Nâng chất cho nhân lực ngành công nghiệp hỗ trợ

Cơ quan quản lý, nhà trường và doanh nghiệp đang chủ động triển khai nhiều giải pháp mới, tăng cường liên kết chặt chẽ để thu hẹp khoảng cách từ đào tạo đến tuyển dụng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp hỗ trợ trong bối cảnh mới.
Nhiều nỗ lực đang được thực hiện để tháo gỡ nút thắt nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ
Nhiều nỗ lực đang được thực hiện để tháo gỡ nút thắt nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ

Vẫn còn độ “vênh”

Với sự quan tâm và đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách cũng như sự chủ động nắm bắt cơ hội của cộng đồng doanh nghiệp, địa phương, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có những bước phát triển rõ nét. Tuy nhiên, nguồn nhân lực còn thiếu, chất lượng chưa đồng đều đang là trở ngại lớn của nhiều doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Nâng cao chất lượng nhân lực ngành công nghiệp hỗ trợ” do Tạp chí Công Thương tổ chức, ông Cao Văn Bình - Quyền Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho hay, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng với khoảng 54% dân số ở độ tuổi lao động, trong đó lực lượng lao động rất trẻ và dồi dào. Tuy nhiên, nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, có tay nghề cao hiện nay còn hạn chế cả về số lượng và trình độ, là trở ngại lớn của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành như cơ khí, chế biến chế tạo, thiết bị linh phụ kiện điện, điện tử..., đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh khi tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị.

Việc thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và tay nghề cao đã khiến nhiều doanh nghiệp tốn không ít nguồn lực, chi phí bởi sau khi tuyển dụng xong phải gần như đào tạo lại để phù hợp với trình độ chuyên môn và mục tiêu sản xuất kinh doanh thực tế.

Tọa đàm “Nâng cao chất lượng nhân lực ngành công nghiệp hỗ trợ” do Tạp chí Công Thương tổ chức
Tọa đàm “Nâng cao chất lượng nhân lực ngành công nghiệp hỗ trợ” do Tạp chí Công Thương tổ chức

TS. Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng, có 2 “điểm vênh” giữa cung và cầu, tức là từ cơ sở đào tạo đến thực tiễn doanh nghiệp còn khoảng cách.

Thứ nhất là vênh về số lượng. Đó có thể là sinh viên tốt nghiệp ít nhưng nhu cầu của doanh nghiệp nhiều, dẫn đến doanh nghiệp cũng khó trong việc tuyển dụng lao động. Hoặc là chiều ngược lại thì có thể sinh viên tốt nghiệp nhiều nhưng thời điểm đấy nhu cầu của doanh nghiệp ít, dẫn đến là dư thừa.

Thứ hai, khó hơn, là vênh về chất lượng. Đó là câu chuyện là sinh viên tốt nghiệp có thể là chưa có hoặc là chưa đạt một số năng lực, phẩm chất nào đấy mà doanh nghiệp mong muốn.

“Muốn thu hẹp khoảng cách giữa cung với cầu, tức là chúng ta muốn tối thiểu hoá sự vênh này thì chắc chắn phải có sự vào cuộc từ hai phía, kể cả các trường và phía các đơn vị sử dụng lao động, mà cụ thể ở đây là doanh nghiệp”, TS. Kiều Xuân Thực nhận định.

TS. Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Hà Nội
TS. Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Hà Nội

Nhu cầu lớn, yêu cầu cao

Khẳng định mọi sự tăng trưởng đều khởi nguồn từ việc đầu tư và phát triển con người và nhu cầu về nguồn nhân sự chất lượng cao là tất yếu, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho rằng yêu cầu đặt ra cho nhân lực ngành này cũng đặc biệt cao.

Lý giải cụ thể, ông Lê Quý Thành - Giám đốc Nhà máy TOMECO An Khang cho biết, công nghiệp hỗ trợ là ngành có tính chuỗi và tính hệ thống, tính chuyên nghiệp rất cao.

Vì vậy thì các nhân sự làm việc trong ngành này ngoài những kiến thức chuyên môn thì cũng rất cần những am hiểu về hệ thống quy trình, tiêu chuẩn mà chuỗi cung ứng đặt ra. Chưa kể, các tiêu chuẩn này không chỉ được kiểm soát bởi đội ngũ quản lý của doanh nghiệp, mà sẽ cần “qua cửa” kiểm soát của các tập đoàn đa quốc gia.

