Cơ sở lý thuyết về các nhân tố ảnh hưởng đến việc thực hiện báo cáo trách nhiệm xã hội

PGS.TS. Huỳnh Đức Lộng (Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh)

Tóm tắt:

Trong bài viết này, tác giả trình bày các khái niệm liên quan đến vấn đề nghiên cứu như: Trách nhiệm xã hội (CSR), báo cáo trách nhiệm xã hội (CSR report), chiến lược trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (chiến lược CSR), áp lực thể chế...; tác giả trình bày lịch sử hình thành và phát triển của CSR, vai trò và nội dung của CSR report. Tác giả trình bày các lý thuyết nền liên quan đến vấn đề nghiên cứu như: Lý thuyết về tính hợp pháp, lý thuyết các thành phần có liên quan, lý thuyết về sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên, lý thuyết bất định, lý thuyết về thể chế. Trên cơ sở các khái niệm liên quan, cơ sở lý thuyết nền và các nghiên cứu có liên quan, tác giả phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến việc thực hiện CSR report và đề xuất mô hình nghiên cứu.

Từ khóa: Trách nhiệm xã hội (CSR), kế toán trách nhiệm xã hội (SRA), báo cáo trách nhiệm xã hội (CSR report).

1. Giới thiệu

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) là trách nhiệm, nghĩa vụ mà doanh nghiệp (DN) phải cam kết thực hiện đối với các đối tượng, thành phần có liên quan trực tiếp, gián tiếp đến DN. CSR report trình bày và công bố thường kỳ những thông tin về CSR, là công cụ vô cùng quan trọng phục vụ cho việc quản lý CSR, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững. Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc thực hiện CSR report, giúp chúng ta thấy được các nhân tố ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng các nhân tố đến việc thực hiện và công bố thông tin về CSR, từ đó đề ra những hàm ý, những giải pháp để giúp các DN thực hiện và công bố thông tin về CSR. Trong bài viết này, tác giả trình bày các khái niệm liên quan, các lý thuyết nền và các nghiên cứu có liên quan đến CSR report; tác giả phân tích các nhân tố ảnh hưởng và đề xuất mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc thực hiện CSR report.

2. Tổng quan về CSR report

CSR report là bộ phận của SRA, là phương pháp của SRA, nhằm giúp cho việc tính toán, tổng hợp số liệu và  trình bày những thông tin về tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí và kết quả hoạt động liên quan đến kinh tế, môi trường và xã hội của DN, từ đó cung cấp và đáp ứng yêu cầu  thông tin cho các thành phần có liên quan như: Cổ đông, người lao động, khách hàng, nhà cung cấp, các hiệp hội ... CSR report là một trong những công cụ giúp DN đo lường và đánh giá việc thực hiện chiến lược CSR một cách hiệu quả, là một phương tiện để nâng cao uy tín DN và chứng tỏ cam kết của mình trong việc thực hiện CSR, cải thiện hiệu quả kinh doanh, xác định các cơ hội và rủi ro, gắn bó nhân viên với DN, nâng cao lợi thế cạnh tranh. Điều này, đã làm cho CSR report vượt qua ngoài khuôn khổ của một công cụ kế toán truyền thống để trở thành một công cụ quan trọng của quản trị chiến lược CSR.

CSR report sau này gọi là Báo cáo phát triển bền vững được nhiều quốc gia, nhiều tổ chức quốc tế công bố và hướng dẫn thực hiện. Nội dung của báo cáo phát triển bền vững do nhóm các chuyên gia về các chuẩn mực quốc tế về kế toán và báo cáo (ISAR/29) hướng dẫn các DN lựa chọn 17 chỉ tiêu cơ bản để báo cáo và phân thành 8 nhóm, gồm: đóng góp phát triển kinh tế, quyền con người, chính sách đối với người lao động, phát triển nguồn nhân lực, an toàn và sức khỏe, hỗ trợ cộng đồng, chuỗi giá trị, vi phạm pháp luật. Thông tin về môi trường không được trình bày thành một nhóm riêng mà được trình bày trong nhóm chỉ tiêu an toàn sức khỏe, chuỗi giá trị và vi phạm pháp luật.   

