Phát triển du lịch xanh trong bối cảnh tăng trưởng xanh của ngành Du lịch tỉnh Quảng Ngãi

ThS. PHAN THANH VỊNH (Giảng viên, khoa Du lịch, Trường Đại học Tài chính – Marketing)

TÓM TẮT:

Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường, phát triển du lịch xanh trong bối cảnh tăng trưởng xanh là vấn đề cấp thiết. Quảng Ngãi là một tỉnh ven biển nổi bật thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ của Việt Nam, có vị trí địa lý thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú; văn hóa đa dạng; người dân hiếu khách và thân thiện. Bài viết nêu rõ thực trạng phát triển du lịch xanh ở tỉnh Quảng Ngãi, đồng thời đề xuất hàm ý phát triển du lịch xanh trong bối cảnh tăng trưởng xanh của ngành Du lịch tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới.

Từ khóa: phát triển du lịch xanh, tăng trưởng xanh, tỉnh Quảng Ngãi.

1. Đặt vấn đề

Chính phủ Việt Nam (2011), phát triển du lịch xanh đã được xác định tại Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 “phát triển sản phẩm du lịch xanh, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương” là giải pháp để Việt Nam phát triển du lịch xanh gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được Chính phủ phê duyệt năm 2012.

Quảng Ngãi là một trong những vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có vị trí cực kỳ quan trọng trong liên kết phát triển du lịch với các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ nói riêng và cả nước nói chung. Việc phát triển du lịch xanh trong bối cảnh tăng trưởng xanh ở tỉnh Quảng Ngãi góp phần tăng trưởng bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường và đảm bảo tính bền vững trong phát triển du lịch.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Khái niệm về du lịch xanh trong bối cảnh tăng trưởng xanh

Chính phủ Nhật Bản (1992), xác định "Du lịch xanh là hoạt động giải trí để tận hưởng thiên nhiên và văn hóa các điểm đến du lịch và tương tác với người dân địa phương ở các vùng nông thôn có phong cảnh thiên nhiên phong phú". Theo Chương trình nghị sự 21 về Du lịch: Hướng tới phát triển bền vững về môi trường thì “Du lịch xanh là hướng tiếp cận tích cực đảm bảo cho phát triển du lịch bền vững. Du lịch xanh còn được coi là chìa khóa để phát triển du lịch bền vững”.

Jafar Jafari và Honggen Xiao (2002), “Du lịch xanh là một hình thức du lịch thay thế thường liên quan đến du lịch nông thôn, là một hình thái của du lịch thiên nhiên, thân thiện với môi trường và hầu như không tạo ra tác động về sinh thái tại điểm đến du lịch".

Nguyễn Văn Đính (2021), Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Cốt lõi của Du lịch xanh là sản phẩm du lịch xanh. Để đảm bảo là sản phẩm xanh, cần đạt các tiêu chí như: được tạo ra từ các vật liệu thân thiện với môi trường; đem đến những giải pháp an toàn đối với môi trường và sức khỏe; giảm tác động đến môi trường trong quá trình sử dụng; tạo ra một môi trường thân thiện và an toàn đối với sức khỏe.

Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (2019), “Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là sự phát triển dựa trên cơ sở điều chỉnh mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, chất lượng, nhằm khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên và các nguồn lực cho phát triển du lịch; thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch xanh, phục vụ tiêu dùng du lịch xanh; giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển du lịch; đồng thời, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, với mục tiêu phát triển du lịch cho con người và vì con người”.

