Chế định trưng cầu ý dân - Khái niệm, đặc điểm và một số yếu tố tác động

ThS. TRẦN HOÀNG HẠNH (Phó trưởng Khoa Đại cương, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Kể từ thời điểm hình thành và tổ chức thực thi trong thực tế cho đến nay, vấn đề trưng cầu ý dân nói chung và chế định trưng cầu ý dân cụ thể đã là đối tượng nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích, xem xét của rất nhiều chuyên gia pháp luật trong và ngoài nước, được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Bài viết này đi sâu phân tích, làm rõ một số nội dung mang tính lý luận quan trọng của chế định, như: khái niệm, đặc điểm và các yếu tố ảnh hưởng, tác động đến nó. Thông qua đó, giúp thống nhất cách hiểu và vận dụng những nội dung trên vào công tác xây dựng pháp luật về trưng cầu ý dân.

Từ khóa: Chế định trưng cầu ý dân, khái niệm, đặc điểm, các yếu tố tác động.

1. Khái niệm trưng cầu ý dân và chế định trưng cầu ý dân

1.1. Khái niệm trưng cầu ý dân

Từ thực tiễn nghiên cứu pháp luật, các chuyên gia pháp luật đã đúc kết và đưa ra rất nhiều khái niệm trưng cầu ý dân, mỗi khái niệm lại phản ánh một góc độ, cách nhìn nhận khác nhau về bản chất trưng cầu, cách thức thực thi, các loại hình trưng cầu. Có thể xem xét và nghiên cứu vấn đề này thông qua một số khái niệm cụ thể như sau:

- Trưng cầu ý dân là việc “…hỏi ý kiến người dân bằng tổ chức bỏ phiếu, để nhân dân trực tiếp quyết định vấn đề quan trọng của đất nước” [1,tr.245].

Khái niệm này đồng nhất trưng cầu ý dân với hoạt động lấy ý kiến nhân dân có bổ sung thêm nội hàm những vấn đề hỏi ý kiến sẽ là những “vấn đề quan trọng của đất nước” nhưng chỉ áp dụng một hình thức “bỏ phiếu quyết định”.

- Trưng cầu ý dân là “…việc lấy ý kiến nhân dân về vấn đề nào đó có liên quan đến lợi ích của nhân dân và lợi ích của đất nước” [2,tr.821].

- Trưng cầu ý dân là “một hình thức tổ chức và hoạt động của nền dân chủ trực tiếp, qua đó nhân dân cộng tác và tham gia vào quyền lập pháp. Lấy ý kiến nhân dân bằng cách tổ chức để nhân dân trực tiếp quyết định một vấn đề quan trọng của đất nước, như thông qua Hiến pháp, một đạo luật, quyết định một chính sách, hoặc yêu cầu Quốc hội biểu quyết một dự án luật do nhân dân có sáng kiến đề nghị” [3,tr.250].

Khái niệm này có nội dung tổng hợp thể hiện ở các mặt: Thứ nhất, xác định trưng cầu ý dân là một hình thức “tổ chức và hoạt động của nền dân chủ trực tiếp”; Thứ hai, nội dung trưng cầu ý dân khá đa dạng, phong phú, bao gồm “thông qua Hiến pháp, một đạo luật, quyết định một chính sách, hoặc yêu cầu Quốc hội biểu quyết một dự án luật do nhân dân có sáng kiến đề nghị”; Thứ ba, cách thức trưng cầu cũng được xác định là “tổ chức để nhân dân trực tiếp quyết định”; Thứ tư, mục tiêu hướng tới lâu dài của trưng cầu ý dân theo khái niệm này là hỗ trợ người dân từng bước “cộng tác và tham gia vào quyền lập pháp”.

- Trưng cầu ý dân là “một hoạt động do Nhà nước thực hiện để nhân dân bỏ phiếu quyết định hoặc bày tỏ ý kiến về những việc đặc biệt quan trọng của quốc gia. Việc trưng cầu ý dân do Hiến pháp của mỗi quốc gia quyết định nên tùy theo mỗi nước có thể trưng cầu ý dân để quyết định Hiến pháp hoặc một đạo luật quan trọng. Cũng có trường hợp trưng cầu ý dân chỉ có tính tư vấn còn quyền quyết định vẫn thuộc về cơ quan lập pháp. Có trường hợp trưng cầu ý dân là bắt buộc và cũng có trường hợp cơ quan lập pháp xét thấy cần thiết thì mới tổ chức” [4,tr.336].

