Chuyển đổi số trong kế toán của doanh nghiệp tại Việt Nam

Đề tài Chuyển đổi số trong kế toán của doanh nghiệp tại Việt Nam do TS. Nguyễn Đức Xuân (Viện Quản trị Kinh doanh, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) - ThS. NCS. Phạm Nhật Linh (Viện Quản trị Kinh doanh, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) - TS. Lê Thị Việt Hà (Viện Quản trị Kinh doanh, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) - HVCH. Nguyễn Tuấn Anh (Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế Nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) thực hiện.

TÓM TẮT:

Nghiên cứu khảo sát 417 doanh nghiệp tại Việt Nam năm 2023 trong việc chuyển đổi số trong kế toán. Kết quả nghiên cứu cho thấy người lao động trong lĩnh vực kế toán ở các doanh nghiệp thường có mức độ hiểu biết về chuyển đổi số ở mức trung bình, tập trung chủ yếu vào các ứng dụng như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn. Sự chênh lệch này phản ánh xu hướng thực tế tại Việt Nam và toàn cầu. Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, việc chia sẻ thông tin và kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực kế toán rất quan trọng. Trong khi đó, đầu tư vào chuyển đổi số thể hiện sự khác biệt rõ ràng giữa các lĩnh vực kinh doanh và quy mô vốn, với lĩnh vực thương mại - dịch vụ chủ động tham gia, trong khi nông nghiệp thể hiện ít nỗ lực và thành công hơn. Doanh nghiệp với quy mô vốn nhỏ có xu hướng thực hiện chuyển đổi số hiệu quả hơn, đề xuất sự linh hoạt và khả năng thích ứng cao hơn so với doanh nghiệp lớn.

Từ khóa: chuyển đổi số, kế toán, doanh nghiệp, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 749 để phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Chương trình này xác định tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu biến Việt Nam thành một quốc gia số, ổn định và thịnh vượng (Chính phủ, 2020). Chương trình sẽ đóng vai trò tiên phong trong việc thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Chương trình sẽ tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện trong quản lý và điều hành của Chính phủ, cũng như trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, chương trình còn hướng đến sự đổi mới trong phong cách sống và làm việc của người dân, với mục tiêu phát triển một môi trường số an toàn và nhân văn trên diện rộng. Chính phủ số đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả và hiệu lực của Chính phủ thông qua các biện pháp tăng cường minh bạch và giảm tham nhũng. Kinh tế số đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, nâng cao năng suất lao động và tạo động lực cho tăng trưởng mới, giúp tránh được bẫy thu nhập trung bình.

Chuyển đổi số (CĐS) ở cấp độ chính phủ đã đóng góp vào quá trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp. Chuyển đổi số của doanh nghiệp đã mở đường cho sự chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán. Sự tích hợp của các công nghệ như dữ liệu lớn và điện toán đám mây đã giúp thúc đẩy quy trình kế toán trở nên hiệu quả hơn, thực hiện được trong thời gian nhanh và chính xác hơn. Điều này đã làm quy trình kế toán trở nên linh hoạt hơn, cung cấp thông tin tài chính có giá trị qua các báo cáo và thay đổi đáng kể vai trò truyền thống của ngành kế toán (Duyên và cộng sự.,2023). Chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán mang lại 2 lợi ích quan trọng: thay đổi cách làm việc để trở nên hiệu quả hơn và thay thế một số công việc kế toán và kiểm toán bằng các ứng dụng phần mềm như phần mềm kế toán và hóa đơn điện tử. Điều này giúp kế toán viên giành thêm thời gian để thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi chuyên môn cao hơn và tập trung vào việc nâng cao kỹ năng và chuyên môn.

Xuất phát từ thực tiễn trên, nghiên cứu này nhằm đánh giá thực trạng và mức độ chuyển đổi số trong kế toán của các doanh nghiệp tại Việt Nam.

