Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành kế toán, kiểm toán Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế

ThS. Phạm Thị Lĩnh (Khoa Kế toán - Tài chính, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai)

TÓM TẮT:

Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Kế toán, Kiểm toán Việt Nam là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Hoạt động này không chỉ đáp ứng yêu cầu về minh bạch hóa nền kinh tế, mà còn góp phần xây dựng hệ thống quản lý tài chính tiên tiến, dựa trên các chuẩn quốc tế đã và đang thịnh hành. Trong phạm vi bài viết, trên cơ sở phân tích một số vấn đề về xu hướng hội nhập và năng lực cạnh tranh của ngành Kế toán, Kiểm toán Việt Nam, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của ngành Kế toán, Kiểm toán Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: Cạnh tranh, hội nhập, kế toán, kiểm toán, Việt Nam.

1. Xu hướng hội nhập của ngành Kế toán, Kiểm toán

Hiện nay, kế toán, kiểm toán là công cụ quản lý kinh tế quan trọng, hữu hiệu của mỗi quốc gia, có nhiệm vụ kiểm kê, kiểm soát hoạt động kinh tế, tài chính, đo lường hiệu quả kinh doanh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, thông thoáng. Đồng thời là ngành dịch vụ thương mại hỗ trợ kinh doanh quan trọng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội vô cùng to lớn. Với tư cách là một loại hình dịch vụ, kế toán và kiểm toán Việt Nam đã hình thành và phát triển mạnh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng, nâng cao chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế, của các doanh nghiệp và các tổ chức tài chính, đã từng bước hội nhập với khu vực và thế giới. Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, ngành Kế toán, Kiểm toán Việt Nam đã và đang chịu tác động từ những xu thế hội nhập lớn của ngành kế toán, kiểm toán thế giới. Có thể kể đến 2 xu hướng lớn sau:

Thứ nhất, xu hướng tự do hóa dịch vụ kế toán, kiểm toán.

Kế toán và kiểm toán với tư cách là một ngành, một lĩnh vực thương mại dịch vụ được quan tâm và hội nhập khá toàn diện. Thương mại dịch vụ nói chung, dịch vụ kế toán và kiểm toán nói riêng đã trở thành ngành kinh tế quan trọng và chiếm tỷ trọng đáng kể trong thương mại của từng quốc gia và toàn cầu. Tự do hóa dịch vụ kế toán, dịch vụ kiểm toán đã trở thành mối quan tâm của nhiều quốc gia, nhất là các nước phát triển. Mục tiêu của tự do hóa dịch vụ kế toán và kiểm toán là các quốc gia loại bỏ những hạn chế, những rào cản đối với hoạt động của pháp nhân và thể nhân nước ngoài trên lãnh thổ nước mình và dành cho nhau quy chế đối xử quốc gia. Nghĩa là, không có sự phân biệt đối xử trong hoạt động thương mại dịch vụ kế toán và kiểm toán. Theo đó, mỗi thành viên phải dành cho dịch vụ của thành viên khác sự đối xử ưu đãi tương tự như ưu đãi dành cho dịch vụ của mọi thành viên khác. Không có quốc gia nào được hưởng các lợi thế thương mại đặc biệt hơn so với quốc gia khác. Các thành viên được đối xử công bằng và đều được quyền hưởng lợi từ các cuộc đàm phán về thuế quan, về hàng rào phi thuế quan và mở cửa thị trường dịch vụ. Quy chế đối xử quốc gia còn quy định một sản phẩm hoặc dịch vụ khi được nhập khẩu vào thị trường một quốc gia phải được đối xử ưu đãi như sản phẩm, dịch vụ tương tự sản xuất trong nước. Nội dung của tự do hóa thương mại dịch vụ, trong đó có dịch vụ kế toán và kiểm toán được thể hiện qua 4 hình thức: Cung cấp dịch vụ qua biên giới; Tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài; Hiện diện thương mại; Hiện diện thể nhân. Trong lĩnh vực kế toán và kiểm toán, hình thức cung cấp dịch vụ thông qua sự hiện diện thương mại và hiện diện thể nhân được nhiều nước quan tâm và cũng là hình thức hoạt động có hiệu quả, dễ được chấp nhận.

Thứ hai, xu thế hình thành thị trường thống nhất về dịch vụ kế toán và kiểm toán khu vực.

