[Tọa đàm trực tuyến] Gia tăng kênh thương mại điện tử, tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Tọa đàm “Gia tăng kênh thương mại điện tử, tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” do Tạp chí Công Thương tổ chức sẽ phát trực tuyến trên nền tảng Tạp chí Công Thương điện tử và Fanpage Tự hào hàng Việt Nam vào 9h30 ngày 16/10/2023.
Gia tăng kênh thương mại điện tử, tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Nhằm đề xuất giải pháp giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đặc sản địa phương thông qua thương mại điện tử, Tạp chí Công Thương tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Gia tăng kênh thương mại điện tử, tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi"

Thời gian qua, để nâng cao vai trò của thương mại điện tử và phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã đặc biệt quan tâm và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đặc sản địa phương thông qua thương mại điện tử.

Trong đó, các Bộ, ngành, địa phương đã phối hợp với những nền tảng thương mại điện tử lớn như Postmart, Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Lazada … hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hoá trên thương mại điện tử.  Nhờ vậy, nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản Miến dong Cao Bằng, Hồng trà Phìn Hồ (Hà Giang), Gạo Séng Cù (Lào Cai), Nấm hương Cao Bằng… đã được đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử, mang đến làn sóng mới trong sản xuất kinh doanh và giảm sự phụ thuộc vào phương thức bán hàng truyền thống.

Các địa phương có vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng kịp thời nắm bắt cơ hội, tận dụng ưu thế của thương mại điện tử để chủ động phân phối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho người dân địa phương. Từ năm 2022 đến nay, huyện Yên Châu, Sơn La đã phối hợp tổ chức các hội nghị tập huấn về quy trình tham gia quảng bá, giới thiệu bán hàng trên các sàn thương mại điện tử lớn và các nền tảng số đa kênh tiktok, zalo, facebook... Đến nay, riêng Yên Châu có 10 mặt hàng nông sản, 6 sản phẩm đặc sản đưa lên các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng mô hình sàn đặc sản địa phương trên các sàn thương mại điện tử. Theo đó, khi tham gia mô hình sàn đặc sản địa phương, mỗi tỉnh thành, địa phương sẽ được thiết lập một gian hàng đặc sản trên các sàn thương mại điện tử lớn, trong đó sẽ tập trung tất cả doanh nghiệp sản xuất và các sản phẩm của tỉnh để thuận tiện cho việc quản lý, điều phối, vận hành và phân phối sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.

Với những nỗ lực cùng sự kết nối của Bộ ngành trung ương và  sở, ban, ngành địa phương với các nền tảng thương mại điện tử, các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ  đặc sản địa phương hứa hẹn mang lại giá trị thiết thực cho cả doanh nghiệp sản xuất, cũng như người tiêu dùng. 

Tuy nhiên, thực tế số lượng doanh nghiệp ở các địa phương có thể tự đưa sản phẩm lên các kênh thương mại điện tử còn khiêm tốn. Việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đối với các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, cũng như bà con chưa mang lại giá trị như mong muốn. Điều này rất cần sự hiệp lực từ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp sản xuất và cả các nền tảng thương mại điện tử để đưa ra các giải pháp mở rộng kênh thương mại điện tử có giá trị thiết thực trong tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Vấn đề này sẽ được chia sẻ dưới góc nhìn đa dạng và sâu sắc tại Tọa đàm với chủ đề “Gia tăng kênh thương mại điện tử, tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” do Tạp chí Công Thương thực hiện.

Tọa đàm có sự tham dự của các vị khách mời:

- Ông Nguyễn An Sơn, Trưởng phòng Phát triển dự án, Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương;

- Bà Hoàng Thị Huyền, Trưởng phòng Kinh doanh Online, Trung tâm kinh doanh và phân phối, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam

- Bà Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc Hợp tác xã 3T Farm.

- Ông Phạm Thành Nam, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến công & Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh.

Tại Tọa đàm, các vị khách mời cùng thảo luận và chia sẻ những kinh nghiệm thực tế, những thuận lợi và khó khăn khi đem sản phẩm hàng hoá của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên quảng bá tại các sàn thương mại điện tử.

Đồng thời, đề ra giải pháp, định hướng thúc đẩy, sử dụng các kênh thương mại điện tử để mở rộng và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới.

Qua đó, đưa sản phẩm, hàng hoá của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu ra nước ngoài, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.

Trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi.

Streaming:

Facebook Fanpage Tự hào hàng Việt

https://www.facebook.com/TuhaohangVietNam.vn

Website Tạp chí Công Thương

http://tapchicongthuong.vn

và Kênh Youtube Tạp chí Công Thương

https://www.youtube.com/@tapchicongthuongofficial

Huyền My