Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia vào các tổ chức sinh viên của sinh viên khối ngành Kinh tế tại Trường Đại học Văn Lang

Bài báo nghiên cứu "Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia vào các tổ chức sinh viên của sinh viên khối ngành Kinh tế tại Trường Đại học Văn Lang" do Nguyễn Thị Thu Vân - Nguyễn Phạm Ngọc Hân - Lê Thị Giang Anh - Trần Nữ Trúc Như - Vũ Thị Khánh Linh (Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Văn Lang) thực hiện.

TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định và đo lường các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia vào các tổ chức sinh viên của sinh viên khối ngành Kinh tế tại Trường Đại học Văn Lang, thông qua khảo sát 400 sinh viên trong các khối ngành Kinh tế (Kế toán - Kiểm toán, Thương mại, Quản trị kinh doanh và Tài chính - Ngân hàng). Thống kê mô tả (Descriptive Statistics), Kiểm định Cronbach’s alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA) được sử dụng. Kết quả cho thấy, có 5 nhân tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia vào các tổ chức sinh viên của sinh viên khối ngành Kinh tế, sắp xếp theo thứ tự quan trọng giảm dần, gồm: Định hướng nghề nghiệp; Phát triển kỹ năng mềm; Mạng lưới kết nối; Phục vụ cộng đồng; Lợi ích liên quan đến công việc. Từ đó, nghiên cứu cũng đề xuất một số hàm ý giải pháp nhằm góp phần gia tăng ý định tham gia vào các tổ chức sinh viên của sinh viên khối ngành Kinh tế tại Trường Đại học Văn Lang.

Từ khóa: sinh viên, tổ chức sinh viên, khối ngành Kinh tế, Trường Đại học Văn Lang.

1. Đặt vấn đề

        Mô hình các câu lạc bộ (CLB) trong trường học được thành lập góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho sinh viên. Sự phát triển của các tổ chức ngoài lớp học đồng hành cùng với sự phát triển của các cơ sở giáo dục và đào tạo mang lại hiệu quả tốt hơn cho sinh viên. Đây là mô hình được phát triển dựa trên nền tảng mô hình tổ chức của các câu lạc bộ mang tính chất tự phát và được thành lập trong các trường đại học và cao đẳng. Các tổ chức sinh viên đại học cung cấp cho sinh viên nhiều cơ hội để làm quen với cuộc sống trong một tổ chức. Sự tham gia của tổ chức sinh viên đại học mang lại thêm giá trị hài lòng của sinh viên đại học, tăng cường sự hợp tác của trường học và cộng đồng, đồng thời nâng cao sự phát triển trí tuệ. Trường Đại học Văn Lang (VLU) nói chung và khối ngành Kinh tế (bao gồm Khoa Kế toán - Kiểm toán, Khoa Thương mại, Khoa Quản trị kinh doanh, Khoa Tài chính - Ngân hàng) nói riêng, đều có bề dày cả về đào tạo lẫn nghiên cứu khoa học cũng như hoạt động của CLB, đội nhóm, tổ chức sinh viên. Sinh viên ở khối ngành Kinh tế khá năng động, thích tham gia các hoạt động ngoại khóa do lớp, trường tổ chức. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ sinh viên thờ ơ, chưa cảm nhận được hết ý nghĩa của việc tham gia vào các tổ chức sinh viên. Vì vậy, việc xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia vào các tổ chức sinh viên sẽ góp phần giúp sinh viên VLU đưa ra quyết định có nên tham gia vào các tổ chức sinh viên hay không, đồng thời giúp sinh viên có thể cân bằng và phát triển toàn diện cả về chuyên môn lẫn kỹ năng mềm.

