Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến kinh tế, giáo dục Trung Quốc và những khuyến nghị với Chính phủ

HOÀNG NGỌC NGUYỄN HỒNG (Học viện Cảnh sát nhân dân)

TÓM TẮT:

Dịch COVID-19 là một đại dịch bệnh truyền nhiễm với tác nhân là virus SARS-CoV-2, hiện đang ảnh hưởng và gây thiệt hại trên phạm vi toàn cầu. Là nước có ca mắc virus SARS-CoV-2 đầu tiên, Trung Quốc là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh này gây ra, nhất là trong lĩnh vực kinh tếgiáo dục. Trong hoàn cảnh đó, Chính phủ Trung Quốc cần đưa ra những chính sách có định hướng lâu dài để khắc phục những ảnh hưởng này.     

Từ khoá: Dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng, kinh tế, giáo dục, Trung Quốc, kiến nghị.

1. Đặt vấn đề

Đại dịch COVID-19 là một đại dịch  bệnh truyền nhiễm với tác nhân là virus SARS-CoV-2, hiện đang ảnh hưởng và gây thiệt hại trên phạm vi toàn cầu. Dịch bệnh này bắt đầu xuất hiện từ tháng 12/2019, với tâm dịch đầu tiên được ghi nhận là thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc ở miền Trung Trung Quốc, bắt nguồn từ một nhóm người bị mắc bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân. Cho đến ngày 18/4/2020, thế giới đã ghi nhận trên 2,2 triệu trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 và trên 153.000 người đã tử vong.

Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cảnh báo, dịch COVID-19 có thể sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 1.000 tỉ USD trong năm 2020. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến giáo dục toàn cầu. Chính phủ ở 73 quốc gia đã tuyên bố hoặc thực hiện việc đóng cửa trường học. Covid -19 đã ảnh hưởng đến hơn 421 triệu người học trên toàn cầu, trong khi việc đóng cửa trường học cục bộ đã khiến 1/5 học sinh rời khỏi trường trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, là nước có ca mắc virus SARS-CoV-2 đầu tiên, Trung Quốc là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh này gây ra.

2. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nền kinh tế Trung Quốc

Đại dịch ảnh hưởng sâu rộng đến các nền kinh tế trong khu vực, nhưng mức độ nghiêm trọng và thời gian diễn ra cú sốc lại bất định khác thường. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, nhiều người đã bày tỏ lo ngại về nền kinh tế của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị đình trệ đột ngột. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng ở Trung Quốc theo kịch bản cơ sở dự báo sẽ giảm còn 2,3% và theo kịch bản tình huống thấp hơn còn 0,1% năm 2020, so với mức 6,1% năm 2019. Kiềm chế đại dịch sẽ là điều kiện để hồi phục, nhưng rủi ro căng thẳng tài chính kéo dài vẫn lớn, thậm chí đến sau năm 2020.

Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia công bố vào ngày 16/3/2020, từ tháng 1 đến tháng 2/2020, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến các chỉ số khác nhau của nền kinh tế Trung Quốc ở các mức độ khác nhau. Sản xuất công nghiệp và sản xuất dịch vụ giảm, tiêu dùng và đầu tư thị trường giảm, và chỉ số quản trị người mua hàng (PMI) cũng theo đó sụt giảm. Nhưng nhìn chung, dưới tác dụng của các chính sách và biện pháp khác nhau, việc nối lại sản xuất và sản xuất của các doanh nghiệp đã được đẩy nhanh. Trật tự sản xuất và sinh hoạt đã dần được phục hồi, nền kinh tế quốc gia đã đạt được sự vận hành có trật tự và sinh kế cơ bản đã được đảm bảo một cách hiệu quả.

Khả năng phục hồi hoàn toàn được phản ánh trong việc tăng cường dần sự phối hợp phát triển kinh tế của Trung Quốc. Nhìn lại sự phát triển của những thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi các mô hình phát triển kinh tế “định hướng đầu tư” và “định hướng xuất khẩu”. Trung Quốc có dân số 1,4 tỷ người, tương ứng với quy mô thị trường và tiềm năng tiêu thụ khổng lồ, tạo một động lực rất lớn cho việc nâng cấp hệ thống chất lượng.

