TÓM TẮT:
Mục tiêu của bài nghiên cứu là phân tích sự biến động của cán cân thương mại Việt Nam - ASEAN trong giai đoạn 2011-2019, đặc biệt phân tích trước tình hình căng thẳng trong thương mại của Mỹ và Trung Quốc sẽ tác động như thế nào đến cán cân thương mại Việt Nam - ASEAN. Từ đó, tác giả phân tích tác động của hoạt động thương mại đến kinh tế của Việt Nam và các nước ASEAN. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong ngắn hạn, giai đoạn 2018 – 2019, hoạt động thương mại của Việt Nam và ASEAN không bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Tuy nhiên, cơ cấu một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có dấu hiệu thay đổi và chuyển dịch.
Từ khóa: Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu chủ lực, cán cân thương mại, Việt Nam-ASEAN, căng thẳng thương mại.
1. Giới thiệu
Trong bối cảnh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng thì quan hệ thương mại Việt Nam - ASEAN bị ảnh hưởng như thế nào, những ngành hàng Việt Nam có lợi thế so sánh, các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu như thế nào? xu hướng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường ASEAN có bị tác động hay không trong bối cảnh thương mại Mỹ-Trung. Trung Quốc và Mỹ là hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2019 đạt 116.8 tỷ USD với Trung Quốc (chiếm 22.6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu) và 75 tỷ USD với Mỹ (chiếm 14.5%). Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ ít nhiều tác động đến công nghiệp và thương mại của Việt Nam, nhưng mức độ ảnh hưởng ra sao còn phụ thuộc vào cơ cấu thương mại giữa Việt Nam với Mỹ và với Trung Quốc, vào năng lực sản xuất trong nước của mỗi nước, và vào năng lực xuất khẩu của các đối tác thương mại khác của hai nước này (đối thủ cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc và Mỹ). Tóm lại để tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của các vấn đề trên, nhóm tác giả sẽ giải quyết trong nghiên cứu này.
2. Thực trạng cán cân thương mại Việt Nam- ASEAN giai đoạn 2011-2019
2.1. Cán cân thương mại Việt Nam-ASEAN
Bảng 1. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN 2011 - 2019
Đvt: tỷ USD
Năm |
2011 |
2012 |
2013 |
2014 |
2015 |
2016 |
2017 |
2018 |
2019 |
XNK |
34.6 |
38.2 |
39.9 |
42.0 |
42.0 |
41.5 |
49.7 |
56.7 |
57.4 |
XK |
13.7 |
17.4 |
18.6 |
19.1 |
18.2 |
17.4 |
21.7 |
24.9 |
25.4 |
NK |
20.9 |
20.8 |
21.3 |
22.9 |
23.8 |
24.1 |
28.0 |
31.8 |
32.1 |
CCTM |
(7.2) |
(3.4) |
(2.7) |
(3.8) |
(5.6) |
(6.7) |
(6.3) |
(6.9) |
(6.7) |
Nguồn: Tổng cục Thống kê và tính toán của tác giả
Nhìn vào Bảng 1 cho thấy, thâm hụt thương mại của Việt Nam trong nội khối ASEAN là vấn đề được đặt ra sớm nhất ngay từ khi thực thi đường lối đổi mới, mở cửa nền kinh tế và luôn thời sự trên các diễn đàn. Thâm hụt thương mại là cần thiết khi nền kinh tế Việt Nam đang phát triển, trình độ thấp về nhiều mặt và ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Trong quan hệ thương mại với ASEAN, Việt Nam luôn nhập siêu với kim ngạch nhập khẩu chiếm 55% tổng kim ngạch thương mại. Tuy nhiên, tăng trưởng bình quân xuất khẩu luôn cao hơn tăng trưởng bình quân nhập khẩu (khoảng 3 - 5%), do đó thâm hụt thương mại còn trong tình trạng kiểm soát được và tiến tới cân bằng giữa xuất khẩu và nhập khẩu trong tương lai gần.
Hoạt động thương mại giữa Việt Nam và ASEAN giai đoạn 2011 - 2019 luôn có sự tăng trưởng và ổn định, đặc biệt giai đoạn 2016 - 2018 có sự tăng trưởng mạnh sau khi Việt Nam tổ chức thành công hội nghị APEC. Tuy nhiên, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vào đầu năm 2018 đã ảnh hưởng đến nền kinh tế của Việt Nam nên kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN đã có sự chững lại trong giai đoạn 2018 - 2019 so với giai đoạn 2016 - 2018.
