Tiềm năng phát triển bền vững các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Thạch Thất

PGS.TS. PHẠM THỊ HUYỀN - NGUYỄN THỊ DIỆU HƯƠNG - NGUYỄN THỊ HÀ - TRẦN THU HƯƠNG - NGUYỄN NHÂN ĐỨC - ĐẶNG THẾ ANH (Trường Đại học Kinh tế quốc dân)

TÓM TẮT:

Thạch Thất là một huyện ngoại thành nổi tiếng của thành phố Hà Nội. Với sự đa dạng các làng nghề truyền thống, Thạch Thất đang từng bước chinh phục công cuộc đổi mới và hội nhập với thế giới hiện đại, qua chính những di sản mà cha ông để lại. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội, cùng những chuyển dịch tích cực trong cơ cấu kinh tế - xã hội, huyện Thạch Thất có tiềm năng phát triển mạnh mẽ các giá trị truyền thống lâu đời, trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay. Hệ thống làng nghề phong phú, với 7 loại hình khác nhau, chính là nền tảng để Huyện gia tăng những cơ hội xúc tiến thương mại, đẩy mạnh giao lưu văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội. Song, các làng nghề truyền thống cũng đang phải đối mặt nhiều vấn đề trong bối cảnh toàn cầu hóa và đô thị hóa hiện nay. Bài viết này giới thiệu một số vấn đề và kiến nghị giải pháp cho phát triển bền vững các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Thạch Thất.

Từ khóa: phát triển bền vững, làng nghề truyền thống, huyện Thạch Thất.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, Hà Nội có 308 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận,  thuộc 23 quận, huyện và thị xã. Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, tính đến năm 2019, tổng doanh thu của 308 làng nghề truyền thống và các làng có nghề đạt trên 22.000 tỷ đồng. Là một huyện ngoại thành, Thạch Thất tự hào là mảnh đất có nhiều làng nghề truyền thống, lưu truyền các sản phẩm thủ công chứa đựng các giá trị vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú. Các làng nghề truyền thống của huyện Thạch Thất đã tạo ra một khối lượng hàng hóa lớn, đa dạng, phong phú, phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho nhân dân, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề.

Để phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế làng nghề, trong những năm qua, thực hiện Đề án số 5 về “Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề huyện Thạch Thất giai đoạn 2016 - 2020”, Huyện đã triển khai thành lập mới và mở rộng 6 cụm công nghiệp làng nghề theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của làng nghề. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc về chính sách liên quan đến việc sử dụng đất nông nghiệp và lúng túng trong lộ trình phát triển. Nhiều làng nghề phải chuyển ra các cụm công nghiệp làng nghề, do vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, chất thải, nền tảng sản xuất của các làng nghề chủ yếu là phương thức sản xuất thủ công, mặc dù bước đầu cơ khí hóa nhưng chưa đạt tới trình độ tự động hóa, nên năng suất thấp.

Để làng nghề ở huyện Thạch Thất tiếp tục phát huy giá trị, thực sự đóng góp phát triển vào đời sống kinh tế - xã hội, cần đánh giá tiềm năng phát triển, từ đó đề xuất giải pháp nhằm phát triển bền vững các làng nghề. Nội dung bài viết sẽ tập trung giải đáp vấn đề này.

2. Hệ thống các làng nghề truyền thống tại huyện Thạch Thất

Thạch Thất là huyện có nhiều làng nghề nhất Hà Nội hiện nay, với hệ thống làng nghề phong phú, đa dạng, có bề dày truyền thống lâu đời và nổi tiếng trên toàn quốc. Đến năm 2020, Huyện có hơn 50 làng có nghề, trong đó có 9 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống.