2. Cơ sở khoa học

         Hội nhóm sinh viên, CLB sinh viên hay tổ chức sinh viên là một nhóm xã hội hoặc tổ chức được điều hành bởi sinh viên các viện đại học, các cơ sở đại học - cao đẳng với các hội viên điển hình chỉ bao gồm các sinh viên và cựu sinh viên. Mục đích lập ra CLB sinh viên nhằm thực hành và phổ biến, lan tỏa một sở thích chuyên sâu nào đó hoặc để quảng bá chương trình dạy nghề hay các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Ví dụ về các hội nhóm sinh viên thường thấy ở hầu hết các trường đại học là các Hội Du học sinh, CLB tranh biện, CLB nhạc, CLB theo chuyên ngành của sinh viên. Bên cạnh đó, các tổ chức sinh viên hay CLB còn là một loại hình tổ chức, vừa là một phương thức hoạt động, vừa là một bộ phận quan trọng trong một tổ chức, nhằm hỗ trợ giải quyết những vấn đề phức tạp, quan trọng trong học tập, lao động và cuộc sống hằng ngày đáp ứng những nhu cầu chính đáng của các thành viên.

        Quyết định hành vi, theo Ajzen (1991) được xem là “bao gồm các yếu tố động cơ có ảnh hưởng đến hành vi của mỗi cá nhân, các yếu tố này cho thấy mức độ sẵn sàng hoặc nỗ lực mà mỗi cá nhân sẽ bỏ ra để thực hiện hành vi”. Ajzen cũng nhấn mạnh: “khi con người có ý định hành vi mạnh mẽ hơn, họ sẽ có khuynh hướng thực hiện hành vi cao hơn”.

         Ở Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt tại Trường Đại học Hùng Vương, theo Hà Nam Khánh Giao, Đào Thị Kim Phượng (2021) đã nghiên cứu chỉ ra 8 nhân tố ảnh hưởng đến ý định tham gia hoạt động tình nguyện của sinh viên gồm: Liên hệ giữa các cá nhân; Cải tiến; Nghề nghiệp; Giá trị; Xã hội; Hiệu quả truyền thông; Hiểu biết; Bảo vệ. Tại đó, sự liên kết giữa các cá nhân có tác động mạnh mẽ nhất đến ý định tham gia hoạt động tình nguyện của sinh viên. Nghiên cứu của Laura Munoza, Richard Millera và Sonja Martin Pooleb (2016) cho rằng việc áp dụng các hoạt động học tập trải nghiệm trong các tổ chức sinh viên sẽ dẫn đến tăng cường sự tham gia của sinh viên, đồng thời cung cấp thêm trải nghiệm học tập như: kinh nghiệm thực tiễn, phát triển kỹ năng giao tiếp và kỹ năng kết nối. Đặc biệt, trong lý thuyết phát triển của sinh viên khi tham gia vào các tổ chức sinh viên của Checking (1969) đã chỉ ra 3 trong số những ảnh hưởng chính, đó là: (1) Phát triển năng lực (trí tuệ, thể chất, giao tiếp), (2) Mục tiêu nghề nghiệp, (3) Tương hỗ và đồng cảm hơn với cộng đồng.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Mô hình nghiên cứu

         Dựa trên các phân tích tổng hợp được nêu ở trên, chúng tôi xây dựng mô hình nghiên cứu gồm 6 nhân tố, trong đó: biến phụ thuộc là quyết định tham gia vào các tổ chức sinh viên và 5 biến độc lập là: Định hướng nghề nghiệp, Phát triển kỹ năng mềm, Mạng lưới kết nối, Phục vụ cộng đồng, Lợi ích liên quan đến công việc. Giả thuyết được đưa ra là: mốì quan hệ giữa các biến độc lập này với quyết định tham gia vào các tổ chức sinh viên của sinh viên là mối quan hệ thuận. 

Hình: Mô hình nghiên cứu đề xuất

sinh vien

3.2. Phương pháp nghiên cứu

Mục tiêu cho nghiên cứu này bao gồm sinh viên khối ngành Kinh tế tại Trường Đại học Văn Lang đang học hệ đại học. Bảng câu hỏi nghiên cứu chính thức gồm 28 biến quan sát để xác định yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia vào các tổ chức sinh viên của sinh viên khối ngành Kinh tế tại Trường Đại học Văn Lang. Nghiên cứu này được thực hiện bằng phương pháp hỗn hợp thông qua phát bảng hỏi với kích thước mẫu hơn 300 sinh viên để đánh giá thang đo, cũng như kiểm định lại mô hình lý thuyết và các giả thuyết trong mô hình. Thông tin thu thập được dùng để đánh giá độ tin cậy và giá trị của thang đo, kiểm định thang đo, kiểm định sự phù hợp của mô hình. Sau khi thu thập và loại bỏ các bảng câu hỏi không đạt yêu cầu, tác giả tiến hành mã hóa và nhập số liệu, sau đó số liệu được tiến hành xử lý bằng phần mềm SPSS 22.0.