Báo cáo phát triển bền vững, theo hướng dẫn của GRI 4 được xây dựng dựa trên các nguyên tắc như: Tính minh bạch và trách nhiệm giải trình; tính cân bằng và khách quan; tính thống nhất và khả năng so sánh được; tính kịp thời; tính rõ ràng và dễ hiểu; tính tin cậy; tính linh hoạt; tính trọng yếu; tính liên kết giữa mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp với quốc gia và toàn cầu, tính khả thi và thực tiễn. Nội dung của báo cáo phát triển bền vững theo GRI 4 bao gồm những thông tin sau:

2.1.  Thông tin theo tiêu chuẩn chung

Thông tin này đưa ra bối cảnh chung cho báo cáo, mô tả về tổ chức và quát trình báo cáo, thông tin về quan điểm chiến lược của tổ chức trong việc giải quyết các vấn đề phát triển bền vững, thông tin về mối quan hệ của các bên liên quan với quá trình này, thông tin phản ánh quan điểm tiếp cận vấn đề chính như quản trị, đạo đức và tính chính trực.

2.2.  Thông tin theo tiêu chuẩn cụ thể 

Thông tin này được chia thành 2 loại:

- Thông tin về phương pháp tiếp cận quản lý, giải thích cách quản lý tác động kinh tế, môi trường và xã hội trọng yếu, từ đó đưa ra tổng quan về phương pháp tiếp cận các vấn đề phát triển bền vững. Thông tin này tập trung giải thích ba vấn đề: Mô tả lý do mà lĩnh vực được xác định là trọng yếu, cách thức quản lý tác động của lĩnh vực trọng yếu và cách thức đánh giá phương pháp quản lý lĩnh vực này.

- Thông tin về các chỉ số, cho phép DN so sánh về tác động và hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội, phần lớn thông tin này là ở dạng dữ liệu định lượng. Các DN phải đưa ra các chỉ số về lĩnh vực mà DN và các bên liên quan xác định là trọng yếu. Các chỉ số này phản ánh một loạt các vấn đề phát triển bền vững như: Chỉ số về việc sử dụng nước, sức khỏe và an toàn, nhân quyền hay tác động của DN đến các cộng đồng địa phương.

Thông tin trên báo cáo phát triển bền vững có thể bao gồm một số hoặc tất cả những nội dung sau:

  • Tiêu thụ các nguồn lực phi tài chính như năng lượng, dầu thô, nước, lâm sản...
  • Việc tạo ra chất thải và chất ô nhiễm, như chất thải dưới đất, khí thải nhà kính, nước thải...;
  • Các nguy cơ và cơ hội, như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, nhu cầu cho sản phẩm mới, các quy định liên quan đến chương trình nghị sự phát triển bền vững, phục hồi chuỗi giá trị.
  • Sự tham gia vào công việc của các nhóm cộng đồng địa phương và các tổ chức phi chính phủ vì lợi ích của xã hội.
  • Các chính sách, tài liệu và quan điểm của công ty về những vấn đề có liên quan đến hoạt động phát triển bền vững của DN.
  • Những đổi mới trong sản xuất và dịch vụ có tác động hưởng ứng chương trình nghị sự về phát triển bền vững.
  • Các vấn đề về nhân quyền.
  • Quản trị doanh nghiệp.
  • Quản trị nguồn nhân lực.
  • Các vấn đề xã hội.
  • Các chính sách chống tham nhũng.
  • Các mục tiêu và sáng kiến có liên quan, hệ thống quản lý chất lượng làm việc và các hoạt động hỗ trợ sự tham gia của các bên liên quan nhằm đánh giá và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đề ra.

3. Cơ sở lý thuyết nền

3.1. Lý thuyết tính hợp pháp (Legitimacy Theory)

Lý thuyết tính hợp pháp có nguồn gốc từ các khái niệm về tính hợp pháp của tổ chức, được Dowling và Pfeffer đưa ra vào năm 1975. Tính hợp pháp của DN (organisational legitimacy) được nảy sinh và xác định trong môi trường đã được định chế hóa bằng những qui định của luật pháp, bằng những quy tắc, chuẩn mực về đạo đức, văn hóa, xã hội... Trên cơ sở của Lý thuyết tính hợp pháp, các DN sẽ tự nguyện báo cáo thông tin về các hoạt động của mình phù hợp với những qui định của luật pháp, những quy tắc, chuẩn mực về đạo đức, văn hóa, xã hội... đáp ứng được kỳ vọng của các cộng đồng xã hội mà doanh nghiệp hoạt động, nhằm giới thiệu hình ảnh của doanh nghiệp phù hợp với các giá trị đang chi phối xã hội. (Deegan, 2002). Lý thuyết tính hợp pháp được sử dụng trong nghiên cứu để giải thích ảnh hưởng của các nhân tố: Áp lực thể chế bao gồm quy định của pháp luật, chuẩn mực đạo đức về thực hiện CSR, áp lực từ yêu cầu của các thành phần có liên quan đến DN; sự nhận thức của nhà quản lý về CSR đến việc thực hiện CSR report.

