Tiềm năng phát triển công nghiệp nặng với ba ngành chủ lực là lọc hóa dầu, luyện cán thép, đóng tàu
Kết luận tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ngãi chiều 8/8, thay mặt đoàn công tác, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, cầu thị của UBND tỉnh Quảng Ngãi trong việc chuẩn bị nội dung làm việc với đoàn công tác.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Quảng Ngãi là quê hương có truyền thống cách mạng kiên cường; địa hình đa dạng gồm cả miền núi, đồng bằng và biển; là một trong những cực tăng trưởng tại khu vực miền Trung, giữ vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế trong Vùng và cả nước, đồng thời cũng địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh, trong đó đảo Lý Sơn là một trong những tiền đồn quan trọng trong bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.
Với những lợi thế riêng có như bờ biển dài 130 km, có Cảng biển nước sâu Dung Quất; hạ tầng giao thông kết nối phát triển đa phương thức cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không (do được hưởng lợi từ Cảng hàng không Chu Lai - Quảng Nam và là cửa ngõ ra biển Đông và Thái Bình Dương của tuyến hành kinh tế lang Đông - Tây), có thể nói Quảng Ngãi có tiềm năng to lớn phát triển kinh tế biển (nhất là phát triển công nghiệp nặng với ba ngành chủ lực là lọc hóa dầu, luyện cán thép và đóng tàu), phát triển năng lượng và các ngành thương mại, dịch vụ logicstic, du lịch biển...
Đặc biệt, Nhà máy lọc dầu Dung Quất tại Quảng Ngãi đã và đang trở thành một trong những trung tâm năng lượng chiến lược của đất nước với mức cung ứng 1/3 sản lượng sản phẩm xăng dầu cho cả nước.
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã khai thác khá tốt các tiềm năng, lợi thế để tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, nâng tỷ trọng các ngành công nghiệp và thương mại dịch vụ chiếm gần 80% GRDP của tỉnh.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, các chỉ số chính trong lĩnh vực công thương của tỉnh cơ bản đều tăng khá so với cùng kỳ năm trước (trừ sản xuất công nghiệp); một số chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước; đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu (theo số liệu của Tổng cục Thống kê) tăng trưởng mạnh (35,7%), cao gấp 2,4 lần bình quân chung cả nước (tăng 15%), đứng thứ 13 cả nước và thứ 4 trong Vùng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 9,2% (cả nước tăng 8,6%), đứng thứ 8 trong Vùng và thứ 32 cả nước. Trong bối cảnh khó khăn chung, những kết quả nêu trên là nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng nhìn nhận lĩnh vực Công Thương tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn những hạn chế, khó khăn, thách thức cần tập trung khắc phục.
Trước hết, tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong GRDP của tỉnh nhưng cơ cấu các lĩnh vực trong ngành công nghiệp còn mất cân đối nghiêm trọng, phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực lọc, hóa dầu; công nghiệp khai khoáng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Một số dự án lớn trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng trên địa bàn vẫn còn vướng mắc. Chuỗi liên kết giữa ngành lọc, hoá dầu với các ngành hạ nguồn, nguyên liệu còn hạn chế, công nghiệp phụ trợ phát triển còn chậm. Thiếu nhân lực chất lượng cao tại chỗ, đa số vẫn là lao động phổ thông, trình độ và tay nghề thấp; Phát triển kinh tế biển chưa xứng với tiềm năng, chưa tạo động lực chính cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời gian vừa qua, tỉnh phải tập trung khắc phục những hạn chế, sai phạm tích tụ từ nhiều năm trước, điều này cũng phần nào chi phối việc lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.
Rà soát, triển khai thực hiện các Quy hoạch để sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư mới
Bộ trưởng cho hay Bộ Công Thương cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của tỉnh đã đề ra thời gian tới. Dưới góc độ ngành Công Thương, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Quảng Ngãi quan tâm một số vấn đề.
