Nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở việt nam nhằm mục tiêu phát triển bền vững

THS. TRẦN THỊ TRÀ MY (Bộ môn Quản trị tác nghiệp kinh doanh, Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Ở Việt Nam, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (DN) được xem là một hành động giải quyết các vấn đề xã hội vì các mục đích từ thiện và nhân đạo. Xuất phát từ thực tế thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội một cách thuận lợi hơn.

Từ khóa: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), phát triển bền vững, quy tắc ứng xử, văn hóa doanh nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Dự báo trong 10 năm tới, phát triển bền vững tiếp tục là xu hướng bao trùm trên toàn thế giới, gắn với Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc. Với tư cách là thành viên của Ủy ban Liên hợp quốc, Việt Nam đang nỗ lực triển khai các chính sách phát triển bền vững, đồng thời xây dựng hiệu quả nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Các DN Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức cũng như có được những cơ hội trong quá trình chuyển đổi và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh đó, sự phát triển bền vững là yêu cầu thời đại, vì vậy, doanh nghiệp đóng vai trò to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội. DN thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ khẳng định thương hiệu của mình trong xã hội. Do đó, đồng hành vào sự phát triển chung của đất nước không chỉ là trách nhiệm mà còn là lợi ích cho DN, từ đó, tạo ra giá trị nhân văn, văn hóa DN, cũng như tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

2. Thế nào là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp?

Đã có nhiều cách định nghĩa của các học giả khác nhau về Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility, viết tắt là CSR). Chẳng hạn, ngay từ năm 1973, Keith Davis đã đưa ra một khái niệm khá rộng: “CSR là sự quan tâm và phản ứng của doanh nghiệp với các vấn đề vượt ra ngoài việc thỏa mãn những yêu cầu pháp lý, kinh tế, công nghệ”. Trong khi đó, Archie Carroll (1999) còn cho rằng, CSR có phạm vi rộng  lớn hơn: “CRS bao gồm sự mong đợi của xã hội về kinh tế, luật pháp, đạo đức và lòng từ thiện đối với các tổ chức tại một thời điểm nhất định”. Matten và Moon (2004) lại cho rằng: “CSR là một khái niệm chùm, bao gồm nhiều khái niệm khác nhau, như đạo đức kinh doanh, doanh nghiệp là từ thiện, công dân doanh nghiệp, tính bền vững và trách nhiệm môi trường. Đó là một khái niệm động và luôn được thử thách trong từng bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội đặc thù”.

Trong khi đó, theo Hội đồng Doanh nghiệp thế giới vì sự phát triển bền vững, "CRS là sự cam kết trong việc ứng xử hợp đạo lý và đóng góp vào sự phát triển kinh tế, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của lực lượng lao động và gia đình họ, cũng như của cộng đồng địa phương và của toàn xã hội nói chung”. Hay gần đây, theo Nhóm Phát triển kinh tế tư nhân của Ngân hàng Thế giới (WB), “CRS là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua những việc làm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên trong gia đình họ; cho cộng đồng và toàn xã hội, theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội”,…

Điểm qua một số cách định nghĩa trên đây đã cho thấy, dù cách thể hiện, hình thức diễn đạt ngôn từ có khác nhau, song nội hàm phản ánh của CSR về cơ bản đều có điểm chung là, bên cạnh những lợi ích phát triển riêng của từng doanh nghiệp phù hợp với pháp luật hiện hành thì đều phải gắn kết với lợi ích phát triển chung của cộng đồng xã hội. Chính vì thế, theo chúng tôi, có lẽ định nghĩa của Nhóm phát triển kinh tế tư nhân của WB về CSR là hoàn chỉnh, rõ ràng và dễ hiểu nhất, vì nó đã đề cập đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp phải gắn liền với vấn đề phát triển bền vững - một yêu cầu khách quan, cấp thiết, có tính toàn cầu của sự phát triển hiện nay.

Thực tiễn cho thấy, những doanh nghiệp thực hiện tốt CSR thường đạt được những lợi ích đáng kể, bao gồm giảm chi phí, tăng doanh thu, tăng giá trị thương hiệu, giảm tỷ lệ nhân viên thôi việc, tăng năng suất và thêm cơ hội tiếp cận những thị trường mới.

CSR là khái niệm mới được du nhập vào Việt Nam khoảng hơn thập niên qua, song những năm gần đây, đã có không ít doanh nghiệp Việt Nam, để tạo lập được thương hiệu vững bền và sáng giá.

Do vậy, thực hiện CSR ngày càng được các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nhận thức sâu sắc hơn và coi đó là yêu cầu tất yếu, khách quan trong quá trình hội nhập. Mặc dù vậy, cả về học thuật lẫn thực tiễn thể hiện, cần thấy đây vẫn là vấn đề còn khá mới mẻ đối với không ít các doanh nghiệp, doanh nhân ở nước ta. Trên thực tế, đã có doanh nghiệp, doanh nhân chỉ lo sản xuất, kinh doanh sao cho có lợi nhuận cao, giải quyết tốt vấn đề lợi ích cho doanh nghiệp, cho người lao động, và còn tham gia đóng góp cho nhiều các hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội, thế nhưng họ vẫn vi phạm Luật Doanh nghiệp, Luật Môi trường, hoặc có những biểu hiện vi phạm pháp luật khác. Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, song trước hết là do doanh nghiệp chưa có một nhận thức đúng đắn, khách quan, khoa học và nhất là chưa có được “cái tâm”, “cái đức” trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) đối với cộng đồng xã hội.

Khi cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đòi hỏi yêu cầu từ khách hàng ngày càng cao và xã hội có cái nhìn ngày càng khắt khe đối với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải luôn tuân thủ những chuẩn mực về bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường lao động, bình đẳng về giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, đào tạo và phát triển nhân viên, góp phần phát triển cộng đồng. Các doanh nghiệp có thể thực hiện trách nhiệm xã hội của mình bằng cách đạt một chứng chỉ quốc tế hoặc áp dụng những Bộ Qui tắc ứng xử. Thực tế, một số doanh nghiệp Việt Nam đã làm được như vậy. Tuy nhiên, những doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện chưa có khả năng đạt những chứng chỉ này vẫn có thể có được những lợi ích cụ thể trong kinh doanh nếu tự nguyện áp dụng các tiêu chuẩn về CSR.

3. Thực trạng thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam

3.1. Tình hình thực hiện CSR đối với các cơ quan quản lý kinh tế

Các chính sách kinh tế - xã hội là công cụ quản lý và điều tiết vĩ mô của Nhà nước, có tác động tới toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Thông qua những chính sách này, Nhà nước thực hiện các chức năng chủ yếu của mình như: nâng cao hiệu quả nền kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội, duy trì sự ổn định kinh tế - xã hội. Nhận thức rõ vấn đề này và để triển khai Chương trình Nghị sự 21 (Agenda 21) của Chính phủ, được sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, vào quý 4 năm 2010, VCCI đã thành lập Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam. Một trong những nội dung cơ bản của Hội đồng là góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững thông qua việc thực hiện CSR. 

3.2. Tình hình thực hiện CSR ở các doanh nghiệp Việt Nam

Để có một kế hoạch hành động đúng đắn và bền vững, các doanh nghiệp cần thấu hiểu những vấn đề “nóng” của xã hội, lắng nghe những mong mỏi của cộng đồng.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đang đối diện với thách thức lớn về biến đổi khí hậu và tình trạng ô nhiễm môi trường, đe dọa an sinh xã hội và sức khỏe con người cũng như sự phát triển bền vững của hệ sinh thái. Bên cạnh đó, giáo dục và xây dựng tương lai cho thế hệ trẻ luôn tồn tại rất nhiều khó khăn, rào cản. Đó chỉ là một số ít trong nhiều vấn đề cần nguồn lực và sự chung tay của toàn xã hội để mang lại những thay đổi tích cực cho cộng đồng.

