan trọng trong việc vận hàng hiệu quả một ngân hàng số. Bài viết sẽ làm rõ thực trạng hoạt động ngân hàng số tại Việt Nam, đồng thời từ bài học thực tế của các nước trên thế giới để đưa ra những giải pháp phát triển cho hệ thống tại Việt Nam.

2. Thực trạng hệ thống ngân hàng số tại Việt Nam và bài học từ một số nước phát triển trên thế giới

2.1. Khung pháp lý của việc xây dựng ngân hàng số tại Việt Nam

Hành lang pháp lý về phát triển ngân hàng số bắt đầu được hình thành khi Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng. Đây là cơ sở pháp lý đầu tiên quy định các vấn đề trong phát triển ngân hàng số. Đến nay chưa có hành lang pháp lý đầy đủ đối với việc cấp phép, quản lý, giám sát các mô hình ngân hàng số mới, các quy định về quản lý hoạt động số mới chỉ tập trung vào khía cạnh quản lý rủi ro phát sinh từ hoạt động thanh toán của ngân hàng số, bỏ qua nhiều lĩnh vực như trí thông minh nhân tạo, cho vay trực tuyến và quản lý dữ liệu tài chính cá nhân (Thu Trang, 2024). [A1] 

Do vậy, các quy định cần làm rõ các chính sách của Việt Nam đối với cấp phép, quản lý các mô hình ngân hàng số; bổ sung chỉnh sửa quy định thanh tra, giám sát đối với hoạt động ngân ngân hàng số; chính sách tạo thuận lợi ứng dụng công nghệ nhằm cải tiến quy trình, nghiệp vụ ngân hàng số và gia tăng trải nghiệm khách hàng (Minh, 2023)

2.2. Tiềm năng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam

Với khoảng 70 triệu người dùng Internet, chiếm 70,3% dân số, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên thế giới và thứ 6 tại châu Á. Thống kê của Statista cũng chỉ ra rằng, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có nhiều người sở hữu tài sản số nhất thế giới trong năm 2021 (Cấn Văn Lực và cs, 2023). Những con số này cho thấy Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho sự phát triển của ngân hàng số. Ngân hàng số hiện nay cũng không còn là khái niệm quá lạ lẫm với nhiều người sử dụng dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam trong giai đoạn kỷ nguyên số 4.0. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước năm 2021 có đến hơn 42% các ngân hàng cho rằng phát triển ngân hàng số là mục tiêu dài hạn để hướng đến trong những năm tiếp theo.

Timo bank được đồng phát triển bởi Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (Vpbank) và hiện nay là Ngân hàng Bản Việt - là ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam khi được ra mắt vào năm 2016 và đánh dấu sự phát triển khi lọt top các ngân hàng số uy tín tại châu Á năm 2021. Những năm tiếp theo, sự ra đời của hàng loạt các ngân hàng số đánh dấu sự nở rộ của xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Đến ngày 8/3/2023, trên hệ điều hành iOS của Apple, Techcombank Mobile, MB Bank và MyVIB2.0 là 3 ứng dụng ngân hàng số được tải về nhiều nhất. Các Big 4 ngân hàng đứng từ vị trí 4 đến 7 trên iOS là VCB Digital, Vietinbank Ipay, SmartBanking của BIDV và Agribank E-Mobile Banking. Trong khi đó, các ứng dụng tài chính phi ngân hàng như Momo và Viettel Money cũng đang có sự tăng trưởng trên kho ứng dụng iOS, với vị trí thứ 3 và thứ 6 tương ứng. Trên CH Play của hệ điều hành Android, MB Bank, VCB Digibank và Agribank E-Mobile Banking là 3 ứng dụng dẫn đầu, các ứng dụng của Vietinbank và Techcombank lần lượt xếp sau đó (Đỗ Thế Dân, 2023).