Hiện thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán thống nhất đã và đang hình thành trong khu vực ASEAN. Đó là một xu thế, một yêu cầu mới, một cơ hội mới cho sự phát triển và nhất thể hóa nghề kế toán, kiểm toán trong khu vực. Điều này đã đặt ra yêu cầu thách thức đối với các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam. Thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán thống nhất đòi hỏi có sự chuẩn bị ở tất cả các nước thành viên về khuôn khổ pháp lý, về sự nhất thể hóa các nguyên tắc và chuẩn mực kế toán quốc gia, chuẩn mực kiểm toán của mỗi nước, thu hẹp khoảng cách khác biệt, thống nhất về chương trình đào tạo, huấn luyện nghề nghiệp kế toán, kiểm toán; công nhận, thừa nhận lẫn nhau về bằng cấp, chứng chỉ hành nghề,… Thị trường dịch vụ kế toán và kiểm toán thống nhất đã và đang hình thành trong khu vực ASEAN tạo ra yêu cầu mới, cơ hội mới cho sự phát triển và nhất thể hóa nghề kế toán, kiểm toán trong khu vực. Có những việc phải làm từ phía nhà nước ở tầm quốc gia. Nhưng có rất nhiều việc phải làm từ bản thân các doanh nghiệp, cá nhân kế toán, kiểm toán viên, từ phía các tổ chức nghề nghiệp.

2. Thực trạng năng lực cạnh tranh của ngành Kế toán, Kiểm toán Việt Nam trong quá trình hội nhập

Trong thời kỳ đổi mới, ngành Kế toán, Kiểm toán Việt Nam đã đạt những thành tựu quan trọng, ngày càng thể hiện rõ năng lực cạnh tranh trong môi trường hội nhập. Cụ thể là:

Môi trường pháp lý cho hoạt động của ngành được hình thành tương đối đầy đủ, rõ ràng, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, thông lệ, nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế. Việt Nam đã ban hành Luật Kiểm toán độc lập (2011), Luật Kế toán sửa đổi (2015). Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược Kế toán - Kiểm toán Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2030”,... Đây là điều kiện thuận lợi, tiên quyết để ngành Kế toán, Kiểm toán Việt Nam hoạt động hiệu quả, hội nhập sâu rộng với thế giới và khu vực.

Hệ thống các doanh nghiệp và dịch vụ kế toán, kiểm toán phát triển nhanh chóng. Với việc hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và lĩnh vực kế toán, kiểm toán nói riêng, Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành hệ thống các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán. Từ chỗ chỉ có 18 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán vào năm 2008, đến năm 2018, số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán Việt Nam đã lên đến con số 120, số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm toán đã lên đến 191 [4]. Kết quả hoạt động kinh doanh sau thuế của các công ty kiểm toán năm 2018 đạt tổng cộng 259.247,59 triệu đồng, tăng 76% so với con số 147.117,40 triệu đồng của năm 2017. Mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế giúp cho tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của các công ty kiểm toán năm 2018 tăng lên mức 3,33%, từ mức 2,27% của năm 2017 [5]. Hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp tạo lập thông tin kinh tế, tài chính theo quy định của pháp luật, góp phần tăng trưởng kinh tế, quan trọng hơn là tăng cường công khai, minh bạch của thông tin tài chính và làm lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia.

Về nhân lực, tính đến ngày 31/12/2018, số lượng kiểm toán viên hành nghề được cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề cũng tăng lên đáng kể, phù hợp với quy mô trên thị trường. Số nhân viên chuyên nghiệp là 11.433 người; Số kiểm toán viên hành nghề là 2.022 người [1]. Đặc biệt, trong các doanh nghiệp kiểm toán có hàng ngàn người có chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế được công nhận (như ACCA, ICAEW, CPA Australia,...). Ngoài ra, số lượng nhân viên của các công ty kiểm toán theo học lấy chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên trong nước, nước ngoài cũng tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên hiện nay, sức cạnh tranh của đa số các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam còn yếu so với khu vực và thế giới. Ngoài một số ít doanh nghiệp kiểm toán tư vấn tài chính là thành viên hãng quốc tế với 100% vốn nước ngoài, đa số các doanh nghiệp còn lại chưa đảm bảo được yêu cầu về chất lượng. Ngay cả các doanh nghiệp kiểm toán, tư vấn lớn ở nước ta, trình độ chuyên môn và chất lượng dịch vụ cũng chưa theo kịp với các nước phát triển. Vì vậy, các doanh nghiệp của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn khi Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về kế toán, kiểm toán được thực hiện.  