2. Cơ sở lý thuyết chuyển đổi số trong kế toán

Theo Troshani và cộng sự. (2019), CĐS trong lĩnh vực kế toán thường liên quan đến quá trình tạo, trình bày và truyền thông tin tài chính dưới dạng điện tử. Thay vì sử dụng giấy tờ, tất cả các giao dịch kế toán đều được thực hiện trong môi trường số. Quá trình này không chỉ tối ưu và trao quyền cho các kế toán viên mà còn làm cho công việc của họ trở nên hiệu quả hơn. Máy tính và các phần mềm kế toán đã thay đổi cách ngành tài chính hoạt động. Những tiến bộ công nghệ đã cải thiện khả năng diễn giải và báo cáo dữ liệu của kế toán viên, làm cho quá trình này trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn bao giờ hết.

Theo Phorblaphatrachakor và cộng sự. (2021), kế toán số (Digital accounting) là quá trình thực hiện tất cả các giao dịch kế toán trong môi trường điện tử, phản ánh xu hướng của nền kinh tế số hiện đại. Phương pháp này hỗ trợ các công ty trong việc hoàn thành nhanh chóng và chính xác các nhiệm vụ chức năng, đồng thời cung cấp khả năng giải thích và báo cáo dữ liệu, thông tin nhanh chóng, hiệu quả hơn. Các doanh nghiệp áp dụng kế toán số thành công có thể có được thông tin chính xác để đưa ra các quyết định quan trọng và nâng cấp hệ thống kế toán để hỗ trợ quy mô hoạt động ngày càng tăng. Họ có khả năng truy cập từ xa vào dữ liệu và thông tin tài chính của công ty bằng cách đăng nhập vào hệ thống từ bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào để theo dõi kết quả và dữ liệu. Đồng thời, việc áp dụng kế toán số giúp họ đạt được thành công, duy trì sự tồn tại và đảm bảo tính bền vững trong hoạt động kinh doanh, cả trực tiếp và gián tiếp.

3. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp phỏng vấn bán cấu trúc sử dụng bảng hỏi gồm các câu hỏi đóng và câu hỏi mở. Bảng hỏi này cho phép thu thập được đồng thời các loại thông tin định tính và định lượng, thông tin khách quan và đánh giá chủ quan của người được phỏng vấn. Phương pháp phỏng vấn bán cấu trúc được áp dụng cho đối tượng đại diện doanh nghiệp tại Việt Nam.

chuyển đổi số

 

Cỡ mẫu được quyết định dựa trên số lượng mục sử dụng trong bảng hỏi, theo công thức: . Trong đó n là kích thước mẫu, e là sai số được chấp nhận (5%), z là giá trị phân phối với mức độ tin cậy đã chọn (với mức độ tin cậy 95% thì z = 1,96), p là phần trăm ước tính của mẫu trong tổng thể, q = 1 - p. Với tổng thể không xác định, có thể chọn p = q = 50%, từ đó ta có cỡ mẫu n = 385. Để đảm bảo dữ liệu có độ tin cậy, quy mô mẫu được chọn bao gồm 417 doanh nghiệp.

4. Thực trạng chuyển đổi số trong công tác kế toán tại các doanh nghiệp

Bảng 1. Nhận biết về các ứng dụng phổ biến trong chuyển đổi số của kế toán

Các ứng dụng chuyển đổi số kế toán

Không biết

Ít biết

Biết rõ

Tổng

%

%

%

%

N

Công nghệ Blockchain

26.7

52.1

21.2

100

417

Công nghệ điện toán đám mây

15.2

42.9

41.9

100

417

Hệ thống hoạch định nguồn nhân lực - ERP

23.5

53.0

23.5

100

417

Trí tuệ nhân tạo (AI)

11.5

47.9

40.6

100

417

Tự động hóa quá trình bằng Robot

15.6

53.3

31.1

100

417

Ngôn ngữ báo cáo kinh doanh mở rộng (XBRL)

32.5

52.4

15.0

100

417

Dữ liệu lớn (big data)

11.1

47.3

41.5

100

417

Internet vạn vật (IoT)

22.7

49.8

27.5

100

417

                                                          Nguồn: Kết quả xử lý số liệu của nhóm tác giả, 2023

Tại Bảng 1, người tham gia khảo sát từ các doanh nghiệp có tỷ lệ nhận biết rõ nhiều nhất đối với các ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn big data và trí tuệ nhân tạo AI. Trong khi đó, tỷ lệ không biết của người trả lời là nhiều nhất đối với ứng dụng công nghệ blockchain và ngôn ngữ báo cáo kinh doanh mở rộng XBRL. Sở dĩ có kết quả này vì trên thực tế, blockchain và XBRL là những công nghệ mới đang bắt đầu được ứng dụng trong kế toán và còn chưa được phát triển rộng rãi.

Bảng 2. Tình hình triển khai các ứng dụng chuyển đổi số của kế toán

tại các doanh nghiệp (%)

Các ứng dụng chuyển đổi số kế toán (N=417)

Không thực hiện

Thực hiện kém

Trung bình

Thực hiện khá

Thực hiện tốt

Tổng

Công nghệ Blockchain

31.8

11.5

36.9

15.7

4.1

100

Công nghệ điện toán đám mây

16.1

12.4

28.6

35.0

7.8

100

Hệ thống hoạch định nguồn nhân lực - ERP

24.4

13.4

32.3

22.1

7.8

100

Trí tuệ nhân tạo (AI)

23.5

15.2

31.3

23.5

6.5

100

Tự động hóa quá trình bằng Robot

37.3

13.4

26.7

16.1

6.5

100

Ngôn ngữ báo cáo kinh doanh mở rộng (XBRL)

31.8

14.3

30.0

18.0

6.0

100

Dữ liệu lớn (big data)

19.8

9.7

33.2

29.0

8.3

100

Internet vạn vật (IoT)

27.2

12.9

29.5

23.5

6.9

100

                                                            Nguồn: Kết quả xử lý số liệu của nhóm tác giả, 2023

Những ứng dụng ít được biết đến cũng có tình hình không được thực hiện là lớn nhất, bao gồm công nghệ blockchain, ngôn ngữ báo cáo kinh doanh mở rộng XBRL và tự động hóa quá trình bằng robot. Ngược lại,  những ứng dụng được đánh giá là thực hiện tốt nhất là những công nghệ đã được phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua ở Việt Nam, bao gồm công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn big data và hệ thống hoạch định nguồn nhân lực ERP. (Bảng 2)

Kết quả số liệu cũng cho thấy, mức độ triển khai chuyển đổi số có sự khác biệt đáng kể xét theo lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp mà người trả lời đang làm việc (Biểu đồ 1). Trong đó, người trả lời làm việc trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ xác định việc chuyển đổi số đạt mức độ thực hiện cao nhất ở ngưỡng gần khá (2.76), thấp hơn là với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - xây lắp và các lĩnh vực khác. Nhóm người trả lời thuộc doanh nghiệp về nông, lâm nghiệp cho biết mức thực hiện chuyển đổi số là thấp nhất, chỉ ở mức gần ngưỡng kém (1.84).

chuyển đổi số
chuyển đổi số

Biểu đổ 2 cho thấy trong nhóm doanh nghiệp về nông, lâm nghiệp, có 3 ứng dụng chuyển đổi số đạt mức thực hiện cao nhất là ngưỡng kém (2.0) gồm có công nghệ điện toán đám mây (cloud system), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT); và 2 ứng dụng ở mức thực hiện thấp nhất là công nghệ Blockchain (1.4) và tự động hóa quá trình bằng Robot (1.6). Trong nhóm doanh nghiệp về thương mại, dịch vụ và nhóm doanh nghiệp về sản xuất - xây lắp, có sự tương đồng khi người trả lời cho biết các ứng dụng được áp dụng ở mức cao nhất (ngưỡng trung bình - 3.0) đều là công nghệ điện toán đám mây và dữ liệu lớn (Big data). Các ứng dụng được áp dụng ở mức thấp nhất đều được xác định đạt ngưỡng kém (2.0) trở lên, với sự biến động nhất định giữa 2 nhóm ngành. Ở nhóm doanh nghiệp về thương mại, dịch vụ chứng kiến mức áp dụng thấp nhất với ứng dụng tự dộng hóa quá trình bằng robot; nhưng ở nhóm doanh nghiệp về sản xuất - xây lắp có mức áp dụng thấp nhất với ứng dụng công nghệ blockchain. Trong nhóm doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác, chỉ có công nghệ điện toán đám mây (cloud system) được xác định đạt mức áp dụng cao nhất (ngưỡng trung bình 3.0). Các ứng dụng được áp dụng ở mức thấp nhất đều được xác định đạt ngưỡng kém (2.0) trở lên. Chỉ có ứng dụng tự động hóa quá trình bằng Robot ở ngưỡng thấp nhất (1.8).

chuyển đổi số

Xét theo quy mô vốn của các doanh nghiệp, kết quả khảo sát cho thấy mức độ tổ chức thực hiện chuyển đổi số là thấp nhất (1.98 sát ngưỡng kém) trong các doanh nghiệp có quy mô vốn từ 50 đến 100 tỷ VND, trong khi đó mức độ chuyển đổi số cao nhất (gần ngưỡng trung bình) gắn với các doanh nghiệp ở quy mô vốn vừa phải, từ 3 đến 50 tỷ VND (Biểu đồ 3). Riêng các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn trên 100 tỷ VND cũng có sự chú ý nhất định đối với chuyển đổi số (đạt mức độ triển khai 2.44).

Tiếp tục xem xét mức độ áp dụng với các ứng dụng chuyển đổi số trong doanh nghiệp theo quy mô vốn, công nghệ điện toán đám mây được người trả lời nhận định đạt mức cao nhất ở hầu hết các doanh nghiệp có quy mô vốn khác nhau, chỉ đứng sau ứng dụng hệ thống hoạch định nguồn nhân lực ERP và dữ liệu lớn trong nhóm doanh nghiệp có quy mô trên 100 tỷ VND (Biểu đồ 4). Trong khi đó, ứng dụng tự động hóa quá trình bằng robot có mức triển khai được nhận định là thấp nhất ở các doanh nghiệp có quy mô vốn khác nhau, trừ nhóm doanh nghiệp có quy mô 50 đến 100 tỷ VND. Trong nhóm doanh nghiệp này, công nghệ blockchain, trí tuệ nhân tạo AI và Internet vạn vật IoT là những ứng dụng có mức triển khai được cho là thấp nhất.

Nhìn nhận chung về ảnh hưởng của quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp, kết quả nghiên cứu cho thấy các nhận định đều tích cực, với tỷ lệ đồng tình đạt từ 53% tới 81% (Biểu đồ 5). Trong đó, lợi ích được cho là lớn nhất của chuyển đổi số trong doanh nghiệp là “phát triển năng lực của hệ thống thông tin của công ty”. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế đánh giá chung của các nghiên cứu khác (Aslanertik và cộng sự.,2019; Nguyễn Diên Duẩn và cộng sự.,2022; Phorblaphatrachakor và cộng sự.,2021) khẳng định phương thức làm việc mới hiện đại và tối ưu hơn thông qua áp dụng hệ thống phần mềm tự động và có độ chính xác cao, nâng cao chất lượng báo cáo tài chính, tính hữu ích của thông tin kế toán và hiệu quả của các quyết định chiến lược, góp phần gia tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp là những tác động đáng kể nhất của chuyển đổi số đối với công tác kế toán trong doanh nghiệp.

chuyển đổi số
chuyển đổi số

5. Kết luận

Mức độ nắm bắt, nhật biết của người lao động với công tác chuyển đổi số trong kế toán tại doanh nghiệp đang tham gia phần lớn ở mức nghe qua, biết sơ. Sự hiểu biết đó bị phân hóa theo mức độ phát triển, phổ biến của các ứng dụng chuyển đổi số, trong đó tập trung chủ yếu vào công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn. Một mặt điều này phản ánh đúng xu thế thực tế ở Việt Nam và trên thế giới; mặt khác đòi hỏi cần có thêm những trao đổi thông tin về kết quả nghiên cứu và thành tựu ứng dụng thực tế đối với các ứng dụng chuyển đổi số khác, nhất là trong công tác kế toán để cho phép doanh nghiệp và người dùng có thêm các lựa chọn phù hợp và tối ưu. Mức độ đầu tư nghiên cứu, triển khai các ứng dụng chuyển đổi số phù hợp với doanh nghiệp có sự khác biệt nhất định về lĩnh vực kinh doanh và về quy mô vốn. Trong khi lĩnh vực thương mại - dịch vụ đã tham gia chuyển đổi số từ khá sớm và nhanh, thì lĩnh vực nông, lâm nghiệp mới có khá ít các nỗ lực triển khai và thành công. Các doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ hơn cũng đang cho thấy mức độ thực hiện chuyển đổi số đạt cao hơn, là điểm gợi ý cho việc xem xét về tính linh hoạt và khả năng thích ứng cao hơn so với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn. Những điều này cũng phù hợp với lưu ý của (Chen và cộng sự.,2021); Chử Bá Quyết (2021) để có thể thực hiện chuyển đổi số thành công trong các doanh nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Aslanertik, B. E., & Yardımcı, B. (2019). A Comprehensive Framework for Accounting 4.0: Implications of Industry 4.0 in Digital Era. In H. U. (Ed.), . Blockchain Economics and Financial Market Innovation, Springer, Cham(549-563).
  2. Chen, C.-L., Lin, Y.-C., Chen, W.-H., Chao, C.-F., & Pandia, H. (2021). Role of government to enhance digital transformation in small service business. Sustainability,13(3), 1028.
  3. Chính phủ. (2020). Quyết định số 749/QD-TTg về thúc đẩy “Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2023. ban hành ngày 03 tháng 6 năm 2020.
  4. Chử Bá Quyết. (2021). Nghiên cứu khám phá các nhân tố ảnh hưởng đến chuyển đổi số thành công của doanh nghiệp ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học & Đào tạo ngân hàng, 233, 57-70.
  5. Duyên, N. T. H., Bình, V. T. T., & Hồng Nga, N. T. (2023). Mức độ chuyển đổi số trong kế toán tại doanh nghiệp của Việt Nam. Kinh tế và Phát triển, Số 314 88-98.
  6. Nguyễn Diên Duẩn, & Nguyễn Thành Trung (2022). Ngành Kế toán trước bối cảnh chuyển đổi số. Tạp chí Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, Tháng 8/2022.
  7. Phorblaphatrachakor, K., & Nakalasindhu, K. (2021). Digital accounting, financial reporting quality and digital transformation: evidence from Thai listed firms. The Journal of Asian Finance, Economics Business, 8(8), 409-419.
  8. Shan, Y. G., & Troshani, I. (2021). Digital corporate reporting and value relevance: Evidence from the US and Japan. International Journal of Managerial Finance, 17(2), 256-281.
  9. Troshani, I., Locke, J., & Rowbottom, N. (2019). Transformation of accounting through digital standardisation: Tracing the construction of the IFRS taxonomy. Accounting, Auditing Accountability Journal,32(1), 133-162.

Digital transformation in accounting of enterprises in Vietnam

PhD.NGUYEN DUC XUAN1

MA.PhD candicate PHAM NHAT LINH1

Ph.D LE THI VIET HA1

Master student NGUYEN TUAN ANH2

1 School of Business Administration, University of Economics and Business, Vietnam National University - Hanoi

2Institute of Agricultural Market and Institution Research, Vietnam National University of Agriculture

Abstract:

This study surveyed 417 enterprises in Vietnam in 2023 about the digital transformation in accounting. The study found that these enterprises’ accounting staff generally have a moderate level of understanding of digital transformation, primarily focusing on applications such as cloud computing, artificial intelligence, and big data. This difference reflects actual trends in Vietnam and around the world. To facilitate the digital transformation, sharing information and research results in the accounting field plays a crucial role. Furthermore, investment in digital transformation varies significantly between business sectors and capital scales, with the commerce and service sector actively participating, while agriculture shows less effort and success. Small-scale enterprises tend to execute digital transformation more efficiently, suggesting higher flexibility and adaptability compared to larger enterprises.

Keywords: digital transformation, accounting, enterprises, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26 tháng 12 năm 2023]

Tạp chí Công Thương