Không gian chính sách tương đối đầy đủ được phản ánh trong việc Trung Quốc tuân thủ việc thực thi chính sách tiền tệ được chuẩn hóa, tạo cơ hội cho việc điều động ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Sau khi bùng phát, thị trường tài chính Trung Quốc, bao gồm thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường ngoại hối và thị trường trái phiếu, tất cả đều hoạt động bình thường. Điều này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc có niềm tin và sức mạnh để đối phó với những cú sốc bên ngoài.

Không chỉ vậy, ngay cả trong giai đoạn quan trọng để chống lại dịch bệnh, Trung Quốc chưa bao giờ ngừng tốc độ cải cách sâu rộng và mở cửa. Chính phủ đã đưa ra một loạt các biện pháp để thúc đẩy sinh kế của người dân và ổn định các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, phản ánh chính sách của Chính phủ hỗ trợ nền kinh tế thực và đảm bảo sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân trong giai đoạn vừa qua. Vì vậy, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong hai quý đầu năm 2020 giảm xuống 2-3% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên trong quý II, quá trình phục hồi sẽ diễn ra mạnh hơn, một phần nhờ chính sách kích thích tài khóa và hỗ trợ tiền tệ của Chính phủ. 

Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc có trở lại bình thường, các doanh nghiệp nước này vẫn phải chuẩn bị cho "làn sóng đứt gãy thứ hai" của chuỗi cung ứng khi các nhà máy nước ngoài đóng cửa và hoạt động vận tải toàn cầu bị đứt gãy. Nhiều người Trung Quốc đang chuẩn bị tinh thần đối mặt với cú sốc kinh tế thứ hai từ đại dịch COVID-19. Lần này không phải do thiếu nguyên liệu sản xuất, mà là nhu cầu hàng hóa sụt giảm mạnh cả trong và ngoài nước.

Khi các nước trên thế giới bế quan, tỏa cảng để ngăn dịch, mảng xuất khẩu chiếm đến 20% GDP của Trung Quốc sẽ chịu hậu quả. Số liệu của Hải quan cho thấy, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 17,2% trong tháng 1 2, và đây vẫn chưa phải là đáy. Nếu như sau Tết Âm lịch, người dân kinh doanh sợ nguồn nguyên liệu bị đứt (do Trung Quốc phong tỏa), thì đến nay, tình hình đã đảo ngược. Thêm vào đó, nhu cầu trong nước của Trung Quốc sụt giảm.

Hãng tin Bloomberg cho biết, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2020, đã có 100 công ty bất động sản ở Trung Quốc đệ đơn xin phá sản. Tỉ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc được ghi nhận tăng từ 5,2 lên 6,2%, tương đương 5 triệu công việc biến mất. Kết hợp yếu tố này với các thách thức đến từ bên ngoài, hy vọng về khả năng Trung Quốc phục hồi nhảy vọt (theo biểu đồ chữ V) sau dịch COVID-19 mỗi lúc một xa vời. Hầu hết các chuyên gia dự báo, nền kinh tế Trung Quốc sẽ teo lại trong quý I/2020, lần đầu tiên kể từ cuối Cách mạng Văn hóa năm 1976. Bên cạnh đó, viễn cảnh một trận suy thoái toàn cầu cũng đang ở đường chân trời khi tình hình dịch COVID-19 ngày càng nguy hiểm và phức tạp hơn.

Như vậy, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nền kinh tế Trung Quốc vô cùng nặng nề, Chính phủ đã áp dụng rất nhiều biện pháp mạnh mẽ để cải thiện tình hình. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, các nhà sản xuất cũng cần tự mình tìm ra những hướng đi riêng trong lúc còn rất nhiều khó khăn trước mắt.

3. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hệ thống giáo dục Trung Quốc

Đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng đến các hệ thống giáo dục trên toàn thế giới. Những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 thông qua các biện pháp can thiệp phi dược phẩm và các biện pháp phòng ngừa như cách ly xã hội và tự cô lập đã thúc đẩy việc đóng cửa rộng rãi các trường tiểu học và trung học cũng như các trường sau trung học bao gồm các trường cao đẳng và đại học tại ít nhất 73 quốc gia.

