Xu hướng mở ngành Kiểm toán tại các trường đại học

THS. NGUYỄN THỊ HẢI VÂN (Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Với tính đặc thù và tầm quan trọng trong nền kinh tế cạnh tranh cao, ngành Kiểm toán được các trường chú trọng đào tạo, thay vì vị trí chuyên ngành sâu của ngành kế toán như trước đây. Bài viết này sẽ phân tích những triển vọng và các hướng mở ngành Kiểm toán trong giai đoạn hiện nay và đưa ra đề xuất cho việc mở ngành Kiểm toán của nhà trường trong thời gian tới.

Từ khóa: kế toán, kiểm toán, ngành Kế toán, ngành Kiểm toán, ACCA, ICAEW, CPA Úc.

1. Đặt vấn đề

Theo thông tin của Bộ Tài chính, cả nước hiện có khoảng trên 5.000 kiểm toán viên được cấp chứng chỉ, trong đó có khoảng trên 3.000 người được cấp giấy chứng nhận hành nghề Kiểm toán. Tuy nhiên, lực lượng này còn quá mỏng, chưa đủ để kiểm toán hàng vạn doanh nghiệp hiện nay. Để giải quyết bài toán nhân lực ngành Kiểm toán, Bộ Tài chính đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 phải tăng trưởng số lượng công ty kiểm toán lên khoảng 500 đơn vị, với khoảng trên 20.000 kiểm toán viên hành nghề trên cả nước.

Để phát triển ngành Kiểm toán ở Việt Nam, Quốc hội đã ban hành một số luật như: Luật Kiểm toán độc lập, số 67/2011/QH12 ngày 29/03/2011; Luật Kiểm toán nhà nước, số 81/2015/QH13 ngày 24/06/2015 và đã chính thức ra Nghị định 05/2019/NĐ-CP về Kiểm toán nội bộ, với mục tiêu nhằm góp phần công khai, minh bạch thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị được kiểm toán và doanh nghiệp, tổ chức khác; làm lành mạnh môi trường đầu tư; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng; phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành kinh tế, tài chính của Nhà nước và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương với các nước để thu hút và phát triển các chi nhánh kiểm toán, các doanh nghiệp liên doanh kiểm toán mang tính toàn cầu hóa cho ngành Kiểm toán tại Việt Nam. Hiện nay, một số trường đại học đã bắt đầu xây dựng chương trình đào tạo và đưa kiểm toán vào giảng dạy chuyên sâu với mục tiêu đào tạo những kiểm toán viên chuyên nghiệp, trong đó có Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính,…

Như vậy, việc mở ngành đào tạo kiểm toán trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, nhằm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực kiểm toán, đặc biệt là nguồn nhân lực kiểm toán có chất lượng cao cho các công ty kiểm toán, các cơ quan kiểm toán nhà nước, các tập đoàn, các tổng công ty đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

2. Nội dung đào tạo ngành kiểm toán

Kiểm toán là quá trình thu thập, đánh giá và xác thực những con số báo cáo tài chính do bộ phận kế toán cung cấp. Từ đó, đội ngũ kiểm toán sẽ đưa ra nhận định về thực trạng hoạt động tài chính của doanh nghiệp hoặc tổ chức. Để làm được việc trên, kiểm toán viên sẽ dùng các phương pháp đối chiếu, diễn giải thông tin, điều tra, quan sát, kiểm kê và thử nghiệm để xác minh tính đúng đắn của tài liệu và tính hợp pháp của các báo cáo tài chính của công ty hay tổ chức đó.

Kiểm toán gồm nhiều lĩnh vực như kiểm toán về thông tin, kiểm toán hiệu quả, kiểm toán tính quy tắc và kiểm toán hiệu năng. Phân loại kiểm toán theo chủ thể sẽ có 3 loại, đó là: 

- Kiểm toán Nhà nước: Được thực hiện theo quy định pháp luật và do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Đối tượng của kiểm toán nhà nước là các doanh nghiệp trực thuộc nhà nước.

- Kiểm toán độc lập: Được tiến hành bởi các kiểm toán viên tại các công ty độc lập chuyên về dịch vụ kiểm toán. Ngoài việc kiểm toán những báo cáo tài chính như thông thường, các công ty kiểm toán độc lập còn có các dịch vụ khác về tài chính và kinh tế tùy theo yêu cầu của khách hàng. Đây là loại kiểm toán nhận được sự tin cậy từ bên thứ ba hay những nhà đầu tư.

- Kiểm toán nội bộ: Là những kiểm toán viên trong nội bộ một công ty, tổ chức thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của các thành viên Hội đồng quản trị hoặc Ban giám đốc. Những báo cáo kiểm toán thường chỉ được sử dụng trong nội bộ công ty.

Sinh viên theo học ngành kiểm toán sẽ được trang bị khối kiến thức về thu thập, xử lý, kiểm tra và cung cấp thông tin tài chính, hiệu quả hoạt động kinh doanh thông qua các nghiệp vụ của kế toán như: 

  • Tính toán chi phí
  • Làm dự toán
  • Phân bổ ngân sách
  • Quản lý doanh thu.

Sinh viên được trang bị các kỹ năng chuyên môn cần thiết như đọc báo cáo tài chính, phân tích tài chính, các kỹ năng thương lượng, đàm phán,... Bên cạnh kiến thức chuyên môn, sinh viên còn được trang bị thêm các kỹ năng mềm, như: làm việc nhóm, ngoại ngữ, tin học, lập kế hoạch, giải quyết tình huống trong Kế toán - Kiểm toán,… để tự tin hòa nhập vào môi trường làm việc thực tế.

3. Xu hướng mở ngành Kiểm toán hiện nay

Mặc dù chưa có đánh giá, phân loại một cách chính thức, tuy nhiên, các cơ sở có đào tạo ngành kế toán ở Việt Nam hiện nay được chia thành 2 khuynh hướng: đào tạo kế toán định hướng hàn lâm/nghiên cứu (Học viện Tài chính; Đại học Kinh tế Quốc dân; Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh,…) và đào tạo cử nhân kế toán định hướng thực hành (các trường đại học mới đào tạo ngành kế toán: Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội…). Việc lựa chọn định hướng đào tạo chi phối mạnh đến nhận thức, chủ trương, xác định mục tiêu, phương pháp tổ chức đào tạo và đặc biệt là chương trình đào tạo ngành kế toán.

Thứ nhất, liên kết với các trường ĐH nước ngoài.

Xu thế “trao đổi sinh viên” - exchange hiện nay khá phổ biến tại các trường đại học. Chương trình này giúp các sinh viên có cơ hội tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, mở mang thêm kiến thức và làm quen với các môi trường học tập mới. Một số trường đại học trên thế giới, như trường UNIVERSITAS GADJAH MADA - trường đại học hàng đầu tại Indonesia, ngoài hình thức cho sinh viên có cơ hội đi trao đổi trong khoảng  vài tháng, còn phát triển thêm chương trình Dual degree - cho phép sinh viên đi trao đổi với thời gian dài hơn từ 1 đến 2 năm, sau đó nhận bằng và chứng nhận của cả trường đại học sở tại và trường đại học liên kết.

* Ưu điểm: Sinh viên được đi giao lưu, mở mang về kiến thức, kỹ năng, môi trường học tập và cả vốn ngoại ngữ.

* Hạn chế/Khó khăn: Chưa thực hiện được cho tất cả các sinh viên, quy trình làm việc để tìm và ký kết hợp tác với các trường đại học uy tín còn khá phức tạp. 

Thứ hai, liên kết với các nhà tuyển dụng.

Do đặc thù chuyên ngành Kiểm toán nói riêng và chuyên ngành Kế toán - Kiểm toán nói chung mang tính nghề nghiệp cao, nên việc liên kết với các đối tác là nhà tuyển dụng, các công ty kiểm toán để tạo cơ hội cho sinh viên vừa được học, vừa được thực hành sẽ là một điểm mạnh để thu hút các bạn sinh viên tham gia vào chương trình. Ví dụ, Trường Đại học Frankfurt School - Đức, xếp hạng 32 các trường Kinh doanh tại châu Âu, với chuyên ngành Kiểm toán đã liên kết với KPMG (một trong những công ty kiểm toán lớn nhất Thế giới) để đảm bảo trong chương trình học sinh viên sẽ được tham gia các khóa thực tập tại KPMG ngay từ những năm đầu tiên. Ở Việt Nam, một số trường đại học như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đã có biên bản ghi nhớ với một số công ty Kiểm toán lớn như EY về việc cam kết các suất thực tập cho sinh viên thuộc lớp chất lượng cao chuyên ngành kiểm toán.

* Ưu điểm: Hấp dẫn sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội vừa học vừa thực hành và cơ hội việc làm sau này.

* Hạn chế/Khó khăn: Mô hình này chỉ thực hiện với lượng sinh viên chuyên ngành không quá đông và nhà tuyển dụng cũng cần là các công ty kiểm toán lớn.

Thứ ba, liên kết với một tổ chức nghề nghiệp quốc tếl

Hiện nay, các trường đại học đang có xu hướng ngoài chương trình chính quy thông thường thì mở thêm các chương trình có liên kết với một tổ chức nghề nghiệp quốc tế. Điều này cũng khá phù hợp với sinh viên chuyên ngành Kế toán - Kiểm toán vốn được coi là ngành nghề mang tính ứng dụng nghề nghiệp cao. Cách làm này giúp sinh viên có cơ hội được tiếp cận gần hơn với các chứng chỉ quốc tế cũng như việc học mang tính thực hành và cập nhật với những biến đổi của thị trường, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nhà tuyển dụng. Một số các chứng chỉ nghề nghiệp hiện nay đang được các trường đại học ở Việt Nam lựa chọn để liên kết với chuyên ngành Kiểm toán như: ACCA, ICAEW, CPA Úc. Hình thức liên kết cũng khá đa dạng, có thể tích hợp thành chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp, ví dụ: định hướng nghề nghiệp ACCA của Khoa Kế toán - Kiểm toán Trường Đại học Ngoại thương; hay định hướng nghề nghiệp ICAEW CFAB của Viện Kế toán - Kiểm toán Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; có thể chỉ là biên bản ghi nhớ hợp tác và xây dựng chương trình chất lượng cao dựa trên khung chương trình của các chứng chỉ quốc tế. Một số trường đã vận hành và có kết quả khá khả quan với những chương trình này: số sinh viên ra trường có tỷ lệ việc làm cao, đặc biệt là vào các công ty kiểm toán lớn, chất lượng đầu ra được nhà tuyển dụng đánh giá cao.

* Ưu điểm: Chương trình được đảm bảo chất lượng và công nhận rộng rãi, tạo điều kiện cho sinh viên có thể lấy được chứng chỉ danh giá sau khi ra trường.

* Hạn chế/Khó khăn: Mức học phí còn cao. Một số chương trình chưa bắt buộc sinh viên thi theo chương trình chuẩn của các chứng chỉ quốc tế nên chưa phát huy được tối đa lợi thế của sinh viên theo học chương trình này.

4. Một số gợi ý mở ngành Kiểm toán tại trường đại học

Việc xây dựng các khối kiến thức chuyên ngành có thể linh hoạt dựa trên chứng chỉ nghề nghiệp uy tín như ACCA hay ICAEW hoặc CPA. Một số môn thuộc kiến thức chuyên ngành tự chọn sẽ được cập nhật theo những xu thế phát triển của Việt Nam và thế giới: ví dụ như các môn trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, hay kiểm toán IT.

Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp và nâng cao chất lượng đào tạo kế toán, kiểm toán ở mọi trình độ, mọi cấp độ hướng đến hội nhập quốc tế và thích ứng với cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu chất lượng cao; có khả năng hội nhập quốc tế.

Nâng cao ý thức trách nhiệm của sinh viên. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên cần có ý thức mình là những chủ nhân tương lai của đất nước, là những người hành nghề kế toán, kiểm toán sau này, cần phải trau dồi những kiến thức, kỹ năng, phẩm chất để đảm bảo có thể sẵn sàng phục vụ xã hội.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quản quản lý Nhà nước, các công ty kiểm toán và hiệp hội nghề nghiệp quốc tế về kế toán - kiểm toán nhằm tìm hiểu nhu cầu cũng như các yêu cầu của các đơn vị sử dụng lao động đối với sinh viên từ đó có những thay đổi về nội dung, chương trình phù hợp với thực tiễn; Phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp trong xã hội để tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên như đi tham quan, thực tế, thực hiện các chương trình tiếp cận thực tế cho sinh viên. Chương trình đào tạo cũng sẽ kết nối với các nhà tuyển dụng lớn như Big4 hay các công ty Kiểm toán thuộc Top 10 ở Việt Nam để đảm bảo 100% chỗ thực tập cho các bạn sinh viên theo học ngành Kiểm toán, chương trình chất lượng cao của nhà trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Ngoại thương (2011), Báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo - Chương trình đào tạo Kế toán - Kiểm toán định hướng nghề nghiệp ACCA phục vụ Kiểm định AUN.
  2. Ngô Thế Chi (2013), Kế toán Việt Nam - Quá trình hình thành và phát triển, NXB Tài chính.
  3. Quốc hội (2015), Luật Kế toán Việt Nam năm 2015.
  4. Khung chương trình đào tạo ngành Kiểm toán, Học viện Tài chính.
  5. Khung chương trình đào tạo ngành Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

 The trend of launching and developing auditing training programs in higher education institutions

Master. Nguyen Thi Hai Van

Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

More and more universities pay attention to develop auditing training programs as auditing plays an increasingly important role in the economy. This paper analyzes the prospects and development directions for auditing training programs in the current period. The paper also makes some recommendation for the University of Economics – Technology upon the launch of the auditing program in the coming time.

Keywords: accounting, auditing, accounting major, auditing major, ACCA, ICAEW, CPA Australia.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4  tháng 2 năm 2023]