Để thực hóa mục tiêu này, ngành du lịch Điện Biên đã xác định và tham mưu cho tỉnh 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp:
Nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch: Tập trung vào các nội dung: nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động du lịch đối với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại và quốc phòng, an ninh, đổi mới tư duy của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư về phát triển du lịch trong tình hình mới; tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về cách làm du lịch, văn hóa kinh doanh, giao tiếp ứng xử, kiến thức, ngoại ngữ...
Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch: Triển khai, áp dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Nhà nước vào thực tế tại địa phương. Rà soát, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn; ưu tiên nguồn lực cho công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến, quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch.... Ban hành cơ chế, chính sách huy động tối đa nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển du lịch.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung xây dựng các quy hoạch, đề án: Tập trung lập quy hoạch xây dựng Quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang; lập quy hoạch xây dựng các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố làm cơ sở xúc tiến, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.
Phát triển sản phẩm du lịch: Phát triển mạnh các loại hình du lịch có thế mạnh, như: du lịch văn hóa, du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch lễ hội và du lịch cộng đồng...; Chú trọng công tác thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đặc sắc, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, cạnh tranh được với các tỉnh trong khu vực, xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện.
Phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch: Tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường hàng không, đường bộ và đường thủy, trọng tâm là dự án mở rộng Cảng hàng không Điện Biên Phủ, mở các đường bay, các tuyến vận tải đến các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế; Ưu tiên nguồn lực từ ngân sách nhà nước thực hiện hoàn thiện các dự án trọng điểm trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, bảo tồn lễ hội văn hóa dân gian, phát triển các nghề, làng nghề truyền thống, phát triển du lịch cộng đồng, các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP phục vụ du lịch; Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, trung tâm mua sắm, dịch vụ du lịch chất lượng cao đặc biệt là Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang.
Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch: Đổi mới phương thức, công cụ, nội dung, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong xúc tiến, quảng bá du lịch. Thường xuyên điều tra, nghiên cứu, đánh giá, dự báo thị trường khách du lịch; xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường khách du lịch. Tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch tỉnh Điện Biên. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, huy động các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia quảng bá du lịch bằng các hình thức khác nhau.
Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, cộng đồng phát triển du lịch: Đổi mới công tác quản lý theo hướng phục vụ doanh nghiệp, người dân. Hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ dịch vụ du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa…. phát huy vai trò của Hiệp hội Du lịch để hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp. Hàng năm tổ chức gặp gỡ, đối thoại nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển du lịch.
Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch: Hàng năm xây dựng và tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nghiên cứu học tập trong và ngoài nước cho Ban chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh; cán bộ, công chức quản lý nhà nước, viên chức đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch; bồi dưỡng kiến thức về hoạt động kinh doanh và kỹ năng nghề du lịch cho người lao động làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch theo tiêu chuẩn nghề Việt Nam, tiêu chuẩn nghề ASEAN để nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch; ứng dụng công nghệ hiện đại vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đa dạng các hình thức đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực du lịch.
Tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch: Phát huy vai trò của Ban chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, các cơ quan, đơn vị, của chính quyền địa phương các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển du lịch.
Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch: Chủ động tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong nước, trong khu vực và quốc tế; khai thác hiệu quả các mối quan hệ, sự giúp đỡ về kỹ thuật, vốn, công nghệ cho phát triển du lịch. Trong đó, ưu tiên đẩy mạnh ký kết Chương trình Hợp tác phi tập trung với một địa phương của Pháp, Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; chương trình hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hồ Chí Minh và với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Mở rộng hợp tác phát triển du lịch với các nước như: Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Pháp, Hàn quốc, Nhật Bản…
Là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch với địa hình đa dạng, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, với hệ sinh thái phong phú, nguồn nước khoáng nóng tự nhiên, có 19 dân tộc cùng chung sống, tạo nên nguồn tài nguyên du lịch tiềm năng, thuận lợi cho việc phát triển các loại hình du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng...
[Quảng cáo]