Trong trường hợp khái niệm trưng cầu ý dân có sự khác biệt so với các khái niệm trên thể hiện ở: Một là, xác định Nhà nước có trách nhiệm tổ chức việc trưng cầu, phải thực hiện để “nhân dân bỏ phiếu quyết định hoặc bày tỏ ý kiến”, quyền quyết định trưng cầu (theo khái niệm) thuộc về cho cơ quan lập pháp; Hai là trong khái niệm có sự phân loại về hình thức trưng cầu: trưng cầu bắt buộc và trưng cầu có tính tư vấn, trong trường hợp trưng cầu tư vấn thì quyền quyết định cuối cùng là của cơ quan lập pháp; Ba là quy định về căn cứ pháp lý, trưng cầu ý dân phải được “Hiến pháp của mỗi quốc gia quyết định”.

- Trưng cầu ý dân là “hình thức lấy ý kiến nhân dân đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước hoặc của từng địa phương thông qua hình thức bỏ phiếu trực tiếp. Thông qua hoạt động này, những người đến tuổi trưởng thành, với tư cách công dân của mình thể hiện chính kiến một cách cụ thể trên những vấn đề cần có quyết định dứt khoát sau khi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã làm hết sức mình nhưng chưa tìm được giải pháp thỏa đáng” [5,tr.131 – 144].

Trong nội dung khái niệm này có tác giả đưa ra nhiều điểm mới so với các khái niệm trước, cụ thể: Thứ nhất quy định về phạm vi trưng cầu ý dân gồm 2 nhóm “toàn quốc hoặc từng địa phương”; Thứ hai khái niệm xác định chủ thể tham gia trưng cầu ý dân là “những người dân đến tuổi trưởng thành, với tư cách công dân của mình”; Thứ ba nội dung trưng cầu ý dân được khái niệm đề cập đến khá bao hàm, không cụ thể mà ở trạng thái chung chung được xác định là “những vấn đề hệ trọng” mà cử tri tham gia bỏ phiếu “cần có quyết định dứt khoát sau khi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã làm hết sức mình nhưng chưa tìm được giải pháp thỏa đáng”. Bên cạnh đó, tác giả cũng thống nhất với các khái niệm trên khi coi trưng cầu ý dân là “hình thức lấy ý kiến nhân dân thông qua bỏ phiếu trực tiếp”.

1.2. Chế định trưng cầu ý dân

Chế định pháp luật được xem là bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống pháp luật “chứa đựng một nhóm các quy phạm pháp luật có mối liên hệ nội tại, mật thiết với nhau cùng tham gia điều chỉnh một loại quan hệ xã hội xác định”[15, tr.152]. Hay nói cách khác, “chế định pháp luật là tập hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội có tính chất tương đồng”[17, tr.152 - 153].

Chế định pháp luật mang tính chất nhóm, mỗi chế định có một đặc điểm riêng nhưng chúng đều có mối liên hệ nội tại và thống nhất với nhau, chúng không tồn tại một cách biệt lập. Việc xác định ranh giới giữa các chế định nhằm tạo ra khả năng để xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội. Và phải đặt các chế định trong mối liên hệ qua lại trong một chỉnh thể thống nhất của pháp luật cũng như một ngành luật. Mỗi chế định pháp luật dùng mang đặc điểm riêng những nó cũng phải tuân theo các quy luật vận động khách quan, chịu sự ảnh hưởng và tác động của chế định khác trong hệ thống pháp luật [17, tr.403].

Từ những phân tích về khái niệm trưng cầu ý dân và chế định pháp luật nêu trên, tác giả xin khái quát hóa khái niệm chế định trưng cầu ý dân như sau:

“Là tập hợp một nhóm các quy phạm pháp luật quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục, nội dung, phạm vi, cách thức tiến hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến toàn bộ hoạt động trưng cầu ý dân từ khi bắt đầu cho đến khi công bố kết quả”.

Khái niệm chế định trưng cầu ý dân có sự đồng nhất với khái niệm chế định pháp luật ở chỗ “là tập hợp một nhóm các quy phạm pháp luật” cùng điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội đặc trưng liên quan đến “toàn bộ hoạt động trưng cầu ý dân” cụ thể, bao gồm: nguyên tắc, chủ thể, thủ tục, nội dung, phạm vi, cách thức tiến hành, trình tự bỏ phiếu… với thời điểm xác định là từ khi bắt đầu khởi động quy trình đề xuất cho đến giai đoạn kết thúc công bố kết quả cuối cùng và tổ chức thực thi các nội dung khác sau công bố. 

