Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng dịch vụ BIDV Smart Banking của khách hàng cá nhân tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Trà Vinh

PHẠM THỊ THU HIỀN - LÊ THỊ MỸ DUYÊN (Trường Đại học Trà Vinh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu nhằm tìm ra các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng dịch vụ BIDV Smart Banking của khách hàng cá nhân (KHCN) tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Trà Vinh (BIDV Trà Vinh). Kết quả nghiên cứu cho thấy có tất cả 7 yếu tố sẽ ảnh hưởng đến ý định sử dụng dịch vụ Smart Banking tại ngân hàng theo thứ tự giảm dần như sau: (1) “nhận thức sự hữu ích”, (2) “chi phí”, (3) “hình ảnh ngân hàng”, (4) “nhận thức tính dễ sử dụng”, (5) “cảm nhận rủi ro”, (6) “chuẩn chủ quan”, (7) “dịch vụ đa dạng”. Trong đó, yếu tố “nhận thức sự hữu ích” có ảnh hưởng mạnh nhất và hai yếu tố “dịch vụ đa dạng” và “chuẩn chủ quan” có ảnh hưởng thấp nhất. Từ đó, bài viết đề xuất ra các giải pháp nhằm gia tăng hơn nữa ý định sử dụng dịch vụ BIDV Smart Banking của KHCN tại Ngân hàng.

Từ khóa: Smart Banking, ý định sử dụng, khách hàng cá nhân, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Trà Vinh.

1. Đặt vấn đề

Kinh tế Việt Nam đang phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng với các nền kinh tế trên toàn thế giới và được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng cho lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Do sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, dịch vụ ngân hàng điện tử đã ra đời và không ngừng được phát triển. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt gần 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019). Và theo thống kê của Statista (2019), cho thấy số lượng người dùng Smart phone tại Việt Nam đạt 35,67 triệu người và dự báo sẽ đạt 42,66 triệu người vào năm 2022. Ngoài ra, theo khảo sát của Edgar Dunn - Công ty tư vấn về dịch vụ tài chính toàn cầu, trong vòng 5 năm tới điện thoại di động được đánh giá là kênh thanh toán phát triển nhất tại các quốc gia. Do đó, sự tăng trưởng nóng về Smartphone đã tạo ra một mảnh đất màu mỡ và tiềm năng để các ngân hàng (NH) phát triển dịch vụ Smart Banking nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch mọi lúc, mọi nơi của khách hàng.

Vì nắm bắt được xu hướng phát triển của dịch vụ Smart Banking, ngày 20/03/2021, BIDV đã chính thức ra mắt dịch vụ ngân hàng số hoàn toàn mới BIDV Smart Banking, trên cơ sở hợp nhất các nền tảng giao dịch trực tuyến và thay thế cho các dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking trước đây. Là một trong những công nghệ mới và sáng tạo nhất, BIDV Smart Banking là một ví dụ điển hình cho sự đột phá về công nghệ di động trong lĩnh vực ngân hàng, cho phép khách hàng có thể chủ động thực hiện các giao dịch, quản lý tài chính an toàn và nhanh chóng mọi lúc mọi nơi với đa dạng các tiện ích, giao diện thuận tiện, thao tác dễ dàng, tốc độ xử lý nhanh với nhiều lớp bảo mật an toàn và tương thích đa thiết bị. Tuy nhiên, trong mối tương quan so sánh với các dịch vụ truyền thống của ngân hàng và các dịch vụ hiện đại như thẻ, ngay cả Internet Banking thì hoạt động BIDV Smart Banking vẫn còn mới mẻ và khá khiêm tốn bởi một số khách hàng vẫn còn tâm lý e dè về sự an toàn hay chưa có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của dịch vụ BIDV Smart Banking, dẫn đến số lượng khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ này vẫn còn thấp.

Xuất phát từ thực tiễn trên, tác giả quyết định chọn đề tài “Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng dịch vụ BIDV Smart Banking của khách hàng cá nhân tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Trà Vinh”, là cơ sở thiết thực nhất trong việc đưa ra các định hướng thu hút và phát triển mạnh mẽ dịch vụ Smart Banking hơn nữa tại BIDV nói riêng, cũng như hệ thống NHTM Việt Nam nói chung.

2. Phương pháp nghiên cứu

Trên cơ sở lược khảo trong và ngoài nước, tác giả kế thừa và xây dựng mô hình nghiên cứu có dạng:

Mô hình hồi quy có dạng:

YDi = β0 + β1X1 + β2X2 + β3X3 + β4X4 + β5X5 + β6X6 + β7X7 + εi

Trong đó:

- Biến phụ thuộc YD: Ý định sử dụng dịch vụ BIDV Smart Banking của KHCN.

- β1, β2, β3, β4, β5, β6, β7: Các hệ số hồi quy tương ứng với các biến.

- Biến độc lập: X1 là nhận thức sự hữu ích, X2 là tính dễ sử dụng, X3 là chuẩn chủ quan, X4 là dịch vụ đa dạng, X5 là cảm nhận rủi ro, X6 là hình ảnh ngân hàng, X7 là chi phí.

Bảng câu hỏi chính thức được thiết kế dựa trên 7 yếu tố, với 22 biến quan sát định lượng và đều sử dụng thang đo Likert 5 mức độ. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng thang đo định danh, biểu danh, cấp bậc để sàng lọc và phân loại đối tượng để phỏng vấn, thu thập thông tin cá nhân của đối tượng phỏng vấn như: giới tính, tuổi, thu nhập, nghề nghiệp,… Tác giả thu thập số liệu thông qua bảng khảo sát với 200 KHCN từ ngày 20/10/2021 đến ngày 26/12/2021.

3. Kết quả và thảo luận

Bảng 1. Kết quả ước lượng mô hình hồi quy

Kết quả ước lượng mô hình hồi quy

Ghi chú: *** có ý nghĩa ở mức a là 1%

Nguồn: Kết quả xử lý số liệu trên phần mềm SPSS

Kết quả phân tích hồi quy ở Bảng 1 cho thấy, nhân tố “nhận thức sự hữu ích” có ảnh hưởng mạnh nhất đến ý định sử dụng dịch vụ Smart Banking (β = 0,252). Nhân tố “Chi phí” là nhân tố ảnh hưởng mạnh thứ hai đối với ý định sử dụng dịch vụ BIDV Smart Banking (β = 0,243). Nhân tố “Hình ảnh ngân hàng” là nhân tố ảnh hưởng mạnh thứ ba với β = 0,242. Các nhân tố “nhận thức tính dễ sử dụng”, “cảm nhận rủi ro” và “chuẩn chủ quan” đều là những nhân tố ảnh hưởng mạnh thứ tư, năm, sáu đối với ý định sử dụng dịch vụ BIDV Smart Banking với Beta lần lượt là (β = 0,205, β = 0,178, β = 0,164). Và nhóm nhân tố có tác động mạnh cuối cùng chính là “dịch vụ đa dạng” (β = 0,135).

- Biến “nhận thức sự hữu ích” tương quan thuận với ý định sử dụng dịch vụ BIDV Smart Banking ở mức ý nghĩa 1%. Cụ thể, khi biến “nhận thức sự hữu ích” tăng lên 1 điểm thì biến “ý định sử dụng dịch vụ BIDV Smart Banking” tăng lên 0,252 đơn vị. Điều này phù hợp với kết quả ước lượng và trùng khớp với kết quả nghiên cứu trước đây của Huỳnh Quang Minh (2021). Thực tế cho thấy trong thời buổi hiện nay công nghệ thông tin đang dần chiếm ưu thế thì việc tiện ích, sự hữu dụng trong mọi lúc, mọi nơi, mọi giao dịch là rất cần thiết đối với khách hàng. Họ luôn muốn sử dụng những dịch vụ hữu dụng cho mình, tức là họ luôn cần những dịch vụ giúp công việc thực hiện tiết kiệm được thời gian, làm cho cuộc sống tốt và hiện đại hơn. Vì thế, khi dịch vụ BIDV Smart Banking đem lại nhiều lợi ích sẽ làm tăng ý định sử dụng dịch vụ này đối với khách hàng.

- Biến “chi phí” tương quan thuận với ý định sử dụng dịch vụ BIDV Smart Banking ở mức ý nghĩa 1%. Cụ thể, khi biến “chi phí” tăng lên 1 điểm thì biến “ý định sử dụng dịch vụ BIDV Smart Banking” tăng lên 0,243 đơn vị. Điều này phù hợp với kết quả ước lượng và giống với kết quả nghiên cứu trước đây của Nguyễn Đinh Yến Oanh và Phạm Thị Bích Uyên (2016), Pin Luarn và Hsin - Hui Lin (2005). Kết quả có thể giải thích được rằng, việc áp dụng những chiến lược giá rất hợp lý đối với dịch vụ BIDV Smart Banking sẽ làm tăng ý định sử dụng dịch vụ này đối với khách hàng.

- Biến “hình ảnh ngân hàng” được khách hàng (KH) đánh giá khá cao, tương quan thuận với ý định sử dụng dịch vụ BIDV Smart Banking ở mức ý nghĩa 1%. Cụ thể, khi biến “hình ảnh ngân hàng” tăng lên 1 điểm thì biến “ý định sử dụng dịch vụ BIDV Smart Banking” tăng lên 0,242 đơn vị. Điều này phù hợp với kết quả ước lượng và trùng khớp với kết quả nghiên cứu trước đây của Nguyễn Duy Thanh và Cao Hào Thi (2011). Yếu tố thương hiệu và hình ảnh ngân hàng cũng có tác động tích cực đến ý định sử dụng dịch vụ của khách hàng. Họ sẽ có xu hướng lựa chọn các ngân hàng lớn, uy tín, để thực hiện giao dịch hơn là những ngân hàng nhỏ. Bên cạnh đó, hình ảnh ngân hàng cũng thể hiện qua chính đội ngũ nhân viên của ngân hàng, những người trực tiếp tiếp xúc với KH có ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến ý định lựa chọn dịch vụ của ngân hàng.

- Biến “nhận thức tính dễ sử dụng” tương quan thuận với ý định sử dụng dịch vụ BIDV Smart Banking ở mức ý nghĩa 1%. Cụ thể, khi biến “nhận thức tính dễ sử dụng” tăng lên 1 điểm thì biến “ý định sử dụng dịch vụ BIDV Smart Banking” tăng 0,205 đơn vị. Sự thuận tiện kết hợp với việc dễ dàng sử dụng như thao tác đơn giản, thực hiện được mọi lúc,… thì KH lại càng có nhu cầu sử dụng dịch vụ nhiều hơn. Điều này phù hợp với kết quả nghiên cứu trước đây của Amin và các cộng sự (2009), Nguyễn Đinh Yến Oanh và Phạm Thuỵ Bích Uyên (2016).

- Biến “cảm nhận rủi ro” là nhân tố mà khách hàng khá quan tâm và tương quan thuận với ý định sử dụng dịch vụ BIDV Smart Banking ở mức ý nghĩa 1%. Cụ thể, khi biến “Cảm nhận rủi ro” tăng lên 1 điểm thì biến “Ý định sử dụng dịch vụ BIDV Smart Banking” tăng lên 0,178 đơn vị. Kết quả này phù hợp với kết quả nghiên cứu trước đây của Hoàng Thị Thơ (2016). Thực tiễn cho thấy so với các dịch vụ truyền thống, dịch vụ BIDV Smart Banking khiến cho người dùng lo ngại bị lừa đảo đánh cắp thông tin. Ngoài ra, không thể trực tiếp trao đổi, phản hồi với nhà cung cấp cũng là một trở ngại lớn đối với dịch vụ. Mặt khác, các phương thức thanh toán khi sử dụng dịch vụ này đều được thao tác thông qua Internet nên khách hàng cũng rất lo lắng về sự chính xác khi thực hiện giao dịch. Với những lo ngại trên có thể thấy sự tín nhiệm luôn được khách hàng quan tâm. Do đó, khi họ hiểu rõ các nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra đối với giao dịch này và phương pháp giải quyết thì KH mới thật sự yên tâm sử dụng.