Tuy nhiên, theo tiến trình phát triển ngân hàng số, hầu hết các ngân hàng số Việt Nam đang ở giai đoạn thứ 2, trong 3 giai đoạn phát triển của ngân hàng số được các nhà nghiên cứu của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT, 2017) đưa ra, cụ thể: (i) Giai đoạn tăng cường ứng dụng máy móc và công nghệ vào lĩnh vực ngân hàng; (ii) Giai đoạn giao thoa ngân hàng số; (iii) Giai đoạn ngân hàng số thuần túy. Các ngân hàng số hiện nay thường được phát triển dựa trên nguồn lực có sẵn của các ngân hàng truyền thống, tập trung vào phát triển công nghệ nhằm đem đến cho khách hàng sự thuận tiện trong giao dịch trong một ứng dụng ngân hàng số.

Tóm lại, thị trường ngân hàng số tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Điều này cho thấy sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong lĩnh vực này đòi hỏi sự linh hoạt của các ngân hàng để duy trì hoạt động và thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các ngân hàng số.

2.3. Bài học từ các quốc gia có hệ thống ngân hàng số phát triển trên thế giới

Thuật ngữ ngân hàng số được xuất hiện đầu tiên tại Vương Quốc Anh sau khủng hoảng tài chính năm 2007 - 2009, tuy nhiên năm 2020 đánh dấu sự bùng nổ của việc mở mới các ngân hàng số trên toàn thế giới, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid. Chỉ tính riêng năm 2020, có gần 100 ngân hàng số được mở mới trên toàn thế giới. Đây được coi là năm đỉnh điểm của hoạt động ngân hàng số, tuy nhiên số lượng mở mới trong các năm gần đây có xu hướng giảm do sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường này.

Biểu đồ 1: Thống kê số lượng ngân hàng số giai đoạn 2014-2021

Nguồn: McKinsey

Các nền kinh tế mới nổi là những quốc gia có hoạt động của ngân hàng số phát triển mạnh mẽ và thành công nhất. Có thể kể đến các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc hay Brazil. Trong đó, Ngân hàng Webank (Trung Quốc) là ngân hàng có số lượng người dùng và hoạt động hiệu quả nhất hiện nay.

Biểu đồ 2: Thống kê số lượng người dùng các ngân hàng số tiêu biểu

ngan hang so

Nguồn: McKinsey

Trong hàng loạt ngân hàng mở mới và các ngân hàng số từ trước tới nay không hẳn tất cả đều thành công trong việc thu hút khách hàng và duy trì hoạt động hiệu quả. Trong một thống kê của McKinsey (2021) cho thấy, có ít hơn 5% các ngân hàng số đạt được điểm hòa vốn, phần lớn các ngân hàng chỉ kiếm được khoảng 30USD/khách hàng, đặc biệt có một số trường hợp lỗ đến 100 triệu USD. Như vậy, có thể thấy, cạnh tranh trong ngành Ngân hàng thực sự khốc liệt, đặc biệt với một khái niệm không mới nhưng vẫn còn rất mơ hồ như ngân hàng số. Do vậy, đã có không ít những nghiên cứu tập trung vào vấn đề cách tạo dựng thành công cho những ngân hàng số, tác giả tổng hợp lại thành các đặc điểm cụ thể như sau:

  • Luôn cải tiến và xây dựng những sản phẩm kịp thời đáp ứng được với nhu cầu và sự thay đổi của thị hiếu khách hàng.
  • Tập trung nhiều hơn vào sự gắn kết của khách hàng với ngân hàng thông qua việc thúc đẩy sử dụng ứng dụng ngân hàng nhiều hơn. Bắt đầu bằng việc xây dựng hình ảnh của ứng dụng bắt mắt, bắt kịp với những xu hướng của xã hội hay việc tăng tính tương tác thông qua các trò chơi có thưởng trong ứng dụng của ngân hàng.
  • Tập trung nâng cao việc cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng. Để làm được điều này các ngân hàng cần tối ưu hóa việc sử dụng AI trong phân tích đặc điểm, thị hiếu và nhu cầu của từng khách hàng.
  • Sử dụng hiệu quả tính năng trả lời tự động thông qua các Chatbot trong gỉải quyết các yêu cầu, câu hỏi của khách hàng.
  • Lấy việc tăng giá trị dài lâu của khách hàng làm định hướng cho các hoạt động của ngân hàng.