Làng nghề cơ kim khí Phùng Xá xã Phùng Xá. Bắt nguồn từ câu chuyện Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan (1528-1613). Sau khi từ Trung Quốc trở về, ông đã đặt hàng cho người dân Làng nghề kim khí Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Cho đến nay, Làng nghề kim khí Phùng Xá đã phát triển và lớn mạnh thông qua quá trình nghiên cứu và phát triển độc lập, hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ sản xuất và kinh doanh đã xuất hiện. Hiện nay, 100% hộ sản xuất ở Phùng Xá đều sử dụng máy tự động và bán tự động, năng suất lao động tăng gấp hàng chục, đến hàng trăm lần so với sản xuất thủ công trước đây. Ngoài các sản phẩm truyền thống, các hộ sản xuất - kinh doanh trong làng còn sản xuất dây thép, cửa hoa, cửa xếp, bản lề, cửa cuốn và các sản phẩm cơ khí khác đến khung gỗ, thép, xà gỗ,... và cả thép cân, với sản lượng đạt hàng chục tấn/năm. Phùng Xá còn trở thành địa chỉ tin cậy về sửa chữa và sáng chế các loại máy cơ khí. Người Phùng Xá còn tự xây dựng được cầu để phục vụ nhu cầu đi lại, giao lưu của người dân trong vùng.

Làng nghề mây tre giang đan xuất khẩu Thái Hòa, Bình Phú. Xã Bình Phú nổi tiếng với các làng nghề mây giang đan xuất khẩu. Năm 2001, UBND tỉnh Hà Tây đã công nhận 3 làng nghề truyền thống của xã Bình Phú, đó là làng nghề mây giang đan xuất khẩu Bình Xá, Phú Hòa và Thái Hòa. Nghề mây tre giang đan của các làng nghề này đã đem lại cho người dân nơi đây cuộc sống ổn định và sung túc hơn. Bằng cách đan xiên các sợi mây liên kết với các nan giang, các nghệ nhân đã tạo nên nhiều  loại sản phẩm, với yêu cầu tay nghề cao, như: quạt lá đề, mành tre, ấm ủ, rổ, rá,... Tại đây, còn có những cơ sở sản xuất mành tre để xuất khẩu sang các nước châu Âu và tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, nhiều cơ sở sản xuất đồ mộc, đồ gỗ mỹ nghệ mọc lên, giá trị sản xuất của nghề mây giang đan xuất khẩu xã Bình Phú ngày càng ít, số hộ làm nghề trong những năm gần đây giảm. Hiện nay, mỗi làng nghề chỉ còn một ít hộ đan theo đơn đặt hàng, chủ yếu là người già và trẻ em, lao động chính đã chuyển sang làm mộc, đi làm tại các khu công nghiệp.

Làng nghề mộc Chàng Sơn. Làng Chàng Sơn là vùng nổi tiếng với nghề mộc và thủ công mỹ nghệ. Trước năm 1956, làng có tên là Nủa Chàng, từ “Chàng” ở đây là tên gọi của các dụng cụ làm gỗ. Những người thợ Chàng Sơn không chỉ làm nhà, chạm khắc công trình, mà còn làm đồ gỗ cao cấp (bàn ghế, gấp, tủ, đế, cuốn thư,...) và các loại tượng gỗ chạm khắc đa dạng. Sản phẩm của Chàng Sơn không chỉ nổi tiếng ở vùng Thạch Thất, mà còn được tiêu thụ khắp cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Nói về tay nghề của những người thợ thủ công ở Triệu Sơn, nổi tiếng nhất là "18 vị La Hán" và "Tượng Phật" ở Di tích Quốc gia chùa Tây Phương. Làng mộc Trường Sơn có một số sản phẩm đặc biệt được du khách trong và ngoài nước yêu thích, không phải nghệ nhân nào cũng làm được, với chất lượng cao. Chàng Sơn đã được Hội Làng nghề Việt Nam công nhận là “Làng nghề truyền thông tiêu biểu Việt Nam”. Chàng Sơn hiện có hàng trăm cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nghề mộc. Chàng Sơn cũng đã quy hoạch một khu làng nghề truyền thống, trong đó có những siêu thị đồ gỗ cao cấp.

