TÓM TẮT:
Bảo hộ phá sản là một khái niệm nằm trong pháp luật phá sản của Hoa Kỳ để nói về việc một chủ thể đã mất khả năng thanh toán cho các chủ nợ, đứng trước nguy cơ bị phá sản có thể tiến hành các thủ tục pháp lý với Tòa án để xin “bảo hộ phá sản”, nhằm mục đích giúp cho chủ thể này, dựa trên quyết định của Tòa án có thể trì hoãn việc trả nợ, thậm chí có thể phục hồi. Chủ thể xin Tòa án bảo hộ phá sản có thể là cá nhân hoặc doanh nghiệp. Nhưng không phải pháp luật phá sản của quốc gia nào cũng quy định cả hai hình thức bảo hộ phá sản này, ngay cả cách dùng khái niệm “bảo hộ phá sản” của một số nước cũng khác nhau dù có nhiều điểm tương đồng về nội dung. Bài viết này xin được trình bày về vấn đề bảo hộ phá sản theo quy định của pháp luật một số quốc gia trên thế giới và thực tiễn quy định trong pháp luật phá sản của Việt Nam.
Từ khóa: Phá sản, bảo hộ phá sản, pháp luật quốc tế, pháp luật Việt Nam.
I. Luật bảo hộ phá sản của các nước trên thế giới và ở Việt Nam
1. Bảo hộ phá sản ở Mỹ
* Bảo hộ phá sản đối với cá nhân
Theo pháp luật của Mỹ, khi cá nhân xin bảo hộ phá sản sẽ có 2 loại:
- Loại thứ nhất được quy định tại Chương 7 cho phép cá nhân gặp rắc rối về tài chính có thể được xóa nợ hầu hết các khoản nợ không có thế chấp. Loại phá sản này không giúp cho cá nhân giữ được tài sản của mình trước những khoản nợ có bảo đảm, chẳng hạn những khoản vay có thế chấp.
- Loại thứ hai được quy định tại Chương 13 cho phép cá nhân gặp rắc rối về tài chính có thể trả dần từng phần khoản nợ trong một khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm. Đến cuối kỳ thanh toán, nếu người vay nợ đã dùng hết thu nhập của mình để trả nợ theo kế hoạch thì số nợ còn lại sẽ bị xóa. Loại này có thể dùng để thanh toán những khoản nợ có bảo đảm quá hạn mà không bị mất tài sản thế chấp.
Chẳng hạn, trường hợp thế chấp nhà để vay tiền ngân hàng, khi rơi vào tình trạng phá sản nhiều người cố gắng giữ lại ngôi nhà của mình bằng cách xin bảo hộ phá sản theo Chương 13 của Luật Phá sản Mỹ. Nhưng cũng có nhiều người xin bảo hộ phá sản theo Chương 7 của luật này, đồng nghĩa với việc họ mất luôn ngôi nhà của mình và không phải thanh toán khoản nợ. Khi nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 13 của Luật Phá sản và theo quy định, họ được phép giữ lại ngôi nhà của mình và phải trả một phần nợ trong vòng 3 năm. Ngược lại, theo Chương 7 của Luật Phá sản Mỹ, người nộp đơn xin bảo hộ phá sản sẽ có được một “khởi đầu mới” (fresh start) vì chương này quy định, con nợ sẽ được xóa nợ. Trong trường hợp này, mọi tài sản sẽ được thanh lý, mặc dù một số bang ở Mỹ cho phép một số trường hợp bãi miễn.
* Bảo hộ phá sản đối với doanh nghiệp
Bảo hộ phá sản đối với doanh nghiệp của Mỹ được quy định tại Chương 11 của Luật Phá sản Mỹ năm 1978 nhằm khuyến khích các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao, khắc phục những sai lầm trong quá khứ.
Thông thường, khi một công ty hoàn toàn chấm dứt hoạt động vì phá sản, hội đồng thanh lý sẽ được lập ra để bán tài sản, trả nợ cho các chủ nợ và vốn cho nhà đầu tư. Nhưng theo Chương 11 của Luật Phá sản Mỹ thì khác, mặc dù tuyên bố phá sản nhưng công ty vẫn tiếp tục được hoạt động. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể phá sản theo Chương 11. Chỉ có những doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn về tài chính nhưng được đánh giá là có khả năng phục hồi nếu các khoản nợ giảm xuống hoặc được hoãn trả mới được xem xét.
Kế hoạch tái cấu trúc hoạt động của doanh nghiệp đó phải được tòa án phá sản và các chủ nợ phê chuẩn. Trên thực tế, doanh nghiệp phải kết hợp với một ủy ban gồm các chủ nợ lớn nhất của mình để lập ra kế hoạch tái cấu trúc này. Một khi kế hoạch được phê chuẩn, nhiều giao dịch kinh doanh hàng ngày trước kia cũng đòi hỏi phải có sự phê chuẩn của tòa án.
Có những trường hợp công ty đã thành công khi tái cấu trúc hoạt động, làm ăn sinh lời trở lại, nhưng cũng có trường hợp "vô phương cứu chữa". Kể từ ngày 17/10/2005, Chương 11 Luật Phá sản Mỹ đã được thay đổi. Theo quy định cũ, các công ty có 3 tháng để trình kế hoạch tái cấu trúc cho tòa án, nhưng các luật sư thường "khéo léo" kéo dài thời gian, có khi thời gian là không xác định, có khi lại được gia hạn nhiều lần. Quy định mới nâng giới hạn thời gian tái cấu trúc doanh nghiệp lên 18 tháng nhưng không được gia hạn. Theo Chương 11 sửa đổi, các công ty thậm chí sẽ vẫn phải trả những khoản tiền thưởng cho Tổng giám đốc vì "sự gắn bó" của họ trong lúc công ty đang gặp khó khăn.
Nhiều người cho rằng quy định của Chương 11 đã tạo lợi thế cạnh canh không lành mạnh cho các doanh nghiệp Mỹ, giúp họ tránh nguy cơ phá sản dù tình hình tài chính có rơi vào khó khăn khó có lối thoát.
2. Bảo hộ phá sản ở Liên bang Nga
* Bảo hộ phá sản đối với cá nhân
Theo pháp luật của Nga chỉ có công ty mới có quyền xin bảo hộ phá sản, nhưng hiện nay pháp luật của quốc gia này đã cho phép các cá nhân có khối nợ trên 500.000 rouble (7.600 USD) và đã trễ hạn thanh toán 3 tháng nộp đơn xin bảo hộ phá sản nếu cảm thấy không thể trả được nợ, nhằm giúp các cá nhân tái cấu trúc nợ. Quy định này cũng áp dụng với tất cả các khoản vay, từ vay tiêu dùng, mua xe, mua nhà đến các khoản bằng ngoại tệ.
* Bảo hộ phá sản đối với doanh nghiệp
Theo quy định của Luật Phá sản doanh nghiệp của Liên bang Nga, tình trạng phá sản của doanh nghiệp được hiểu là việc mất khả năng đáp ứng yêu cầu của chủ nợ về thanh toán hàng hóa (công việc, dịch vụ) và bảo đảm các thanh toán phải nộp ngân sách và các quỹ ngoài ngân sách do nghĩa vụ của người mắc nợ vượt quá tài sản của mình hoặc do mất cân đối trong cán cân thanh toán. Dấu hiệu bên trong về tình trạng phá sản của doanh nghiệp là sự ngừng việc thanh toán bình thường, nếu doanh nghiệp không bảo đảm hoặc rõ ràng không có khả năng thực hiện các yêu cầu của chủ nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thực hiện các yêu. Doanh nghiệp bị coi là phá sản kể từ thời điểm Tòa án trọng tài công nhận tình trạng phá sản hoặc từ thời điểm doanh nghiệp mắc nợ chính thức tuyên bố phá sản tự nguyện.
Luật phá sản doanh nghiệp của Liên bang Nga quy định về vấn đề bảo hộ phá sản thông qua thủ tục phục hồi doanh nghiệp mắc nợ. Chủ nợ, doanh nghiệp mắc nợ và chủ sở hữu doanh nghiệp mắc nợ có thể nộp đơn yêu cầu phục hồi doanh nghiệp đó đến Tòa án trọng tài.