2. Đặc điểm chế định trưng cầu ý dân

   Từ khái niệm chế định trưng cầu ý dân nêu trên, đi sâu phân tích làm rõ chúng ta nhận thấy có một số đặc điểm nổi bật, gắn liền với chế định trưng cầu ý dân như sau:

-Thứ nhất, Chế định trưng cầu ý dân là chế định thuộc ngành Luật Hiến pháp

Hiến pháp được xem là cơ sở pháp lý của tất cả các chế định pháp luật [6,tr.402]. Hệ thống của Luật Hiến pháp gồm nhiều chế định khác nhau, mỗi chế định điều chỉnh một loại quan hệ xã hội nhất định thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Hiến pháp, giữa các chế định này có mối quan hệ mật thiết với nhau tạo thành một thể thống nhất [7,tr.19]. Xét về mối liên hệ, chế định trưng cầu ý dân là một chế định cụ thể nằm trong chế định chung quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân - là tập hợp những quy phạm pháp luật Hiến pháp điều chỉnh những quan hệ cơ bản giữa Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với công dân cũng như giữa công dân với công dân. Xét về mặt nội dung, chế định trưng cầu ý dân là nhóm quy phạm pháp luật Hiến pháp điều chỉnh quan hệ cụ thể giữa Nhà nước và công dân trong việc thực thi một trong những hình thức dân chủ trực tiếp quan trọng, nhằm đảm bảo chủ quyền nhân dân, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội: trưng cầu ý dân.

Bên cạnh đó, qua xem xét mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân trong quá trình thực thi hình thức dân chủ trực tiếp: trưng cầu ý dân, chúng tôi nhận thấy quan hệ giữa 2 chủ thể nêu trên có đầy đủ các yếu tố của một quan hệ pháp luật Hiến pháp, bao gồm:

Về mặt chủ thể, có các nhóm chủ thể chính gồm: Một là Nhà nước; Hai là các cơ quan nhà nước mà cụ thể trong Luật trưng cầu ý dân quy định gồm nhóm cơ quan chính thức như Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận tổ quốc, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, Chủ tịch nước, Đoàn đại biểu quốc hội... và nhóm cơ quan lâm thời gồm Tổ trưng cầu ý dân, cơ quan giúp việc do Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Ủy ban nhân dân các cấp thành lập; Ba là công dân Việt Nam được quy định tại điều 5 Luật trưng cầu ý dân 2016 đó là “đủ mười tám tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân có quyền bỏ phiếu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”.

Về mặt khách thể của quan hệ này, được xác định nằm ở 2 nội dung: Một là lợi ích của cả Nhà nước và công dân đạt được trong việc đảm bảo thực thi chủ quyền nhân dân, tôn trọng và phát huy dân chủ từ đó tạo nên sự đồng thuận, nhất trí cao trong toàn xã hội, tạo mối quan hệ đoàn kết, gắn bó hơn giữa chính quyền với nhân dân; Hai là hành vi của con người và các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, trách nhiệm trong quá trình từ lúc bắt đầu xem xét, quyết định việc tổ chức trưng cầu ý dân, tiến hành bỏ phiếu cho đến khi công bố kết quả cuối cùng.

Từ những phân tích trên, có thể khẳng định chế định trưng cầu ý dân là một trong những chế định pháp luật thuộc hệ thống của ngành Luật Hiến pháp.

- Thứ hai, Chế định trưng cầu ý dân là cơ sở pháp lý quan trọng đảm bảo quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân, góp phần củng cố và phát huy dân chủ.

          Việc xác định chế định trưng cầu ý dân là một trong những chế định thuộc hệ thống của ngành Luật Hiến pháp, quan hệ giữa Nhà nước và công dân trong toàn bộ tiến trình trưng cầu là quan hệ pháp luật Hiến pháp như phân tích nêu trên đã góp phần minh chứng đặc điểm thứ hai: chế định trưng cầu ý dân là cơ sở pháp lý quan trọng khẳng định và đảm bảo thực hiện nguyên tắc “mọi quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân”.

Các chế định pháp luật của Luật Hiến pháp luôn thể hiện và phản ánh ý chí Nhà nước trong mỗi giai đoạn cụ thể khác nhau, phù hợp với quy luật vận động khách quan và điều kiện kinh tế - xã hội trong thời điểm đó. Vì vậy, khi nghiên cứu các chế định pháp luật của Luật Hiến pháp luôn phải đặt chúng trong mối quan hệ với quyền lực nhà nước, ý chí nhà nước; khi điều kiện kinh tế - xã hội hoặc chính trị thay đổi, ý chí của Nhà nước thay đổi thì các quy phạm và chế định pháp luật cũng sẽ thay đổi theo. Việc Luật Hiến pháp giai đoạn này ghi nhận chế định trưng cầu ý dân phản ánh việc thay đổi về quan điểm, nhận thức và tư tưởng của Nhà nước ta trong việc tôn trọng và phát huy dân chủ, tạo điều kiện cho người dân tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, dân tộc.        