Làng nghề mộc Hữu Bằng. Làng Hữu Bằng nổi tiếng với thương hiệu đồ gỗ nội thất giá rẻ, mà chất lượng không kém đồ gỗ cao cấp. Điểm khác biệt của Làng nghề chế biến gỗ Hữu Bằng là các sản phẩm được chế tác cẩn thận, chất lượng dành cho tầng lớp người tiêu dùng phổ thông trên cả nước. Một số xưởng tại đây đã sản xuất các sản phẩm thân thiện với người dùng như giường tủ, bàn ghế,… bằng gỗ tự nhiên hoặc gỗ công nghiệp để phục vụ thị trường đại chúng. Làng nghề nội thất Hữu Bằng là một làng nghề còn non trẻ so với các làng nghề truyền thống ở Chàng Sơn. Song thợ gỗ Hữu Bằng cũng không thua kém gì những nghệ nhân đồ gỗ của các làng nghề thủ công mỹ nghệ khác. Năm 2001, Làng nghề thủ công mỹ nghệ được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chính thức công nhận là Làng nghề truyền thống. Hiện nay, xã Hữu Bằng có hơn 3.250 nông dân làm nghề chế biến gỗ đem lại nguồn thu nhập chính cho lao động địa phương.

Làng nghề mộc xây dựng Canh Nậu. Xã Canh Nậu được biết đến là nơi làm đồ thờ bằng gỗ. Các sản phẩm ở đây hầu hết được làm từ gỗ tự nhiên và do các cá nhân đến đặt trực tiếp với chủ xưởng, nên mỗi sản phẩm lại có nét đẹp, nét đặc trưng riêng. Sản phẩm đặc trưng của làng nghề là: đồ gỗ nội thất gia đình, đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, sập gụ, tủ chè, đồ gỗ giả cổ,... Những loại gỗ chủ yếu được sử dụng ở đây là gụ, hương, sồi, lim,... Đó chính là nguyên liệu để các làng nghề phát triển mặt hàng đồ gỗ nội thất cao cấp và sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay, cuộc sống phát triển ngày càng hiện đại với những không gian nhà thiết kế hiện đại và gỗ tự nhiên ngày càng trở nên khan hiếm. Điều đó dẫn đến xu hướng dịch chuyển chung là các đồ nội thất hiện đại dần chiếm ưu thế so với đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống, sản phẩm nội thất làm từ các nguyên liệu công nghiệp như gỗ công nghiệp, nhựa,… cũng được ưu tiên hơn gỗ tự nhiên.

Làng nghề mộc, xây dựng Di Nậu. Làng Dị Nậu ban đầu có nghề xây dựng chứ không phải nghề mộc. Người làng Dị Nậu đi bốn phương xây dựng nhà cửa, rồi học và theo nghề mộc, dần dần phát triển qua nhiều thế hệ. Bởi vậy, ngày nay, làng Dị Nậu có 2 nghề truyền thống là mộc và nề (xây dựng). Hiện nay, hơn một nửa số gia đình ở xã Dị Nậu làm nghề mộc. Trong số đó, các xưởng gỗ của người dân phần lớn gắn liền với khu vực sinh hoạt của gia đình. Sản phẩm chính của làng nghề Dị Nậu là đồ mộc dân dụng, đồ gỗ giả cổ, mỹ nghệ cao cấp, khuôn cửa công trình, nhà gỗ,… và tập trung nhiều vào các sản phẩm như sập, tranh, tủ chè, đồ thờ. Nghề mộc trên địa bàn xã ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, hàng năm thu hút hàng nghìn lao động; tạo cơ hội việc làm cho nhiều lao động xã hội và một số cộng đồng lân cận, góp phần nâng cao thu nhập; thúc đẩy kinh tế làng nghề phát triển bền vững.

Làng nghề chè lam Thạch Xá. Món chè lam Thạch Xá được phát triển từ thời Lê, đầu thế kỷ 15, được tồn tại cho đến ngày nay bởi loại bánh thơm có công thức rất đặc biệt sử dụng nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên và đòi hỏi công đoạn tỉ mỉ, nhạy bén với khẩu vị của người Thái. Năm 2004, Thạch Xá được công nhận là làng nghề truyền thống. Đây là dấu mốc quan trọng để chè Thạch Xá trở thành đặc sản quý hiếm ở Hà Nội và thậm chí cả nước. Làm chè lam ở Thạch Xá không chỉ là nghề truyền thống, mà còn là bí quyết phát triển kinh tế của một số gia đình nơi đây. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn nhất định trong phát triển làng nghề, trong đó quan trọng nhất là khâu cung ứng, bảo quản thị trường tiêu thụ và nguồn nguyên liệu.