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng có nhiều biến động nhanh và khó lường, nguồn nhân lực trong doanh nghiệp cũng cần rất đa năng, nhanh nhạy trong việc nắm bắt thông tin kịp thời và đặc biệt là có tinh thần học tập trọn đời.

Ông Lê Quý Thành - Giám đốc Nhà máy TOMECO An Khang
Ông Lê Quý Thành - Giám đốc Nhà máy TOMECO An Khang

Mặt khác, việc tiếp cận chuyển đổi số tại doanh nghiệp cần những người giữ một số vị trí quan trọng trong xây dựng và triển khai dự án chuyển đổi số đó, hiểu biết về công nghệ, hiểu biết về quy trình làm việc và có thêm kiến thức về những hoạt động, giải pháp, phần mềm kết nối giữa các phòng, ban với nhau. Những nguồn nhân sự này hiện nay rất khó tìm được trong các trường đại học và trong các chuyên ngành đào tạo của các trường đại học hiện nay.

Điển hình, ông Thành chia sẻ, tại thời điểm TOMECO đầu tư các dây chuyền công nghệ mới, hiện đại như các máy móc, công nghệ miết tạo hình kim loại tấm sử dụng công nghệ CNC hay một số máy gia công chính xác CNC khác, hay công nghệ hàn robot,… thì rất khó để tìm kiếm được lao động đứng máy này.

“Thậm chí chúng tôi phải tuyển những bạn học kỹ sư được đào tạo đại học về chuyên môn phù hợp để vào đứng máy. Tuy nhiên chất lượng đào tạo kỹ sư thì không hướng đến việc trực tiếp đứng và vận hành những máy móc như vậy”, đại diện TOMECO cho hay.

Xây dựng đội ngũ chuyên gia hỗ trợ doanh nghiệp

Để giải quyết vấn đề này, ông Cao Văn Bình cho biết, Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp đã triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nâng cao nguồn nhân lực, như chương trình đào tạo chuyên gia tư vấn, tạo ra một hệ thống chuyên gia nhằm giúp cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.

Trung tâm đang phối hợp cùng các tổ chức quốc tế và các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Toyota, Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), Trung tâm Tư vấn và Giải pháp Công nghệ Việt - Hàn (VITASK), Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH), Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Thủy lợi, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Bách khoa Hà Nội... để tổ chức các chương trình đào tạo.

Tham gia các chương trình này có cán bộ kỹ thuật viên, kỹ sư, kỹ thuật đến từ doanh nghiệp, giảng viên các trường đại học, cao đẳng trong cả nước...

Ông Cao Văn Bình - Quyền Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương
Ông Cao Văn Bình - Quyền Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương

Các chương trình đào tạo đã giúp cho các học viên đến từ doanh nghiệp nhận thức được vai trò của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặt khác các học viên là các giảng viên đến từ các trường đại học, cao đẳng trao dồi thêm các kiến thức chuyên môn cần thiết phục vụ cho công tác giảng dạy tại các Trường.

Thắt chặt liên kết doanh nghiệp - nhà trường

Bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đào tạo cũng đang tích cực thu hẹp khoảng cách từ đào tạo đến thực tiễn.

Tại Đại học Công nghiệp Hà Nội, TS. Kiều Xuân Thực cho biết, nguyên tắc thống nhất của tất cả các chương trình đào tạo là bám sát vào nhu cầu của doanh nghiệp.

Ngay từ khi thiết kế và xây dựng các chương trình đào tạo, trường sẽ thực hiện khảo sát doanh nghiệp về nhu cầu, mô tả năng lực của vị trí việc làm, mong muốn của doanh nghiệp, từ đó xác định được quy mô tuyển sinh, nội dung chương trình ra sao để đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có đầu ra phù hợp.

Ngoài ra, hàng năm, Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng thường xuyên lấy ý kiến doanh nghiệp về thay đổi trong nhu cầu hoặc yêu cầu đối với nhân lực để kịp thời cập nhật quy mô tuyển sinh, lồng ghép thêm vào chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra của sinh viên.