So với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội, cơ cấu dịch vụ kế toán, kiểm toán của nước ta hiện nay còn hạn chế. Trong các loại hình dịch vụ do các doanh nghiệp kiểm toán và tư vấn tài chính kế toán công bố, dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán - kiểm toán chỉ chiếm khoảng 5 - 10%. Trong các loại hình dịch vụ được các doanh nghiệp cung cấp, tỷ trọng dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính vẫn chiếm số lượng chủ yếu. Các loại hình dịch vụ khác như: Dịch vụ tư vấn tài chính, tư vấn thuế còn thấp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước. Hầu hết doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán đang hoạt động tại một số thị trường lớn, như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác tuy có chi nhánh nhưng phân bổ không đều, hoạt động kém hiệu quả. Tình trạng này dẫn đến việc khai thác không triệt để nhu cầu thị trường; đồng thời khiến cho nhiều đơn vị, tổ chức không có điều kiện hiểu biết về tầm quan trọng của các loại hình dịch vụ kế toán, kiểm toán. Bên cạnh đó, số lượng kế toán viên, kiểm toán viên sở hữu chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam còn hạn chế, chỉ chiếm khoảng 2% tổng số kế toán viên, kiểm toán viên của các nước ASEAN [3].

3. Một số giải pháp cần thực hiện

Thứ nhất, về phía Nhà nước và các cơ quan chức năng.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp lý trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Theo đó, đến hết năm 2020, cần ban hành Chuẩn mực VAS/VFRS theo hướng cập nhật và tiệm cận chuẩn mực quốc tế. Đến năm 2025, áp dụng IFRS theo 3 cấp độ: Các công ty có lợi ích công chúng thực hiện IFRS nguyên mẫu; các công ty khác áp dụng VAS/VFRS; doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chế độ kế toán dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc áp dụng hoàn toàn IFRS sẽ giúp kế toán, kiểm toán Việt Nam mở ra một thời kỳ mới làm thay đổi cách thức ghi nhận, đo lường và trình bày các yếu tố của báo cáo tài chính.

Quan tâm đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin một cách đồng bộ, kịp thời, đáp ứng xu thế phát triển của hệ thống số toàn cầu. Trong đó, chú trọng xây dựng hệ thống an ninh mạng, bảo mật cao thông tin dữ liệu kế toán, kiểm toán. Bên cạnh đó, nghiên cứu và vận dụng một cách hiệu quả, phù hợp các phương pháp kiểm toán, kể cả phương pháp cơ bản và phương pháp kỹ thuật, nhất là các phương pháp thu thập, đánh giá bằng chứng kiểm toán, các phương pháp phân tích kỹ thuật trong bối cảnh nghề kế toán sử dụng chứng từ điện tử, công nghệ blockchain, điện toán đám mây,… Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán cũng như định hướng và khuyến khích chuyển dịch lao động trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, không ngừng phát triển các thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán lành mạnh, bền vững; Phát triển các hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán theo xu hướng phát triển của các nước trong khu vực và quốc tế, tạo dựng và mở rộng giao lưu nghề nghiệp.

Thứ hai, đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán.

Tuyệt đối chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước về phát triển hệ thống kế toán kiểm toán ở Việt Nam. Đây là điều kiện bắt buộc để các doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần xây dựng hệ thống kế toán, kiểm toán phát triển theo đúng định hướng, trở thành công cụ trong hoạt động kiểm tra, giám sát tài chính quốc gia.

Chú trọng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ kế toán, kiểm toán: phát triển các loại hình dịch vụ kiểm toán (kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán vì mục đích thuế, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động, kiểm toán công trình xây dựng cơ bản,...); dịch vụ kế toán, dịch vụ tài chính, dịch vụ thuế và kinh doanh, dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kế toán, kiểm toán,... Các dịch vụ này từng bước phải đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chất lượng hoạt động kế toán, kiểm toán bằng các quy định, quy trình nghiệp vụ đối với nhân viên kế toán, kiểm toán. Chú trọng hoàn thiện các quy trình kiểm soát chất lượng, như: quy trình tuyển dụng nhân viên có đầy đủ chứng chỉ hành nghề, có trình độ cao và có phẩm chất đạo đức; quy trình đào tạo định kỳ, tập huấn nghiệp vụ; quy trình cung cấp dịch vụ từ đầu vào đến thực hiện đến đầu ra của sản phẩm dịch vụ cung cấp phải đúng quy trình và có kiểm soát chất lượng dịch vụ.

Thứ ba, đối với các cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành Kế toán, Kiểm toán.