3. Cơ hội phát triển và thách thức cho phát triển bền vững các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Thạch Thất

3.1. Cơ hội phát triển

Hiện nay, việc phát triển làng nghề đóng vai trò gìn giữ giá trị văn hóa và tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương. Thực tế cho thấy, khu vực nông thôn luôn là “bệ đỡ” của nền kinh tế khi Việt Nam rơi vào khủng hoảng. Chính vì vậy, Chính phủ, các Bộ, ngành đều đã có những chương trình chính sách nhằm bảo tồn, phát triển các làng nghề ở nông thôn không chỉ ở huyện Thạch Thất mà còn trên phạm vi khắp cả nước, ví dụ như Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg ngày 24/1/2000 về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn, Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 7/7/2006 về phát triển ngành nghề nông thôn và được cụ thể hóa bằng Thông tư số 116/2006/TT-BNN,… được đưa ra về việc khuyến khích phát triển ngành nghề ở nông thôn; quy định về các tiêu chí, thủ tục công nhận nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống; phê duyệt các chương trình đào tạo nhằm phát triển những kỹ năng liên quan,… Ngoài ra, còn có những chương trình tôn vinh những cá nhân đã có công lao nhất định trong việc lưu giữ, phát triển các ngành nghề này như “Nghệ nhân Nhân dân"; “Nghệ nhân Ưu tú" trong Luật Thi đua khen thưởng.

Trên cơ sở đó, các chương trình xúc tiến thương mại cho làng nghề, làng nghề truyền thống cùng với sự giúp đỡ của nhiều tổ chức như Cục Xúc  tiến  thương  mại, Cục  Công  nghiệp  địa phương  và  các  Trung  tâm  khuyến  công  địa  phương,  Phòng Thương  mại  và Công nghiệp Việt Nam đã được triển khai, nhằm phát triển bền vững các làng nghề truyền thống. Mặt khác, làng nghề truyền thông cũng chủ động khai thác thương mại điện tử nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh, giải quyết, hạn chế những khó khăn về không gian, thời gian, đặc biệt trong việc tiếp cận thị trường thế giới.

Với một hệ thống làng nghề đa dạng phong phú, có bề dày lịch sử, cũng như tiếng vang trên khắp cả nước, Thạch Thất luôn hàm chứa rất nhiều cơ hội phát triển. Cụ thể, yếu tố lâu đời kết hợp với nhiều nghề tiểu thủ công cùng tồn tại và phát triển song song với nhau tạo nên sự liên kết, tương hỗ giữa nghề với nghề. Thêm vào đó là một số điểm thuận lợi có thể kể đến như hệ thống giao thông để chung chuyển nguyên vật liệu, sản phẩm với các vùng khác, giao thương của làng nghề; cơ cấu lao động trong các ngành nghề chiếm tỷ lệ khá lớn, tập trung mọi thành phần, mọi độ tuổi, giới tính tham gia.

Bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống ở huyện Thạch Thất đều có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và có bề dày văn hóa lịch sử. Quần thể kiến trúc đi kèm như đình, chùa,… mỗi làng nghề đều có những nét đặc trưng riêng vô cùng đa dạng, phong phú tạo nên không gian du lịch lý tưởng. Vì vậy, tiềm năng phát triển du lịch của Thạch Thất rất lớn. Tiềm năng này vừa giúp các làng nghề truyền thống giới thiệu hình ảnh, vừa là kênh tiêu thụ, cơ hội mở rộng thị trường, phát triển ngành Du lịch trong làng qua đó làm tăng thu nhập, có điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang hơn.

3.2. Thách thức

Thứ nhất, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và quá trình đô thị hóa hiện nay đã khiến cho một số làng nghề có nguy cơ bị xóa bỏ. Quá trình đô thị hóa khiến cho đất cho việc phát triển làng nghề trở nên hạn hẹp hơn, khi đất đai trở nên món hàng khan hiếm, giá trị được đẩy lên cao, người dân làm nghề có thể có được một khoản tiền lớn (để đầu tư, để gửi ngân hàng) với thu nhập cao hơn nhiều so với làm nghề. Chính vì vậy, các làng nghề ngoài việc mất đi không gian, mà còn có nguy cơ mất đi nguồn nhân lực làm nghề. 