Thứ ba, Chế định trưng cầu ý dân là một trong những căn cứ định hướng, mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân.

Một trong những tiêu chí, định hướng, nội dung cơ bản đặt ra đối với việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đó là “thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm chủ quyền của nhân dân”.Đây được xem là mục tiêu xuyên suốt, thể hiện bản chất Nhà nước, chế độ chính trị xã hội nước ta là “của dân, do dân và vì dân”. Thực hiện thành công mục tiêu nêu trên cũng giúp khẳng định đường lối lãnh đạo của Đảng ta thực sự tôn trọng và phát huy dân chủ trong nhân dân, để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Bản chất dân chủ của chế độ chính trị nước ta đòi hỏi mọi quyết định và hành động của các thiết chế quyền lực đều phải bắt nguồn từ ý chí đích thực của nhân dân. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một Nhà nước hợp hiến, hợp pháp, là công cụ thực hiện quyền lực của nhân dân, được người dân ủy quyền thông qua Hiến pháp và bầu cử [8,tr.279]. Việc khẳng định “quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” không chỉ là nguyên tắc cơ bản được ghi nhận trong Hiến pháp, mà còn phải được thể hiện ở việc thiết lập các cơ chế bảo đảm thực hiện quyền lực thực sự của nhân dân.

Trách nhiệm này trước hết thuộc về việc xây dựng các quy định của Hiến pháp sau đó đến các chế định pháp luật và các văn bản pháp luật cụ thể để hiện thực hóa việc thực thi quyền lực này. Từ những quy định mang tính chất cơ bản, nền tảng của Hiến pháp, ở nhiều mức độ khác nhau, người dân có quyền lựa chọn hình thức tham gia vào quá trình quản lý nhà nước và xã hội một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Điều này không chỉ dừng lại ở việc thành lập nên bộ máy Nhà nước, hệ thống cơ quan và các đại biểu đại diện cho quyền lợi của mình mà còn có thể tham gia chính thức vào việc đưa ra các quyết định quan trọng liên quan đến quốc gia, dân tộc; tạo lập sức ảnh hưởng mạnh mẽ vào quá trình hoạch định các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước.

 Bên cạnh đó, để có thể tham gia tiến trình thực hiện dân chủ thực sự trong xã hội, người dân cần phải trải qua 3 giai đoạn: Một là, hiểu biết thực sự về dân chủ; Hai là, biết cách thực thi dân chủ; Ba là, có năng lực và điều kiện tổ chức thực hiện trong thực tế. Việc xây dựng ban hành chế định trưng cầu ý dân cùng lúc thực hiện cả 2 nhiệm vụ: Thứ nhất, góp phần bổ sung thêm căn cứ pháp lý vững chắc trong giai đoạn thực thi dân chủ và từng bước tiến đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền; Thứ hai, các quy định cụ thể của chế định là cơ sở hỗ trợ cho người dân trong cả 3 giai đoạn tham gia thực hiện quyền lực của chính mình.

Thứ tư,Chế định trưng cầu ý dân là sự thể chế hóa, nội luật hóa các quy định của pháp luật quốc tế về dân chủ và chủ quyền của nhân dân.

Từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (ngày 2/9/1945) cho đến thời điểm hiện nay, Nhà nước ta đã tham gia và phê chuẩn rất nhiều điều ước và công ước quốc tế. Một trong những cam kết quan trọng khi gia nhập các hiệp ước là quốc gia đó có nghĩa vụ từng bước đưa các quy định của văn kiện vào thực thi trong thực tế, đồng thời tiến hành việc nội luật hóa các điều khoản trong các công ước vào nội dung các văn bản pháp luật của quốc sao đó, trên tinh thần phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tế.

Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị 1966 (sau đây gọi tắt là ICCPR) đã được Việt Nam tham gia vào ngày 24/9/1982 [9,tr.533], ngay sau khi phê chuẩn, Hiến pháp 1992 và 2013 đã lần lượt thể chế hóa, cụ thể hóa các nội dung điều ước thành các quy định qua đó nhằm khẳng định cam kết của Đảng và Nhà nước ta trong việc ghi nhận việc thực thi dân chủ, bảo đảm quyền con người, quyết tâm xây dựng các cơ chế, cải cách thể chế và pháp luật nhằm thúc đẩy việc phát huy dân chủ nói chung trong đời sống xã hội, bảo đảm quyền con người thông qua việc thực hiện hiệu quả quyền công dân đúng như tinh thần Chỉ thị số 12/CT/TW ngày 12/7/1992 của Ban bí thư “quyền dân chủ, tự do của mỗi cá nhân không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, pháp luật. Mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm phạm lợi ích Tổ quốc, của nhân dân”[10].