Việc đóng cửa trường học có tác động tiêu cực đáng kể đến các gia đình có thu nhập thấp, những người thiếu tiếp cận với công nghệ, internet, thực phẩm dinh dưỡng và dịch vụ chăm sóc trẻ em, cũng như học sinh khuyết tật cần các kế hoạch giáo dục cá nhân. Điều này cũng khiến cho rất nhiều trường học đã phải chuyển đổi sang hình thức giáo dục trực tuyến.

Đầu tháng 2/2020, trước tình hình dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) không biết diễn biến đến bao giờ, Bộ Giáo dục Trung Quốc ra thông báo khuyến khích các trường dạy học trên Internet cho học sinh. Bộ này cũng khởi động một chương trình học bằng điện toán đám mây quy mô toàn quốc từ ngày 17/2 nhằm cung cấp đầy đủ tài liệu giảng dạy cho tất cả các môn học chính cũng như các khóa học dành cho học sinh tiểu học và trung học.

Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc hồi tháng 9/2019 đưa tin thị trường học trực tuyến trong nước trị giá 36 tỉ USD với 135 triệu người học có đăng ký và đang tiếp tục bùng nổ, chỉ vài tháng sau, các công ty tham gia lĩnh vực này bất ngờ có cơ hội "thử lửa" khi học sinh các bậc học và cả sinh viên buộc phải "đến trường trên mạng" vì dịch COVID-19. Theo Tân Hoa xã, Bộ Giáo dục Trung Quốc còn ban hành hướng dẫn các trường đại học tổ chức lớp học online, với 22 nền tảng trực tuyến, cung cấp 24.000 khóa học cho sinh viên. Ngoài ra, một kênh giáo dục trên truyền hình cũng bắt đầu phát các bài học từ ngày 17/2 để giúp học sinh, sinh viên ở các khu vực hẻo lánh - nơi tốc độ Internet không được cao  có thể học tại nhà.

Hiện nay, khi giáo dục trực tuyến đã trở thành yêu cầu bắt buộc thì giáo viên và học sinh cũng đang dần dần thích nghi. Các thầy cô  giáo phải tham gia tập huấn để sử dụng thành thạo những phần mềm đào tạo trực tuyến, tập cách nói chuyện tự nhiên trước camera, rồi phải bình luận qua lại để học trò của mình hứng thú với bài giảng. Trong khi đó, hầu hết các giáo viên đều không có kinh nghiệm livestream, một số người phải lên mạng xem vlog của người nổi tiếng để biết cách làm theo. Không chỉ vậy, thầy cô còn học nói chuyện theo ngôn ngữ trên mạng để đảm bảo rằng học sinh xem livestream có thể hiểu mình đang nói gì.

Như vậy, sử dụng phần mềm trực tuyến để giảng dạy sẽ tạo nên một cuộc cải cách về phương pháp, giúp cho các thầy cô giáo trải nghiệm và sáng tạo hơn nữa trong các bài giảng của mình, để thu hút học sinh thêm say mê với các bài học. Học sinh cảm thấy hứng thú hơn vì được sử dụng công nghệ, lại tiết kiệm được nhiều thời gian,ở nhà vẫn kết nối được với thầy cô và các bạn, vẫn có thể thu được kiến thức.

Tuy nhiên, giảng dạy trực tuyến cũng tồn tại nhiều mặt trái. Nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh cho biết, việc dạy - học online không hiệu quả bằng dạy trực tiếp. Nhiều học sinh thấy  sẽthêm động lực để học hơn khi có các bạn cùng lớp học hành chăm chỉ xung quanh. Trong khi đó, giáo viên cũng nhận thấy sự gắn kết giữa mình và học sinh khi học trực tuyến gần như bằng 0. Do mất đi sự tương tác, giáo viên cũng phải bỏ công chuẩn bị nhiều bài học hơn cho 1 buổi học, vì 1 bài học bình thường dạy 45 phút, nhưng dạy online chỉ mất 25-30 phút, hơn nữa giáo viên cũng không thể đánh giá được hết học sinh có hiểu bài hay không.

Một mối bận tâm nữa liên quan đến việc học trực tuyến, đó là giáo viên không thể giám sát được học trò của mình làm gì. Học sinh có thể làm bất cứ điều gì chúng muốn trong lúc học trực tuyến. Đó là chưa kể đến những khó khăn về mặt công nghệ, như: máy chủ gặp sự cố, mạng không ổn định, đăng ký phức tạp, phải sử dụng nhiều nhóm WeChat, lộ lọt thông tin cá nhân khi sử dụng các phần mềm không có bản quyền hoặc tính bảo mật không cao… Các vấn đề này liên tục tạo nên những cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội Weibo.

