Câu chuyện hội nhập của nông sản Việt

Tham dự Hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã nhìn nhận và thẳng thắn chỉ ra những hiểu lầm xung quanh câu chuyện hội nhập của nông sản Việt trong bối cảnh ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA).

 

q

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, chúng ta đang có những hiểu lầm rất lớn về các FTA

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, chúng ta đang có những hiểu lầm rất lớn xung quanh câu chuyện hội nhập của nông sản Việt khi các Hiệp định được ký kết, có hiệu lực.

Với CPTPP

Thứ trưởng biết, CPTPP sẽ tác động rất mạnh đến nền kinh tế của chúng ta nhưng với chủ đề ngày hôm nay “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt” thì cơ hội và thách thức là không hề lớn.

“Trong 10 đối tác tham gia CPTPP, trước đó, chúng ta đã có các FTA với 7 quốc gia và 7 Hiệp định thương mại tự do này đã có hiệu lực từ rất lâu. Vì thế, giá trị tăng thêm, sức ép cạnh tranh tăng thêm, mở cửa thị trường tăng thêm nhờ CPTPP gần như bằng 0”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.

Với Brunei, Singapore... chúng ta đã có Hiệp định thương mại tự do ASEAN từ năm 1995. Với Nhật Bản, chúng ta cũng đã có 2 Hiệp định thương mại tự do, đó là Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Nhật Bản và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản. Với Chile, New Zealand cũng vậy, chúng ta cũng đều đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do trước đó, Thứ trưởng dẫn chứng.

Với 3 quốc gia Peru, Mexico, Canada chúng ta chưa có các FTA với họ nên chúng tôi khó có lí do để cho rằng, CPTPP sẽ đột ngột mang đến những sự cạnh tranh cho hàng nông sản, cả trên sân nhà và xuất khẩu.

Chúng tôi cũng không nghĩ rằng, chúng ta sẽ có cơ hội đột biến trong tăng trưởng xuất khẩu vào 3 thị trường này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định.

Thị trường quốc tế cũng là chợ quốc tế

Ở Việt Nam khi ra chợ, chúng ta đánh giá hàng hóa bằng cảm quan, bằng uy tín của người bán mà không quan tâm đến nguồn sản xuất, sản xuất theo quy trình nào, ai đóng gói, đóng gói ra sao, ai là người vận chuyển... Đây có thể nói là những người tiêu dùng “đáng yêu”.

Và với những người tiêu dùng "đáng yêu" đó thì Việt Nam là thiên đường trong sản xuất nông nghiệp, vì người dân không quan tâm đến quy chuẩn, tiêu chuẩn của từng hàng hóa, sản phẩm.

Bên cạnh đó, rất nhiều người dân nghĩ rằng bán được ở trong nước thì sẽ bán được ở quốc tế. Nhưng trên thực tế, thương mại nông sản trong nước đang rất khác với quốc tế. Trên thế giới, khi mua hàng hóa, họ muốn biết nguồn gốc, quy trình sản xuất cụ thể của hàng hóa đó, dư lượng thuốc trừ sâu, kháng sinh ở mức nào...

Ngoài ra, đối với từng mặt hàng hóa, họ còn xem Chính phủ nước họ đã ban hành các quy định để bảo đảm an toàn thực phẩm như thế nào? Việc thực thi đó có hiệu quả hay không?...

Do vậy, muốn xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, hàng nông sản của chúng ta phải có hai nhánh do Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách.

Với thị trườngTrung Quốc

Từ trước đến nay Trung Quốc luôn thực thi một loại chính sách, cho phép nhập khẩu 8 loại quả của Việt Nam vào thị trường tỷ dân này và không có sắn, sầu riêng, bơ, bưởi, na...

Thế nhưng tại sao chúng ta vẫn bán được và bán được nhiều là bởi vì cư dân biên giới của hai nước có sự trao đổi hàng hóa ở hạn mức nhất định.

Thứ trưởng ví dụ, một cư dân Trung Quốc, đi qua chợ Việt Nam mua hàng hóa ở hạn mức và được miễn thuế hoàn toàn khi về nước. Nước nào cũng vậy, trong thương mại biên giới.

Thế nhưng lợi dụng luật này, thương nhân hai nước ùn ùn kéo đến các cửa khẩu mua sắm, trao đổi hàng hóa với hạn mức rất lớn dẫn đến việc ùn tắc nông sản Việt Nam tại các cửa khẩu. Mà trong đó, các mặt hàng bị ùn tắc là dưa hấu, sắn, chanh leo... những loại quả Việt Nam không phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

Sản phẩm làm ra năm nào cũng phải có lãi, phải có giá trị cao

Chúng ta luôn hỏi nhau, sao năm nào được mùa mất giá, đơn giản là bởi cung tăng thì giá giảm, Thứ trưởng nói.

Việt Nam luôn tự hào là là quốc gia đứng thứ nhất về sản lượng cà phê robusta, hồ tiêu... đứng top 5 xuất khẩu một số loại nông sản... do vậy, cả thế giới nín thở chờ xem vụ này Việt Nam có được mùa hay không. Nếu được mùa cả thế giới xuống giá.

Do vậy, đừng quay sang hỏi nhau vì sao lại được mùa mất giá, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Sản phẩm nào cũng phải chiến thắng trên sân nhà

Việt Nam chúng ta có mận, có đào, có nho... nhưng chất lượng hoa quả của Việt Nam không thể bằng các quốc gia như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật... Do vậy, người tiêu dùng Việt Nam vẫn ưa chuộng hàng nhập khẩu bởi chất lượng mặc dù giá thành cao.

Xuất khẩu không phải là cách duy nhất để cải thiện đời sống nhân dân

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, chừng nào chúng ta còn tham gia sản xuất nông nghiệp nhiều như hiện nay thì chúng ta không cải thiện được đời sống nhân dân.

Ở các nước phát triển, họ phát triển công nghiệp, dịch vụ để hút hết nguồn lao động từ nông nghiệp. Hiện nay, ở Việt Nam, để làm 1 sào ruộng rất có nhiều người tham gia, do đó, năng suất, chất lượng chia đều cho chừng ấy người. Chỉ khi nào lao động ở nông thôn chỉ còn là 2 người/sào thì khi ấy chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam mới được cải thiện

Để cải thiện cuộc sống người dân, Thứ trưởng cũng cho rằng, Nhà nước phải có cơ chế giúp đỡ bà con linh hoạt trong sản xuất, thay vì trồng lúa có thể trồng chuối, cây ăn quả, chuyển sang nuôi tôm, cá... để tăng năng suất, thu nhập.

Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp nhưng chính người dân cần thay đổi cách sản xuất, nuôi trồng để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

 

Hạ An