Theo đó, Quảng Ngãi cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác quán triệt triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội năm 2024 và những năm tiếp theo, nhất là một số chính sách mới có hiệu lực thi hành, như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định có liên quan về giá đất, về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; các quy định mới về giảm 2% thuế VAT, chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế phí, lệ phí, tiền sử dụng đất. Cùng với đó là các chính sách đột phá mới được ban hành trong lĩnh vực năng lượng như cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu,... Đồng thời, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đặc biệt là tập trung rà soát tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của những dự án trọng điểm đang triển khai trên địa bàn như dự án Đóng tàu Dung Quất, 3 nhà máy điện khí, nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn; rà soát, tháo gỡ các quy định, thủ tục hành chính, quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh không phù hợp, giúp giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi được phê duyệt ngày 23/11/2023 nên về nguyên tắc đã có cơ sở tích hợp Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng, các Quy hoạch ngành được ban hành trước đó. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý tỉnh vẫn cần chủ động rà soát tổng thể Quy hoạch tỉnh bởi quá trình điều chỉnh dự thảo Quy hoạch trước phê duyệt Quy hoạch tỉnh cũng rất gấp, khó đẩy đủ; nếu cần thiết thì phải khẩn trương trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung nhằm bảo đảm phù hợp, liên thông với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng và các Quy hoạch ngành quốc gia; đồng thời, rà soát, bổ sung Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với Quy hoạch tỉnh để có đầy đủ cơ sở pháp lý, sẵn sàng tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư, tạo dư địa, động lực tăng trưởng mới.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi cần khẩn trương triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn. Theo đó, đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh được quy hoạch 20 dự án nguồn điện; 15MW điện rác; 39 MW điện mặt trời mái nhà; 20 dự án lưới điện và 35 điểm mỏ khoáng sản (gồm Titan, Vàng, Sắt, Thiếc, Wolfram, Grafit, Caolanh, khoáng nóng,...). Đến nay tỉnh đã có đầy đủ cơ sở để triển khai các dự án trên nên cần đẩy nhanh tiến độ lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực để triển khai, bảo đảm đưa các dự án vào vận hành đúng tiến độ theo quy hoạch đã được phê duyệt, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, tỉnh Quảng Ngãi cũng cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao đóng góp của sản xuất công nghiệp trong GRDP địa phương. Trong đó, một mặt chú trọng phát triển những ngành công nghiệp chủ lực như lọc hóa dầu, luyện thép chất lượng cao, công nghiệp đóng tàu,...; đồng thời quan tâm thúc đẩy công nghiệp địa phương để giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, vừa khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách của địa phương, bảo đảm đồng bộ, khả thi; đồng thời, áp dụng linh hoạt các mô hình đầu tư có hiệu quả để huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng logistics và hạ tầng các khu công nghiệp quan trọng đã được thành lập, đặc biệt là khu kinh tế Dung Quất để đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn.
Chủ động thúc đẩy mối liên kết giữa Khu kinh tế Dung Quất với Khu kinh tế mở Chu Lai để hình thành Trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực duyên hải Trung Bộ và cả nước; đồng thời, xây dựng Dung Quất trở thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia.
"Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Quảng Ngãi xây dựng và triển khai Đề án Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, đồng thời yêu cầu hai đơn vị thuộc Bộ là Vụ Dầu khí và Than, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp ủng hộ địa phương theo tinh thần linh hoạt và cùng làm.
Bộ trưởng cũng đề nghị Quảng Ngãi tiếp tục khai thác hiệu quả những thế mạnh, tiềm năng sẵn có về các lĩnh vực công nghiệp nền tảng để đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực này theo chiều sâu và mở rộng theo chuỗi giá trị, đồng thời chú trọng khai thác tiềm năng địa phương để phát triển công nghiệp địa phương. Có cơ chế tạo quỹ đất sạch, quy mô đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực về tài chính, công nghệ; có cơ chế, lộ trình nội địa hóa nguyên liệu, dây chuyền sản xuất và phát triển mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh, doanh nghiệp địa phương.
Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị Quảng Ngãi đẩy mạnh phát triển thương mại theo hướng số hoá, công nghệ hoá phương thức kinh doanh. Chú trọng đầu tư phát triển hệ thống logistics theo hướng đồng bộ, hiện đại, thuận tiện nhằm phát triển Quảng Ngãi thành trung tâm logistics trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối khu vực miền Trung, khu vực Tây Nguyên, các nước Đông Nam Á, cũng như là một cửa ngõ vận tải hàng hóa qua biển Đông. Quan tâm phát triển hạ tầng thương mại gồm cả thương mại truyền thống và thương mại điện tử; chú trọng đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa. Đồng thời, cần tăng cường hỗ trợ xây dựng, quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm đặc trưng của địa phương và tích cực hỗ trợ các Hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh tiếp cận các hiệp định thương mại tự do, phát huy vai trò của hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
Đối với 11 kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh Quảng Ngãi đã nêu tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị tham gia Đoàn công tác đã trao đổi, giải đáp cơ bản các kiến nghị của tỉnh. Bộ trưởng cho biết, sau buổi làm việc, Bộ Công Thương sẽ có văn bản kết luận chính thức, trong đó có trả lời cụ thể những kiến nghị, đề xuất của địa phương ở giác độ ngành Công Thương. Ngoài ra, có một số kiến nghị khác liên quan đến chức năng của các Bộ, ngành khác và thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, chuyển đến các Bộ, ngành liên quan để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, đồng hành cùng địa phương tháo gỡ vướng mắc, thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra.
Sau khi nghe các đơn vị thuộc Bộ trao đổi các vấn đề, thay mặt địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và đoàn công tác Bộ Công Thương đã dành thời gian đến làm việc và lắng nghe tiếng nói từ địa phương, đồng thời hy vọng tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng hành của Bộ trong thời gian tới.
Về phía tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi khẳng định sẽ tiếp thu chỉ đạo của Bộ trưởng, đề nghị các Sở ngành liên quan thời gian tới quan tâm triển khai thực hiện các vấn đề đã được gợi mở tại buổi làm việc, tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương hơn nữa, đặc biệt là trong công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Quy hoạch tỉnh và các Quy hoạch ngành Quốc gia một cách hiệu quả nhất.