Thứ hai, Việt Nam gia nhập WTO đã tạo thị trường mở cho nhiều làng nghề, nhưng cũng tạo sự cạnh tranh sản phẩm của các làng nghề ngày càng gay gắt hơn, nhất là khi mạng lưới liên kết các hộ sản xuất với doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp còn chưa cao. Các sản phẩm truyền thống ngày càng khó khăn hơn trong việc tìm đầu ra ổn định khi đối mặt với các sản phẩm sản xuất công nghiệp với giá bán rẻ hơn và mẫu mã đẹp hơn.

Thứ ba, dù huyện Thạch Thất đã nỗ lực để đào tạo và bồi dưỡng nhân lực, song thực tế làm nghề lại là những lao động không được đào tạo bài bản, chuyên sâu, gặp khó khăn khi áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ. Số lượng những thợ kỹ thuật chuyên đi vào nghiên cứu, sáng tác mẫu mã thực sự còn ít, chưa có sự bài bản trong đào tạo. Quyền lợi của người lao động, bảo hộ lao động chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng sử dụng lao động trẻ em dễ dẫn đến nhiều hệ luỵ xấu.

Thứ tư, một số làng nghề đang đứng trước tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Sự phát triển của nghề tỷ lệ nghịch với diện tích mặt bằng sản xuất. Các hộ sản xuất phải tận dụng tối đa diện tích nhà làm nơi sản xuất. Bên cạnh đó, việc lấn chiếm, lấp ao, hồ của một số hộ gia đình để mở rộng diện tích làm sản xuất, chứa nguyên vật liệu, sản phẩm đã khiến cho diện tích ao, hồ ngày càng bị thu hẹp, gây tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, bụi và không khí, ảnh hưởng đến cuộc sống dân cư, nhất là khu vực nội làng, nơi tập trung dân cư đông đúc.

Thứ năm, một điều đặc biệt quan trọng, đó là chính quyền địa phương chưa nhận thức được và chưa thực sự có biện pháp thực hiện triệt để nhằm gắn kết giữa phát triển kinh tế làng nghề, cải thiện đời sống vật chất của người dân, bảo vệ môi trường.

Cuối cùng, trong bối cảnh hiện nay, sự biến đổi văn hóa cũng là một trong số những thách thức lớn đối với các làng nghề nói chung và làng nghề truyền thống ở Thạch Thất nói riêng. Cơ chế thị trường cũng đã tạo ra lối sống thị trường và những suy thoái lệch lạc trong quan niệm sống của một số bộ phận người dân trong các làng nghề, nhất là trong giới trẻ. Khi các sản phẩm của làng nghề truyền thống không còn giữ được chất truyền thống và chất lượng, thì cơ hội cho phát triển bền vững các làng nghề chắc chắn sẽ giảm đi. Việc xác định được những thách thức nêu trên có thể là cơ sở để có các giải pháp phát triển bền vững các làng nghề truyền thống và tiếp tục lưu truyền các giá trị văn hóa ngày xưa.

4. Một số đề xuất giải pháp phát triển bền vững làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Thạch Thất

Thứ nhất, cần tạo cơ hội việc làm cho người làm nghề, từ đó đảm bảo an sinh xã hội cho chính người làm nghề. Điều đó xuất phát từ vấn đề thị trường. Kết nối thị trường và phát triển bền vững thị trường cho các sản phẩm làng nghề là giải pháp đáng tin cậy nhất trong bối cảnh hiện nay.

Thứ hai, thay đổi tư duy “hữu xạ tự nhiên hương”, phát triển các chương trình khuyến công, marketing cho các sản phẩm làng nghề, gắn sản phẩm làng nghề với du lịch địa phương.

Thứ ba, phát triển du lịch cộng đồng, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và thương mại hóa các sản phẩm làng nghề kết hợp du lịch.

Thứ tư, đào tạo bồi dưỡng cho người làm nghề, ghi nhận và biểu dương các tấm gương làm nghề để thúc đẩy các thế hệ tiếp nối nghề truyền thống.

Thứ năm, áp dụng các giải pháp đồng bộ để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng cường các giải pháp giảm thiểu rác thải; quản lý tốt tình trạng di dân để giãn cách dân cư, đảm bảo diện tích làm nghề. 

