Đánh giá tiềm năng đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai

NGUYỄN THỊ THÁI HÀ1 - NGUYỄN THỊ HƯƠNG GIANG2 - NGUYỄN TUẤN ANH1 -  LÊ THỊ HỒNG PHƯỢNG1 - NGUYỄN NINH HẢI1 (1 Bộ môn Tài nguyên và Môi trường, Trường ĐH Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Phân hiệu tại Gia Lai và 2 Trường Chính trị tỉnh Gia Lai)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu này được thực hiện ở xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai nhằm đánh giá thích hợp đất đai đối với một số loại hình sử dụng đất nông nghiệp để làm cơ sở cho quy hoạch phát triển nông nghiệp bền vững. Nghiên cứu đã phỏng vấn 100 hộ dân để xác định các điều kiện sản xuất, những thuận lợi và khó khăn trong quá trình canh tác nông nghiệp thông qua việc thực hiện đánh giá nhanh nông thôn (5 đợt) và sử dụng phương pháp đánh giá thích nghi đất đai theo FAO (1976 và 2007) để xác định tiềm năng đất đai về tự nhiên và kinh tế. Kết quả nghiên cứu đã thành lập được 18 đơn vị đất đai từ 7 đặc tính đất đai với diện tích điều tra 9.559,18 ha. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đã xây dựng được 8 vùng thích nghi về điều kiện tự nhiên kết hợp với kinh tế cho 8 kiểu sử dụng đất (lúa nước, ngô, khoai, sầu riêng, chanh dây, cao su, tiêu, cà phê). Định hướng sử dụng đất đến năm 2030 là tăng diện tích trồng cây ăn trái (sầu riêng, chanh dây,…), giảm diện tích trồng cây công nghiệp lâu năm (cao su, cao su, tiêu), giữ ổn định diện tích đất trồng lúa nước, chuyển đổi cơ cây trồng hợp lý giữa các loại đất trồng cây hàng năm khác.

Từ khóa: đánh giá đất, đất sản xuất nông nghiệp, loại hình sử dụng đất, thích hợp đất đai, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai.

1. Đặt vấn đề

Xã Ia Phang, huyện Chư Pưh có trên 91% diện tích đất nông nghiệp (UBND xã Ia Phang, 2020). Quá trình sản xuất nông nghiệp trong điều kiện hiện tại mang tính chất thiên về lợi nhuận và sự phân bố diện tích nhỏ lẻ cho các mô hình canh tác. Việc bón phân, thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều trong quá trình canh tác nông nghiệp cũng như qua quá trình thâm canh, tăng vụ gây nên sự suy thoái về tài nguyên đất và ô nhiễm nguồn nước ngày càng trầm trọng (UBND tỉnh Gia Lai, 2018). Đồng thời, trong những năm gần đây, điều kiện thời tiết thay đổi thất thường cũng như vấn đề khô hạn, thiếu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp vào mùa khô đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình canh tác của người dân. Để định hướng phát triển ngành nông nghiệp của địa phương theo hướng bền vững thì việc quan trọng hàng đầu là đánh giá lại tiềm năng đất đai. Thực tiễn hoạt động này tại nhiều địa phương trong cả nước đã thực hiện khá nhiều. Tuy nhiên, đối với tỉnh Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung chưa có nhiều ví dụ trong lĩnh vực này. Vì thế, nghiên cứu Đánh giá tiềm năng đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp xã Ia Phang, tỉnh Gia Lai theo hướng sử dụng đất bền vững là yêu cầu cần thiết, nhằm góp thêm cơ sở khoa học và thực tiễn làm mô hình trong công tác đánh giá đất đai lập quy hoạch sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Phương pháp thu thập số liệu

- Các số liệu thứ cấp được thu thập tại các cơ quan ban ngành của huyện Chư Pưh. Các bản đồ đơn tính được thực hiện bằng phương pháp khảo sát thực địa và trao đổi trực tiếp với cán bộ quản lý cấp xã nhằm khoanh vẽ contour về điều kiện thủy văn, khí hậu trong điều kiện hiện tại.

- Các số liệu sơ cấp được thu thập thông qua việc tiến hành phỏng vấn theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng (stratified random sampling).

2.2. Phương pháp xử lý số liệu và bản đồ

Các dữ liệu khảo sát được tổng hợp và xử lý bằng Microsoft Excel. Sau khi kiểm chứng, các số liệu được tổng hợp và xử lý thống kê phi tham số, vẽ biểu đồ phân tích, so sánh và đánh giá về điều kiện sản xuất, mức độ quan trọng của từng yếu tố tác động đến các mô hình canh tác.