Nhìn chung các đặc trưng của một ngân hàng số thành công đều xoay quanh việc ứng dụng triệt để việc tích hợp thông tin và sử dụng hiệu quả các tính năng mà AI mang lại trong tìm kiếm thông tin, xây dựng chiến lược và giải quyết các thắc mắc, yêu cầu của khách hàng.

3. Giải pháp phát triển hoạt động ngân hàng số tại Việt Nam

Việc nghiên cứu và xây dựng ngân hàng số tại Việt Nam là một cơ hội phát triển của ngành Tài chính - Ngân hàng, tuy nhiên cũng tiềm ẩn những rủi ro không nhỏ cho hoạt động của các ngân hàng. Để hoàn thiện hệ thống và đưa vào hoạt động hiệu quả một ngân hàng số thực sự là một thách thức đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng. Do đó, từ phân tích hoạt động thực tiễn của các ngân hàng số tại nước ta và một số nước trên thế giới, tác giả đưa ra một số nhóm giải pháp nhằm đưa ra những định hướng dựa trên thực tế tình hình hoạt động và điều kiện phát triển tại Việt Nam.

Thứ nhất, về phía những cơ quan nhà nước, Ngân hàng Nhà nước cũng như các cơ quan chuyên trách trực thuộc Bộ Tài chính nên có những chính sách hỗ trợ cũng như những văn bản quy phạm pháp luật cụ thể để hỗ trợ cho hoạt động xây dựng ngân hàng số. Mặc dù phần lớn các ngân hàng hiện nay đã có kế hoạch phát triển ngân hàng số, tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn trong việc định hình cũng như vận hành. Do vậy nếu Ngân hàng Nhà nước có những chính sách hỗ trợ hay việc tổ chức những buổi hội thảo trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước sẽ là động lực để thúc đẩy việc phát triển các ngân hàng số hiện nay. Bên cạnh đó, Chính phủ cần thiết lập và đảm bảo rằng các quy phạm và chính sách về ngân hàng số được xây dựng và thực hiện một cách rõ ràng và có tính minh bạch. Điều này giúp tạo ra môi trường đáng tin cậy cho các tổ chức tài chính và tạo được lòng tin cho người sử dụng dịch vụ, đặc biệt trong giai đoạn tội phạm lừa đảo qua không gian mạng rất phổ biến.

Thứ hai, về phía các gân hàng thương mại, để hoạt động có hiệu quả một ngân hàng số các ngân hàng cần đầu tư và kiểm soát vận hàng một cách chặt chẽ. Hoạt động truyền thống của các ngân hàng vốn đã mang tính cạnh tranh rất cao, do vậy có thể hình dung được việc cạnh tranh của các ngân hàng số cũng sẽ là những thử thách đối với các ngân hàng. Chính vì vậy, việc đầu tiên mà các ngân hàng cần chú trọng là việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Điều này bao gồm việc xây dựng mạng lưới internet nhanh chóng và đáng tin cậy cũng như cải thiện hệ thống thanh toán điện tử. Đây là một trong những yếu tố cơ bản đầu tiên để đảm bảo tính cạnh tranh của một ngân hàng số và cũng là yếu tố đầu tiên để khách hàng cân nhắc sử dụng dịch vụ của ngân hàng hay không.

 Bên cạnh việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, việc tận dụng tối đa sức mạnh của AI trong việc nâng cao mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng là điều cần thiết khi xây dựng một ngân hàng số. AI có thể giúp các ngân hàng mới tăng cường mối quan hệ với khách hàng cụ thể, AI có thể thiết kế các đề xuất giá trị thông minh để giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng, khai thác dữ liệu lớn để cung cấp các dịch vụ siêu cá nhân hóa và tăng cường bán chéo, cũng như cải thiện hiệu quả tài chính thông qua việc tối đa hóa giá trị trọn đời của khách hàng, giảm chi phí phục vụ thông qua tự động hóa và áp dụng các phương pháp quản lý rủi ro dựa trên dữ liệu vượt trội. Như vậy, lợi thế cạnh tranh sẽ tăng lên ở những ngân hàng tận dụng tốt và kết hợp hiệu quả sức mạnh của trí tuệ con người và trí tuệ nhân tạo.