Nhìn chung, việc dạy học trực tuyến tại Trung Quốc đang  phải đối mặt với 3 khó khăn: Một là hệ thống trực tuyến chưa sẵn sàng cho sự chuyển đổi đột ngột. Ví dụ, ngày đầu tiên của khóa học trực tuyến miễn phí trên nền tảng zuoyebang có khoảng 5 triệu người tham gia cùng lúc, dẫn đến việc máy chủ bị quá tải. Việc lộ lọt thông tin cá nhân với các phần mềm có tính bảo mật chưa cao hoặc các phần mềm cho sử dụng miễn phí, không cần bản quyền. Hai một số giáo viên không có kinh nghiệm giảng dạy trực tuyến. Ba  là phụ huynh không chấp nhận hình thức giảng dạy này, vì học trực tuyến, học sinh phải xem máy tính hoặc các sản phẩm điện tử khác trong cả ngày, sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của học sinh..

Một vấn đề nữa, dịch bệnh Covid-19 gây ra cho giáo dục Trung Quốc là các cuộc thi đánh giá năng lực như SAT đều bị huỷ bỏ khiến học sinh, sinh viên Trung Quốc phải đối mặt với nguy cơ không chuẩn bị kịp hồ sơ để ứng tuyển vào các trường đại học trên thế giới.

4. Những kiến nghị với Chính phủ Trung Quốc

Thứ nhất: Chính phủ cần đồng thời điều chỉnh cả chính sách y tế và chính sách kinh tế vĩ mô. Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, Chính phủ cần tiến hành các biện pháp kiểm soát lây nhiễm, như hạn chế đi lại,đồng thời triển khai các giải pháp về tài khóa, tiền tệ và tái cơ cấu nhằm giảm nhẹ hệ quả tác động bất lợi về kinh tế . Chỉ có kết hợp các chính sách mới đem lại kết quả tốt hơn cho cả y tế và kinh tế.

Thứ hai: Nhu cầu về chăm sóc y tế có thể tăng vọt trong giai đoạn sắp tới. Ngoài việc  mở rộng các cơ sở chăm sóc y tế truyền thống và các nhà máy sản xuất thiết bị y tế, một số biện pháp sáng tạo đang được xem xét và cần được đẩy mạnh như: Chuyển đổi giường bệnh thông thường thành giường hồi sức tích cực; sử dụng các nhà máy sản xuất ô-tô để sản xuất máy làm khẩu trang; đào tạo để người lao động không còn làm trong ngành nghề cũ (ví dụ nhân viên nhà hàng, khách sạn và hãng hàng không) có thể chuyển sang làm các công việc chăm sóc y tế cơ bản. Các dây chuyền sản xuất mặt hàng may mặc có thể nâng cấp, chuyển đổi để thành dây chuyền sản xuất khẩu trang. Để đảm bảo người nghèo được tiếp cận đầy đủ, cần phải cung cấp dịch vụ xét nghiệm và điều trị miễn phí hoặc theo giá trợ cấp.

Thứ ba: Chính sách kinh tế vĩ mô nới lỏng sẽ kém hiệu quả trong việc đẩy mạnh sản xuất và tạo việc làm trong giai đoạn người lao động buộc phải ở nhà theo yêu cầu giãn cách xã hội, nhưng cách tiếp cận này lại quan trọng để khôi phục kinh tế. Ban đầu, các biện pháp tài khóa cần cung cấp để người dân chống đỡ các cú sốc, đặc biệt là những người dễ tổn thương nhất về kinh tế. Chẳng hạn, trợ cấp nghỉ ốm và dịch vụ y tế có thể làm giảm căng thẳng, giúp hỗ trợ kiềm chế bệnh dịch.