Toàn cảnh tọa đàm

Trong quá trình vận hành các chương trình đào tạo, Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tích cực tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, thông qua việc cử giảng viên, cử sinh viên đến kiến tập, thực tập, thực hành tại doanh nghiệp; và ở chiều ngược lại, nhà trường lại mời chuyên gia từ doanh nghiệp đến trường để chia sẻ kinh nghiệm với giảng viên, với sinh viên, về các kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp.

Đáng chú ý, 5 chương trình đào tạo lĩnh vực công nghệ kỹ thuật tại Đại học Công nghiệp Hà Nội đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng ABET của Hoa Kỳ có 5 ban cố vấn doanh nghiệp, mỗi ban cố vấn gồm đại diện của 15 - 17 doanh nghiệp. Ít nhất hai lần mỗi năm, các chuyên gia của ban cố vấn doanh nghiệp sẽ ngồi cùng với nhà trường để rà soát lại mục tiêu đào tạo chuẩn đầu ra, các chủ đề, các cập nhật công nghệ kỹ thuật mới trong các chương trình đào tạo để đảm bảo không còn khoảng cách.

Kết quả thực tế cho thấy tại Đại học Công nghiệp Hà Nội tỷ lệ việc làm những năm gần đây rất cao. Tại thời điểm sinh viên nhận bằng, trung bình toàn trường tỷ lệ này đạt khoảng 84 - 85%, còn sau 6 tháng đến 1 năm thì trung bình toàn trường có 95% sinh viên có việc làm, trong đó nhiều ngành nghề đào tạo thuộc lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ 100% sinh viên đều có việc làm sau 6 tháng đến 1 năm.

“Qua đó có thể khẳng định là chúng tôi cũng đã giải quyết được độ vênh giữa nhà trường với doanh nghiệp”, TS. Kiều Xuân Thực vui mừng chia sẻ.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phùng Anh Tuấn - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Manutronic Việt Nam cho biết, doanh nghiệp giải bài toán nhân lực bằng 3 chữ B (Build - Buy - Borrow).

Ông Phùng Anh Tuấn - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Manutronic Việt Nam
Ông Phùng Anh Tuấn - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Manutronic Việt Nam

Thứ nhất, Build - xây dựng: Xây dựng các chương trình đào tạo nội bộ, thực hiện luân chuyển cán bộ, nhân viên và tìm kiếm những ứng viên nội bộ tiềm năng, có thể đáp ứng dựa trên khung năng lực công việc cũng như yêu cầu khách hàng, sau đó thực hiện chuyển giao về đào tạo song song, qua đó tận dụng được nguồn lực nội tại.

Thứ hai, Buy - mua bán: Nói cách khác, là thực hiện tuyển dụng và thu hút nhân tài thông qua các kênh tuyển dụng từ các trường đại học phù hợp.

Thứ ba, Borrow - mượn: Thuê chuyên gia bên ngoài trong các dự án ngắn hạn hoặc tiếp nhận chuyển giao công nghệ.

Manutronic cũng thường xuyên thực hiện những chương trình kết nối với các doanh nghiệp, như đến các trường đại học xây dựng kênh tuyển dụng, mời sinh viên đến thực tập,... Đặc biệt, Manutronic đã có những sáng kiến mới: kết hợp với các trường mời sinh viên năm nhất, năm hai đến factory tour - đi thăm quan toàn bộ nhà máy, giới thiệu quy trình công nghệ, cách thức làm việc ở từng bộ phận, sau đó giao lưu tư vấn thực tiễn cho sinh viên về những năng lực, kỹ năng, trình độ cần thiết đối với một số vị trí việc làm, qua đó cung cấp hình dung tổng quát về công việc thực tiễn sau khi ra trường.

Những nỗ lực chủ động từ cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở giáo dục đào tạo và doanh nghiệp đang giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong bối cảnh mới.

Dù vậy, để ngành công nghiệp hỗ trợ thực sự phát triển xứng với tiềm năng và cơ hội đang đặt ra, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cần tiếp tục bắt tay và phối hợp chặt chẽ, gia tăng đặt hàng nhân lực từ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đối với cơ sở giáo dục đào tạo trong dài hạn.

Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế, ưu đãi khuyến khích, thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, sớm hóa giải các thách thức về nguồn nhân lực, góp phần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Thy Thảo