Đẩy nhanh quá trình đổi mới nội dung, chương trình đào tạo chuyên ngành Kế toán, Kiểm toán phù hợp với xu thế phát triển thế giới. Các cơ sở đào tạo phải rà soát lại, đánh giá lại chương trình đào tạo chuyên ngành Kế toán, Kiểm toán; kịp thời bổ sung, sửa chữa những thiếu sót cho phù hợp với chương trình đào tạo của các hội nghề nghiệp; nhằm hướng đến sự thừa nhận lẫn nhau giữa các cơ sở đào tạo về chuyên môn và bằng cấp, chứng chỉ. Xây dựng nội dung đào tạo hiện đại, sát thực tế để giúp sinh viên sau khi ra trường thích ứng kịp thời với nghề nghiệp trong thời đại công nghệ số. Chú trọng kết hợp trang bị kiến thức chuyên môn với đào tạo các kỹ năng cần thiết, như: Kỹ năng giao tiếp hiệu quả, làm việc ở nhiều nhóm khác nhau; kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề trên cơ sở tôn trọng đạo đức nghề nghiệp.

Ứng dụng phương pháp dạy học tích cực với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm. Chú trọng xây dựng, phát triển mối liên hệ giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Thứ tư, đối với mỗi nhân viên kế toán, kiểm toán.

Trong môi trường cạnh tranh và hội nhập, mỗi kế toán, kiểm toán viên phải tích cực, tự giác học hỏi, trau dồi cho mình kỹ năng chuyên môn, có khả năng sử dụng công nghệ cho công việc; từ đơn giản như ứng dụng hàm excel cho tới các phần mềm kế toán, phần mềm quản trị, phân tích,… đến việc bảo mật thông tin cho chính doanh nghiệp và khách hàng của mình. Đồng thời, phải có đạo đức nghề nghiệp tốt cùng khả năng sáng tạo, nhạy bén và thông minh. Ngoài ra, phương tiện không thể thiếu giúp kế toán, kiểm toán viên vươn xa phạm vi hoạt động của mình đó là ngôn ngữ quốc tế. Đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán, ngôn ngữ đem lại giá trị lợi ích tăng thêm không chỉ dừng lại ở ngôn ngữ giao tiếp, mà còn cả kiến thức chuyên môn mang tầm quốc tế. Do vậy, cơ hội sẽ ngày càng mở rộng cho đội ngũ kế toán, kiểm toán viên đạt chuẩn quốc tế, được công nhận hoạt động ở nhiều nước trên thế giới như: ACCA, Chương trình đào tạo kế toán quản trị Hoa Kỳ,… Những chứng chỉ này có thể giúp kế toán, kiểm toán viên mở rộng tối đa phạm vi hoạt động của mình, nâng cao khả năng cạnh tranh nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Mai Ngọc Anh (2020), Phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán: Những vấn đề đặt ra, Tạp chí Tài chính, ngày 08/08/2020.
  2. Nguyễn Đăng Huy (2017), Nâng cao vị thế, chất lượng hoạt động kế toán và kiểm toán trong bối cảnh hội nhập, Tạp chí Tài chính số 6/2017;
  3. Dương Thị Hương Liên, Nguyễn Thu Hằng (2019), Phát triển dịch vụ tư vấn, hành nghề kế toán - kiểm toán trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Tài chính, 29/05/2019.
  4. Trần Văn Hợi, Nguyễn Thanh Thủy (2019), Phát triển dịch vụ kế toán, kiểm toán Việt Nam trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 8/2019.
  1. Tổng quan thị trường kiểm toán năm 2018, <https://kiemtoan.info/tong-quan-thi-truong-kiem-toan-nam-2018/>
  2. Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/03/2013, Về việc phê duyệt chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

 

IMPROVING THE COMPETITIVENESS OF VIETNAM’S ACCOUNTING AND AUDITING SECTOR IN THE CONTEXT OF THE COUNTRY’S ECONOMIC INTERNATIONAL INTEGRATION

Master. PHAM THI LINH

Faculty of Accounting – Finance, Dong Nai Technology University

ABSTRACT:

Improving the competitiveness of the accounting and auditing sector in Vietnam is an indispensable requirement in the context of the country’s deeply economic international integration process. The competitiveness improvement does not only meet the economic transparency requirement but also contribute to building a national advanced financial management system which is based on widely adopted international standards. This paper analyzes a number of issues about integration trends and the competitiveness of the accounting and auditing sector in Vietnam. Based on this paper’s findings, some solutions are proposed to improve the competitiveness and promote the integration of Vietnam’s accounting and auditing sector in the coming time.

Keywords: Competition, integration, accounting, auditing, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 22, tháng 9 năm 2020]