Nếu chấp nhận phục hồi doanh nghiệp mắc nợ thì theo yêu cầu của chủ nợ, doanh nghiệp mắc nợ, Tòa án trọng tài tuyên bố tổ chức hội nghị chọn người tham gia phục hồi doanh nghiệp. Quá thời hạn dự kiến mà không ai đăng ký tham gia hội nghị chọn người phục hồi doanh nghiệp thì Tòa án trọng tài sẽ ra một trong những quyết định sau:
+ Công nhận doanh nghiệp bị phá sản và tiến hành thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp;
+ Bác đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản vì doanh nghiệp có khả năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp chủ nợ và có khả năng thanh toán các khoản nợ.
Nếu có đủ người thì những người tham gia phục hồi doanh nghiệp sẽ có cuộc họp để đưa ra thỏa hiệp. Bản thỏa hiệp không được đưa ra yêu cầu buộc doanh nghiệp mắc nợ chuyển giao tài sản cho người tham gia phục hồi. Tùy tình hình cụ thể mà doanh nghiệp mắc nợ, chủ nợ, chủ sở hữu doanh nghiệp mắc nợ có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án trọng tài ra một trong những quyết định: công nhận doanh nghiệp đã được phục hồi và đình chỉ thủ tục phá sản; chấm dứt phục hồi và tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản.
3. Bảo hộ phá sản ở Singapore
* Bảo hộ phá sản đối với cá nhân
Một cá nhân có thể nộp đơn xin bảo hộ phá sản nếu nợ số tiền không có khả năng thanh toán tổng cộng ít nhất 10.000 đô la Singapore (SGD), tương đương 165 triệu đồng Việt Nam. Các điều kiện này sẽ được Tòa án đánh giá và người này có thể tuyên bố phá sản trong vòng 4 - 6 tuần sau khi đệ đơn. Sau đó, ngân hàng có thể sẽ tiến hành tịch biên tài sản và thi hành các bản án sau khi tòa xét xử. Tuy nhiên, con nợ có thể thương thuyết với chủ nợ số tiền cần phải trả và nếu số tiền nợ không quá 100.000 SGD, thì sau 3 năm có thể được Tòa xóa án.
Hiện nay, Chính phủ Singapore đã ngày càng quan tâm hơn đến việc hỗ trợ những người phá sản vượt qua khó khăn. Ví dụ, với những cá nhân mắc nợ không quá 100.000 SGD và có công ăn việc làm ổn định, có thể tham gia chương trình trả nợ kéo dài 5 năm trước khi được xem xét xóa án. *Bảo hộ phá sản đối với doanh nghiệp
Chính phủ Singapore đã có một vài thay đổi đối với Luật Quản lý doanh nghiệp của nước này, trong đó cho phép các công ty yêu cầu Tòa án địa phương ngưng đòi nợ để các công ty có thể thực hiện một khung tái cấu trúc mới. Các công ty cũng có thể vay tiền cho các mục đích hoạt động kinh doanh với chủ nợ mới hơn, hay ưu tiên hơn những chủ nợ cũ trong vấn đề trả nợ.
Đặc biệt, những quyết định tại Tòa án của Singapore sẽ có hiệu lực xuyên lãnh thổ. Điều đó nghĩa là một mệnh lệnh do một tòa án tại Singapore đưa ra sẽ được áp dụng trên toàn cầu. Điều này đã có từ lâu trong Luật Phá sản Mỹ, vì thế nhiều công ty quốc tế có xu hướng đến Mỹ để được bảo hộ, nhưng hiện nay Singapore cũng có Luật Bảo hộ phá sản, thậm chí còn có hiệu lực xuyên biên giới.
4. Bảo hộ phá sản ở Việt Nam
* Bảo hộ phá sản đối với cá nhân
Pháp luật phá sản của Việt Nam không áp dụng cho các đối tượng là cá nhân, thậm chí là cá nhân có đăng ký kinh doanh. Vì vậy, không có bảo hộ phá sản đối với cá nhân ở Việt Nam. Điều này được lý giải như sau:
- Luật Phá sản Việt Nam chưa tiến bộ. Bản chất của pháp luật phá sản là mang tính nhân đạo vì một trong những mục đích của thủ tục phá sản là nhằm chấm dứt tình trạng mắc nợ của con nợ, giải thoát con nợ ra khỏi tình trạng trạng mắc nợ.