Nghiên cứu về môi trường của OECD - Hàn Quốc (2017), Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh (2009 - 2050) có 3 mục tiêu chính: (i) Tạo các động lực tăng trưởng mới thân thiện với môi trường; (ii) Nâng cao chất lượng cuộc sống; và (iii) Đóng góp vào các nỗ lực quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu. Các Kế hoạch 5 năm đã đề ra hành động của Chính phủ để thực hiện chiến lược, cũng như nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, cơ quan quản lý địa phương và phân bổ ngân sách. Chính phủ sử dụng khoảng 2% GDP hàng năm như gói “kinh phí xanh” cho các chương trình và dự án tăng trưởng xanh (tổng kinh phí khoảng 86 tỷ USD cho cả giai đoạn), đồng thời đầu tư gói kích thích trị giá 38,5 tỷ USD cho Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất nhằm hỗ trợ các nguồn năng lượng tái tạo, mở rộng hệ thống đường sắt, cải thiện quản lý chất thải để tăng việc làm trong lĩnh vực xanh, giảm phát thải nhà kính,…

Theo OECD (2011), “tăng trưởng xanh là thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo các nguồn vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp các tài nguyên và dịch vụ môi trường thiết yếu cho sự sinh tồn của nhân loại”. Ý tưởng về tăng trưởng xanh ở mọi lĩnh vực đã được nhiều quốc gia quan tâm và được đưa vào chiến lược phát triển cấp quốc gia và địa phương. Việc phát triển du lịch xanh sẽ giúp cho người dân bản địa đảm bảo cuộc sống gắn với sinh tồn trên chính mảnh đất và quê hương của họ, giúp nền kinh tế tăng trưởng xanh bền vững và ổn định.

Nguyễn Thị Tuệ Anh (2019), "Tăng trưởng xanh luôn là vấn đề nóng, theo đó, chính sách thuế sử dụng cần làm sao khuyến khích được xanh hóa, sản xuất sạch. Tuy nhiên, để những chính sách này thực thi có hiệu quả là không dễ. Do vậy, chúng ta cần đặt ra vấn đề để nghiên cứu tiếp và hoàn thiện mục tiêu những chính sách cần thiết để đẩy nhanh tăng trưởng xanh trong thời gian tới”.

Như vậy, du lịch xanh được hiểu là du lịch dựa trên nền tảng khai thác có khoa học các nguồn tài nguyên du lịch, phát triển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm đến mức có thể việc làm tổn thương đến môi trường và chung sống hài hòa với thiên nhiên.

2.2. Thực trạng phát triển du lịch xanh ở tỉnh Quảng Ngãi

- Về khách du lịch: Ngành Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đã có những chuyển biến tích cực trong thu hút ngày càng nhiều hơn lượng khách du lịch đến tỉnh Quảng Ngãi để du lịch và tìm kiếm cơ hội, cụ thể: (Bảng 1)

- Về doanh thu du lịch: Do ảnh hưởng của đại dịch COVID19, Chính phủ thực hiện giãn cách toàn xã hội trong thời gian dài, nên hoạt động du lịch, vui chơi, giải trí phải tạm đóng cửa, làm ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu, cụ thể: (Bảng 2)

- Về hoạt động lưu trú và kinh doanh lữ hành: Hoạt động kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng đã có sự đầu tư, mở rộng và nâng cấp. Năm 2020, Quảng Ngãi có 143 cơ sở kinh doanh lưu trú, trong đó có 30 cơ sở lưu trú đáp ứng đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch. Quảng Ngãi có 2 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và 15 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa. Hoạt động này góp phần tổ chức và kết nối các tour du lịch trong và ngoài nước.

- Cung ứng sản phẩm, dịch vụ du lịch và khai thác các tuyến du lịch: Các sản phẩm, dịch vụ chủ yếu tại Quảng Ngãi là du lịch tham quan văn hóa - lịch sử; du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo kết hợp với ẩm thực; du lịch thương mại, công vụ. Các tuyến du lịch trong và ngoài Tỉnh chưa thực sự được khai thác triệt để và có hiện quả; Sản phẩm, dịch vụ du lịch đã có sự đa dạng hoá, chất lượng dần được cải thiện; Và có chú trọng đến công tác bảo tồn các di tích, các lễ hội truyền thống. Tỉnh Quảng Ngãi chưa thật sự khai thác tốt và thành công các sản phẩm du lịch, cũng như chưa thật sự tạo ra sản phẩm du lịch khác biệt, nhằm tạo sức hút lớn đối với du khách.