3. Những yếu tố tác động đến chế định trưng cầu ý dân

3.1. Yếu tố chính trị

Chính trị được hiểu là hoạt động trong lĩnh vực quan hệ giữa các giai cấp, cũng như các dân tộc và các quốc gia với vấn đề giành, giữ, tổ chức và sử dụng quyền lực Nhà nước; là sự tham gia của nhân dân vào công việc của Nhà nước và xã hội, là hoạt động chính trị thực tiễn của giai cấp, các đảng phái chính trị, các nhà nước nhằm tìm kiếm những khả năng thực hiện đường lối và những mục tiêu đã đề ra nhằm thỏa mãn lợi ích” [11,tr.6].

Trong một xã hội có giai cấp, chính trị với những thiết chế được đặt ra là để xác lập mối quan hệ giữa các giai cấp trong đó xác định đâu là giai cấp thống trị, đâu là giai cấp, tầng lớp bị thống trị, đâu là giai cấp, tầng lớp tham gia vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị [11, tr.9]. Từ việc xác lập quan hệ này kiến tạo nên vị thế của Đảng chính trị, lực lượng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội.

Đảng chính trị được hiểu là “một tổ chức xã hội tự nguyện, liên minh của những người cùng tư tưởng, theo đuổi những mục đích chính trị nhất định; cố gắng giành ảnh hưởng lãnh đạo đối với đời sống chính trị và tổ chức xã hội, ra sức giành và giữ chính quyền để thực hiện đường lối của mình” [11,tr.22]. Từ nhận định này, các Đảng chính trị thiết lập ra Nhà nước, một thiết chế quyền lực đặc biệt, công cụ của giai cấp thống trị thiết lập nên nhằm cai trị và đảm bảo quyền lợi của giai cấp thống trị, trấn áp các giai cấp khác, quản lý toàn bộ hoạt động đời sống xã hội và con người. Để duy trì quyền lực và quản lý hiệu quả, Nhà nước phải lập nên các công cụ, cơ quan, tổ chức bộ máy để hỗ trợ, thực thi vai trò, nhiệm vụ của mình. Một trong số các công cụ hiệu quả nhất chính là hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, xét về mặt bản chất, pháp luật là do Nhà nước xây dựng nên, mà Nhà nước do Đảng chính trị thiết lập nên hệ thống pháp luật chắc chắn phải phản ánh đầy đủ ý chí, quan điểm của Đảng cầm quyền.

Trong mỗi giai đoạn, thời kỳ khác nhau, tùy thuộc vào hệ tư tưởng của Đảng chính trị đang nắm giữ quyền lực sẽ thấy các chính sách, đường lối, quan điểm có sự thay đổi, khác biệt rất lớn. Các quy định pháp luật trong những thời điểm đó cũng thể hiện rõ nét việc cụ thể hóa, chi tiết hóa những quyết sách này. Thực tế tại một số quốc gia đã chứng minh, nếu đảng chính trị cầm quyền có xu hướng cởi mở, ủng hộ dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội thì quốc gia đó sẽ hướng tới việc ban hành các chế định pháp luật liên quan đến nội dung này. Ngược lại, nếu Đảng chính trị tại đó duy trì quan điểm bảo thủ, tập trung quyền lực thì vấn đề dân chủ, công khai, minh bạch, huy động sự tham gia của phần lớn nhân dân vào quản lý đất nước và xã hội sẽ không bao giờ được đặt ra.

Tại nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nên ảnh hưởng của Đảng đối với việc xây dựng và phát huy dân chủ đặc biệt là dân chủ trực tiếp có vai trò rất lớn, phải được thể hiện bằng các chủ trương, chính sách ghi nhận và khẳng định thực thi. Trên cơ sở đó, bộ máy Nhà nước và các chủ thể có thẩm quyền chịu trách nhiệm thể chế hóa, cụ thể hóa vào các văn bản pháp luật. Đây cũng là xu hướng chung được nhiều đảng phái chính trị lựa chọn làm tiêu chí, mục đích hoạt động trong giai đoạn hiện nay. Nếu Đảng ta không bắt kịp xu thế chung của các nước, tập trung quan tâm thực thi dân chủ, củng cố phát triển dân chủ trong phạm vi năng lực và quyền hạn của mình nhằm thể hiện tốt nhất vai trò Đảng lãnh đạo, cầm quyền thì uy tín, vị thế của Đảng đối với nhân dân sẽ bị giảm sút.