 Yếu tố cần thiết tiếp theo là sự đầu tư về nguồn lực nhân sự chất lượng cao, để vận hành một ngân hàng số đòi hỏi một đội ngũ nhân sự nhanh nhạy và sáng tạo, việc chú trọng tuyển dụng cũng như đào tạo nâng cao kiến thức của nhân sự sẽ là một trong những yếu tố quan trọng. Việc xây dựng và vận hành ngân hàng số sẽ đòi hỏi ít hơn số lượng về nhân sự nhưng quan trọng hơn lại là yêu cầu về chất lượng. Do đó, để hoạt động của ngân hàng số được hiệu quả hơn thì chắc chắn các ngân hàng nên tập trung vào công tác tuyển dụng và nâng cao chất lượng nhân sự của ngân hàng.

 Trong một khảo sát của Mc Kinsey năm 2022 khi nghiên cứu về những yếu tố của một ngân hàng số thành công, các tác giả cũng chỉ ra rằng hầu hết các ngân hàng đều đặt mục tiêu tập trung vào khách hàng, nhưng các ngân hàng phát triển vượt bậc sẽ tiến một bước xa hơn trong việc đảm bảo sự hài lòng của khách hàng bằng cách thiết kế những sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng tại các thời điểm khác nhau và tốc độ tung ra các gói sản phẩm này cũng nhanh một cách đáng kể. Thay vì việc các gói sản phẩm và dịch vụ được giữ nguyên qua nhiều năm, các ngân hàng số nên tập trung phát triển các gói sản phẩm và dịch vụ nhanh chóng, sát với nhu cầu của khách hàng tại các thời điểm khác nhau, điều này sẽ thu hút được lượng khách hàng ở nhiều phân khúc khác nhau và đồng thời cũng tạo động lực để ngân hàng luôn duy trì tốc độ phát triển tạo ra khả năng cạnh tranh cao. Việc tạo ra những sản phẩm dịch vụ vừa có tính phù hợp cao với nhu cầu của khách hàng, vừa được cập nhật nhanh chóng theo xu hướng hiện nay đã được hỗ trợ rất nhiều bởi AI, do đó đây không còn là một điều khó khăn với các ngân hàng.

 Cuối cùng và cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhất là việc đảm bảo và luôn duy trì tính bảo mật cao và hệ thống quản trị rủi ro chặt chẽ. Một trong những lo lắng của khách hàng khi sử dụng các dịch vụ trên môi trường internet là việc rò rỉ thông tin và những rủi ro liên quan đến tính bảo mật của ngân hàng. Do vậy, để đảm bảo duy trì được lượng khách hàng hiện có cũng như thu hút được nhiều khách hàng mới thì ngân hàng số hơn ai hết cần phải xây dựng một hệ thống quản trị thông tin và quản lý rủi ro một cách chuyên nghiệp, từ đó tạo ra uy tín cao cho ngân hàng và tạo được lòng tin đối với khách hàng.

Tóm lại, sự phát triển của ngân hàng số tại Việt Nam đòi hỏi sự cân nhắc và đầu tư toàn diện. Sự hợp tác giữa chính phủ, ngành tài chính và các công ty trong ngành là quan trọng để thúc đẩy sự chuyển đổi này và đảm bảo rằng ngân hàng số có thể phục vụ tốt cho tất cả các nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng.