2.2. Sự tác động của hoạt động thương mại Mỹ-Trung Quốc đến hoạt động thương mại của Việt Nam
Để thấy rõ tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đối với hoạt động thương mại của Việt Nam và ASEAN, cần đánh giá sự biến động của dòng chảy hàng hóa và dịch vụ từ Việt Nam vào các nước ASEAN và ngược lại. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bắt đầu từ tháng 3/2018. Vì vậy, việc phân tích, đánh giá sẽ được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2011 - 2017 và giai đoạn 2 năm 2018 - 2019 với đối tượng phân tích là cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu và nhập khẩu chủ lực giữa Việt Nam và ASEAN.
2.2.1. Sự tác động của hoạt động thương mại Mỹ - Trung Quốc đến cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và ASEAN
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, phù hợp với lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng xuất khẩu không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Điều này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự tác động, tạo thuận lợi cho sản xuất và hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Năm 2017 có 6 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đi các nước ASEAN bao gồm: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; hàng thủy sản; phương tiện vận tải và phụ tùng; dầu thô chiếm 45% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam và ASEAN. Đến năm 2019, tỷ trọng của 6 mặt hàng xuất khẩu chủ lực này chiếm 35% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam và ASEAN, trong đó có hai mặt hàng là điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã giảm từ 27% xuống còn 16% trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam và ASEAN.
Tuy nhiên, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam và ASEAN năm 2019 tăng trưởng 117% so với năm 2017, mặc dù đã có sự chững lại về giá trị xuất khẩu của năm 2019 so với năm 2018. Điều này cho thấy, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam và ASEAN vẫn có sự tăng trưởng nhưng đã có sự điều chỉnh thay đổi về cơ cấu mặt hàng, cụ thể giảm về giá trị và tỷ trọng của hai mặt hàng là điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (từ 5.65 tỷ USD với tỷ trọng 27% xuống còn 4.18 tỷ USD với tỷ trọng 16%). Đồng thời, gia tăng giá trị xuất khẩu của 2 mặt hàng là sắt thép các loại; hàng dệt may và nguyên phụ liệu dệt may, da giày (từ 3.04 tỷ USD với tỷ trọng 14% lên 4.67 tỷ USD với tỷ trọng 19%).
Trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tỷ trọng hàng chịu thuế trừng phạt lớn nhất là ở sản phẩm điện thoại và linh kiện, sản phẩm điện - điện tử. Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc là 2 thị trường tiêu thụ lớn nhất của thế giới về các mặt hàng này. Vì vậy, khi chiến tranh thương mại nổ ra, các doanh nghiệp ở thị trường Mỹ và Trung Quốc sẽ thận trọng hơn, thị trường tiêu thụ cũng thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Khi các doanh nghiệp ở Mỹ và Trung Quốc bị ảnh hưởng cũng như thị trường tiêu thụ thắt chặt hơn, bên cạnh việc xuất khẩu trực tiếp các mặt hàng điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của doanh nghiệp Việt Nam cũng ảnh hưởng thì việc xuất khẩu các mặt hàng này sang các nước ASEAN cũng bị ảnh hưởng theo, do các doanh nghiệp ở các nước ASEAN cũng chịu cùng ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Bên cạnh đó, khi nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu, rộng với thế giới, bất kỳ một sự thay đổi nào của một hay bất kỳ nền kinh tế nào xảy ra cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Chính vì vậy, để có thể tận dụng sự thuận lợi cũng như hạn chế các bất lợi của hoạt động thương mại, đòi hỏi các cơ quan quản lý và điều hành chính sách cần có các chiến lược phù hợp để phát triển kết hợp với sự nỗ lực, phấn đấu của chính nội tại các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, các quốc gia thuộc khối ASEAN do lo ngại về nguy cơ lẩn tránh xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc cũng như chống lần tránh phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ đối với mặt hàng sắt thép các loại (đây là mặt hàng thế mạnh của Trung Quốc có tính cạnh tranh rất cao cũng như nguồn hàng dồi dào được xem như là nhà cung cấp cho thế giới), đã chuyển dịch các đơn hàng sang các nước khác, trong đó có Việt Nam cũng có nhiều lợi thế cạnh tranh đối với mặt hàng này. Kết quả, giá trị xuất khẩu trong nội khối ASEAN tăng từ 1.71 tỷ USD năm 2017 lên 2.52 tỷ USD năm 2019 và trở thành mặt hàng đứng đầu trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang ASEAN (chiếm 10% tổng giá trị xuất khẩu sang ASEAN). Đây có thể được xem là cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không phải là điều kiện thường xuyên trong nền kinh tế thị trường.