- Biến “chuẩn chủ quan” tương quan thuận với ý định sử dụng dịch vụ BIDV Smart Banking ở mức ý nghĩa 1%. Cụ thể, khi biến “chuẩn chủ quan” tăng lên 1 điểm thì biến “ý định sử dụng dịch vụ BIDV Smart Banking” tăng lên 0,164 đơn vị. Điều này phù hợp với kết quả ước lượng và giống với kết quả nghiên cứu trước đây của Nguyễn Đinh Yến Oanh và Phạm Thị Bích Uyên (2016). Kết quả có thể giải thích được rằng những tác động từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp hay những phương tiện truyền thông đại chúng có ảnh hưởng đến KH, khiến KH nghĩ rằng họ có nên sử dụng dịch hay không và từ đó sẽ góp phần làm tăng ý định sử dụng dịch vụ BIDV Smart Banking.

- Biến “dịch vụ đa dạng” tương quan thuận với ý định sử dụng dịch vụ BIDV Smart Banking ở mức ý nghĩa 1%. Cụ thể, khi biến “dịch vụ đa dạng” tăng lên 1 điểm thì biến “ý định sử dụng dịch vụ BIDV Smart Banking” tăng lên 0,135 đơn vị. Trong nghiên cứu của Nguyễn Đinh Yến Oanh và Phạm Thụy Bích Uyên (2016) cũng đã có kết quả tương tự. Việc dịch vụ BIDV Smart Banking cho phép khách hàng thực hiện nhiều loại hình giao dịch khác nhau sẽ góp phần làm tăng ý định sử dụng dịch vụ này hơn nữa.

4. Giải pháp giúp ngân hàng nâng cao ý định sử dụng dịch Smart Banking của KHCN tại BIDV Trà Vinh

Thứ nhất, nâng cao nhận thức tính hữu ích của các dịch vụ BIDV Smart Banking đối với khách hàng: Ngân hàng cần đẩy mạnh việc quảng bá tính năng nổi trội của các dịch vụ BIDV Smart Banking cho khách hàng như giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, thực hiện các giao dịch mọi lúc mọi nơi, giúp thực hiện công việc dễ dàng hơn và không bị giới hạn về thời gian và không gian sử dụng dịch vụ. Đồng thời, cần khẳng định sự hiện đại trong phong cách sống mà dịch vụ BIDV Smart Banking đem đến.

Thứ hai, hạn chế tối thiểu chi phí mà khách hàng bỏ ra khi sử dụng dịch vụ BIDV Smart Banking: Ngân hàng cần phải thiết kế một ứng dụng có thể tương thích với hầu hết các thiết bị công nghệ, cụ thể là từ những thiết bị có giá trị thấp đến những thiết bị đắt tiền. Thêm vào đó, việc đưa ra mức phí giao dịch và phí kết nối mạng càng thấp sẽ góp phần làm cho khách hàng sử dụng dịch vụ một cách thoải mái hơn mà không cần quan tâm về chi phí mà họ bỏ ra để sử dụng dịch vụ.

Thứ ba, không ngừng nâng cao thương hiệu, hình ảnh ngân hàng đến với khách hàng: Triển khai các chương trình marketing quảng bá hình ảnh thương hiệu với mức độ tiếp cận KH rộng rãi, đẩy mạnh và duy trì các chương trình quan hệ công chúng như hỗ trợ kịp thời cho các vùng đồng bào bị thiên tai thông qua việc quyên góp tiền, các chương trình từ thiện ủng hộ người nghèo,… giúp tăng khả năng nhận biết thương hiệu hình ảnh ngân hàng cũng như dịch vụ BIDV Smart Banking. Ngoài ra, Ngân hàng có thể mở rộng phạm vi tiếp cận đến đối tượng KH thông qua việc thành lập đội ngũ tư vấn tại các trường trung học phổ thông, đại học,… để giới thiệu về các dịch vụ của ngân hàng, từ đó giúp tăng khả năng tiếp cận KH và mở rộng quy mô ngân hàng.