Mở rộng mạng lưới an sinh xã hội cũng giảm bớt gánh nặng cho những hộ gia đình thu nhập bị sụt giảm do ảnh hưởng dịch bệnh. Cung cấp bữa ăn học đường và hỗ trợ khác cho học sinh khi trường học đóng cửa. Đồng thời hỗ trợ tìm việc làm để giúp người lao động tái hòa nhập kinh tế sau dịch bệnh. Đây là những biện pháp đảm bảo khó khăn tạm thời không biến thành tổn thất dài hạn về nhân lực. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần được hỗ trợ thanh khoản để duy trì hoạt động và kết nối có lợi với các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC).

Thứ tư, trong khu vực tài chính, cần hỗ trợ các hộ gia đình bình ổn tiêu dùng thông qua nới lỏng cơ hội tiếp cận tín dụng; Giúp doanh nghiệp sống sót thông qua nới lỏng cơ hội tiếp cận thanh khoản; Nới lỏng các điều kiện huy động tài chính, đồng thời thực hiện giãn nợ có quản lý của Nhà nước là cần thiết trong điều kiện khó khăn còn tiếp diễn. Các cơ quan quản lý nhà nước cần đảm bảo công khai minh bạch thông tin về rủi ro và thông báo rõ ràng về nhu cầu giám sát để tránh bất ổn tài chính, đặc biệt ở những nền kinh tế có nợ khu vực tư nhân ở mức cao.

Thứ năm, chính sách thương mại mở phải được duy trì. Để duy trì sản xuất hàng cung ứng thiết yếu cho người tiêu dùng trong nước, một số quốc gia đã bắt đầu hạn chế xuất khẩu các mặt hàng y tế.

Các quốc gia tiêu dùng cần thực hiện trách nhiệm bằng cách tự do hóa nhập khẩu. Thay vì tái đàm phán các cam kết song phương, tất cả các quốc gia sẽ đều có lợi nếu Trung Quốc mở cửa thị trường cho tất cả các đối tác thương mại. Đây là cú hích rất cần thiết có thể giúp tăng thu nhập toàn cầu khoảng 0,6%. Thu nhập của Trung Quốc sẽ tăng thêm gần 0,5%. Hầu hết các quốc gia đang phát triển ở khu vực Đông Á cũng sẽ tăng thu nhập cho dù khả năng tiếp cận ưu đãi của họ vào thị trường Trung Quốc phần nào bị suy giảm.

Theo Ngân hàng Thế giới, trong từng nội dung chính sách trên, , hành động phối hợp quốc tế trên cách tiếp cận tổng thể sẽ đem lại lợi ích. Tuy nhiên, tăng cường chiều sâu hợp tác quốc tế mới là liều vắc-xin hiệu quả nhất để chống lại nguy cơ do virus gây ra, ngoài những biện pháp mạnh mẽ trong nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2020), Những con số biết nói về tác động của dịch bệnh Covid-19 đến thương mại Trung Quốc.
  2. Vương Kỳ Nghiệp - Phạm Minh Quang (2020), Trung Quốc chuẩn bị đón cú sốc kinh tế tập hai, Tạp chí Đối ngoại Trung Hoa.
  3. Yuwa Hedrick-wong (2020), Tiến trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19 của Trung Quốc sẽ chậm hơn thời dịch Sars, Tạp chí Công Thương Trung Quốc.
  4. Nguyễn Chí Hiếu (2020), Covid-19 và tác động của nó đến lĩnh vực kinh tế, Tạp chí Cộng sản.
  5. Ngọc Đông (2020), Học trực tuyến thời Covid-19: Cuộc “thử lửa” bất ngờ ở Trung Quốc, Tạp chí Tuổi trẻ.
  6. Nguyễn Hoàng (2020), Dịch virus corona ở Trung Quốc: Tỉnh Sơn Đông đóng cửa trường học đến hết tháng 2, Tân Hoa Xã .

 The impacts of the Covid-19 pandemic on China’s economical and educational fields and recommendations for Chinese government

Ph.D HOANG NGOC NGUYEN HONG

People’s Police Academy

ABSTRACT:

The Covid-19 pandemic which is defined global health crisis caused by the virus SARS-CoV-2. The Covid-19 pandemic is currently affecting and causing damages across the globe. The first coronavirus patient was officially reported in China which is heavily affected by this disease, especially this country’s economical and educational fields. Hence, the Chinese government needs to come up with long term solutions in order to overcome challenges caused by the Covid-19 pandemic.

Keywords: Covid-19 pandemic, affect, economy, education, China, recommendation.