Một trong những doanh nghiệp tiên phong và thành công trong việc khởi xướng những hoạt động CSR mang ý nghĩa thiết thực có thể kể đến là Prudential Việt Nam. Nằm trong chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường giai đoạn 2018 - 2021 của Prudential, dự án “Vì một cộng đồng không rác thải nhựa” bắt đầu từ những nghiên cứu về thực trạng sử dụng nhựa, hiểu biết, thái độ, hành vi tiêu thụ nhựa trên phạm vi toàn quốc. Từ đó cung cấp kiến thức và kêu gọi cộng đồng thay đổi thói quen sử dụng nhựa thông qua nhiều hoạt động như chiến dịch truyền thông “Cái giá thật sự của nhựa”. Thông điệp mà chiến dịch muốn gửi gắm là cái giá chúng ta phải trả chính là những ảnh hưởng tiêu cực mà nó mang lại cho môi trường, bao gồm hàng trăm năm ô nhiễm, sinh mạng của hàng triệu sinh vật và sức khỏe của chính chúng ta.

Bên cạnh đó, mong muốn mang đến một tương lai học vấn bền vững cho thế hệ trẻ Việt Nam, hành trình “Cùng xây tương lai” của Prudential đã sửa và xây mới cho 26 ngôi trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số để hàng nghìn em nhỏ được học tập trong môi trường tiện nghi và an toàn hơn; hay dự án “Vòng tay yêu thương, an tâm tiếp bước” giúp bảo vệ tương lai và cơ hội được tiếp tục cắp sách tới trường cho hơn 3.200 em nhỏ trên khắp cả nước sau những biến cố của cha mẹ. Chắp cánh ước mơ cho những tài năng trẻ, Prudential cũng đồng hành cùng Chevening - học bổng danh giá của Chính phủ Anh - trao đi 34 suất học bổng học tập tại Anh cho những cá nhân xuất sắc trong suốt 20 năm qua.

Một ví dụ điển hình khác có thể kể đến là tập đoànVingroup. Năm qua, trong các lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn, mảng thương mại tăng trưởng cao nhất, tỉ lệ đạt hơn 900% khi tập đoàn đưa hệ thống bán lẻ với nhiều thương hiệu VinMart, VinMart+, VinPro, VinDS… vào hoạt động khắp toàn quốc. Một trong các cú huých của “ông lớn” này với cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ nội địa là sự kiện công bố liên kết với gần 250 nhà sản xuất để phát triển hàng hóa “made in Việt Nam”. Theo đó, Vingroup sẽ tạo ưu đãi tối đa đưa hàng hóa nội địa vào chuỗi bán lẻ của tập đoàn, riêng lĩnh vực cung ứng thực phẩm, cam kết phân phối không lấy lãi, hoàn trả đối tác doanh thu theo đúng mức giá bán lẻ niêm yết. Lý giải, Vingroup cho biết muốn tạo thêm nguồn lực để doanh nghiệp tái đầu tư vào chất lượng sản phẩm. Song song đó, tập đoàn tư nhân này cũng khuyến khích các nhà cung cấp điều chỉnh giảm giá bán để hỗ trợ người tiêu dùng.