- Về hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch: Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Quảng Ngãi làm đầu mối thường xuyên cung cấp thông tin, hình ảnh về du lịch. Trung tâm này đã tổ chức được các đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại những thị trường trọng điểm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Tuy nhiên, hiệu quả xúc tiến về lĩnh vực du lịch chưa thật sự có hiệu quả cao. Do đó, Tỉnh cần thành lập một trung tâm chuyên môn hóa, cụ thể: Trung tâm xúc tiến đầu tư về du lịch, thay vì gộp bộ phận này về 1 trung tâm như hiện nay.

- Về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch: Tỉnh Quảng Ngãi có mạng lưới giao thông rất thuận lợi trong phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng (đường bộ QL1A, đường sắt Bắc - Nam, đường thủy cảng Dung Quất - cảng đảo Lý Sơn).

- Về nguồn nhân lực du lịch: Số lượng lao động trong ngành Du lịch Quảng Ngãi tăng dần trong giai đoạn 2017 - 2020 (cụ thể: năm 2017 là 5.350 người; năm 2018 là 6.760 người; năm 2019 là 7.540 người). Quảng Ngãi đã ban hành một số chủ trương, chính sách về phát triển nguồn nhân lực. Nhưng trong thực tế, tỉnh Quảng Ngãi chưa thu hút được nhân tài thực sự như kỳ vọng.

- Về đầu tư phát triển du lịch: Huy động vốn đầu tư là những hoạt động, chính sách, giải pháp của chính quyền tác động và khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn thực hiện mục đích đầu tư của dự án. Đầu tư phát triển du lịch đến năm 2025 khoảng 5.255 tỷ đồng; Nguồn vốn này tập trung đầu tư cho phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá, phát triển thương hiệu. Đến nay, Tỉnh đã có 18 dự án ưu tiên, trong đó có 1 dự án về phát triển nguồn nhân lực, 1 dự án về xúc tiến quảng bá,1 dự án về phát triển tài nguyên và bảo vệ môi trường du lịch, còn lại 15 dự án phát triển khu, điểm, sản phẩm du lịch được phân bổ theo các kỳ đầu tư (UBND tỉnh Quảng Ngãi).

- Môi trường du lịch:

Môi trường đất: Diện tích đất của Quảng Ngãi được sử dụng gồm 322.034,59 ha đất nông nghiệp (62,5% diện tích đất tự nhiên), 45.636,2 ha đất phi nông nghiệp (8,86% diện tích đất tự nhiên) và 147.595,9 ha đất chưa sử dụng (28,64% diện tích đất tự nhiên). Rừng Quảng Ngãi phong phú về lâm, thổ sản với nhiều loại gỗ quý; Với bờ biển dài 144 km, cùng vùng lãnh hải rộng lớn 11.000 km², có 6 cửa biển.

Về môi trường nước: Hiện nay, môi trường nước, đặc biệt là môi trường nước biển, sông ngòi ở Quảng Ngãi đã và đang bị ô nhiễm rất nhiều, do ngành công nghiệp, thủy sản, nông nghiệp và du lịch gây ra.

Về môi trường không khí: Ô nhiễm môi trường không khí tại các Khu công nghiệp, làng nghề ở Quảng Ngãi ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt ở những điểm du lịch. Người dân luôn phải sống chung với khói bụi, nước thải.  

Về đa dạng sinh học: Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, với vị trí địa lý, địa hình đa dạng và khí hậu nhiệt đới gió mùa, Tỉnh có hệ động - thực vật phong phú. Trong tổng số 478 loài động vật có xương sống ở cạn được xác định tại các hệ sinh thái nội địa trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, có 53 loài động vật quý hiếm được Sách Đỏ Việt Nam (1992) ghi nhận. Mức độ quý hiếm của các loài động vật ở đây cao so với nhiều vùng trong nước.

Tóm lại, Quảng Ngãi có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, có biển, có rừng, có núi và có cả hệ thống sông ngòi, có di tích (Quảng Ngãi có 166 di tích cấp tỉnh và 26 di tích cấp quốc gia, điển hình như: Trường Lũy, khu Chứng tích Sơn Mỹ),... và các danh thắng nổi tiếng như: Huyện đảo Lý Sơn; Mỹ Khê; Thiên Ấn; Sa Huỳnh; Thác Trắng (Minh Long); Suối Chí (Nghĩa Hành);… đủ điều kiện để phát triển du lịch xanh trong bối cảnh tăng trưởng xanh.

Tuy nhiên, hoạt động Du lịch tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn tồn tại một số hạn chế, dẫn đến phát triển du lịch xanh chưa thật sự phát triển, chẳng hạn: phát triển du lịch chưa gắn với khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, hiệu suất sử dụng tài nguyên chưa cao; phát triển du lịch chưa gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường;… Việc phát triển du lịch ở Quảng Ngãi ồ ạt và quá nhanh đã gây nhiều ảnh hưởng xấu đến môi trường du lịch. Tại nhiều khu du lịch, điểm đến du lịch còn  các chất thải rắn, rác thải, nước thải chưa thu hồi, chưa qua xử lý triệt để, làm ô nhiễm không khí, nước, tiếng ồn, thay đổi cảnh quan thiên nhiên và thay đổi môi trường sống của sinh vật. Hơn nữa, nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch xây dựng chưa theo đúng quy hoạch, hoặc quy hoạch không khả thi, đã làm tăng nguy cơ cho sự phát triển không bền vững.

Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên là do nhận thức chưa thống nhất và đầy đủ về phát triển du lịch xanh của các cơ quan quản lý các cấp, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; ngành Du lịch tỉnh Quảng Ngãi chưa xây dựng, ban hành các hướng dẫn đầy đủ về tiêu chí, điều kiện, đánh giá tác động môi trường và hệ thống kiểm soát, quản lý các vấn đề về môi trường liên quan đến các hoạt động du lịch, nhất là các cơ sở hoạt động kinh doanh du lịch, gây khó khăn trong việc đưa vào vận hành trong thực tiễn; chưa có nghiên cứu đánh giá một cách toàn diện, có hệ thống về môi trường du lịch ở tỉnh Quảng Ngãi để làm căn cứ khoa học, từ đó đề ra các biện pháp khai thác hợp lý nguồn tài nguyên du lịch, đảm bảo môi trường cho phát triển du lịch xanh,...

Từ việc phân tích thực trạng và đánh giá tình hình phát triển du lịch xanh trong bối cảnh tăng trưởng xanh của ngành Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, tác giả đưa ra hàm ý phát triển du lịch xanh của ngành Du lịch tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới.

2.3. Hàm ý phát triển du lịch xanh trong bối cảnh tăng trưởng xanh của ngành Du lịch tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới

Thứ nhất, xây dựng bộ tiêu chí du lịch xanh, gồm các mảng kinh doanh như khách sạn, homestay, khu nghỉ dưỡng, vận chuyển, dịch vụ lữ hành và điểm đến du lịch. Đồng thời, thay đổi tư duy quản trị xã hội, quản trị doanh nghiệp theo mô hình tăng trưởng xanh. Các ban, ngành, địa phương cần tiến hành rà soát lại quy hoạch, áp dụng, lồng ghép tôn trọng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh vào các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng lộ trình chi tiết các hoạt động tăng trưởng xanh, gắn kết chỉ tiêu tăng trưởng xanh trong hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược ngành. 

Thứ hai, phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch xanh như “tuyến du lịch xanh”, “khách sạn xanh”, “nhà hàng xanh”, “khu nghỉ dưỡng xanh”, “điểm đến xanh”,… Phát triển du lịch xanh bền vững phải bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường, phát triển các sản phẩm du lịch xanh có sự tham gia tích cực của người dân bản địa. Cần phát triển các điểm đến du lịch như: Lý Sơn; Khu du lịch Mỹ Khê; Khu du lịch Suối Chí; Khu du lịch sinh thái Thác Trắng; Gành Yến; Bàu Cá Cái; Sơn Mỹ; Suối khoáng nóng Nghĩa Thuận; Bãi Dừa; Sa Huỳnh trở thành điểm đến xanh. Đồng thời, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch xanh, nhất là các chuỗi liên kết và dịch vụ, đáp ứng các bộ tiêu chuẩn du lịch quốc tế, bộ tiêu chí du lịch tỉnh Quảng Ngãi.