2.2.2. Sự tác động của hoạt động thương mại Mỹ - Trung Quốc đến cơ cấu mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam và ASEAN
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, giá trị nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và ASEAN tăng trưởng ổn định trong giai đoạn 2011 - 2019, bình quân gần 6%/năm. Đồng thời, cơ cấu danh mục các mặt hàng nhập khẩu chủ lực cũng ổn định trong giai đoạn này, ngoại trừ mặt hàng xăng dầu có xu hướng giảm trong năm 2019 (năm 2017 nhập khẩu xăng dầu 4.36 tỷ USD, chiếm 16% tổng giá trị nhập khẩu trong khối ASEAN nhưng đến năm 2019 giá trị nhập khẩu còn 3.03 tỷ USD, chiếm 9% tổng giá trị nhập khẩu).
Tuy nhiên, việc giảm giá trị nhập khẩu xăng dầu trong nội khối ASEAN không chịu nhiều ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Nguyên nhân chủ yếu là giá trị xăng dầu trong nước sản xuất đã gia tăng từ Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quốc, điều này nằm trong kế hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa dầu của quốc gia. Bên cạnh đó, năm 2019, có nhiều nhà máy điện năng lượng tái tạo (điện gió và điện năng lượng mặt trời) đi vào hoạt động và hòa vào mạng lưới điện quốc gia, góp phần nâng cao công tác bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Việc phát triển nhà máy điện năng lượng tái tạo là xu hướng phát triển tất yếu của bất kỳ nền kinh tế nào trong tiến trình phát triển đất nước, góp phần vào việc bảo vệ môi trường và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Ngoài ra, chi phí điện năng lượng tái tạo khá cạnh tranh với xăng dầu góp phần vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trong quá trình hội nhập nền kinh tế.
Trong ngắn hạn, giai đoạn 2018 - 2019 cho thấy hoạt động thương mại của Việt Nam và ASEAN không bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Tuy nhiên, cơ cấu một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có dấu hiệu thay đổi và chuyển dịch. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đã gây ra bất ổn về thị trường và môi trường kinh doanh tại Trung Quốc. Thị trường chứng khoán của Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề, khiến các doanh nghiệp khó thu hút được vốn đầu tư thông qua kênh này.
Bên cạnh đó, các biện pháp phi thuế của Trung Quốc sẽ tạo môi trường kinh doanh bất ổn, khiến các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại đất nước này gặp khó khăn, gây ra xu hướng dịch chuyển đầu tư sang các nước trong khu vực. Các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Trung Quốc sẽ phải tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc và tìm kiếm nguồn cung từ các nước khác trong khu vực. Xu hướng này sẽ là cơ hội lớn cho các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam tận dụng để thu hút đầu từ nước ngoài, đặc biệt vào các lĩnh vực công nghệ chế tạo, công nghệ cao, là đối tượng bị ảnh hưởng lớn từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.
3. Khuyến nghị chính sách
Cơ cấu các mặt hàng chủ lực trong mối quan hệ thương mại với ASEAN hầu hết xoay quanh các mặt hàng thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ. Khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu phụ thuộc vào 3 yếu tố cơ bản, gồm: chi phí, chất lượng và thời gian thực hiện đơn hàng và giao hàng. Thứ nhất, việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước có thể giúp làm giảm chi phí sản xuất của các doanh nghiệp lắp ráp và giảm thời gian giao hàng do giảm thời gian vận chuyện lưu kho lưu bãi trong nhập khẩu. Thứ hai, chi phí sản xuất của doanh nghiệp sẽ giảm dần. Chi phí của một sản phẩm bao gồm chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí nhân công, chi phí sản xuất và chi phí cho hoạt động logistics... Tùy vào đặc điểm từng ngành nghề, từng sản phẩm mà tỷ lệ giữa các chi phí có thể khác nhau.
Tuy nhiên, xét đến sản phẩm công nghiệp, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, linh kiện phụ tùng lại là lớn nhất. Công nghiệp hỗ trợ không phát triển sẽ làm cho các công ty lắp ráp và những công ty sản xuất thành phẩm cuối cùng không thể mua các sản phẩm trên thị trường nội địa, do đó phát sinh nhu cầu nhập khẩu. Khi đó, họ sẽ phải chịu thêm chi phí vận chuyển, bảo hiểm, rủi ro về thời gian, các tranh chấp nếu có. Những chi phí này làm gia tăng phí tổn đầu vào, dẫn tới giá thành sản xuất cao. Hơn thế nữa, chất lượng của hàng hóa lại không được đảm bảo, do không thể kiểm soát được đầu vào linh phụ kiện mà phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng linh phụ kiện nhập khẩu. Những yếu tố trên đã làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa, kết quả là hàng hóa khó xuất khẩu hơn.
Bên cạnh đó, việc nhập khẩu cũng làm tăng tỉ lệ nhập siêu cho nền kinh tế. Quốc gia nào có ngành công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, quốc gia đó phải nhập khẩu một lượng lớn linh phụ kiện để phục vụ cho các doanh nghiệp lắp ráp trong nước. Phát triển công nghiệp hỗ trợ không những giúp cải tiến công nghệ, mà còn giúp cho các doanh nghiệp có thể mua sắm đầu vào ngay trong thị trường nội địa, thay vì phải nhập khẩu.
Như vậy, để có thể tận dụng cơ hội phát triển hoạt động thương mại của Việt Nam với ASEAN nói riêng và nền kinh tế của Việt Nam nói chung trong thời kỳ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan điều hành các chính sách quản lý vĩ mô nền kinh tế cần có kế hoạch và chiến lược cụ thể, khả thi để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ - xem đây như là nền tảng để gia tăng cạnh tranh với các đối thủ và đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững của các doanh nghiệp giao thương và hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Anh, D. T., & Son, N. Van. (2013). Vietnam Agricultural Value Chain in the FTA of Asian Region. FFTC. NACF International Seminar, 1-22 (10-2013).
- Anh Thu, N., Van Trung, V., & Thanh Xuan, L. T. (2015). Assessing the Impact of ASEAN+3 Free Trade Agreements on ASEAN’s Trade Flows: A Gravity Model Approach1. Mediterranean Journal of Social Sciences, 6(6), 394-401.
- Hoàng Xuân Hòa (2002), Cơ sở lý luận và thực tiễn của phát triển quan hệ thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Hà Nội.
- Nguyễn Thị Xuân Thúy (2018), Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và khả năng tác động đến công nghiệp, thương mại Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, Số 255, tháng 9 năm 2018, tr. 2-10.
- Bộ Công Thương (2011,… 2019), Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam.
- Báo cáo Hội nhập ASEAN 2019 http://www.trungtamwto.vn/chuyen-de/14689-bao-cao-hoi-nhap-asean-2019 truy cập ngày 7/2/2020.
- Ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa: Bộ Công Thương hành động kịp thời http://www.trungtamwto.vn/chuyen-de/14511-ngan-chan-gian-lan-xuat-xu-hang-hoa-bo-cong-thuong-hanh-dong-kip-thoi truy cập ngày 7/2/2020.
Vietnam-ASEAN’s trade tensions in the context of the US-China’s trade tensions
Nguyen Thi Thanh Xuan
International School, Vietnam National University - Ho Chi Minh City
Nguyen Hoang Vinh - Nguyen Duy Minh - Nguyen Phuong Nam
University of Finance - Marketing
ABSTRACT:
This paper is to analyze the fluctuations of the Vietnam-ASEAN’s trade balance in the period of 2011-2019. In particular, this paper focuses on how the US - China’s trade tensions affect the Vietnam - ASEAN’s trade balance in order to understand more the impact of trade activities on the economy of Vietnam as well as ASEAN’s members. The paper’s results show that in the short term (in the period of 2018 - 2019), the trade activities between Vietnam - ASEAN are not much affected by the US-China’s trade tensions. However, the structure of some major export products of Vietnam has gradually changed.
Keywords: Structure of import and export products, major, balance of trade, Vietnam-ASEAN, trade tensions.