4. Kết luận

Bước vào thời kỷ của công nghệ thông tin và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Ngân hàng đã trải qua một cuộc biến đổi đầy tích cực và sự đa dạng hóa chưa từng có trong lịch sử. Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là một cơ hội, mà còn là một bước đi quyết định để hệ thống ngân hàng Việt Nam nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường khả năng cạnh tranh và mở rộng tiếp cận thị trường quốc tế. Bên cạnh những cơ hội rộng lớn, ngành Ngân hàng cũng đối diện với không ít khó khăn và thách thức. Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ yêu cầu ngành phải duy trì tốc độ và linh hoạt để không bị tụt hậu. Ngân hàng số đã trở thành một yếu tố cần thiết trong cuộc sống hiện đại, giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Không chỉ mang đến sự tiện lợi và linh hoạt, ngân hàng số còn giúp tiết kiệm thời gian và công sức, giảm chi phí và cung cấp tính bảo mật và tính minh bạch cao hơn. Điều này tạo ra một môi trường tài chính an toàn và hiệu quả. Bên cạnh đó, ngân hàng số còn khuyến khích sự tích hợp của công nghệ mới, giúp phát triển và đổi mới trong ngành. Tóm lại, sự cần thiết của ngân hàng số không chỉ nằm ở hiện tại mà còn trong việc định hình tương lai của ngành Ngân hàng, do đó việc đầu tư và chú trọng trong khâu vận hành cũng như việc hoàn thiện các cơ sở pháp lý cho hoạt động của ngân hàng số là một trong những vấn đề cần được các tổ chức tín dụng cũng như Nhà nước tập trung giải quyết trong thời gian tới.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. 1. Bùi Lệ Giang (2023). Giải pháp phát triển ngân hàng số tại Việt Nam. Truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/giai-phap-phat-trien-ngan-hang-so-tai-viet-nam-105895.htm
  2. Cấn Văn Lực và cộng sự (2023). Chuyển đổi số ngành Ngân hàng Việt Nam: Cơ hội, thực trạng và giải pháp. Truy cập tại: https://thitruongtaichinhtiente.vn/chuyen-doi-so-nganh-ngan-hang-viet-nam-co-hoi-thuc-trang-va-giai-phap-52299.html
  3. Chris S. (2014). Digital banks: Strategies to launch or become a digital bank. Singapore: Marshall Cavendish International Asia Pte Ltd.
  4. Christoph Stegmeier và Matthias Verburg (2022). The Future of Neobanking How can Neobanks unlock profitable growth?. Available at: http://www.simon-kucher.com
  5. Đỗ Thế Dân (2023). Ngân hàng số tại Việt Nam: Thực trạng và các khuyến nghị phát triển. Tạp chí Ngân hàng. Truy cập tại: https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang-so-tai-viet-nam-thuc-trang-va-cac-khuyen-nghi-phat-trien.html
  6. Lưu Ánh Nguyệt (2019). Thực trạng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam. Viện chiến lược và chính sách tài chính. Truy cập tại: https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM236709
  7. McKinsey (2019). Ten lessons for building a winning retail and small-business digital lending franchise. Available at: https://www.mckinsey.com/industries/financial-services/our-insights/banking-matters/ten-lessons-for-building-a-winning-retail-and-small-business-digital-lending-franchise
  8. Ngân hàng Nhà nước (2021). Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng 2030”.
  9. Nguyễn Minh (2023). Quản lý nhà nước về ngân hàng số. Truy cập tại: https://thoibaonganhang.vn/quan-ly-nha-nuoc-ve-hoat-dong-ngan-hang-so-146139.html
  10. Thu Trang (2024). Cần thiết ban hành khung pháp lý toàn diện và cụ thể để điều chỉnh Fintech tại Việt Nam. Truy cập tại: https://tapchinganhang.gov.vn/can-thiet-ban-hanh-khung-phap-ly-toan-dien-va-cu-the-de-dieu-chinh-fintech-tai-viet-nam.htm

 

The development trend of digital banking in Vietnam:

Experiences from developed countries

Master. Tran Thuy Quynh

Phenikaa University

ABSTRACT:

This paper presented the current development of the digital banking system in Vietnam when artificial intelligence is gradually replacing traditional services in the financial and banking fields. The paper also analyzed data on digital banking development around the world and solutions to ensure the safety and security of digital banking activities. It shows that it is necessary to increase the security network awareness of both users and industry banks to facilitate the development of digital banking in Vietnam. In addition, it is important to develop a convenient payment system, invest in technology, enhance risk management, and create an appropriate legal environment.

Keywords: digital banking, cashless transactions, digital transformation of the banking sector.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10 tháng 5 năm 2024]