Đạt 34 ngàn tỉ đồng doanh thu trong năm 2015 với nguồn thu chính vẫn từ bất động sản, Vingroup là một trong các công ty bất động sản tư nhân lớn nhất Việt Nam. Dấu ấn lớn nhất trong lĩnh vực này của Vingroup là đang tạo ra các khu đô thị kiểu mẫu, thay đổi bộ mặt đô thị Việt Nam như: Vinhomes Riverside, Vinhomes Royal City, Vinhomes Times City (Hà Nội); hay như Vinhomes Central Park, Vinhomes Golden River (TP. Hồ Chí Minh). Mặc dù quy mô khác nhau, nhưng tất cả các dự án lớn của tập đoàn đều giống nhau đó là: mật độ xây dựng thấp, dành nhiều không gian chung cho sinh hoạt cộng đồng, hình thành hệ sinh thái khép kín với nhiều tiện ích công viên, bệnh viện, trường học, siêu thị,… Đó là những điều mà không phải chủ đầu tư nào cũng có thể thực hiện thành công.

Trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu, CSR đã trở thành một trong những yêu cầu đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nếu doanh nghiệp nào đó không tuân thủ CSR sẽ không thể tiếp cận được với thị trường thế giới.

Việc đánh giá thực hiện CSR quy định trong các quy tắc của Bộ Quy tắc ứng xử và các tiêu chuẩn như SA8000, WRAP, ISO 14000, GRI. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn này không phải là thỏa thuận giữa các chính phủ hay quy định của công ước quốc tế, vì thế ràng buộc chỉ là giữa các nhà xuất, nhập khẩu hoặc do chính doanh nghiệp đặt ra. Ở Việt Nam đã có các doanh nghiệp sản xuất sạch: sản xuất rau sạch, nuôi trồng thủy sản sạch, sản xuất than sạch,… Tuy nhiên, những việc làm này mang nhiều tính bắt buộc hoặc là tự phát hơn là một việc làm tự nguyện gắn liền với hoạt động kinh doanh và hình ảnh của doanh nghiệp.

Những hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện CSR theo nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam là do các nguyên nhân sau: 1) Nhận thức về khái niệm CSR còn hạn chế; 2) Năng suất bị ảnh hưởng khi phải thực hiện đồng thời nhiều bộ CoC; 3) Thiếu nguồn tài chính và kỹ thuật để thực hiện các chuẩn mực CSR (đặc biệt là đối với các DNNVV); 4) Sự nhầm lẫn do khác biệt giữa qui định của CSR và Bộ Luật Lao động; 5) Những quy định trong nước ảnh hưởng tới việc thực hiện các COC. Tuy nhiên, trong những điều kiện khó khăn như vậy, các doanh nghiệp rất cần quan tâm đến CSR. Bởi lẽ những người tiêu dùng, nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách và các tổ chức phi Chính phủ trên toàn cầu ngày càng quan tâm hơn tới ảnh hưởng của việc toàn cầu hóa đối với quyền của người lao động, môi trường và phúc lợi cộng đồng. Những doanh nghiệp không tuân thủ CSR có thể sẽ không còn cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế.

Trong những năm gần đây, chủ yếu do yêu cầu của đối tác mua hàng nước ngoài, một số doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện các chương trình CSR. Khảo sát do Viện Khoa học Lao động và Xã hội tiến hành gần đây trên 24 doanh nghiệp thuộc hai ngành Dệt may và Da giày đã chứng minh nhờ thực hiện các chương trình CSR, doanh thu của các doanh nghiệp này đã tăng 25%; năng suất lao động cũng tăng từ 34,2 lên 35,8 triệu đồng/lao động/năm; tỷ lệ hàng xuất khẩu tăng từ 94% lên 97%. Ngoài hiệu quả kinh tế, các doanh nghiệp còn có lợi từ việc tạo dựng hình ảnh với khách hàng, sự gắn bó và hài lòng của người lao động, thu hút lao động có chuyên môn cao.

4. Các giải pháp nhằm tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam

Trên con đường hội nhập, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam là một công việc vô cùng cần thiết, vừa mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, lợi ích cho xã hội, đồng thời còn nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, của quốc gia và hỗ trợ thực hiện tốt hơn luật pháp lao động tại Việt Nam. Để có thể giúp cho doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình, theo chúng tôi, cần thực hiện các giải pháp sau đây:

- Qua nhiều kênh khác nhau cần tăng cường thông tin, tuyên truyền để mọi người hiểu đúng bản chất của vấn đề "Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp" và các Bộ Quy tắc ứng xử, nhất là trong các doanh nghiệp, các nhà quản lý, hoạch định chính sách vĩ mô.