3.2. Lý thuyết  các thành phần có liên quan (Stakehoders Theory)

Lý thuyết các thành phần có liên quan được Freeman đưa ra vào năm 1984. Lý thuyết này đặt doanh nghiệp vào trung tâm của tổng thể các mối quan hệ với các thành phần có liên quan, không chỉ là những cổ đông mà bao gồm tất cả các chủ thể khác có liên quan đến các hoạt động và quyết định của DN. Thành phần có liên quan có thể là cổ đông, người lao động, khách hàng, nhà cung ứng, hiệp hội, các cộng đồng địa phương, các tổ chức phi chính phủ... Lý thuyết các thành phần có liên quan, đòi hỏi việc xác định mục tiêu và quản trị DN phải gắn với lợi ích và các yêu cầu của các thành phần có liên quan, đòi hỏi DN phải có nghĩa vụ đạo đức với các thành phần có liên quan. Bởi vì nhờ các thành phần này mới tạo ra sự thành công và giá trị của DN, và DN phải góp phần ra sự sung túc của xã hội, sự công bằng xã hội và sự bình đẳng của các thành phần có liên quan. Lý thuyết về các thành phần có liên quan được sử dụng trong nghiên cứu để giải thích ảnh hưởng của các nhân tố: Sự nhận thức của nhà quản lý về CSR; chiến lược về CSR; áp lực từ yêu cầu có nghĩa vụ đạo đức đối với các thành phần có liên quan ảnh hưởng đến việc thực hiện CSR report.

3.3. Lý thuyết về sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên ( Resource Dependence Theory)

Lý thuyết này xuất hiện vào những năm 1970, do Pfeffer và Salancik nghiên cứu. Theo khung lý thuyết này, sự hoạt động và tồn tại lâu dài của DN phụ thuộc vào những chủ thể cung cấp các nguồn tài nguyên bên ngoài DN. Vì vậy, hoạt động của DN được công nhận và được đánh giá bởi những tiêu chí của những chủ thể bên ngoài DN. Lý thuyết về sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên, đòi hỏi DN phải nhận biết và xác định các nhóm xã hội bên ngoài mà DN phụ thuộc, trên cơ sở đó quản lý và điều chỉnh các hoạt động, hành vi phù hợp với nhu cầu của họ, nhằm giảm nguy cơ, rủi ro từ sự phản ứng của các nhóm xã hội bên ngoài. Lý thuyết về sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên buộc các DN phải thực hiện các hoạt động thể hiện trách nhiệm đối với xã hội, nhằm đáp ứng lại sự mong đợi của những chủ thể cung ứng nguồn tài nguyên phục vụ cho sự tồn tại và phát triển của DN. Lý thuyết về sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên được sử dụng trong nghiên cứu để giải thích ảnh hưởng của các nhân tố: Sự nhận thức của nhà quản lý về CSR; chiến lược về CSR.

3.4. Lý thuyết bất định (Contingency Theory)

Lý thuyết bất định được hình thành từ những năm 1960 trên cơ sở phát triển từ lý thuyết tổ chức và đến giữa những năm 1970 thì bắt đầu được áp dụng trong các nghiên cứu thuộc lĩnh vực kế toán. Với cách tiếp cận lý thuyết ngẫu nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng, các yếu tố ngẫu nhiên có ảnh hưởng quan trọng đến việc thiết kế hệ thống kế toán, hệ thống này hoạt động hiệu quả phụ thuộc vào khả năng thích ứng với những thay đổi về hoàn cảnh bên ngoài và các yếu tố bên trong của tổ chức. Chenhall (2003) đã chỉ ra các yếu tố ngẫu nhiên ảnh hưởng đến thiết kế hệ thống kế toán, bao gồm: môi trường kinh doanh, chiến lược của tổ chức, nhiệm vụ tổ chức, quy mô, hình thức sở hữu, lĩnh vực kinh doanh..., trên cơ sở tổng kết các nghiên cứu dựa vào lý thuyết ngẫu nhiên cho thiết kế hệ thống kế toán và kế toán quản trị. Lý thuyết bất định được sử dụng trong nghiên cứu để giải thích ảnh hưởng của các nhân tố: Sự nhận thức của nhà quản lý về CSR; chiến lược về CSR; sự phức tạp khi thực hiện CSR report; sự am hiểu về CSR report của nhân viên kế toán.

3.5. Lý thuyết về thể chế (Institutional Theory)

Theo lý thuyết thể chế, quyết định của tổ chức không chỉ được điều khiển bởi các mục tiêu về hiệu quả, mà còn chịu ảnh hưởng bởi các ràng buộc như: hiến pháp, luật,  phong tục, tập quán, đạo lý..., chịu ảnh hưởng bởi các quy chuẩn về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Do áp lực của các ràng buộc này, do áp lực chi phối bởi các quy định chuẩn mực, quy tắc trong thể chế, các tổ chức thay đổi hành vi, thay đổi mô hình tổ chức, chiến lược, quy trình hoạt động, phương pháp tổ chức, công bố thông tin... phù hợp với môi trường về thể chế, trên cơ sở đó làm tăng khả năng để phát triển, tồn tại hợp pháp trong mối quan hệ với các bên liên quan. Hiện nay, CSR và CSR report được luật hóa, được định chế hóa và trở thành như là qui ước xã hội, DN hoạt động tương thích với định chế và qui ước đó (Capron và Quairel-Lanoizelée, 2009). Lý thuyết thể chế được sử dụng trong nghiên cứu để giải thích ảnh hưởng của các nhân tố chiến lược về CSR và áp lực thể chế như các quy định của pháp luật, chuẩn mực đạo đức về thực hiện CSR, như yêu cầu của các thành phần có liên qua ảnh hưởng đến việc thực hiện CSR report.

4. Những nhân tố ảnh hưởng đến việc thực hiện CSR report

4.1. Sự nhận thức của nhà quản lý về CSR

Môi trường kinh doanh là yếu tố bất định trong lý thuyết ngẫu nhiên (Chenhall, 2003), môi trường kinh doanh luôn biến động khó lường, bất ngờ, khó đoán và khó kiểm soát, điều này tác động đến nhận thức của nhà quản lý. Những diễn biến trên thế giới về thảm họa sinh thái, biến đổi khí hậu, những vi phạm về quyền con người, về bất công xã hội, về dịch bệnh... đã làm  cho nhà quản lý càng nhận thức về vai trò quan trọng của CSR, từ đó đòi hỏi DN phải thực hiện CSR report, để xây dựng lại hình ảnh của mình và khôi phục niềm tin của xã hội vào DN. Kết quả của một số công trình nghiên cứu trong nước và trên thế giới chỉ ra rằng, những DN cam kết và thực hiện CSR, thực hiện CSR report sẽ góp phần làm gia tăng giá trị DN, nâng cao kết quả và hiệu quả kinh doanh thông qua danh tiếng xã hội, tăng khả năng thu hút và giữ chân người lao động, tăng khả năng thu hút và sự trung thành của người tiêu dùng, cải thiện mối quan hệ với nhà đầu tư, nhà tài trợ, với cộng đồng địa phương và chính phủ. (Châu Thị Lệ Duyên và Huỳnh Trường Thọ, 2015; Sweeney, 2009). Các nghiên cứu của Jan Bebbington, Rob Gray, Ian Thomson và Diane Walters (1994); Suleiman Abu Sabha và Younis Shoubaki, (2013); Nongnooch Kuasirikun (2004); Norhayah Zulkifli, Brian Telford and Neil Marriott, (2009) cho rằng sự hiểu biết, sự nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của CSR là nhân tố quan trọng cho việc thực hiện CRS report trong doanh nghiệp. Sự nhận thức của nhà quản lý về CSR, đó là nhận thức về sự biến đổi về môi trường kinh doanh, về thảm họa sinh thái, biến đổi khí hậu, về bất công xã hội...; nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của CSR.