Thứ sáu, áp dụng các biện pháp thực hiện triệt để nhằm gắn kết giữa phát triển kinh tế làng nghề, cải thiện đời sống vật chất của người dân, bảo vệ môi trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. QT (2020). Hà Nội - Những nét văn hóa mang đậm giá trị nghìn năm. Truy cập tại https://hanoi.dangcongsan.vn/ thu-do-van-hien/ha-noi-nhung-net-van-hoa-mang-dam-gia-tri-nghin-nam-565549.html
  2. Nguyễn Hương (TTCN). Hà Nội: “Đất trăm nghề”, giải pháp phát triển. Truy cập tại http://arit.gov.vn/tin-tuc/ha-noi-dat-tram-nghe-giai-phap-phat-trien-6cf3bc37_4097/
  3. Đức Long (2021). Thạch Thất phát huy tiềm năng, lợi thế làng nghề. Truy cập tại: http://sovhtt.hanoi.gov.vn/ thach-that-phat-huy-tiem-nang-loi-the-lang-nghe/
  4. Cổng thông tin điện tử huyện Thạch Thất (2010). Các làng nghề truyền thống huyện Thạch Thất. Truy cập tại https://thachthat.hanoi.gov.vn/sr_RS_latin/lang-nghe-truyen-thong/-/news/SVzLSt4jNFBs/1/11792.html; jsessionid=Wr3z9TaV5DQTDvQHu46VoJZN.app2'
  5. Thảo Vy - Công Đạt (2019). Chè lam Thạch Xá. Truy cập tại https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/che-lam-thach-xa/415212.html
  6. Báo điện tử Về Làng. Nghề Mộc ở Hữu Bằng. Truy cập tại: https://velang.vn/lang-que-viet/ha-noi/thach-that/nghe-moc-o-huu-bang/
  7. Báo Hà Tây (2020). Tìm hiểu Làng nghề đồ gỗ thạch thất Hà Tây. Truy cập tại https://langngheviet.com.vn/ lang-nghe-nghe-nhan/tim-hieu-lang-nghe-do-go-thach-that-ha-tay-va-kinh-nghiem-mua-do-o-day.html23247
  8. trinhup. 14 Làng nghề mộc nội thất đồ gỗ tại Hà Nội. Truy cập tại https://topnoithat.com/lang-nghe-moc-noi-that-do-go-tai-ha-noi/1_lang_nghe_do_go_noi_that_huu_bang_8211_thach_that_ha_noi
  9. Trần Văn Trường (2021). Kinh tế - xã hội phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên. Truy cập tại https://langngheviet.com.vn/van-hoa-xa-hoi/huyen-thach-that-ha-noi-kinh-te-xa-hoi-phat-trien-doi-song-nhan-dan-khong-ngung-duoc-nang-len.html26426
  10. Phí Thị Bình (2011). Về cơ hội và thách thức của các làng nghề truyền thống hiện nay (trường hợp làng nghề mộc Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội). Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, 11, 48-54.

THE POTENTIAL TO DEVELOP TRADITIONAL

CRAFT VILLAGES IN THACH THAT DISTRICT SUSTAINBLY

• Assoc.Prof. Ph.D PHAM THI HUYEN1

• NGUYEN THI DIEU HUONG1

• NGUYEN THI HA1

• TRAN THU HUONG1

• NGUYEN NHAN DUC1

• DANG THE ANH1

1National Economics University

ABSTRACT:

Thach That is a famous suburban district of Hanoi city thanks to its traditional craft villages. The district is gradually integrating into the modern world by exploiting its heritage. With an outstanding economic growth rat and positive changes in socio-economic structure, Thach That district has the potential to strongly develop long-standing traditional values in the context of Hanoi’s urbanization process. The rich system of craft villages with 7 different types is the foundation for the district to open up trade opportunities, promote cultural exchanges and ensure social security. However, traditional craft villages in Thach That district are facing many problems in the context of current globalization and urbanization. This paper points out some issuees and proposes a number of solutions for the sustainable development of traditional craft villages in Thach That district.

Keywords: sustainable development, traditional craft village, Thach That district.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27, tháng 12 năm 2021]