Thứ tư, nâng cao tính dễ sử dụng của các dịch vụ BIDV Smart Banking: Ngân hàng cần thiết kế giao diện ứng dụng di động thân thiện, dễ hiểu và dễ sử dụng đối với KH, kể cả những KH không thành thạo về công nghệ. Giao diện có vai trò tương tác trực tiếp với KH nên cần được thiết kế tương thích và phù hợp với từng loại thiết bị hoạt động. Thêm vào đó, chỉ nên nhấn mạnh những mục KH thật sự cần sử dụng và tránh những quảng cáo che mất tầm nhìn của người dùng. Hơn nữa, cần thiết kế các biểu tượng phù hợp với từng nội dung dịch vụ để KH dễ dàng phân biệt và sử dụng. Ngoài ra, trình bày quy trình thực hiện các dịch vụ cụ thể, rõ ràng và đơn giản.

Thứ năm, phòng ngừa các rủi ro trong giao dịch có thể ảnh hưởng đến ý định sử dụng dịch vụ của khách hàng: KH hiện nay vẫn chưa thật sự an tâm khi thực hiện các giao dịch qua thiết bị di động. Tình trạng tin nhắn rác từ nhà mạng hoặc ứng dụng, thậm chí là tin nhắn lừa đảo gửi đến thuê bao di động vẫn diễn ra phổ biến. Để giải quyết tình trạng này, ngân hàng cần phải cung cấp rõ ràng các thông tin về các điều khoản giao dịch dịch vụ BIDV Smart Banking cho KH trước khi đăng ký sử dụng, cam kết thông tin đưa lên đúng sự thật và không lạm dụng hình thức tiếp thị qua thiết bị di động. Đồng thời, xây dựng một hệ thống bảo mật thông tin KH, thông tin giao dịch một cách tuyệt đối. Hơn nữa, ngân hàng phải tăng cường tính chính xác của các giao dịch, phải có dịch vụ chăm sóc KH để đảm bảo KH có thể phản hồi và nhận được sự hỗ trợ kịp từ nhà tổng đài dịch vụ nếu gặp khó khăn.

Thứ sáu, nâng cao chuẩn chủ quan trong nhận thức của khách hàng: Ngân hàng cần không ngừng đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá về dịch vụ Mobile Banking trên các phương tiện truyền thông đại chúng, social media,... Đồng thời, tận dụng sức ảnh hưởng xã hội để từ một người sử dụng có thể kéo thêm nhiều người khác cùng sử dụng dịch vụ, từ đó không ngừng gia tăng doanh thu cho ngân hàng.