Thứ ba, công tác quản lý nhà nước về du lịch: (1) Cần thay đổi tư duy công tác quản trị nhà nước về du lịch du lịch; (2) Cần quy hoạch du lịch theo đúng nguyên tắc; (3) Cần xây dựng chính sách thuế đặc thù dành riêng cho phát triển du lịch xanh nhằm thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch xanh gắn với bảo tồn tự nhiên và văn hóa; Khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch xanh sử dụng năng lượng xanh nhằm hạn chế chất thải từ hoạt động du lịch ra môi trường; (4) Cần ứng dụng công nghệ 4.0 vào việc quản lý phát triển du lịch xanh là điều cần thiết, đặc biệt là giúp quản lý sức chứa của các điểm, khu du lịch, giám sát, điều tiết lượng khách lưu thông đến các khu/điểm du lịch; (5) Cần thay đổi cách quản lý và phát triển nguồn nhân lực du lịch, thường xuyên điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho việc phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đồng thời, liên kết với các thành phố lớn như như TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội để triển khai chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch; trong đó, tập trung nâng cao nghiệp vụ quản lý cho lực lượng quản lý, điều hành bên cạnh việc huấn luyện, nâng cao kỹ năng nghề cho lực lượng lao động trực tiếp.

Thứ tư, tăng sức hấp dẫn thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch xanh. Để phát triển du lịch xanh tỉnh Quảng Ngãi cần có cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá, tập trung triển khai các chính sách, cơ chế thu hút đầu tư. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung, công khai, minh bạch thông tin về các dự án kêu gọi đầu tư; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả xúc tiến đầu tư; ban hành chính sách phù hợp, dành quỹ đất hợp lý để thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư xanh từ nước ngoài. Nâng cao thu hút nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh. Theo nghiên cứu của WB và Quỹ Phát triển Liên hợp quốc về huy động nguồn vốn cho biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, nguồn vốn đầu tư công của Việt Nam cho việc chống biến đổi khí hậu và các mục tiêu tăng trưởng xanh hiện chỉ chiếm 0,1% GDP.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối năm 2021, có 67 tổ chức tín dụng tham gia cho vay các dự án xanh ở các lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch, vệ sinh môi trường, dệt may và nhiều lĩnh vực khác. Dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh chiếm hơn 4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 0,46% so với năm 2020. Để huy động được vốn tỉnh Quảng Ngãi phải có chính sách đầu tư dài hạn 20 đến 50 mươi năm trở lên để tạo sự tin tưởng cho nhà kinh doanh. Tăng trưởng xanh phải gắn liền với dự án xanh. Tỉnh Quảng Ngãi nên nói “không” với những dự án thiếu tính thân thiện với môi trường; đồng thời khuyến khích những dự án đầu tư xanh.

Thứ năm, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch xanh tỉnh Quảng Ngãi. Nếu Quảng Ngãi có một hệ thống nhận diện thương hiệu mạnh sẽ giúp Tỉnh dễ dàng tiếp cận khách hàng và tạo dựng được sự uy tín trong lần đầu tiếp xúc thương hiệu. Nâng cao hình ảnh thương hiệu chính là thúc đẩy hiệu quả khai thác khách du lịch của Tỉnh.