4.2. Chiến lược về CSR của doanh nghiệp

Theo lý thuyết ngẫu nhiên, khi môi trường kinh doanh thay đổi, đòi hỏi chiến lược của DN thay đổi, điều này ảnh hưởng tổ chức hệ thống quản lý, hệ thống thông tin và thông tin kế toán của DN. Langfield-Smith (1997) chỉ ra rằng, việc thiết kế kế toán quản trị nhằm đảm bảo phù hợp và thực hiện đúng chiến lược của tổ chức, điều này giúp cho tổ chức có thể đạt được các mục tiêu mà tổ chức đặt ra. Hiện nay, với những biến đổi bất định của môi trường kinh doanh, chiến lược của DN hiện nay hướng tới chiến lược CSR nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Chiến lược CSR là chiến lược về sự hội tụ giữa hiệu quả hoạt động kinh doanh với các giá trị tạo ra cho các thành phần có liên quan và sự đóng góp vào sự phát triển bền vững. Trong nghiên cứu này, chiến lược CSR của DN phản ảnh tất cả khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường của DN.

4.3. Sự phức tạp khi thực hiện CSR report

Nhiệm vụ của tổ chức là một khái niệm phản ánh mục đích của tổ chức, phản ảnh mục tiêu chính của tổ chức, phản ảnh định hướng, nguyện vọng mà tổ chức hướng đến. Hirst (1981), Chenhall (2003) cho rằng, nhiệm vụ tổ chức là một yếu tố ngẫu nhiên quan trọng liên quan đến việc thiết kế hệ thống kế toán trong DN. Nhiệm vụ của tổ chức có đặc tính là đa dạng, biến đổi, khó khăn và phức tạp (Daft và Macintosh, 1981). Đó là mức độ phức tạp của quá trình thực hiện nhiệm vụ, đó là lượng thời gian suy nghĩ đầu tư để giải quyết các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, đó là những khó khăn cản trở khi thực hiện nhiệm vụ và yêu cầu kiến thức cần có để thực hiện nhiệm vụ ( Perrow, 1967; Van de Ven và Delbecq, 1974). Đối với những DN xác định sứ mệnh và chiến lược hướng đến CSR, để thực hiện tốt nhiệm vụ chiến lược này đòi hỏi tốn nhiều thời gian, công sức, chi phí, những quy định thực hiện, quy trình hạch toán... Trong nghiên cứu này, sự phức tạp khi thực hiện CSR report hiểu là mức độ khó khăn, cản trở về chi phí, thời gian, công sức, độ phức tạp để giải quyết các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ thực hiện CSR.

4.4. Sự am hiểu về CSR report của nhân viên kế toán

Xu và cộng  sự (2003) cho rằng, các yếu tố thuộc về tổ chức, con người và môi trường bên ngoài ảnh hưởng hệ thống thông tin và thông tin kế toán của DN. Nhân tố thuộc về con người là những người tham gia trực tiếp vào hệ thống thông tin và thông tin kế toán bao gồm: ban quản lý cấp cao, kế toán trưởng, và kế toán viên. Trong đó, nhân viên kế toán giữ vai trò quan trọng, bởi vì họ là những người trực tiếp thực hiện các công việc từ thu thập thông tin, phân tích, xử lý thông tin đến việc cung cấp thông tin. Những DN thực hiện chiến lược CSR, thường gặp những khó khăn, phức tạp và cản trở khi thực hiện nhiệm vụ, đòi hỏi nhân viên kế toán phải có những kiến thức, những am hiểu về CSR, SRA, CSR report. Cụ thể là nhân viên kế toán phải hiểu được mục đích, vai trò, nội dung của CSR report, phải có những kiến thức và kỹ năng để hạch toán, báo cáo và cung cấp thông tin về xã hội và môi trường của DN.

4.5. Áp lực thể chế

Theo lý thuyết thể chế sự thay đổi trong hành vi của cá nhân, các hoạt động trong tổ chức có thể bắt nguồn từ các quy định của tổ chức, của xã hội; có thể bắt nguồn từ nhận thức của cá nhân, nhận thức của tổ chức về tính hợp pháp trong hành vi và hoạt động của mình; có thể bắt nguồn từ nhận thức thông qua quá trình bắt chước lẫn nhau trong quá trình tương tác lẫn nhau giữa các cá nhân, tổ chức trong xã hội. Trong nghiên cứu của Scott (1995), nêu quan điểm cho rằng, áp lực về thể chế bao gồm: Áp lực cưỡng ép, áp lực quy chuẩn, áp lực mô phỏng, các áp lực này tác động đến hệ thống thông tin và hệ thống kế toán của DN. Áp lực cưỡng ép chính là áp lực từ những quy định pháp lý của các cơ quan nhà nước về CSR, áp lực từ các thành phần liên quan... Áp lực quy chuẩn là áp lực đến từ các chuẩn mực chung, các quy tắc chung, các giá trị chung được các tổ chức và xã hội chấp nhận. Áp lực mô phỏng là áp lực đến từ quá trình bắt chước, học hỏi từ phương pháp kỹ thuật, cách thức tổ chức quản lý... của các tổ chức, DN được xem là thành công, là chuẩn mực được xã hội chấp nhận.  

5. Giả thuyết và mô hình nghiên cứu đề xuất

Dựa vào phân tích trên, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng việc thực hiện CRS report bao gồm 5 nhân tố ảnh hưởng và các giả thuyết cho mô hình nghiên cứu như sau:

H1: Sự nhận thức của nhà quản lý về CSR có tác động cùng chiều đến việc thực  hiện CSR report  tại Việt Nam.

H2: Chiến lược về CSR của DN có tác động cùng chiều đến việc thực hiện CSR report tại Việt Nam.

H3: Sự phức tạp khi thực hiện CSR report có tác động ngược chiều đến việc thực hiện CSR report tại Việt Nam.

H4: Sự am hiểu về CSR report của nhân viên kế toán có tác động cùng chiều đến việc thực hiện CSR report  tại Việt Nam.

H5: Áp lực thể chế có tác động cùng chiều đến việc thực hiện CSR report  tại Việt Nam.

6. Kết luận

Tóm lại, dựa vào các lý thuyết nền, dựa vào các nghiên cứu trước, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc thực hiện CSR report bao gồm 5 nhân tố đó là: Sự nhận thức của nhà quản lý về CSR, chiến lược về CSR của doanh nghiệp, sự phức tạp khi thực hiện CSR report, sự am hiểu về CSR report của nhân viên kế toán và áp lực thể chế.

Tài liệu tham khảo:

  1. Chenhall, H.    (2003).     Management      control     systems     design     within     its organizational context: Findings from contingency-based research and directions for the future. Accounting, organizations and society, 28(2-3), 127-168.
  2. Châu Thị Lệ Duyên và Huỳnh Trường Thọ (2015), Mối quan hệ giữa trách nghiệm xã hội, lãnh đạo và hiệu quả tài chính: Trường hợp doanh nghiệp khu vực thành phố Cần Thơ, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, số 38.
  3. Global Reporting Initiative (GNI). (2015). G4-Sustainability Reporting Guidelines, Frequently Asked Questions, https://www.globalreporting.org/resourcelibrary/G4-Exposure-Draft.pdfii
  4. Langfield-Smith, K. (1997). Management control systems and strategy: A critical review. Accounting, organizations and society, 22(2), 207-232.
  5. Michel Capron, Francoise Quairel-Lanoizelée.,(2009), Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, Việt Nam.
  6. Kuasirikun. (2004). Attitudes to the development and implementation of social and environmental accounting in Thailand. Critical Perspectives on Accounting, 16(2005), 1035–1057
  7. J and G.R.Salancik. (1978). The External Control of Organizations: A Resource Dependence Perspective. New York: Harper and Row.

THE THEORETICAL BACKGROUND OF THE FACTORS AFFECTING THE IMPLEMENTATION OF CORPORATE SOCIAL RESPONSIBILITY REPORT

Assoc.Prof. Ph.D Huynh Duc Long

University of Economics Ho Chi Minh City

Abstract:

This article presents research concepts of some issues including Corporate Social Responsibility (CSR), Corporate Social Responsibility report (CSR report), Corporate Social Responsibility strategy (CSR strategy) and institutional pressure. The history and development of the CSR, and the role and content of the CSR report are introduced. This article presents background theories including the legal theory, the theory of related components, the theory of resource dependence, the theory of uncertainty and the theory of institutions. Based on these theories and related studies, this article analyzes the factors affecting the implementation of the CSR report and proposes a research model on this issue.

Keywords: Corporate Social responsibility (CSR), social responsibility accounting (SRA), social responsibility report (CSR report).

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2020]