3.2. Yếu tố kinh tế

Karl Marx đã có nhận định “phương thức sản xuất đời sống vật chất quyết định các quá trình sinh hoạt xã hội, chính trị và tinh thần nói chung” [12,tr.15]. Nói cách khác, giữa kinh tế và chính trị có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại với nhau: Giai cấp nào chiếm địa vị thống trị về kinh tế thì cũng chiếm địa vị thống trị trong đời sống tinh thần của xã hội. Mâu thuẫn trong đời sống kinh tế xét cho cùng mang ý nghĩa quyết định hoặc nhằm giải quyết các mâu thuẫn trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng. Kinh tế được xem như là nội dung, là thước đo sự phù hợp của một thể chế chính trị nhất định, còn chính trị ngược lại được xem là hình thức biểu hiện cụ thể của yếu tố kinh tế.

 Thông thường một nền kinh tế có trình độ phát triển như thế nào thì sẽ tương ứng với một thể chế chính trị có mức độ phát triển ngang bằng như vậy. Nếu kinh tế thay đổi thì sớm hay muộn sẽ dẫn đến sự biến đổi của tư tưởng chính trị và thể chế chính trị vì “cơ sở kinh tế thay đổi thì toàn bộ cái kiến trúc thượng tầng đồ sộ cũng bị đảo lộn ít nhiều nhanh chóng” [13, tr.15]. Không chỉ sản sinh ra kiến trúc thượng tầng chính trị tương ứng, yếu tố kinh tế còn quyết định tính chất của nền chính trị, bản chất của chế độ chính trị - xã hội, dẫn đến sự xuất hiện giai cấp giữ vai trò thống trị về chính trị. Khi nhìn nhận, đánh giá về nền kinh tế hiện tại chúng ta sẽ nhận thấy luôn có sự gắn kết giữa kinh tế với thể chế chính trị. Nếu kinh tế phát triển chứng tỏ chính trị có sự lớn mạnh và hậu thuẫn nhất định; Ngược lại, kinh tế lâm vào tình trạng khủng hoảng là dấu hiệu cho thấy sự bất cập của thể chế chính trị, đòi hỏi phải cải cách chính trị.

Đối với dân chủ trực tiếp nói chung và chế định trưng cầu ý dân cụ thể, chúng ta nhận thấy, yếu tố kinh tế có mối liên hệ khá mật thiết và sự ảnh hưởng không nhỏ, thể hiện cụ thể ở một số vấn đề.

Thứ nhất, điều kiện kinh tế của quốc gia là một trong những yếu tố quan trọng trong việc soạn thảo và xây dựng các quy phạm pháp luật của chế định trưng cầu ý dân. Quá trình soạn thảo, lấy ý kiến đóng góp, thẩm định, đánh giá tác động, tổ chức hội thảo, phát phiếu thăm dò, lấy số liệu, tổng hợp nhận xét, tham vấn chuyên gia, dịch thuật tài liệu đến hoàn thiện dự thảo, thông qua dự án luật tất cả đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư rất lớn, ổn định và lâu dài.

Thứ hai, yếu tố kinh tế là một trong những tiền đề quan trọng bảo đảm cho việc triển khai thực thi chế định pháp luật về trưng cầu ý dân trong thực tiễn. Việc này đòi hỏi nguồn kinh phí không nhỏ cả về mặt vật chất và thời gian, công sức, nguồn nhân lực. Do vậy, nội dung, phương thức và điều kiện thực thi dân chủ nói chung, chế định trưng cầu ý dân cụ thể luôn phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế - xã hội ở mỗi thời kỳ phát triển nhất định. Trong điều kiện kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn, mức thu nhập của phần lớn nhân dân còn thấp, lực lượng sản xuất chưa phát triển cao,theo học thuyết kinh tế chính trị đã khẳng định “trình độ lực lượng sản xuất thể hiện trình độ tổ chức lao động xã hội; ứng dụng khoa học vào sản xuất; kinh nghiệm và kỹ năng lao động của con người…[14,tr.444]”, việc thực thi pháp luật về dân chủ trực tiếp cần phải có cơ sở kinh tế - xã hội để bảo đảm, nếu không dù, có cố gắng triển khai các hình thức dân chủ trong thực tế.

Thứ ba, lợi ích về kinh tế sẽ đảm bảo sức mạnh cho quyền lực chính trị của giai cấp cầm quyền vì mục đích tự thân của đấu tranh chính trị. Đây thực chất là phương thức, là con đường, phương tiện để đạt lợi ích kinh tế và củng cố lợi ích kinh tế. Ngược lại khi giai cấp cầm quyền tạo lập thể chế chính trị - xã hội ổn định, đưa ra các quyết sách chính trị hợp lý sẽ tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển. Khi quốc gia coi trọng và phát huy dân chủ, tạo điều kiện, thiết lập hệ thống các quy định pháp luật và đưa ra nhiều cách thức để người dân có thể thực thi quyền lực của chính mình, tham gia quản lý nhà nước, xã hội, quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến quốc kế dân sinh nhằm mục tiêu chung nhất là tạo nên sự đồng thuận trong xã hội sẽ là nền tảng vững chắc cho việc huy động sức dân vào công cuộc kiến tạo và phát triển kinh tế đất nước.

3.3. Yếu tố pháp luật

Trong số các thuộc tính của pháp luật có thuộc tính giai cấp thể hiện ở việc “pháp luật phản ánh ý chí, lợi ích của giai cấp thống trị xã hội trong hệ thống các văn bản pháp luật, trong hoạt động áp dụng pháp luật của nhà nước”[15,tr.94]. Nói cách khác, pháp luật được xem là sản phẩm của việc cụ thể hóa, chi tiết hóa các ý chí, chủ trương, quan điểm của giai cấp thống trị vào hoạt động của Nhà nước và xã hội. Giai cấp thống trị xem pháp luật là công cụ hiệu quả giúp Nhà nước quản lý toàn bộ các quan hệ của đời sống xã hội và hoạt động của người dân. Tương ứng với kiểu Nhà nước nào do giai cấp nào thiết lập nên thì sẽ có hình thức pháp luật như vậy, đúng như Karl Maxc đã khẳng định về pháp luật tư sản của nhà nước tư sản: “Pháp luật của các ông chỉ là ý chí của giai cấp các ông được để lên thành luật, cái ý chí mà nội dung là do các điều kiện sinh hoạt vật chất của giai cấp các ông quyết định”[12, tr.262 - 263].

Việt Nam đang trong giai đoạn cải cách kinh tế, đổi mới toàn diện, hướng đến mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Quá trình triển khai thực hiện mục tiêu trên có ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến toàn bộ đời sống xã hội nói chung, công cuộc cải cách tư pháp và hoạt động xây dựng pháp luật nói riêng, trong đó có liên quan mật thiết đến việc hoàn thiện các chế định về thực thi dân chủ trực tiếp, như trưng cầu ý dân cụ thể trong số các nội hàm cơ bản của nhà nước pháp quyền, nổi bật lên là tính chính đáng, tính hợp pháp của quyền lực, chủ quyền nhân dân [8, tr.74].

Trên cơ sở tiếp thu và kế thừa các tư tưởng tiến bộ về quyền lực thuộc về nhân dân của J. Locke và J.J. Rousseau, học thuyết Mac - Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh “bao nhiêu quyền lợi đều là của dân” [16, tr.299], vấn đề đặt ra là nhà nước pháp quyền mà chúng ta đặt mục tiêu hiện thực hóa cần phải được xây dựng và tổ chức như thế nào để đảm bảo tiêu chí cao nhất, luôn tôn trọng và đặt lợi ích chung của nhân dân lên hàng đầu, không để lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, bộ phận chi phối hay làm biến đổi nó. Người dân cần làm gì để có thể tham gia vào việc đưa ra các quyết định về những vấn đề quan trọng của quốc gia, dân tộc, liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng; quyền lực đó một khi giao cho Nhà nước và một số chủ thể đại diện người dân có quyền thu hồi trở lại hay không. Đây là những yêu cầu và đòi hỏi hợp pháp, chính đáng và phải được xem xét, cân nhắc và đưa vào quy định Hiến pháp. Trên cơ sở này, các nhà làm luật sẽ thể chế hóa, cụ thể hóa thành các chế định pháp luật chi tiết hơn để người dân và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có căn cứ pháp lý, dựa vào các quy định đó tổ chức thực hiện trong thực tế.

3.4 Các yếu tố khác

Các yếu tố như tôn giáo, văn hóa cũng có những ảnh hưởng, tác động nhất định đến hoạt động xây dựng pháp luật nói chung và chế định trưng cầu ý dân nói riêng. Theo Ph.Ăngghen, tôn giáo được xem là một “hiện tượng thuộc đời sống tinh thần của xã hội”, “hình thái ý thức xã hội đặc biệt phản ánh cái tồn tại xã hội đã sinh ra nó” [12, tr.172]. Trong giai đoạn Nhà nước mới hình thành chưa có sự xuất hiện của pháp luật, giai cấp thống trị chủ yếu quản lý xã hội, điều chỉnh hành vi của con người thông qua các quy phạm đạo đức, phong tục, tập quán của cộng đồng, hệ thống giáo lý, tín điều của tôn giáo. Theo tiến trình lịch sử, cùng với sự phát triển của xã hội loại người, những nội dung này có ảnh hưởng rất lớn, lâu dài, mang tính bền vững ngay cả khi hệ thống pháp luật xuất hiện. Chính vì vậy, quá trình xây dựng và ban hành pháp luật cần phải có sự tham khảo và học hỏi từ tôn giáo, phong tục, tập quán, quy phạm đạo đức đi trước. Đây được xem là nguồn bổ sung không tách rời của hệ thống pháp luật. Có những quan hệ xã hội hiện nay, việc áp dụng pháp luật chưa phải là cách thức giải quyết hiệu quả nhất nếu so sánh với việc sử dụng chuẩn mực đạo đức, tín điều tôn giáo để xử lý. Như vậy, giữa hai chủ thể này có mối quan hệ tác động qua lại, gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau: tôn giáo giúp pháp luật hoàn thiện và ngược lại pháp luật giúp củng cố, duy trì và phát triển tôn giáo.

Từ những phân tích nêu trên, đối chiếu với thời điểm hiện tại, chúng ta nhận thấy một thực tế: Những quốc gia đa tôn giáo cùng chung sống hòa bình với nhau thường có xu hướng cởi mở, dễ tiếp nhận cái mới, việc ban hành các đạo luật về thực thi dân chủ, chủ quyền nhân dân sẽ gặp nhiều thuận lợi và dễ dàng hơn nhờ sự ủng hộ và hậu thuẫn từ phía các tôn giáo này. Ngược lại, những quốc gia mà một tôn giáo chiếm vị trí độc tôn (quốc giáo) lại theo quan điểm bảo thủ, hệ thống tín điều tôn giáo cũng như người đứng đầu không ủng hộ việc trao quyền quyết định cho người dân đối với các vấn đề quan trọng của đất nước và xã hội, thì hoạt động xây dựng các chế định pháp luật liên quan đến dân chủ và thực thi dân chủ sẽ không thể có cơ hội tiến hành.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Từ điển Tiếng Việt, NXB. Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, 1995, tr.245.
  2. Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp, 2016, Từ điển Luật học, NXB. Từ điển Bách khoa - NXB, Tư pháp, tr.821.
  3. Từ điển Pháp - Việt, pháp luật - hành chính, NXB. Thế giới, Hà Nội, 1992, tr.250.
  4. Nguyễn Duy Lãm, Nguyên Thành, Thuật ngữ pháp lý dùng trong hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, NXB. Tư pháp, Hà Nội, 2004, tr. 366.
  5. Đào Trí Úc, “Bản chất, nội dung và yêu cầu cơ bản của trưng cầu ý dân”, Kỷ yếu hội thảo Trưng cầu ý dân - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ngày 04/6/2013, tr.131 – 144.
  6. Giáo trình lý luận Nhà nước và Pháp luật, Trường Đại học Luật Hà Nội, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, năm 2008, trang 402.
  7. Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam, Sdd, năm 2012, tr.19.
  8. Đào Trí Úc, 2015, Giáo trình Nhà nước pháp quyền, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 279.
  9. Nguyễn Đăng Dung - Vũ Công Giao - Lã Khánh Tùng, 2011, Giáo trình lý luận và pháp luật về quyền con người, NXB Đại học Quốc gia, tr.533.
  10. Đảng Cộng sản Việt Nam, Chỉ thị số 12/CT/TW ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta”.
  11. Bùi Trọng Tài, Lê Văn Cảnh, 2011, Chính trị học Đại cương, Đại học Thái Nguyên.
  12. C. Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, tập 1, NXB Sự thật, Hà Nội, 1980, tr. 262 – 263.
  13. C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1993, t. 13, tr. 15.
  14. Giáo trình Triết học Mác - Lenin, 2015, Hội đồng TW chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB Chính trị Quốc gia, tr.444.
  15. Đào Trí Úc - Hoàng Thị Kim Quế, Giáo trình Đại cương về Nhà nước và Pháp luật, 2017, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.94.
  16. Hồ Chí Minh, Về vấn đề giáo dục, NXB Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.299.
  17. Đào Trí Úc - Hoàng Thị Kim Quế, 2017, Giáo trình Những vấn đề cơ bản về Nhà nước và pháp luật, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.152 - 153.

 

INSTITUTIONS OF REFERENDUM: CONCEPT, CHARACTERISTICS

AND IMPACT FACTORS

Master. TRAN HOANG HANH

Vice Dean, Faculty of General Education

Officer Academy Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

Since the Law on Referendum was passed, the referendum in general and the instituition of referendum in particular have been a research object and studies under many different persepctives by many domestic and foreign legal experts. This article is to analyze and clarify some important theoretical contents of the institution of referendum including the concept, characteristics and impact factors. This article is expected to unify the understanding and contribute to the law-making process on referendum.

Keywords: Institutions of referendum, concepts, characteristics, impact factors.