Thứ sáu, chú trọng công tác giáo dục, phố biến chính sách phát triển du lịch xanh: (1) Cần tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch xanh cho tất cả các thành phần tham gia vào hoạt động du lịch, chẳng hạn như: các nhà quản lý các cấp, các nhà quản trị doanh nghiệp, cộng đồng làm du lịch và du khách. Đồng thời, nâng cao nhận thức nhà quản lý về du lịch, doanh nghiệp và cộng đồng về tăng trưởng xanh, kinh tế xanh; phát triển xanh trong phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch, cũng như các dịch vụ du lịch ứng dụng năng lượng xanh, giao thông xanh, tiêu dùng xanh; (2) Nâng cao vai trò nhận thức bảo vệ môi trường du lịch; (3) Ngành du lịch Quảng Ngãi cần liên kết với các đơn vị truyền thông chuyên nghiệp về lĩnh vực du lịch để đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền bảo vệ môi trường, phát triển du lịch xanh cho cộng đồng làm du lịch và du khách.

Tóm lại, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khủng hoảng do dịch bệnh, xung đột thế giới, ngành Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cần nghiên cứu, tìm hiểu và lựa chọn phương thức phù hợp để phát triển du lịch xanh trong bối cảnh tăng trưởng xanh, góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho ngành Du lịch tỉnh Quảng Ngãi phát triển, thật sự trở thành ngành kinh tế chủ lực của Tỉnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Anowar Hossain Bhuiyan, Chamhuri Siwar, Shaharuddin Mohamad Ismail (2012), Green tourism for sustainable regional development in east coast economic region (ECER), Malaysia. Source:  http://www.ssrn.com/link/OIDA-Intl-Journal-Sustainable-Dev.html.
  2. Butler R.W., Nelson J. G. & Wall G.(eds.) (1993), Tourism and Sustainable Development: Mornitoring. Planning, Managing, Waterloo: Heritage Resources Centre, University of Waterloo.
  3. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam (2011), Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Hà Nội.
  4. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam (2012), Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội.
  5. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam (2012), Thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam (Báo cáo quốc gia tại Hội nghị cấp cao của Liện Hợp quốc về Phát triển bền vững Rio+20), Hà Nội.
  6. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam (2018), Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Hà Nội.
  7. Geoffrey Lipman (2014), Green Growth and Travelism : Letters from Leaders
  8. Gobierno de espana, ministerio de industria energia y turismo, secretaría de estado de turismo (2014), “International forum on sustainable tourism development and innovation”, Cartagena de Indias, Colombia, http://cf.cdn.unwto.org,
  9. Hens, L. (1998), The development of indicators and core indicators for sustainable development: A state of the art review. International Journal of Sustainable Development, 11(1/4), 97-118.
  10. Honey M. (2008), Ecotourism and Sustainable Development: Who Owns Paradise?, Island Press, Washington D.C.
  11. Machado A. (2003), Tourism and Sustainable Development, Capacity Building for Tourism Development in VietNam. Vietnam: VNAT and FUDESO.
  12. Tổng cục Du lịch Việt Nam, Quỹ HANNS SEIDEL (1997), Tuyển tập báo cáo tại Hội thảo quốc tế phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam, Huế.
  13. UBND tỉnh Quảng Ngãi (2014), Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, Quảng Ngãi.
  14. UNEP, UNWTO (2005), Making Tourism More Sustainable - A Guide for Policy Makers, Madrid, Spain.
  15. UNWTO (2004), Indicators of Sustainable Development for Tourism Destinations, Madrid, Spain.
  16. UNWTO, UNEP (2008), Tiêu chuẩn du lịch bền vững toàn cầu, Trang thông tin của Tổng cục Du lịch, Hà Nội.

Developing the ecotourism in Quang Ngai province to meet the provincial green growth goals

Master. Phan Thanh Vinh

Lecture, Faculty of Tourism

University of Finance and Marketing

Abstract:

To achieve sustainable socio-economic and environmental development, it is essential for us to promote ecotourism and green growth. Quang Ngai is a coastal province in the South Central Coast of Vietnam. The province is famous for its convenient location, abundant natural resources, diversed cultures, and hospitable people. Quang Ngai province has great potential for the development of ecotourism activities. This paper presents the current ecotouism development of Quang Ngai province, and makes some recommendations about the ecotouism development for Quang Ngai province’s tourism industry to meet the provincial green growth goals.

Keywords: eco-tourism development, green growth, Quang Ngai province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2022]