Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, giá cả các mặt hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng biến động mạnh tạo áp lực đối với sản xuất, tiêu dùng. Các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động bình thường, duy trì, đảm bảo đầy đủ nguồn hàng để cung ứng cho người tiêu dùng, không có hiện tượng dừng hoạt động, đầu cơ, găm hàng.
Các cơ sở kinh doanh trên địa bàn cơ bản thực hiện tốt các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh thương mại, an toàn thực phẩm thực hiện niêm yết giá, bán theo giá niêm yết phục vụ người tiêu dùng trên địa bàn, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá gây bất ổn thị trường.
Hoạt động buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quy định về an toàn thực phẩm,... vẫn còn tồn tại, diễn ra cả ở thành thị và nông thôn tuy nhiên với quy mô nhỏ lẻ không phức tạp. Các mặt hàng vi phạm là những mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như: quần áo, túi xách, mỹ phẩm, đồ gia dụng... đến những mặt hàng như điện tử, linh kiện điện tử, điện thoại di động...
Nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.2 tỷ đồng
Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục QLTT Hà Nam đã thanh, kiểm tra 572 vụ (bằng 102,88% của so với cùng kỳ năm 2022); Xử lý 428 vụ (bằng 129,69 % so với cùng kỳ năm 2022); Số tiền thu phạt nộp ngân sách Nhà nước 1.274.385.760 đồng (bằng 167,17 % so với cùng kỳ năm 2022).
Trị giá tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, xử lý theo hình thức bán 139.635.760 đồng; Trị giá tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu chờ xử lý (ước tính) 819.852.000 đồng; Số vụ việc chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố vụ án hình sự 01 vụ đã khởi tố, 04 vụ đang xem xét.
Cục QLTT Hà Nam cũng đã kiểm tra, xử lý đối với một số nhóm mặt hàng vi phạm nổi cộm như: Kiểm tra mặt hàng thực phẩm, bánh kẹo 66 vụ, xử lý 66 vụ, phạt tiền 65.750.000 đồng; Kiểm tra mặt hàng quần áo, giày dép 55 vụ, xử lý 55 vụ, phạt tiền 122.000.000 đồng; Kiểm tra đồ điện, phụ kiện điện tử, điện thoại 28 vụ, xử lý 28 vụ, phạt tiền 127.500.000 đồng; …
Ngoài ra, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nam còn kiểm tra, xử lý một số nhóm hành vi vi phạm phổ biến về niêm yết giá là 294 hành vi, phạt tiền 333.750.000 đồng; Vi phạm về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ 27 hành vi, phạt tiền 163.500.000 đồng; Vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT 08 hành vi, phạt tiền 140.500.000 đồng; …
Tăng cường phối hợp, kết hợp tuyên truyền
Các Đội QLTT phối hợp với lực lượng công an trong việc kiểm tra, xử lý các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Kết quả kiểm tra 33 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 28 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước 269.250.000 đồng, đã khởi tố 01 vụ, 04 vụ đang tiếp tục được xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, tịch thu và buộc tiêu hủy nhiều hàng hóa vi phạm.
Bên cạnh đó, Cục QLTT Hà Nam đã cử cán bộ tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các tuyến tỉnh, huyện, thành phố trong trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân 2023; trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023. Kết quả tại tuyến tỉnh kiểm tra 51 cơ sở, xử lý 07 cơ sở kinh doanh các mặt hàng liên quan đến an toàn thực phẩm, phạt tiền 45.000.000 đồng. Tại tuyến huyện kiểm tra 101 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 08 cơ sở nộp ngân sách Nhà nước 44.500.000 đồng.
Song song với việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, các Đội QLTT thuộc Cục QLTT Hà Nam đã kết hợp tuyên truyền, ký cam kết về việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thương mại, không buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thực hiện nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Kết quả, các Đội QLTT đã ký 1005 cam kết với các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn.
Quyết liệt quản lý thị trường hàng hóa những tháng cuối năm
Dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng cuối năm sẽ có những diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Do vậy, để góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, Cục QLTT Hà Nam sẽ thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn, nắm diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, kịp thời phát hiện, nhận diện những phương thức, thủ đoạn vi phạm mới để đấu tranh ngăn chặn.
Đơn vị cũng sẽ tích cực, chủ động hơn nữa trong phối hợp với các sở, ngành chức năng trên địa bàn, các hiệp hội, ngành hàng, các chủ thể quyền, các doanh nghiệp sản xuất để triển khai các phương án, chuyên đề, kế hoạch kiểm tra kiểm soát thị trường đạt hiệu quả cao. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Triển khai thực hiện Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền SHTT tại Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT ngày 22/3/2021 của Tổng cục QLTT.
Thực hiện tốt công tác tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo 389 tỉnh trong công tác phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ đột xuất theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, UBND tỉnh, BCĐ 389 tỉnh Hà Nam.