4. Kết quả nghiên cứu

sinh vien

Hệ số kiểm định Bartlett Sig=0,000 và hệ số KMO là 0,898 chứng tỏ các biến quan sát có tương quan với nhân tố phân tích, thỏa mãn điều kiện cần cho phân tích nhân tố. Bên cạnh đó, hệ số tổng phương sai trích là 67,355% cho biết các biến sử dụng trong nghiên cứu giải thích 67,355% cho các nhân tố quan sát. Hệ số Cronbachs Alpha > 0,6 và hệ số tương quan biến tổng của các biến. Quan sát đều lớn hơn 0,3 nên khẳng định thang đo của các biến này là phù hợp. Các thang đo thể hiện được nội hàm của nhân tố dùng phân tích.

        Kết quả quan sát đều có hệ số tải lớn hơn 0.5 và được gom thành 6 nhân tố. Phân tích tương quan cho thấy, mối tương quan giữa các biến độc lập và biến phụ thuộc ở mức trung bình, mô hình có khả năng vi phạm hiện tượng đa cộng tuyến hay tự tương quan. Kết quả ước lượng mô hình hồi quy (Bảng 1) cho thấy, mô hình đưa ra là phù hợp thông qua các giá trị: Hệ số Durbin- Watson = 1,867 <3 nằm trong khoảng 1.5 đến 2.5 nên kết quả không vi phạm giả định tự tương quan chuỗi bậc nhất. Biến lợi ích liên quan tới công việc có giá trị Sig = 0.843 > 0.05, do đó biến này không có ý nghĩa trong mô hình hồi quy, hay nói cách khác, biến này không có sự tác động lên biến phụ thuộc. Các biến còn lại gồm: Định hướng nghề nghiệp, Phát triển kỹ năng mềm, Mạng lưới kết nối, Phục vụ cộng đồng đều có giá trị Sig < 0.05, do đó các biến này đều có ý nghĩa thống kê, đều tác động lên biến phụ thuộc. Hệ số hồi quy các biến độc lập này đều mang dấu dương, như vậy các biến độc lập có tác động thuận chiều lên biến phụ thuộc.

+ Yếu tố định hướng nghề nghiệp có tác động thuận đến ý định tham gia vào các tổ chức sinh viên của sinh viên. Điều này cho thấy sinh viên khối ngành kinh tế muốn thông qua các hoạt động của các tổ chức sinh viên để nhận thức rõ hơn về thông tin của doanh nghiệp, phân biệt được sự khác nhau giữa các ngành nghề, có thêm kỹ năng trả lời phỏng vấn, tìm hiểu về  văn hóa doanh nghiệp,…

+ Yếu tố phát triển kỹ năng mềm có tác động thuận đến ý định tham gia vào các tổ chức sinh viên của sinh viên. Điều này cho thấy sinh viên khối ngành Kinh tế muốn thông qua các hoạt động của các tổ chức sinh viên để có thể vận dụng sâu hơn các kỹ năng: giao tiếp, lãnh đạo, thuyết trình, làm việc nhóm.

+ Yếu tố mạng lưới kết nối có tác động thuận đến ý định tham gia vào các tổ chức sinh viên của sinh viên. Điều này cho thấy sinh viên khối ngành Kinh tế muốn thông qua các hoạt động của các tổ chức sinh viên tìm kiếm cơ hội kết nối với những doanh nghiệp lớn, uy tín; kết nối với các sinh viên khoa khác; kết nối với các tổ chức chuyên nghiệp; hay giao lưu với cựu sinh viên. Từ đó, tạo ra các mối quan hệ lành mạnh, giúp đỡ cho cơ hội thăng tiến cho sự nghiệp trong tương lai.

+ Yếu tố phục vụ cộng đồng có tác động thuận đến ý định tham gia vào các tổ chức sinh viên của sinh viên. Điều này cho thấy sinh viên khối ngành Kinh tế muốn thông qua các hoạt động của các tổ chức sinh viên mong muốn giúp đỡ những nhóm yếu thế, những người kém may mắn hơn mình, những việc này xuất phát từ thái độ cá nhân sinh viên với trách nhiệm xã hội và sự quan tâm đến người khác.

5. Kết quả và kiến nghị

        Qua kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy có 4 nhân tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia vào các tổ chức sinh viên của sinh viên khối ngành Kinh tế tại Trường Đại học Văn Lang, bao gồm: Định hướng nghề nghiệp, Phát triển kỹ năng mềm, Mạng lưới kết nối, Phục vụ cộng đồng. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với những nghiên cứu trước đây và phù hợp với các nhân tố được đề cập trong khung lý thuyết.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trần Mỹ Lệ, Đoàn Công Đạt, Lê Thị Hồng Phương, Trần Thị Thanh Trúc (2023). Vai trò của câu lạc bộ - đội, nhóm trong việc phát triển năng lực và kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên. Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ - Khoa học Xã hội và Nhân văn, 7(3), 2124-2135.
  2. Hà Nam Khánh Giao, Đào Thị Kim Phượng (2021). Về ý định tham gia các hoạt động tình nguyện của sinh viên Trường Đại học Hùng Vương, Thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/ve-y-dinh-tham-gia-cac-hoat-dong-tinh-nguyen-cua-sinh-vien-truong-dai-hoc-hung-vuong-thanh-pho-ho-chi-minh-85646.htm.
  3. Dương Ngọc Sam, Văn Thị Thảo Thi, Vũ Ngọc Phương Nhi, Lê Hoàng Bích Phượng & Lê Thị Như Ý (2022). Khảo sát quan điểm của sinh viên về việc tham gia CLB/Đội/Nhóm. Báo cáo dự án nghiên cứu, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
  4. Nguyễn Thị Thu Nguyệt (2014). Tác động của việc tham gia phong trào đoàn, hội, câu lạc bộ, các cuộc thi trong trường đại học đến việc học tập và rèn luyện kỹ năng mềm cho sinh viên. Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế Hồ Chí Minh.
  5. Brad A. Schafer, Catherine Cleaveland & Jennifer B. Schafer (2020). Stakeholder perceptions of the value of accounting student organizations. Journal of Accounting Education, 50
  6. Chickering A. (n.d.). Seven vectors: An overview. Cabrini College. Available at: http://www.cabrini.edu/communications/ProfDev/cardevChickering.html.
  7. Dorothy Martindale, René Olate & Keith A. Anderson (2017). Practicing Professional Values: Factors Influencing Involvement in Social Work Student Organizations. International Journal of Higher Education, 6(4).
  8. Huang & Chang (2004). Academic and cocurricular involvement: Their relationship and the best combinations for student growth. Journal of College Student Development, 45(4), 391-406.
  9. Laura Munoza, Richard Millera, & Sonja Martin Pooleb (2015). Professional student organizations and experiential learning activities: What drives student intentions to participate?. Journal of Education For Business, 91(1), 1-7.
  10. Rayfield, Compton, Doerfert, Fraze, & Akers (2008). Factors that influence the decision to participate in youth organizations in rural high schools in three states. Journal of Agricultural Education, 49(4).

 

Factors influencing the decision of students majoring in economics

to participate in student organizations at Van Lang University

Master. NGUYEN THI THU VAN1

NGUYEN PHAM NGOC HAN1

LE THI GIANG ANH1

TRAN NU TRUC NHU1

VU THI KHANH LINH1

1Faculty of Accounting and Auditing, Van Lang University

ABSTRACT:

This study identified and measured the factors influencing the decision to participate in student organizations of students majoring in economics at Van Lang University. The study surveyed 400 students from the faculties of Accounting - Auditing, Commerce, Business Administration, and Finance – Banking. Descriptive statistics, Cronbach's alpha, and Exploratory Factor Analysis (EFA) were used. The results showed that there are five factors influencing the decision of students to participate in student organizations. These factors, listed in descending order of impacting level, are career orientation, soft skills development, networking, community service, and work-related benefits. Based on the study’s findings, some solutions and implications were proposed to encourage students majoring in economics to participate in student organizations at Van Lang University.        Keywords: students, student organizations, economics majors, Van Lang University.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12 tháng 5 năm 2024]