Thứ bảy, đáp ứng đa dạng các dịch vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng: Việc nhu cầu tiêu dùng và thanh toán của KH ngày càng đa dạng cùng với sự cạnh tranh ngày càng nhiều từ các NHTM về lĩnh vực ngân hàng số, nên việc ngân hàng không ngừng sáng tạo, đổi mới và làm phong phú thêm nữa các dịch vụ của ứng dụng BIDV Smart Banking là điều vô cùng cấp thiết. Khi cung cấp dịch vụ BIDV Smart Banking, cần đa dạng hóa và cung cấp nhiều tính năng hơn nữa để tránh trường hợp khi KH đã sử dụng dịch vụ mà KH vẫn phải đến ngân hàng để thực hiện các giao dịch khác mà ngân hàng chưa cung cấp; Cần tiến hành khai thác tiềm năng to lớn của dịch vụ BIDV Smart Banking như vay trực tuyến, đổi ngoại tệ trực tuyến, chuyển tiền ngoại tệ,… Mặc khác, ngân hàng cần liên kết nhiều hơn nữa với các doanh nghiệp, các trường đại học và nhà cung cấp dịch vụ để không ngừng đa dạng các hình thức thanh toán.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Amin và các cộng sự (2009). An Analysis Of Online Banking Usage Intentions: An Extension Of The Technology Acceptance Model. Tạp chí Quốc tế về Kinh doanh và Xã hội, 2009, 27-40.
  2. Pin Luarn và Hsin - Hui Lin. (2005). Toward an understanding of the behavioral intention to use mobile banking. Computers in Human Behavior, 21(6), 873-891.
  3. Philip Kotler (2001). Quản trị Marketing, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.
  4. Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008), Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, NXB Hồng Đức.
  5. Nguyễn Duy Thanh và Cao Hào Thi (2011). Mô hình cấu trúc cho sự chấp nhận và sử dụng ngân hàng điện tử ở Việt Nam. Tạp chí Phát triển kinh tế, 281, 57-75.
  6. Nguyễn Đinh Yến Oanh và Phạm Thuỵ Bích Uyên (2016). Các yếu tô ảnh hưởng đến ý định sử dụng dịch vụ thương mại di động của người tiêu dùng tỉnh An Giang. Tạp chí Khoa học Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, 12(1), 144-160.
  7. Hoàng Thị Thơ (2016). Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng dịch vụ Mobile Banking đối với khách hàng cá nhân tại Ngân hàng TMCP Đông Á - CN Huế. Luận văn Thạc sĩ, Đại học Huế.
  8. Huỳnh Quang Minh (2021). Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định của KHCN sử dụng dịch vụ Agribank E-Mobile Banking tại thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Khoa học và Công nghệ, 46, 1-16.
  9. Thế Phương (2020). Số lượng giao dịch qua di động năm 2020 tăng hơn 123% so với cùng kì năm ngoái. Truy cập tại https://ictvietnam.vn/so-luong-giao-dich-qua-di-dong-nam-2020-tang-hon-123-so-voi-cung-ki-nam-ngoai-20201226173421859.htm
  10. BIDV ra mắt SmartBanking thế hệ mới, khẳng định vị thế ngân hàng số dẫn đầu (2021). Tạp chí Ngân hàng, http://tapchinganhang.gov.vn/bidv-ra-mat-SmartBanking-the-he-moi-khang-dinh-vi-the-ngan-hang-so-dan-dau.htm.
  11. Ánh Dương (2021). BIDV tăng tốc chuyển đổi số, chuẩn bị ra mắt ngân hàng số thế hệ mới. Truy cập tại http://cafef.vn/bidv-tang-toc-chuyen-doi-so-chuan-bi-ra-mat-ngan-hang-so-the-he-moi-20210318120326549.chn

A STUDY ON THE FACTORS AFFECTING

THE INTENTION OF INDIVIDUAL CUSTOMERS TO USE SMART

BANKING SERVICES OF BIDV - TRA VINH BRANCH

• PHAM THI THU HIEN

• LE THI MY DUYEN

Tra Vinh University   

ABSTRACT:

This study is to determine the factors affecting the intention of individual customers to use Smart Banking services of the Joint Stock Commercial Bank for Investment and Development of Vietnam (BIDV) - Tra Vinh Branch. The study’s results show that there are seven factors affecting the intention of individual customers to use Smart Banking services of BIDV – Tra Vinh Branch. These factors, in descending order of impact level, are (1) perceived usefulness, (2) costs, (3) bank image, (4) perceived ease of use, (5) perceived risk, (6) subjective standards, and (7) diversity services. In which, the factor of perceived usefulness has the strongest impact while the factor of diversity services and the factor of subjective standards have the lowest impact on the intention of individual customers. Based on these results, some solutions are proposed to help BIDV - Tra Vinh Branch encourage more customers to use its Smart Banking services.

Keywords: Smart Banking, intention to use, individual customer, the Joint Stock Commercial Bank for Investment and Development of Vietnam - Tra Vinh Branch.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 4 năm 2022]