2.3. Phương pháp đánh giá thích nghi đất đai tự nhiên (định tính)

Đánh giá khả năng thích nghi đất đai định tính theo phương pháp của FAO (1976) với sự hỗ trợ của công cụ GIS (phần mềm Mapinfo 15.0) và ALES.

2.4. Phương pháp đánh giá thích nghi đất đai định lượng (kinh tế)

Đánh giá thích nghi đất đai định lượng theo phương pháp FAO (2007) với 4 bước thực hiện (FAO, 2007b): (1) Xây dựng các chỉ tiêu kinh tế chính phục vụ cho đánh giá đất đai định lượng; (2) Chuyển đổi các chỉ tiêu kinh tế của các kiểu sử dụng đất đai trên cơ sở thích nghi đất đai định tính về điều kiện tự nhiên; (3) Xây dựng bảng phân cấp yếu tố cho phân hạng thích nghi định lượng; và (4) Đối chiếu và phân hạng khả năng thích nghi đất đai định lượng cho các kiểu sử dụng đất đai đối với từng đơn vị đất đai (ĐVĐĐ).

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp năm 2020 xã Ia Phang, huyện Chư Pưh

Kết quả đánh giá thực trạng sử dụng đất của xã Ia Phang cho thấy diện tích đất nông nghiệp năm 2020 là 11.567,48 ha, chiếm 91,37% diện tích tự nhiên của xã. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp chiếm 82,64% diện tích đất nông nghiệp, diện tích còn lại sử dụng cho mục đích lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản. 

Bảng 1. Diện tích các loại đất nông nghiệp xã Ia Phang năm 2020

dien-tich-cac-loai-dat-nong-nghiep-xa-ia-phang-nam-2020 Nguồn: Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Pưh, 2020

2. Đánh giá tiềm năng đất đai tự nhiên

2.1. Đặc tính các đơn vị đất đai

Kết quả khảo sát về điều kiện đất, nước và phỏng vấn nông hộ trên địa bàn xã Ia Phang đã xác định được 3 nhóm với 7 yếu tố đơn tính xây dựng bản đồ ĐVĐĐ của xã. Kết quả chồng xếp các đơn tính đất đai bằng công cụ GIS đã thành lập được 18 ĐVĐĐ, với những đặc tính chuyên biệt và sự phân bố của từng ĐVĐĐ. 

Bảng 2. Đặc tính các ĐVĐĐ xã Ia Phang

dac-tinh-cac-dvdd-xa-ia-phang Nguồn: Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Pưh, 2020

2.2. Chọn lọc và mô tả kiểu sử dụng đất có triển vọng tại xã Ia Phang

Qua kết quả đánh giá nhanh nông thôn (5 thôn), phỏng vấn nông hộ (100 phiếu), hiện trạng canh tác và định hướng phát triển nông nghiệp của địa phương, nghiên cứu đã chọn lọc được 8 kiểu sử dụng đất có triển vọng cho phát triển nông nghiệp xã Ia Phang, huyện Chư Pưh gồm:  

LUT 1 (Lúa nước): Phân bố trên các đơn vị đất đai có đặc tính: độ dày tầng đất không cố định, độ dốc thường dưới 150, có tưới hoặc nhờ mưa. Hạn chế chủ yếu là chế độ tưới. Năng suất lúa bình quân của tỉnh vụ Đông Xuân là 56,40 tạ/ ha, vụ Mùa là 43,20 tạ/ha.

LUT 2 (Ngô): Phân bố trên các đơn vị đất có đặc tính thành phần cơ giới nhẹ, độ dày tầng đất và độ dốc phân bố không cố định. Hạn chế chủ yếu ở các đơn vị đất này là chế độ tưới và độ dốc.

LUT 3 (Khoai): Là cây trồng đáp ứng được các yêu cầu về lương thực vừa tận dụng được quỹ đất, tránh hiện tượng để đất hoang hóa tại địa phương. Cây trồng này phân bố trên các đơn vị đất có đặc tính thành phần cơ giới nhẹ, độ dày tầng đất và độ dốc phân bố không cố định. Hạn chế chủ yếu ở các đơn vị đất này là chế độ tưới và độ dốc.

LUT 4 (Sầu riêng): Loại cây này không yêu cầu khắt khe về kết cấu đất. Phân bố rải rác trên các đơn vị đất màu mỡ có khả năng thoát nước tốt, gần nguồn nước tưới.

LUT 5 (Canh dây): Phân bố trên vùng đất có thành phần cơ giới nhẹ, tầng canh tác sâu trên 50 cm, độ mùn trên 2% và pH khoảng 5,5 - 6. Chanh dây Đài Nông 1 là giống chanh dây được trồng phổ biến tại xã hiện nay. Khối lượng quả đạt khoảng từ 11 - 12 quả/kg.

LUT 6 (Cà phê): Phân bố rộng khắp toàn xã trên các khu vực đất đai có đặc tính tự nhiên tốt: tầng đất dày, nhiều nơi được tưới chủ động. Các loại giống sử dụng chủ yếu là TRS1, TRS4. Năng suất bình quân đạt khoảng 3,95 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 851,2 tấn.

LUT 7 (Cao su): Là những cây trồng có giá  trị kinh tế cao nhưng đòi hỏi về đặc tính đất đai không cao như cây cà phê và tiêu. Các loại giống được sử dụng chủ yếu như: PB235, RRIC 121, PB 260, RRIV 124, RRIM 600. Năng suất mủ bình quân không cao khoảng 1,6 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 327,9 tấn.

LUT 8 (Tiêu): Phân bố rộng trên các khu vực đất đai có đặc tính tự nhiên tốt: tầng đất dày, tưới chủ động. Những năm qua, do giá hồ tiêu xuống thấp, người dân hạn chế đầu tư chăm sóc nên năng suất kém, chỉ khoảng 36,0 tạ/ha, sản lượng đạt 1.297,44 tấn.

2.3. Phân loại khả năng thích nghi đất đai cho các kiểu sử dụng đất 

Bảng 3. Vùng thích nghi tự nhiên cho 8 kiểu sử dụng đất xã Ia Phang

vung-thich-nghi-tu-nhien-cho-8-kieu-su-dung-dat-xa-ia-phang Nguồn: Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Pưh, 2020

3. Đánh giá thích nghi đất đai định lượng của xã Ia Phang

3.1. Xây dựng bảng phân cấp cho đánh giá thích nghi đất đai kinh tế xã Ia Phang

Bảng 4. Phân cấp thích nghi chung về kinh tế cho 8 kiểu

sử dụng đất xã Ia Phang

phan-cap-thich-nghi-chung-ve-kinh-te-cho-8-kieu-su-dung-dat-xa-ia-phang Nguồn: Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Pưh, 2020

Kết quả đánh giá chung về giá trị kinh tế của các kiểu sử dụng đất của xã Ia Phang cho thấy về lợi nhuận phù hợp có mức khoảng ≥58 triệu đồng/ha/năm (≥80% giá trị tối hảo) và giá trị này sẽ phù hợp nhất cho việc chọn lựa mô hình canh tác. Và mức lợi nhuận không phù hợp là khoảng <14,5 triệu đồng/ha/năm, giá trị này chiếm <20% giá trị tối hảo. Về hiệu quả đồng vốn với mức độ thích nghi cao nhất ở mức >1,42 (đạt >80% giá trị tối hảo) và giá trị không phù hợp có giá trị hiệu quả đồng vốn <0,35. Kết quả đánh giá được các mô hình có lợi nhuận cao và chi phí thấp sẽ được ưu tiên trong chọn lựa canh tác sản xuất nông nghiệp của xã Ia Phang.

3.4. Đề xuất vùng sản xuất nông nghiệp trên cơ sở tiềm năng đất đai

Vùng I: Lúa nước

Đề xuất với diện tích 428,59 ha, trên các ĐVĐĐ số 6, 7, 16. Cây lúa nước được đề xuất chủ yếu trên các chân đất dốc tụ đọng nước và đất xám đọng nước. Các vùng đất này thường có địa hình bằng phẳng, tầng đất dày, độ phì trung bình, thành phần cơ giới thịt pha sét và cát đến thịt pha sét, chủ động về nước tưới.

Vùng II: Đất trồng cây hàng năm khác:

- Xây dựng các vùng trồng ngô hàng hóa tập trung với diện tích đề xuất 316,61 ha, trên các ĐVĐĐ mã số 3, 17, 18. Đồng thời, đảm bảo được sản lượng theo yêu cầu đề ra và phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế, phải chuyển một phần diện tích đất trồng ngô sang trồng cây khác hoặc ngược lại chuyển từ cây khác sang trồng ngô.

- Cây khoai: Diện tích đề xuất 461,64 ha, trên các ĐVĐĐ mang mã số 10, 15. Thời vụ khoai được trồng chủ yếu 2 vụ/năm gồm vụ Đông Xuân và Mùa, trong đó diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân cao hơn vụ Mùa.

Vùng III: Đất trồng cây lâu năm (Hình 1)

- Nhóm cây ăn quả (sầu riêng, chanh dây): Diện tích đề xuất 4.714,24 ha, trên các ĐVĐĐ số 1, 2, 4, 5, 10, 12, 13.

- Nhóm cây công nghiệp dài ngày cao su, cà phê, tiêu): Diện tích đề xuất 3.638,73 ha, trên các ĐVĐĐ mã số 4, 5, 8, 9, 10, 11, 14. Định hướng giảm bớt diện tích cây công nghiệp dài ngày để tăng diện tích cây ăn quả.

Hình 1: Bản đồ đề xuất định hướng phát triển sản xuất

nông nghiệp xã Ia Phang

ban-do-de-xuat-dinh-huong-phat-trien-san-xuat-nong-nghiep-xa-ia-phang

Nguồn: Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Pưh, 2020

4. Kết luận

Nghiên cứu đã xác định được 18 ĐVĐĐ với 8 vùng thích nghi đất đai chính phục vụ quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp bền vững tại địa phương. Phân tích được hiệu quả kinh tế trong canh tác nông nghiệp theo thứ tự ưu tiên của các kiểu sử dụng đất là chanh dây, tiêu, cà phê, sầu riêng, khoai, bắp, lúa nướcc, cao su. Trên cơ sở đánh giá thích nghi đất đai về điều kiện tự nhiên, kinh tế, nghiên cứu đã đề xuất được các kiểu sử dụng cho 3 vùng sản xuất chính với vùng I: sản xuất chuyên lúa nước; vùng II: sản xuất cây hàng năm khác; vùng III: cây công nghiệp lâu năm. Kết quả này làm cơ sở khoa học phục vụ cho nhà quản lý lập quy hoạch định hướng sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã Ia Phang, huyện Chư Pưh trong thời gian tới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. FAO (1976). A framework for land evaluation (FAO Soils bulletin 32). Rome, Italy: FAO. Retrieved from: http://www.fao.org/3/x5310e/x5310e00.htm.
  2. FAO (ed.) (2007a). Paying farmers for environmental services. Rome: FAO (The state of food and agriculture, 2007).
  3. FAO (ed.) (2007b). Paying farmers for environmental services. Rome: FAO (The state of food and agriculture, 2007).
  4. Ninh Hai, N. et al. (2021). Assessing land use change in the context of climate change and proposing solutions: Case study in Gia Lai province, Vietnam. Vietnam Journal of Hydrometeorology, 7, 20-31.
  5. Lê Thị Linh và cộng sự (2011). Đánh giá việc xây dựng phân cấp yếu tố kinh tế làm cơ sở cho phân hạng thích nghi đất đai định lượng kinh tế thông qua kiểm chứng thực tế tại huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 169-179.
  6. UBND xã Ia Phang (2020). Kết quả Kiểm kê đất đai, thành lập bản đồ Hiện trạng sử dụng đất xã Ia Pang, huyện Chư Pưh.

 

LAND POTENTIAL ASSESSMENT  FOR AGRICULTURAL PRODUCTION

IN IA PHANG COMMUNE, CHU PHUH DISTRICT, GIA LAI PROVINCE

NGUYEN THI THAI HA 1

NGUYEN THI HUONG GIANG 2

NGUYEN TUAN ANH 1

 LE THI HONG PHUONG 1

NGUYEN NINH HAI 1

1 Department of Natural Resource and Environmental, Nong Lam University of Ho Chi Minh City - Gia Lai Campus

2 Political School in Gia Lai Province         

ABSTRACT:

This study was conducted in Ia Phang Commune, Chu Puh District, Gia Lai Province to assess the suitability of land for agricultural land use types as a basis for sustainable agricultural development planning. 100 local households was interviewed to determine the agricultural production conditions, advantages and disadvantages by using the Participatory Rural Appraisa method (RRA) combined with the land assessment method of the Food and Agriculture Organization of the United Nations (1976 and 2007). The study determined the potential natural and economic of the land. Based on the study's results, 18 land use units are categorized from 7 land characteristics with an investigation area of ​​9,559.18 hectares. The study develops 8 regions adapted to natural and economy conditions for 08 land use types (Rice, Maize, Potato, Durian, Passion fruit, Rubber, Pepper, and Coffee). The local land use orientation with vision to 2030 is to increase the area of ​​fruit trees (Durian and Passion fruit), reduce the area of perennial industrial crops (Rubber and Pepper), stably maintain  the area of rice, and manage the suitable structure of other annual produces.

Keywords: land assessment, agricultural land, land use types, land suitability, Ia Phang Commune, Chu Puh District.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 23, tháng 10 năm 2021]