Thông qua công tác tuyên truyền, các hoạt động xúc tiến thương mại cùng với việc gắn kết sản phẩm OCOP với các điểm tham quan, du lịch cũng tạo thêm cơ hội và điều kiện để du khách trong và ngoài nước biết đến sản phẩm OCOP của tỉnh Vĩnh Phúc nhiều hơn.
Sản phẩm lưu niệm - “mỏ vàng” cho sản phẩm OCOP
Theo số liệu từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh có hơn 500 di tích được xếp hạng; 571 di sản văn hóa phi vật thể. Cùng với đó là nhiều danh lam, thắng cảnh; 28 làng nghề truyền thống và hơn 30 món ngon đặc sắc được Nhân dân địa phương duy trì và phát triển, tạo điểm nhấn trong hoạt động văn hóa, du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Về lượng khách và tổng doanh thu du lịch của tỉnh trong những năm gần đây luôn có sự tăng trưởng tốt.
Nếu như năm 2018, tỉnh thu hút được 5,2 triệu lượt khách du lịch thì đến năm 2022, lượng khách lên tới 8,2 triệu lượt. Doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2022 đạt 3.282 tỷ đồng, tăng 1.612 tỷ đồng so với năm 2018. Hết tháng 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh đón gần 7,7 triệu lượt khách, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu du lịch ước đạt gần 3.000 tỷ đồng. Để khuyến khích du khách chi tiêu, tạo “cú huých” thúc đẩy ngành du lịch, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục có nhiều giải pháp hỗ trợ nhằm đẩy mạnh phát triển, nghiên cứu, kinh doanh, đa dạng hóa chủng loại, mẫu mã bộ quà tặng, sản phẩm lưu niệm du lịch từ các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Nhận thức được tầm quan trọng của sản phẩm lưu niệm, quà tặng trong phát triển, quảng bá du lịch, những năm qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung khai thác nét đặc sắc về văn hóa để phát triển, đa dạng hóa chủng loại, mẫu mã sản phẩm quà tặng du lịch. Năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch với 11 mẫu, sản phẩm đã được trao giải thưởng. Tiếp đến, năm 2022, tỉnh đã công bố danh sách mẫu sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó chủ yếu là các sản phẩm OCOP như bộ sản phẩm được sản xuất từ mật ong, trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo Tam Đảo, rượu cỏ đĩ, gạo Phú Xuân, thanh long ruột đỏ, cao rắn gia truyền...
Cùng với sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, nhiều doanh nghiệp, người dân đã chủ động tìm tòi hướng đi; đầu tư trang thiết bị, nghiên cứu cho ra mắt nhiều bộ quà tặng du lịch để lan tỏa sản phẩm đặc trưng của địa phương đến mọi miền. Tiêu biểu phải kể đến Công ty cổ phần Ong Tam Đảo với hàng chục sản phẩm chế biến từ mật ong; HTX Nấm Tam Đảo với các sản phẩm từ nấm, đông trùng hạ thảo, được du khách đánh giá cao về chất lượng, tính thẩm mỹ.
Bà Trần Thị Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch quốc tế Tsubame khẳng định: Sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch có ý nghĩa cả về kinh tế lẫn văn hóa tinh thần. Thông qua đó, không chỉ góp phần tăng doanh thu cho hoạt động du lịch mà còn tạo dấu ấn riêng, lan tỏa nhiều hơn hình ảnh về đất và người Vĩnh Phúc đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đối với Tsubame, dù mới đi vào kinh doanh chưa lâu, song, lĩnh vực dịch vụ quà tặng, sản phẩm lưu niệm du lịch đã đem lại doanh thu đáng kể cho công ty. Đặc biệt, trong các set quà của công ty có tới 60% là các sản phẩm OCOP Vĩnh Phúc.
Việc sử dụng các sản phẩm OCOP làm quà tặng lưu niệm là một cách thức quảng bá hoàn toàn mới và mang lại hiệu quả thiết thực. Điều này không chỉ tận dụng được lợi thế của chính các doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, mà hơn hết thông qua các sản phẩm OCOP còn góp phần quảng bá du lịch, hình ảnh về đất và người Vĩnh Phúc đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Đưa sản phẩm OCOP vào các điểm dừng chân
Bà Lê Thị Phượng, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Tam Đảo Xanh cho biết, ngay từ khi bắt đầu có ý tưởng xây dựng Trạm dừng nghỉ IC4 Tam Đảo Xanh, Ban Giám đốc Công ty đã thống nhất quan điểm đây không chỉ là điểm đón trả khách an toàn đối với hành khách mà còn là điểm giới thiệu, kinh doanh các sản phẩm OCOP, nhất là sản phẩm mang đặc trưng riêng của Vĩnh Phúc. Đồng thời là nơi để du khách nghỉ ngơi, thư giãn sau chặng đường dài, có thể thưởng thức ẩm thực với hệ thống nhà hàng lớn phục vụ hàng trăm lượt khách/ngày và 24/24h.
Theo tôn chỉ này, ngay từ khi khai trương, nhiều đặc sản, sản phẩm OCOP của Vĩnh Phúc đã được bày bán tại cửa hàng như: Mật ong Tam Đảo, trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo Tam Đảo, rượu ba kích Tam Đảo... cộng thêm lợi thế ở gần điểm lên, xuống đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thuận tiện đối với các tài xế để dừng, đỗ xe nên trung bình mỗi ngày, Trạm dừng nghỉ IC4 Tam Đảo Xanh thu hút hàng trăm lượt khách, những ngày cuối tuần lên tới hàng nghìn lượt khách.