- Lực lượng cán bộ thuộc lĩnh vực này còn mỏng, nếu cá nhân cũng thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Phá sản thì sẽ dẫn đến sự quá tải cho ngành Tòa án.
- Việt Nam chưa quản lý được tài sản cá nhân, do đó cá nhân dễ dàng trong việc tẩu tán tài sản nhằm tránh việc trả nợ khi phân chia tài sản.Vì vậy, ở Việt Nam, nếu cá nhân mất khả năng thanh toán thì áp dụng thủ tục giải quyết các tranh chấp về dân sự, kinh tế đã được quy định tại pháp luật về dân sự, kinh tế và các quy định pháp luật khác.
* Bảo hộ phá sản đối với doanh nghiệp
Ở Việt Nam, đối với doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, pháp luật phá sản không có khái niệm bảo hộ phá sản như của Mỹ, nhưng gần tương tự với bảo hộ phá sản, với thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh được quy định tại Chương 7 Luật Phá sản 2014. Các quy định cho phép một doanh nghiệp mất khả năng thanh toán có thể xây dựng phương án và tiến hành hoạt động phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh dưới sự giám sát của Thẩm phán, chủ nợ, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Nếu việc phục hồi thành công, doanh nghiệp thoát khỏi nguy cơ bị phá sản, có thể trả được các khoản nợ, nhưng nếu không thành công thì doanh nghiệp sẽ bị phá sản. Cụ thể:
- Điều kiện áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động đăng ký kinh doanh và nội dung của phương án phục hồi hoạt động kinh doanh
Điều kiện áp dụng thủ tục phục hồi kinh doanh: Sau khi thẩm phán ra quyết định công nhận nghị quyết của hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, thủ tục phục hồi được áp dụng (Điều 87 Luật Phá sản).
Nội dung của phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán phải nêu rõ các biện pháp để phục hồi hoạt động kinh doanh; các điều kiện, thời hạn và kế hoạch thanh toán các khoản nợ. Các biện pháp để phục hồi hoạt động kinh doanh gồm có: Huy động vốn, giảm nợ, miễn nợ, hoãn nợ, thay đổi mặt hàng sản xuất, kinh doanh; đổi mới công nghệ sản xuất; tổ chức lại bộ máy quản lý; sát nhập hoặc chia tách bộ phận sản xuất; tổ chức lại bộ máy quản lý; sát nhập hoặc chia tách bộ phận sản xuất; bán cổ phần cho chủ nợ và những người khác; bán hoặc cho thuê tài sản không cần thiết; các biện pháp khác không trái với quy định của pháp luật.
- Xem xét thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh
Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất thông qua nghị quyết có nội dung áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán phải xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh và gửi cho Thẩm phán, chủ nợ, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh toán tài sản để nhận các ý kiến để hoàn thiện phương pháp này.
Thẩm phán triệu tập hội nghị chủ nợ, thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh để xem xét. Điều kiện hợp lệ của hội nghị chủ nợ lần hai cũng tương tự như điều kiện hợp lệ của hội nghị chủ nợ lần đầu.
- Công nhận nghị quyết về phương án phục hồi và giám sát thực hiện phương án phục hồi
Thẩm phán quyết định công nhận nghị quyết của hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Quyết định này được gửi cho doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, chủ nợ, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định.
- Thời hạn thực hiện phương án phục hồi
Điều 89 Luật Phá sản 2014 quy định về thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh. Trường hợp Hội nghị chủ nợ không xác định được thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh là không quá 03 năm kể từ ngày Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.
Đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh và hậu quả pháp lý
Sau khi thực hiện thủ tục phục hồi, có ba trường hợp xảy ra: Thứ nhất, doanh nghiệp thực hiện xong phương án phục hồi; Thứ hai, doanh nghiệp không thực hiện được phương án phục hồi; Thứ ba hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh, nhưng doanh nghiệp vẫn không có khả năng thanh toán. Trong cả ba trường hợp, Thẩm phán đều phải ra quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi.
Tuy nhiên, trong các trường hợp có hậu quả pháp lý khác nhau:
- Trường hợp thứ nhất, Thẩm phán ra quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp được coi là không còn mất khả năng thanh toán.
- Trường hợp thứ hai và thứ ba, Thẩm phán ra quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh và ra quyết định tuyên bố phá sản.
Có thể thấy thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh là một thủ tục đặc biệt. Với việc áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh, tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán sẽ không bị thanh lý mà được giữ nguyên và thậm chí còn có khả năng được đầu tư, bổ sung thêm. Hoạt động của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán tiếp tục được duy trì và được khuyến khích, ưu tiên, đặt dưới sự giám sát của nhiều đối tượng như quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, thẩm phán phụ trách giải quyết phá sản, chủ nợ… Mặt khác, thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh là thủ tục có sự tham gia và thỏa thuận giữa các bên liên quan mà chủ yếu là doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và các chủ nợ. Trong trường hợp này, các bên tạm thời “gác” lại chuyện nợ nần để hợp tác thiện chí trong việc phục hồi lại hoạt động của doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán và xa hơn nữa là thoát khỏi tình trạng phá sản. Một khi doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng phá sản thì không chỉ chính doanh nghiệp đó được lợi, mà các chủ nợ cũng có nhiều cơ hội đòi lại món nợ mà mình. Đây là mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi”.
II. Lời kết
Mục đích của bảo hộ phá sản chính là để hạn chế đến mức thấp nhất việc giải thể doanh nghiệp khi vẫn còn khả năng khôi phục hay cá nhân bị phá sản trong khi vẫn còn khả năng trả nợ.
Chế định về bảo hộ phá sản đối với doanh nghiệp xuất hiện trong pháp luật phá sản của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở mỗi quốc gia khác nhau, thời hạn dành cho việc bảo hộ phá sản lại được quy định khác nhau. Tuy nhiên, khoảng thời gian hợp lý và được xem là cần thiết để doanh nghiệp có thể tái cơ cấu, khôi phục lại tình trạng kinh doanh của mình là khoảng từ 2 đến 3 năm. Nếu hết khoảng thời gian này mà doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán thì việc giải quyết phá sản có thể được đình chỉ. Ngược lại, nếu doanh nghiệp vẫn mất khả năng thanh toán sau khi thời gian dành cho việc phục hồi hoạt động kinh doanh đã hết thì Tòa án sẽ ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản. Còn đối với bảo hộ phá sản cá nhân thì không phải quốc gia nào cũng quy định về vấn đề này. Ở Việt Nam, pháp luật không quy định về phá sản cá nhân. Hiện nay, có quan điểm cho rằng nên quy định về vấn đề phá sản đối với cá nhân có đăng ký kinh doanh, vì trong điều kiện kinh tế thị trường, tất cả chủ thể kinh doanh có quan hệ kinh tế, thương mại đều có quyền bình đẳng ngang nhau và đều có thể bị lâm vào tình trạng phá sản.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Quốc hội (2014), Luật Phá sản, Hà Nội.
2. Phan Thị Thu Hà (2010), Tìm hiểu pháp luật phá sản trên thế giới, Chuyên đề khoa học xét xử: Tập 1 - Tìm hiểu pháp luật phá sản, NXB Tư pháp, Hà Nội.
3. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương (2014), Pháp luật phá sản tại Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Đặc san Tuyên truyền pháp luật số 9/2014, Hà Nội.
BANKRUPTCY PROTECTION UNDER THE LEGISLATION OF INTERNATIONAL LAWS AND VIETNAMESE LAWS
MA. DO THU HUONG
Price assessment faculty - The University of Finance and Business Administration
ABTRACT:
Bankruptcy protection a concept within the United States bankruptcy law is about a subject who has lost the ability to pay the creditor, who is at risk of bankruptcy, can proceed with Court to apply for "bankruptcy protection". Based on the Court's decision, this may could delay the repayment and even recover. Applicants for bankruptcy protection could be individuals or businesses. But not all of the country's bankruptcy laws provide for both forms of bankruptcy protection, even the using the notion of "bankruptcy protection" in a number of countries has many similarities. This article is about bankruptcy protection in accordance with the laws of some countries in the world and the practice provided in Vietnam's bankruptcy law.
Keywords: Bankruptcy, bankruptcy protection, international law, Vietnamese law.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây