Kinh nghiệm tái cơ cấu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Singapore và bài học cho Thành phố Hồ Chí Minh

NGUYỄN VĂN LÂM (Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Theo đánh giá của Economist Intelligence Unit (EIU), năm 2017, hệ thống giáo dục Singapore đã đứng đầu châu Á và thứ 5 thế giới về chuẩn bị kỹ năng tốt nhất cho công việc tương lai của học sinh, sinh viên độ tuổi từ 15 đến 24. Xếp hạng này tập trung vào đánh giá nguồn nhân lực trong tương lai có khả năng cạnh tranh toàn cầu, để giành được cơ hội giáo dục, nghề nghiệp và sự phát triển tốt nhất. Để đạt được thành tựu đó, Singapore đã rất nỗ lực trong tái cơ cấu giáo dục nói chung, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nói riêng. Bài viết phân tích và học tập kinh nghiệm của Singapore trong tái cơ cấu GDNN có ý nghĩa rất quan trọng và cấp thiết hiện nay.

Từ khóa: Giáo dục nghề nghiệp, Singapore, tái cơ cấu, cơ sở giáo dục, thành phố Hồ Chí Minh.

1. Kinh nghiệm tái cơ cấu giáo dục nghề nghiệp của Singapore

Hệ thống GDNN Singapore được coi là viên ngọc quý của đất nước, góp phần làm tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Chính phủ Singapore đã có sự quan tâm đặc biệt đối với GDNN. Từ thập niên 50 của thế kỷ XX, GDNN đã bắt đầu phát triển ở Singapore, do kinh tế chuyển hướng từ đa dạng hóa thương mại sang công nghiệp định hướng xuất khẩu. Nhưng đến cuối thập niên 60, GDNN rơi vào “vùng trũng”, khi 92% học sinh học lên đại học, chỉ 6% chọn học nghề [2, tr.35]. Để giải quyết tình trạng đó, Chính phủ Singapore đã đưa ra các biện pháp điều chỉnh, sắp xếp lại về mô hình tổ chức, cơ chế quản lý và lĩnh vực đào tạo của các cơ sở GDNN. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của các cơ sở GDNN được đầu tư đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng tối đa nhu cầu của người học. Nhờ đó, GDNN của Singapore ngày càng phát triển, mang tầm quốc tế.

Hiện nay, GDNN của Singapore gồm 3 trường cao đẳng thuộc Viện Đào tạo kỹ thuật (ITE) và một số trường kỹ nghệ. Hệ thống cơ sở GDNN này hàng năm thu hút 65% số học sinh, sinh viên tốt nghiệp phổ thông của Singapore. Riêng 3 trường thuộc ITE đảm nhận 25% với quy mô đào tạo, khoảng 28.500 người trong độ tuổi 17 đến 20 học chương trình chính quy và 16.000 người học chương trình khác [3, tr.42]. ITE tham gia cung cấp các chương trình đào tạo sau trung cấp; phát triển hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, phục vụ nâng cao năng lực cạnh tranh nguồn nhân lực Singapore. ITE hiện đào tạo hơn 100 nghề thuộc các lĩnh vực khác nhau, với cơ sở trường lớp, xưởng thực hành được trang bị bài bản, hiện đại. Học sinh, sinh viên được thực hành trong một môi trường “như thực tế” tại doanh nghiệp đối với tất cả các nghề, kể cả các nghề đòi hỏi kỹ thuật cao, như: bảo dưỡng, sửa chữa máy bay, tự động hóa, robotics thời công nghiệp 4.0. Hoạt động tái cơ cấu GDNN của Singapore chỉ ra những kinh nghiệm sau:

Một là, hoàn thiện khung chương trình GDNN. Khung chương trình GDNN của Singapore được hình thành rất sớm và thực hiện từ bậc phổ thông. Trong các trường phổ thông, vẽ kỹ thuật, cơ khí, điện là môn bắt buộc đối với toàn bộ nam sinh và 50% nữ sinh. Những môn học này giúp học sinh hiểu biết cơ bản và có hứng thú với nghề nghiệp cụ thể. Từ năm 1973, Singapore thành lập Hội đồng Đào tạo Công nghiệp (ITB), đưa ra hệ thống nhận diện kỹ năng nghề thống nhất theo 3 cấp độ (thợ thủ công, kỹ thuật viên và thợ bậc thầy). ITB cũng đưa ra chương trình học việc cho phép người học tham gia đào tạo năm đầu tại trường nghề và đào tạo tại chỗ trong 2 năm tiếp theo, giúp họ vừa học vừa có thu nhập để có thể tiếp tục nhận sự đào tạo, trở thành công nhân lành nghề. Từ năm 1979, Hội đồng Đào tạo Nghề và Công nghiệp (VITB) được thành lập. VITB cho phép người lao động có thể tiếp tục học lên để nâng cao tay nghề. Đến năm 1990, Singapore thực hiện chương trình phổ thông 10 năm bắt buộc nhằm chuẩn bị nền tảng kiến thức vững chắc hơn để có thể dễ dàng đào tạo lại người lao động. Chương trình kỹ thuật được giới thiệu ở trường trung học để lựa chọn và định hướng những học sinh muốn theo trường nghề.

Hai là, tăng cường hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp. Từ năm 1981, Singgapore đã đề xướng và áp dụng cơ chế Hỗ trợ Nghiên cứu và Phát triển (RDAS), tạo điều kiện cho các trường nghề trở thành người hợp tác chính yếu của các doanh nghiệp. Đây là cơ chế tài trợ nhằm mục tiêu kích thích hoạt động nghiên cứu dưới hình thức hợp tác giữa nhà trường và các doanh nghiệp. Thực hiện cơ chế này, các doanh nghiệp sẽ tiếp nhận sinh viên đến thực tập, tham quan thực tế, hỗ trợ chi phí, thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập. Đồng thời, trao đổi chuyên gia, chia sẻ tri thức, công nghệ, đầu tư nghiên cứu, triển khai để cùng sở hữu và chuyển giao công nghệ với các nhà trường. Các doanh nghiệp sẵn sàng tiếp nhận học viên tốt nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn công ty đặt ra, phối hợp đào tạo thêm hoặc tài trợ để trường đào tạo ngành họ cần nhân lực.

Ba là, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, phát triển đội ngũ giảng viên trong GDNN. Để thay đổi tư duy người học, ITE chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng, đội ngũ giảng viên, thương hiệu. Đến năm 2002, Singgapore có 5 trường kỹ thuật với quy mô lớn, đào tạo các lĩnh vực, như: dịch vụ bán lẻ, khách sạn, thể thao, giải trí, thiết kế, truyền thông, làm phim. GDNN ở Singapore phát triển không ngừng, song song với giáo dục đại học. Nước này cũng khuyến khích người dân học tập suốt đời, người lao động không ngừng học tập cái mới để đáp ứng yêu cầu mới của công việc. Cơ cấu tiền lương công chức được tạo ra từ những thành phần có thể điều chỉnh dựa trên hiệu suất của nền kinh tế. Hình thức của hệ thống lương công vụ linh hoạt bao gồm: Lương cơ bản; thưởng hiệu suất; khen thưởng tăng trưởng; thưởng giữa năm hoặc cuối năm và tiền thưởng hàng năm khác. Cùng với đó, Chính phủ Singapore luôn tuân thủ việc trả lương tương xứng với hiệu quả làm việc của giáo viên trong các cơ sở GDNN.

2. Bài học rút ra cho thành phố Hồ Chí Minh trong tái cơ cấu hệ thống GDNN

Một là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả nhà nước đối với các cơ sở GDNN.

Theo đó, Thành phố cần chú trọng tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực dạy nghề, tăng cường trách nhiệm chỉ đạo, điều hành và hiệu quả thực hiện của các cấp; Thực hiện chặt chẽ các quy định về thành lập, chia, tách, sát nhập, giải thể các cơ sở GDNN theo hướng hạn chế tối đa việc thành lập mới cơ sở GDNN công lập; Chỉ thành lập mới tại các địa phương chưa có cơ sở GDNN, hoặc thành lập mới trên cơ sở nâng cấp, sáp nhập các cơ sở GDNN hiện có; Khuyến khích thành lập mới các cơ sở GDNN tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài; Tiếp tục thực hiện đúng các quy định về đăng ký hoạt động và xếp hạng cơ sở GDNN, tăng cường kiểm định chất lượng, kiểm định chương trình đào tạo GDNN; Hướng dẫn các cơ sở GDNN xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ, tiến đến giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính cho các cơ sở GDNN theo quy định của pháp luật; Tái cấu trúc mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng giảm đầu mối, tăng quy mô tuyển sinh. Các trường cao đẳng, trung cấp đào tạo đa cấp trình độ, đa ngành nghề; Tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo có uy tín trong nước và trên thế giới ở một số ngành nghề chất lượng cao mà các cơ sở đào tạo của Thành phố chưa đáp ứng; Hướng dẫn xây dựng, phê duyệt quy chế hoạt động của các cơ sở GDNN theo Điều lệ trường cao đẳng, Điều lệ trường trung cấp và Điều lệ trung tâm GDNN do Trung ương ban hành.

Hai là, đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao năng lực trình độ đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN. Việc đổi mới chương trình đào tạo cần thực hiện theo hướng đa dạng, linh hoạt, gắn với quy hoạch của các ngành, vùng kinh tế. Định hướng phát triển các ngành nghề ưu tiên của Thành phố và theo năng lực đào tạo của các cơ sở GDNN, chú trọng phát triển các ngành nghề tự do dịch chuyển lao động trong khối ASEAN. Tăng cường đổi mới chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy. Sử dụng chương trình đào tạo các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, tiếp nhận có chọn lọc các chương trình đào tạo được chuyển giao từ các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN theo hướng chuẩn hóa; Chú trọng đào tạo chuyển đổi một số giáo viên dạy văn hóa dư thừa sang GDNN ở các nghề tương ứng; Lựa chọn một số cán bộ quản lý, giáo viên có năng lực và kinh nghiệm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên cho các cơ sở GDNN khi có nhu cầu; Thực hiện tốt các quy định về chế độ làm việc, chính sách ưu đãi, phụ cấp đặc thù của nhà giáo trong cơ sở GDNN, tôn vinh các nhà giáo đạt thành tích xuất sắc hoạt động trong lĩnh vực GDNN; Huy động các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân, người lao động có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi tham gia giảng dạy trong các cơ sở GDNN.

Ba là, đổi mới quản lý, đa dạng hóa nguồn lực tài chính, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho GDNN. Thành phố cần chủ động nghiên cứu, đổi mới cơ chế tài chính cho GDNN; chuyển từ cơ chế “cấp phát” sang cơ chế “đặt hàng”, giao nhiệm vụ đào tạo căn cứ vào số lượng, chất lượng đầu ra của các cơ sở GDNN; Đa dạng hóa nguồn lực tài chính đầu tư cho GDNN, kết hợp ngân sách của Trung ương, thành phố, các quận, huyện với đầu tư nước ngoài và nguồn lực tự có của các cơ sở GDNN; Tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, kỹ thuật theo ngành, nghề đào tạo. Đối với các ngành, nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, các cơ sở đào tạo phải đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại theo tiêu chuẩn đầu ra do cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương quy định.; Coi trọng quản lý chất lượng đầu ra đồng thời với quản lý quá trình đào tạo và chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng GDNN; Công khai hóa và chia sẻ các thông tin về hoạt động GDNN.

Bốn là, tăng cường sự gắn kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp và hợp tác quốc tế. Để đẩy mạnh tái cơ cấu sở GDNN, Thành phố cần phải tiếp tục tăng cường sự gắn kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong GDNN; Xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động để gắn kết việc đào tạo nghề với sử dụng lao động. Các cơ sở GDNN thành lập bộ phận quan hệ doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu lao động qua đào tạo nghề của doanh nghiệp và giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi học nghề; Khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề tại doanh nghiệp; Tăng cường hình thức đào tạo nghề theo hợp đồng đặt hàng giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp, đảm bảo cho người học sau khi kết thúc khóa học có việc làm; Huy động sự tham gia của các chuyên gia giỏi tại doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình GDNN; huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình giảng dạy, thực hành, thực tập của học sinh, sinh viên; tham gia đánh giá năng lực, kỹ năng nghề cũng như thái độ của học sinh, sinh viên; Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài trong việc xây dựng cơ sở GDNN; Thực hiện hợp tác quốc tế trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN; Tổ chức tham quan học hỏi các mô hình đào tạo tiên tiến trong và ngoài nước; Hợp tác với các cơ sở đào tạo nước ngoài có trình độ đào tạo tiên tiến để từng bước tiếp thu, chuyển giao chương trình, công nghệ đào tạo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh (2015), Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X nhiệm kỳ 2015 -2020, thành phố Hồ Chí Minh.
  2. Trương Thị Hồng Hạnh (2008), Giáo dục đào tạo và thu hút nhân tài ở Singapore, Luận văn thạc sỹ, Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.
  3. Lê Thị Tuyết Nga, Đinh Thị Ngọc Hà (2018), “Liên kết đào tạo nghề ở Singapore và một số gợi ý cho Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Số 10, tr. 41 - 43.
  4. Sở Lao động Thương binh và Xã hội (2012), Đề án quản lý cơ sở GDNN ở thành phố Hồ Chí Minh đến 2030, Thành phố Hồ Chí Minh.
  5. Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 2631/QĐ-TTg ngày 31/12/2013, về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, thành phố Hồ Chí Minh.

SINGAPORE’S EXPERIENCES IN RESTRUCTURING VOCATIONAL TRAINING UNITS AND LESSONS FOR HO CHI MINH CITY

NGUYEN VAN LAM

Department of Labour, War Invalids and Social Affairs - Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

According to the Economist Intelligence Unit (EIU), in 2017, Singapore's education system ranked first in Asia and the fifth in the world in preparing the best skills for future jobs of students aged 15 to 24. This ranking focuses on assessing future human resources that are globally competitive, in order to gain the best educational, career and development opportunities. To achieve that achievement, Singapore has made great efforts in restructuring its education system in general and vocational education system in particular. This paper analyses Singapore's experience in restructuring vocational training units to draw lessons for Vietnam.

Keywords: Vocational education, Singapore, restructuring, educational institution, Ho Chi Minh City.