Không chỉ Trạm dừng nghỉ IC4 Tam Đảo Xanh, trên tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua địa phận tỉnh còn có Trạm dừng nghỉ Phước An tại huyện Bình Xuyên cũng đang được du khách khá hài lòng về chất lượng dịch vụ. Tại đây, nhiều sản phẩm OCOP của Vĩnh Phúc và các tỉnh, thành trong cả nước được bày bán phong phú, đẹp mắt, tạo thuận lợi cho du khách tham quan, lựa chọn. Đặc biệt, cửa hàng còn nhận tổ chức sự kiện đặt cơm, lẩu, tiệc cho các đoàn tour du lịch và phục vụ đầy đủ nhu cầu ăn uống, giải khát và đổ xăng 24/7 nên được nhiều khách hàng đánh giá cao.
Đánh giá về kênh bán hàng mới mẻ này, đại diện nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đều cho rằng, với hơn 100 sản phẩm OCOP đã được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, 3 sao, việc đưa sản phẩm vào các trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là một trong những hướng tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, mang lại lợi ích cho cả chủ thể OCOP và đơn vị trung gian, kinh doanh phân phối sản phẩm.
Nhân rộng điểm bán hàng OCOP
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động phối hợp với các cơ quan trung ương, địa phương, sở ngành tổ chức nhiều hội chợ với quy mô khu vực, kết nối kinh tế vùng miền và hội chợ kích cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; Triển khai nhiều điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại trung tâm các huyện, các siêu thị, chung cư và khu du lịch trên địa bàn tỉnh.
Tính riêng trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khai trương 2 gian hàng giới thiệu, cung cấp các sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh đặt tại Trạm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp thuộc Trung tâm Khuyến nông tại km6, xã Kim Long, huyện Tam Dương và Trung tâm Giống nông nghiệp thuộc địa phận xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương; Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh đã phối hợp cùng các hợp tác xã, chủ cơ sở sản xuất mở 5 điểm trưng bày, giới thiệu, cung cấp sản phẩm OCOP tại thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và thị trấn Tam Đảo (Tam Đảo).
Các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP được mở rộng, giúp cho người dân và du khách thuận tiện hơn trong mua sắm sản phẩm OCOP, các sản phẩm nông sản chất lượng cao của tỉnh; đặc biệt, các chủ thể OCOP sẽ không còn phải tìm kiếm khách hàng riêng lẻ, thay vào đó là có một ngôi nhà chung – là kênh giới thiệu sản phẩm hữu hiệu. Việc nhân rộng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh sẽ là kênh giới thiệu và quảng bá những sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến với đông đảo người dân cũng như khách du lịch, tăng thêm niềm tin cho người tiêu dùng, qua đó, sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng của địa phương từng bước được người tiêu dùng nhận diện, lựa chọn sử dụng.
Với cách tiếp cận mới, bài bản và khoa học, các điểm bán, giới thiệu sản phẩm OCOP Vĩnh Phúc sẽ còn được nhân rộng trong thời gian tới. Đây là những địa chỉ tin cậy nhằm quảng bá và giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của tỉnh đã được cơ quan cấp tỉnh đánh giá, thẩm định và công nhận theo các tiêu chí quy định, đến với du khách và người tiêu dùng tin tưởng và mua sắm sử dụng sản phẩm; đồng thời, đây cũng là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động quảng bá, liên kết hợp tác và tiêu thụ sản phẩm.
Đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, Sở Công Thương Vĩnh Phúc đã chủ động phối hợp với các cơ quan trung ương, địa phương, sở ngành tổ chức nhiều hội chợ với qui mô khu vực, kết nối kinh tế vùng miền và hội chợ kích cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, sắp xếp nhiều gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh.
Bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ kinh doanh mở thêm nhiều điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, Sở Công Thương sẽ là đầu mối kết nối các sản phẩm OCOP vào hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, hệ thống thương mại trên địa bàn giúp các sản phẩm OCOP đến gần với người dân hơn. Đồng thời, Sở Công Thương cũng tham gia nhiều gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP Vĩnh Phúc ở các hội thảo, hội nghị xúc tiến thương mại ở một số tỉnh thành trong cả nước. Đây là cơ hội để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tiêu biểu, thế mạnh của Vĩnh Phúc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh trong tỉnh kết nối thị trường tiêu thụ, hợp tác và phát triển.
Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển là cơ hội thuận lợi để đưa các sản phẩm OCOP vào quảng bá, tiêu thụ. Trên cơ sở đó, ngành Công Thương đã tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm OCOP vào các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi bán lẻ… giúp sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh có cơ hội nâng cao sức tiêu thụ, mở rộng thị trường.
Nhằm tìm kiếm đầu ra cũng như lan tỏa các giá trị của những sản phẩm OCOP, trong giai đoạn 2021- 2025, Vĩnh Phúc tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm cộng đồng, sản phẩm chủ lực có lợi thế ở mỗi địa phương.
Đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, phấn đấu hình thành từ 10- 12 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các trung tâm thương mại (GO!BigC, Co.opmart…), khu du lịch (Tam Đảo, Tây Thiên…), khu đô thị trên địa bàn tỉnh, trung tâm hành chính cấp tỉnh, huyện.
Thực hiện tốt quy hoạch tổng thể, định hướng phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, chú trọng xây dựng các sản phẩm OCOP thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ, du lịch, lễ hội…; xây dựng hệ thống tư vấn hỗ trợ, đối tác thực hiện chương trình.
Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế về triển khai chương trình OCOP để trao đổi kinh nghiệm và quảng bá, xuất khẩu các sản phẩm OCOP đến các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài.