TÓM TẮT:
Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục tiêu xác định và đo lường những yếu tố tác động đến kết quả xuất khẩu tinh bột sắn của các doanh nghiệp Việt Nam tại các khu vực Đông Nam bộ, Trung bộ và Bắc bộ, với việc áp dụng phương pháp định tính và định lượng được dùng trong nghiên cứu. Trong đó, nghiên cứu định tính được thực hiện chủ yếu thông qua thảo luận tay đôi cùng 15 nhà quản lý doanh nghiệp; nghiên cứu định lượng được thực hiện thông qua phỏng vấn trực tiếp 180 nhà quản lý doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam. Dữ liệu được thu thập từ các đối tượng khảo sát được kiểm định thông qua thang đo Cronbach’s Alpha, EFA và phân tích hồi quy tuyến tính. Kết quả của nghiên cứu cho thấy có 5 yếu tố tác động trực tiếp đến kết quả xuất khẩu tinh bột sắn của các doanh nghiệp Việt Nam, đó là: đặc điểm và năng lực doanh nghiệp, đặc điểm quản lý, năng lực cạnh tranh, định hướng công nghệ và rào cản xuất khẩu.
Từ khóa: tinh bột sắn, kết quả xuất khẩu, đặc điểm quản lý, rào cản xuất khẩu, doanh nghiệp.
1. Đặt vấn đề
Tinh bột sắn là một trong những mặt hàng tiềm năng gia nhập trong nhóm ngành xuất khẩu nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu cao của Việt Nam. Những năm gần đây, xuất khẩu tinh bột sắn có tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định, dù các ngành hàng khác bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tinh bột sắn đạt 1,18 tỷ USD tăng 23,7%, sản lượng xuất khẩu đạt 2,49 triệu tấn tăng 22,9% so với năm 2021. Thị trường xuất khẩu chính của tinh bột sắn Việt Nam là Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong đó, Trung Quốc là thị trường lớn nhất khi chiếm gần 95% sản lượng với 1,11 tỷ USD trị giá xuất khẩu, tăng 22,3% so với năm trước đó. Thị trường tinh bột sắn của Việt Nam ngày càng được mở rộng và đa dạng khách hàng, mức tăng trưởng ổn định.
Tinh bột sắn Việt Nam là mặt hàng nông sản xuất khẩu có vị trí khiêm tốn so với các ngành hàng nông nghiệp chủ lực như cà phê, rau quả, gạo, hạt điều. Trước năm 2015, kim ngạch xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam chỉ khoảng 750 triệu USD, đến năm 2015 đạt xấp xỉ 1 tỷ USD và tiếp tục có mặt trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu 1 tỷ USD trong những năm gần đây (Bộ Công Thương, 2022). Mặt hàng này có mức tăng trưởng ổn định dù thị trường khó khăn do suy thoái kinh tế, cho thấy đây là mặt hàng rất tiềm năng trong tương lai và có thế mạnh cạnh tranh trong khu vực và thế giới.
Ngành Nông sản Việt Nam nói chung và tinh bột sắn có cơ hội lớn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước vẫn chưa khai thác được lợi thế. Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, tham gia thương mại toàn cầu, các doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn buộc phải đặc biệt quan tâm đến các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu của mặt hàng này. Do đó, nghiên cứu hướng đến mục tiêu nhằm giúp các nhà quản lý doanh nghiệp có cách nhìn tổng quát hơn về kết quả xuất khẩu.
2. Phương pháp nghiên cứu
2.1. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu
2.1.1. Cơ sở lý thuyết
Kết quả xuất khẩu thường được công nhận là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Xuất khẩu thường được xem là nâng cao năng suất của một doanh nghiệp vì các doanh nghiệp xuất khẩu phải nâng cao hiệu quả sản xuất để vượt qua các rào cản thương mại và giải quyết các thị hiếu khác nhau của người tiêu dùng và cạnh tranh gay gắt hơn trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, xuất khẩu làm cho các công ty nhận thức được những đổi mới tiềm năng ở nước ngoài, mà họ có thể tiếp thu để cải thiện vị thế của mình trên thị trường nước ngoài (Chen & Cộng sự, 2016), khuyến khích các công ty tiếp thu kiến thức phù hợp và nâng cao năng lực công nghệ của họ. Hơn nữa, xuất khẩu có thể đạt được kết quả với cách tiếp cận ít tốn kém nguồn lực hơn so với các phương thức thâm nhập thị trường nước ngoài (Morgan et al, 2012). Hoạt động xuất khẩu giúp cho các doanh nghiệp tạo thêm nguồn lực và tăng cường khả năng tổ chức (Chen et al, 2016). Trong thời kì hội nhập kinh tế thì xuất khẩu có vai trò rất quan trọng trong sự tăng trưởng và tồn tại của doanh nghiệp (Abdel et al, 2019).
Nghiên cứu lĩnh vực các yếu tố quyết định hiệu quả xuất khẩu của doanh nghiệp là một chủ đề nghiên cứu trọng tâm trong kinh doanh quốc tế. Nghiên cứu này đã bắt đầu từ hơn 50 năm trước với nghiên cứu tiên phong của Tookey (1964), cả Chen et al (2016) và Katsikeas et al (2000) tập trung vào hơn 100 bài báo nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu trong lĩnh vực này. Ngoài ra, Gemunden (1991) chỉ ra rằng hơn 700 biến số đã được đưa ra để nghiên cứu các yếu tố quyết định hiệu quả xuất khẩu và Sousa et al (2008) nhấn mạnh ảnh hưởng không nhất quán của các biến này đối với hoạt động xuất khẩu.
2.1.2 Mô hình nghiên cứu
(i) Đặc điểm và năng lực của doanh nghiệp
Theo các nghiên cứu của Zou & Tan (1998) và Chen et al ( 2016), đặc điểm và năng lực của doanh nghiệp được chứng minh là yếu tố rất quan trọng tác động đến kết quả xuất khẩu của doanh nghiệp, các yếu tố này bao gồm quy mô doanh nghiệp (Adu-Gyamfi & Korneliussen, 2013; Erdil & Ozdemir, 2016; Chen et al, 2016); kinh nghiệm xuất khẩu của doanh nghiệp (Sousa et al, 2008; Chen et al, 2016); năng lực cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp (Zou & Stan, 1998); số năm thành lập của doanh nghiệp (Zou & Stan, 1998; Sousa et al, 2008); doanh nghiệp có kiến thức về thị trường xuất khẩu (Nazar & Saleem 2009), doanh nghiệp có kế hoạch xuất khẩu (Nazar & Saleem, 2009), doanh nghiệp có định hướng thị trường xuất khẩu (Chen et al, 2016). Các nghiên cứu này chỉ ra rằng đặc điểm và năng lực của doanh nghiệp có tác động đến kết quả xuất khẩu của doanh nghiệp. Vì vậy, giả thuyết H1 được đề xuất như sau:
H1: Đặc điểm và năng lực doanh nghiệp có tác động cùng chiều đến kết quả xuất khẩu.
(ii) Đặc điểm quản lý
Moghaddam et al (2012) đã chứng minh trong nghiên cứu rằng đặc điểm quản lý là yếu tố chính rất quan trọng đối với kết quả xuất khẩu, nó quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Đặc điểm quản lý có mối quan hệ mật thiết với sự thành công của doanh nghiệp (Chen et al, 2016). Các chiến lược kinh doanh xuất khẩu và mở rộng thị trường của doanh nghiệp được quyết định bởi các nhà quản lý có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp (Katsikeas et al, 2000). Theo các nghiên cứu, đặc điểm quản lý bao gồm: kinh nghiệm quốc tế (Chen et al, 2016), trình độ của nhà quản lý (Moghaddam et al, 2012), thái độ của nhà quản lý (Katsikeas et al, 2000; Ayan & Percin, 2005; Nazar & Salem, 2009), tính chuyên nghiệp của nhà quản lý (Chen et al, 2016). Các kết quả nghiên cứu cho thấy đặc điểm quản lý là yếu tố có tác động trực tiếp đến kết quả xuất khẩu của doanh nghiệp. Vì vậy, giả thuyết H2 được đề xuất như sau:
H2: Đặc điểm quản lý có tác động cùng chiều đến kết quả xuất khẩu
(iii) Năng lực cạnh tranh
Năng lực cạnh tranh là yếu tố cơ bản quyết định sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp xuất khẩu (Aaby và Slater, 1989). Các doanh nghiệp hoạch định chiến lược cạnh tranh nhằm mục đích tìm kiếm vị thế cạnh tranh thuận lợi trong ngành (Famiyeh, 2017). Doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành có vị thế cạnh tranh được xem như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (Kusuma, 2018). Năng lực cạnh tranh bao gồm các yếu tố như doanh nghiệp có thể sản xuất sản phẩm đáp ứng yêu cầu của khách hàng, chi phí thấp, sản phẩm bán ra có giá thấp so với các đối thủ cạnh trạnh và sự khác biệt (Rojoka, 2009). Theo kết quả nghiên cứu của Han et al (2007) và Famiyeh (2017) đã chỉ rõ yếu tố năng lực cạnh tranh có ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu của doanh nghiệp. Tác giả đồng tình với nghiên cứu và đề xuất giả thuyết H3 như sau:
H3: Năng lực cạnh tranh tác động cùng chiều đến kết quả xuất khẩu
(iv) Định hướng công nghệ
Hortinha et al (2011) đã đưa ra khái niệm về định hướng công nghệ đó là khả năng và ý chí của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp sở hữu công nghệ để phát triển các sản phẩm mới. Slater et al (2007) trong nghiên cứu của mình đã chỉ ra rằng các doanh nghiệp chủ động tiếp thu và tích hợp công nghệ hiện đại để phát triển sản phẩm mới của doanh nghiệp. Định hướng công nghệ giúp cho các doanh nghiệp sử dụng công nghệ trong sản xuất sản phẩm mới, từ đó đáp ứng nhu cầu của khách hàng (Sousa & Novello, 2014; Hortinha et al, 2011). Nghiên cứu của Byoungho & Hyeon (2018) chứng minh yếu tố định hướng công nghệ của doanh nghiệp có tác động tích cực đến kết quả xuất khẩu. Đây là cơ sở đề xuất giả thuyết H4 như sau:
H4: Định hướng công nghệ có tác động cùng chiều đến kết quả xuất khẩu
(v) Rào cản xuất khẩu
Hội nhập kinh tế toàn cầu giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu có nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa ra thị trường nước ngoài, tuy nhiên theo Morgan & Katsikeas (1997), khả năng phát triển và duy trì hoạt động của doanh nghiệp bị hạn chế bởi rào cản xuất khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu có thể gặp các rào cản về thủ tục (Altintas et al, 2007; Al-Hyari et al, 2012), sự khác biệt (Altıntas et al, 2007), rào cản về cạnh tranh (Altintas et al, 2007), rào cản về thông tin (Al-Hyari et al, 2010), rào cản về thuế quan (Morgan & Katsikeas, 1997), rào cản về khoảng cách địa lý (Virvilaite & Seinauskiene, 2015). Theo kết quả nghiên cứu về rào cản xuất khẩu của Seinauskiene (2015) cho thấy rào cản xuất khẩu và kết quả xuất khẩu có mối quan hệ ngược chiều. Đây là yếu tố rất quan trọng khi các doanh nghiệp gia nhập thị trường toàn cầu, vì vậy, tác giả đề xuất giả thuyết H5 như sau:
H5: Rào cản xuất khẩu có tác động ngược chiều đến kết quả xuất khẩu
2.2. Phương pháp nghiên cứu
2.2.1. Quy trình nghiên cứu
Nghiên cứu khảo sát các yếu tố tác động kết quả xuất khẩu tinh bột sắn sử dụng cả 2 phương pháp định tính và định lượng. Nghiên cứu định tính được tác giả thực hiện thông qua thảo luận sâu cùng 15 chuyên gia và nhà quản lý là giám đốc hoặc trưởng phòng của các doanh nghiệp gồm: 4 doanh nghiệp tại Tây Ninh, 3 doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, 3 doanh nghiệp tại Gia Lai, 3 doanh nghiệp tại Phú Yên, 2 doanh nghiệp tại Lạng Sơn vào tháng 02/2023. Kết quả thảo luận cho thấy, 15/15 nhà quản lý và chuyên gia đều cho rằng 5 yếu tố nghiên cứu có tác động trực tiếp kết quả xuất khẩu của doanh nghiệp. Đồng thời, yếu tố năng lực quản lý rất được các nhà quản lý quan tâm trong hiệu quả hoạt động xuất khẩu. Qua khảo sát, hình thành bộ tiêu chí đo lường 28 biến của 6 khái niệm (kết quả xuất khẩu và 5 yếu tố tác động đến kết quả xuất khẩu), tất cả các biến này được đo lường bằng thang đo Likert 5 mức độ (1: Hoàn toàn không đồng ý; 2: Không đồng ý; 3: Trung bình/không ý kiến; 4: Đồng ý; 5: Hoàn toàn đồng ý).
Nghiên cứu định lượng được thực hiện để kiểm định mô hình và các giả thiết nghiên cứu thông qua khảo sát 180 nhà quản lý từ cấp trưởng phòng trở lên của các doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn tại các khu vực Đông Nam bộ, miền Trung và phía Bắc. Song vì có một số doanh nghiệp trả lời phiếu phỏng vấn không đủ thông tin, nên chỉ còn 176 quan sát phù hợp. Đối tượng khảo sát là các lãnh đạo, quản lý cấp cao của doanh nghiệp nên khó tiếp cận, nghiên cứu định lượng được thực hiện bằng cách gửi thông tin phiếu phỏng vấn theo phương pháp lấy mẫu thuận tiện vào giai đoạn tháng 2/2023 - 4/2023 để kiểm định mô hình và các giả thuyết nghiên cứu.
2.2.2. Kỹ thuật xử lý dữ liệu
Để kiểm định thang đo, đánh giá độ tin cậy của dữ liệu sau khi thu thập từ các đối tượng khảo sát và kiểm định mô hình và các giả thuyết, nghiên cứu đã sử dụng Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA) và hồi quy OLS. Thực hiện EFA để rút gọn các biến tạo ra các biến độc lập và biến phụ thuộc cho phân tích hồi quy. Mục tiêu của phân tích là xây dựng một hàm tuyến tính để cho thấy sự tác động cũng như mức độ tác động của các nhân tố được nghiên cứu đến kết quả hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.
3. Kết quả và thảo luận
3.1. Kết quả nghiên cứu
Phân tích độ tin cậy thang đo thông qua hệ số Cronbach’s Alpha
Kết quả được trình bày trong Bảng 1 cho thấy 6 biến quan sát đều thỏa mãn yêu cầu và được chấp nhận, kết quả của các thang đo nghiên cứu đều có tương quan biến tổng từ 0,443 đến 0,927 (lớn hơn 0,3) và hệ số Cronbach’s Alpha từ 0,712 đến 0,942 (lớn hơn 0,6).
Bảng 1. Kết quả phân tích độ tin cậy các thang đo
Biến quan sát |
Cronbach’s Alpha |
Nguồn
|
Kết quả xuất khẩu (KQXK) KQXK1: Doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu xuất khẩu KQXK2: Doanh nghiệp thâm nhập được thị trường xuất khẩu KQXK3: Doanh nghiệp đạt được thị phần hoạt động xuất khẩu KQXK4: Doanh nghiệp có nhiều khách hàng KQXK5: Doanh nghiệp đạt được uy tín cao |
(α = 0,807) |
Zou và Stan (1998), Cadogan et al (2002), Navarro & et al (2010) |
Đặc điểm và năng lực doanh nghiệp (NLDN) NLDN1: Quy mô doanh nghiệp phù hợp hoạt động xuất khẩu NLDN2: Doanh nghiệp có kinh nghiệm xuất khẩu NLDN3: Doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh quốc tế NLDN4: Doanh nghiệp có kế hoạch xuất khẩu NLDN5: Doanh nghiệp có định hướng thị trường xuất khẩu |
(α = 0,837) |
Zou và Stan (1998), Chen et al (2016) |
Năng lực cạnh tranh (NLCT) NLCT1: Doanh nghiệp cung cấp sản phẩm phù hợp yêu cầu khách hàng NLCT2: Có thể cung cấp sản phẩm với chi phí thấp NLCT3: Có thể cung cấp các đơn hàng với số lượng lớn NLCT4: Luôn giao hàng đúng thời gian NLCT5: Có khả năng tài chính tốt NLCT6: Có khả năng khai thác thị trường tốt |
(α = 0,942) |
Sigalas et al (2013); Siriphattrasophon và Piriyatanarak (2013); Kaur et al (2016); Famiyeh (2017); Ramlawati và Kusuma (2018) |
Đặc điểm quản lý (DDQL) DDQL1: Các nhà quản lý có thái độ tốt đối với xuất khẩu DDQL2: Các nhà quản lý có trình độ cao DDQL3: Các nhà quản lý hoạt động chuyên nghiệp DDQL4: Các nhà quản lý có kinh nghiệm trong hoạt động xuất khẩu |
(α = 0,821) |
Zou và Stan (1998), Ayan và Percin (2005) |
Định hướng công nghệ (DHCN) DHCN1: Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại trong phát triển sản phẩm DHCN2: Doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại sản xuất sản phẩm mới DHCN3: Đổi mới công nghệ luôn được doanh nghiệp quan tâm DHCN4: Đổi mới công nghệ luôn được khuyến khích trong quản lý dự án |
(α = 0,724) |
Hortinha et al (2011) |
Rào cản xuất khẩu (RCXK) RCXK1: Rào cản về địa lý RCXK2: Rào cản về thuế quan RCXK3: Rào cản về thông tin RCXK4: Rào cản về chính sách thủ tục |
(α = 0,712) |
Altıntas et al (2007), Virvilaite và Seinauskiene (2015) |
Nguồn: Kết quả phân tích số liệu, 2023
Phân tích nhân tố khám phá
Các biến quan sát sau khi phân tích như Bảng 2, cho thấy kết quả đạt yêu cầu về giá trị. Phân tích EFA các yếu tố có tác động đến kết quả xuất khẩu của doanh nghiệp, được trích làm 5 yếu tố tương ứng với các biến đo lường các khái niệm. Từ kết quả phân tích cho thấy, KMO = 0,736 > 0,5; sig. = 0,000 < 0,01 do đó các thang đo đạt giá trị hội tụ và phân biệt, giá trị của thang đo giải thích tốt các khái niệm, tổng phương sai trích 72,34% > 60% từ 5 nhân tố được rút trích. Các nhân tố có hệ số tải đều lớn hơn 0,5 (từ 0,714 đến 0,932).
Bảng 2. Kết quả phân tích EFA các khái niệm
Eigenvalue = 1,826; Phương sai trích = 72,34% KMO = 0,736; Sig. = 0,000 |
|||||
Biến quan sát |
Năng lực cạnh tranh |
Đặc điểm và năng lực của doanh nghiệp |
Đặc điểm quản lý |
Rào cản xuất khẩu |
Định hướng công nghệ |
Trọng số nhân tố |
|||||
NLCT3 |
0,932 |
|
|
|
|
NLCT2 |
0,871 |
|
|
|
|
NLCT6 |
0,854 |
|
|
|
|
NLCT5 |
0,843 |
|
|
|
|
NLCT4 |
0,837 |
|
|
|
|
NLCT1 |
0,829 |
|
|
|
|
NLDN4 |
|
0,893 |
|
|
|
NLDN3 |
|
0,874 |
|
|
|
NLDN2 |
|
0,856 |
|
|
|
NLDN1 |
|
0,842 |
|
|
|
NLDN5 |
|
0,831 |
|
|
|
DDQL1 |
|
|
0,816 |
|
|
DDQL3 |
|
|
0,743 |
|
|
DDQL4 |
|
|
0,732 |
|
|
DDQL2 |
|
|
0,724 |
|
|
DDQL5 |
|
|
0,714 |
|
|
RCXK1 |
|
|
|
0,840 |
|
RCXK2 |
|
|
|
0,836 |
|
RCXK3 |
|
|
|
0,820 |
|
RCXK4 |
|
|
|
0,729 |
|
DHCN1 |
|
|
|
|
0,869 |
DHCN4 |
|
|
|
|
0,822 |
DHCN3 |
|
|
|
|
0,803 |
DHCN2 |
|
|
|
|
0,727 |
Nguồn: Kết quả phân tích số liệu, 2023
3.2. Kiểm định mô hình và giả thiết nghiên cứu
Phân tích mô hình hồi quy
R2 hiệu chỉnh = 0,447, điều này cho thấy 44,7% mức độ biến thiên của kết quả xuất khẩu tinh bột sắn của doanh nghiệp được giải thích bởi các biến độc lập. Từ đó, mô hình hồi quy có dạng như sau:
KQXK = 0,421*NLDN + 0,322*NLCT + 0,158*DDQL+ 0,312*DHCN -0,138*RCXK + ε
Bảng 3. Kết quả hồi quy bội
Mô hình |
R |
R2 |
R2 hiệu chỉnh |
Sai số chuẩn ước lượng |
Durbin-Watson |
1 |
0,652a |
0,434 |
0,447 |
0,91263 |
2,125 |
Nguồn: Kết quả phân tích số liệu, 2023
Kiểm định tính phù hợp của mô hình
Kết quả kiểm định Anova trong Bảng 4 cho thấy mức ý nghĩa Sig. < 0,05, do đó có thể kết luận rằng mô hình phù hợp và có ý nghĩa thống kê, các yếu tố NLDN, NLCT, DDQL, DHCN và RCXK thực sự tác động đến KQXK. Đồng thời, giả thuyết Ho được bác bỏ khi cho rằng tất cả các hệ số hồi quy đều bằng 0.
Bảng 4. Kiểm định Anova
Mô hình |
Tổng bình phương |
df |
Trung bình bình phương |
F |
Sig. |
Hồi quy |
146,327 |
5 |
30,564 |
35,069 |
0,000 |
Phần dư |
185,421 |
170 |
0,762 |
|
|
Tổng |
331,748 |
175 |
|
|
|
Nguồn: Kết quả phân tích số liệu, 2023
Kiểm định giả thiết nghiên cứu
Kết quả kiểm định được nêu trong bảng 5 cho thấy ở mức ý nghĩa 5%, độ tin cậy 95% thì các giả thiết đều được chấp nhận.
Bảng 5. Kết quả kiểm định giả thiết nghiên cứu
Mô hình |
Hệ số chưa chuẩn hóa |
Hệ số đã chuẩn hóa |
t |
Sig. |
Đa cộng tuyến |
||
B |
Std. Error |
Beta |
Tolerance |
VIF |
|||
(Hằng số) |
0,512 |
0,437 |
|
3,132 |
0,000 |
|
|
NLDN |
0,115 |
0,042 |
0,421 |
2,436 |
0,012 |
0,785 |
1,327 |
NLCT |
0,365 |
0,065 |
0,322 |
5,649 |
0,000 |
0,827 |
1,248 |
DDQL |
0,144 |
0,046 |
0,158 |
2,887 |
0,004 |
0,782 |
1,249 |
DHCN |
0,318 |
0,051 |
0,312 |
5,153 |
0,000 |
0,835 |
1,124 |
RCXK |
-0,124 |
0,058 |
-0,138 |
-2,082 |
0,038 |
0,824 |
1,056 |
Nguồn: Kết quả phân tích số liệu, 2023
Giả thuyết về hiện tượng đa cộng tuyến và tự tương quan
Kết quả trong Bảng 5 cho thấy hệ số VIF <5 nên không có hiện tượng đa cộng tuyến xảy ra. Đồng thời, hệ số Durbin-Watson trong mô hình Model Summary là 2,125 >1, nên mô hình không có hiện tượng tự tương quan giữa các biến.
Kiểm định mô hình hồi quy tuyến tính
Biểu đồ Hình 2 có đường cong dạng hình chuông, giá trị trung bình Mean gần bằng 0 độ lệch chuẩn là 0,968 gần bằng 1, kết quả kiểm định cho thấy phần dư đạt yêu cầu phân phối chuẩn. Vì vậy, có thể kết luận mô hình hồi quy trên là tuyến tính.
3.3. Thảo luận kết quả
Kết quả nghiên cứu chứng minh rằng nếu doanh nghiệp có quy mô lớn, càng nhiều kinh nghiệm xuất khẩu và có khả năng hoạch định kế hoạch xuất khẩu có thể giúp gia tăng hiệu quả hoạt động xuất khẩu. Vai trò của các nhà quản lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nếu doanh nghiệp có các nhà quản lý giỏi chuyên môn về nghiệp vụ xuất khẩu, am hiểu thị trường sẽ giúp cho việc ra quyết định kế hoạch xuất khẩu hiệu quả. Đồng thời, doanh nghiệp có đầy đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường so với đối thủ và ứng dụng công nghệ hiện đại trong phát triển sản phẩm sẽ tạo ra được vị thế cạnh tranh tốt. Bên cạnh đó, khi rào cản xuất khẩu như rào cản thủ tục, chính sách, vị trí địa lý, thiếu thông tin và chính sách thuế cao sẽ làm giảm hiệu quả xuất khẩu.
4. Kết luận
Kết quả hoạt động xuất khẩu tinh bột sắn chịu tác động của 5 yếu tố được giới thiệu trong nghiên cứu, đây là sản phẩm nông sản xuất khẩu đầy tiềm năng của Việt Nam. Khi thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, các mặt hàng nông sản khác như cà phê, rau quả, điều... có mức tiêu thụ giảm sút ít đầu ra thì xuất khẩu tinh bột sắn vẫn mang lại giá trị cao, tốc độ tăng trưởng ổn định. Qua kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số hàm ý quản trị mong rằng có thể giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu:
Một là, tiếp cận thị trường nước ngoài bằng cách nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp như khả năng xuất khẩu, kinh nghiệm giao thương quốc tế, khả năng mở rộng thị trường. Điều này giúp cho doanh nghiệp tìm kiếm được thêm nhiều khách hàng và thị trường mới.
Hai là, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách tạo vị thế cạnh tranh trên thị trường với chiến lược dài hạn, cung cấp sản phẩm đa dạng, chất lượng ổn định, đáp ứng linh hoạt các nhu cầu thị trường, tránh chạy theo lợi nhuận trước mắt bỏ qua cơ hội khai thác thị trường nhỏ lẻ. Đặc biệt đối với tinh bột sắn hiện nay đang phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, việc mở rộng thị trường khác như Nhật Bản, châu Âu mang tính cấp thiếtg, (dù các thị trường này tiêu thụ số lượng nhỏ), nhưng việc thâm nhập các thị trường này sẽ góp phần nâng cao uy tín thương hiệu của doanh nghiệp.
Ba là, các doanh nghiệp tinh bột sắn nên nghiên cứu công nghệ sản xuất sâu, phát triển thêm sản phẩm sau tinh bột, để nâng cao giá trị của sản phẩm.
Bốn là, cần khai thác tốt hơn và tận dụng lợi thế từ các FTA để có thể mở rộng thị trường mới ngoài thị trường truyển thống.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Aaby, N. E., &Slater, S. F. (1989), “Management Influences on Export Performance: A Review of the Empirical Literature 1978-1988:”, International Marketing Review, 6(4), 7-26. Doi:10.1108/EUM0000000001516
- Adu-Gyamfi, N., & Korneliussen, T. (2013). Antecedents of export performance: The case of an emerging market. International Journal of Emerging Markets, 8(4), 354-372. Doi:10.1108/IJoEM-Jun-2011-0056
- Agus, A. A., Isa, M., Farid, M. F., & Permono, S. P. (2015). An assessment of SME competitiveness in Indonesia. Journal of Competitiveness, 7(2), 60-74. Doi:10.7441/joc.2015.02.04
- Altıntaş, M. H., Tokol, T., & Harcar, T. (2007). The effects of export barriers on perceived export performance: An empirical research on SMEs in Turkey. EuroMed Journal of Business, 2(1), 36-56. doi:10.1108/14502190710749947
- Bộ Công Thương (2023). Báo cáo xuất nhập khẩu của Việt Nam 2022. Nhà Xuất bản Công Thương.
- Chen, J., Sousa, C. M. P., & He, X. (2016). The determinants of export performance: A review of the literature 2006-2014. International Marketing Review, 33(5), 626-670. Doi:10.1108/imr-10-2015-0212
- Chung, F. L., Zhujun, D., & Xufei, M. (2019). “Organisational learning and export performance of emerging market entrepreneurial firms: The roles of RBV mechanism and decision-making approach”, European Journal of Marketing, 53(2), 257-278. Doi:10.1108/EJM-08-2017-0496
- Erdil, T. S., & Ozdemir, O. (2016). The determinants of relationship between marketing mix strategy and drivers of export performance in foreign markets: An application on Turkish clothing industry. Procedia - Social and Behavioral Sciences, 235, 546-556. Doi:10.1016/j.sbspro.2016.11.067
- Famiyeh, S. (2017). Corporate social responsibility and firm’s performance: Empirical evidence. Social Responsibility Journal, 13(2), 390-406. doi:10.1108/SRJ-04-2016-0049
- Guan, J. C., Yam, R.C.M., Mok,C. K., & Ma, N. 2006). A study of the relationship between competitiveness and technological innovation capability based on DEA models. European Journal of Operational Research, 170(3), 971-986. Doi:10.1016/j.ejor.2004.07.054
- Hortinha, P., Lages, C., & Lages, L. F. (2011), “The Trade-off between Customer and Technology Orientations: Impact on Innovation Capabilities and Export Performance”, Journal of International Marketing, 19(3), 36-58. https://doi.org/10.1509/jimk.19.3.36
- Hultman, M., Robson, M.J., & Katsikeas, C.S.(2009). “Export Product Strategy Fit and Performance: An Empirical Investigation”, Journal of International Marketing, 17(4),1-23.Doi:10.1509/jimk.17.4.1
- Katsikeas, C. S., Leonidou, L. C., & Morgan, N. A. (2000). “Firm-level export performance assessment: Review, evaluation, and development”, Journal of the Academy of Marketing Science, 28(4), 493-511. Doi:10.1177/0092070300284003
- Lages, L. F., Silva, G., & Styles, C. (2009). “Relationship Capabilities, Quality, and Innovation as Determinants of Export Performance”, Journal of International Marketing, 17(4), 47-70. Doi:10.1509/jimk.17.4.47
- Majocchi, A., Bacchiocchi, E., & Mayrhofer, U. (2005). “Firm size, business experience and export intensity in SMEs: A longitudinal approach to complex relationships”, International Business Review, 14(6), 719-738. Doi:10.1016/j.ibusrev.2005.07.004
- Moghaddam, F. M., Hamid, A. B. B. A., & Aliakbar, E. (2012). Management influence on the export performance of firms: A review of the empirical literature 1989-2009. African Journal of Business Management, 6(15), 5150-5158. Doi:10.5897/AJBM11.1408
- Navarro, A., Losada, F., Ruzo, E., & Diez, J. A. (2010). Implications of perceived competitive advantages, adaptation of marketing tactics and export commitment on export performance. Journal of World Business, 45, 49-58. Doi:10.1016/j.jwb.2009.04.004
- Nazar, M. S., & Saleem, H. M. N. (2009). Firm level determinants of export performance. International Business & Economics Research Journal, 8(2), 105-112. Doi:10.19030/iber.v8i2.3107
- Porter, M. E. (2008). On competition, updated and expanded edition. Boston, MA: Harvard Business School Press.
- Ramlawati, R., & Kusuma, A. H. P. (2018). Total quality management as the key of the company to gain the competitiveness, performance achievement and consumer satisfaction. International Review of Management and Marketing, 8(5), 60-69. http://orcid.org/0000-0002-9530-4554
- Sousa, C.M.P.,& Novello, S. (2014). “The influence of distributor support and price adaptation on the export performance of small and medium-sized enterprises”, International Small Business Journal, 32(4), 359-385. Doi:10.1177/0266242612466876
- Sousa, C. M. P., Martinez, F. J., & Coelho, F. (2008). “The determinants of export performance: A review of the research in the literature between 1998 and 2005”, International Journal of Management Reviews, 10(4), 343-374. Doi:10.1111/j.1468-2370.2008.00232.x
- Tookey, D. A. (1964). “Factors Associated with Success in Exporting”, Journal of Management Studies, 1(1), 48 66. Doi:10.1111/j.1467-6486.1964.tb00122.x
- Zou, S., & Stan, S. (1998). “The determinants of export performance: A review of the empirical literature between 1987 and 1997”, International Marketing Review, 15(5), 333-356. Doi:10.1108/02651339810236290
Factors affecting the cassava starch export of exporting firms in Vietnam
Master. Nguyen Tri Phuong
University of Economics Ho Chi Minh City
ABSTRACT:
This study identifies and measures the factors affecting the cassava starch export of exporting firms in the Southeast region, the Central region, and the Northern region, Vietnam by using both qualitative and quantitative research methods. The qualitative research method is mainly carried out through in-depth interviews with 15 chief executive officers. Meanwhile, the quantitative research method is conducted through direct interviews with 180 managers of cassava starch exporting firms in Vietnam. The data collected from survey subjects is tested through Cronbach's Alpha, EFA and linear regression analysis. The study’s results show that there are five factors directly affecting the cassava starch export of exporting firms, including: enterprise’s characteristics and capabilities, management characteristic, competitive capability, technology orientation, and export barriers.
Keywords: cassava starch, export performance, management characteristic, export barriers, enterprises.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14 tháng 6 năm 2023]