- Tiến hành các cuộc điều tra, khảo sát, nghiên cứu thực tế tại các doanh nghiệp đã thực hiện và sẽ thực hiện các Bộ Quy tắc ứng xử, nhất là ở các doanh nghiệp thuộc các ngành đang tham gia vào xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như giày da, dệt may, thủy sản đông lạnh,… để thấy được những thuận lợi, những khó khăn, thách thức và rào cản, từ đó có những giải pháp phù hợp để thực hiện.

- Nhà nước cần ban hành các các cơ chế, chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp có thể thực hiện được trách nhiệm xã hội của mình. Trong quá trình thực hiện trách nhiệm xã hội và các bộ Quy tắc ứng xử, các doanh nghiệp cần phải có chi phí, thậm chí chi phí đầu tư khá lớn, ví dụ đầu tư để cải thiện các điều kiện vệ sinh và môi trường lao động. Những khoản chi phí này, nhiều khi doanh nghiệp không chịu nổi, vì thế với một chính sách ưu tiên, ưu đãi, Nhà nước có thể cho vay từ quỹ hỗ trợ phát triển, quỹ xúc tiến thương mại,…

- Đẩy mạnh vai trò của các hiệp hội nghề như Hội Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Bộ, ngành trong việc hình thành các kênh thông tin về trách nhiệm xã hội cho các doanh nghiệp, nhất là cung cấp các thông tin cập nhật về các Bộ quy tắc ứng xử; tư vấn cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện trách nhiệm xã hội và các Bộ Quy tắc ứng xử,… Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) được thể hiện rõ nét qua việc bảo vệ môi trường.

Mặc dù trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường, điển hình là kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ -TTg, phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh để đảm bảo phát triển kinh tế một cách bền vững. Theo đó, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt đến năm 2020, cần đảm bảo cân bằng, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội với phát triển xã hội. Các chỉ thị, nghị quyết, văn bản pháp quy này đi vào cuộc sống đã bước đầu tạo ra một số chuyển biến tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường, song số lượng và mức độ vi phạm của các doanh nghiệp vẫn diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp. Để ngăn chặn, khắc phục và xử lí có hiệu quả những hành vi gây ô nhiễm môi trường, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau đây:

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, những chế tài xử phạt phải thực sự đủ mạnh, đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, cần xây dựng đồng bộ hệ thống quản lí môi trường trong các nhà máy, các khu công nghiệp theo các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ nhằm hướng tới một môi trường tốt đẹp và thân thiện hơn với con người.

- Tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, nhất là giữa lực lượng thanh tra môi trường với lực lượng cảnh sát môi trường các cấp, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lí kịp thời, triệt để những hành vi gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân.

- Tổ chức thực hiện nghiêm túc việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, trên cơ sở đó, cơ quan chuyên môn tham mưu chính xác cho cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc cấp hay không cấp giấy phép đầu tư. Việc quyết định các dự án đầu tư cần được cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích đem lại trước mắt với những ảnh hưởng của nó đến môi trường về lâu dài. Thực hiện công khai, minh bạch các quy hoạch, các dự án đầu tư và tạo điều kiện để mọi tổ chức và công dân có thể tham gia phản biện xã hội về tác động môi trường của những quy hoạch và dự án đó.

- Nâng cao vai trò của lực lượng cảnh sát môi trường, thành lập các cơ quan kiểm toán tối cao có tiến hành hoạt động kiểm toán môi trường. Đồng thời, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác môi trường; trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ có hiệu quả hoạt động của các lực lượng này. Thực hiện trách nhiệm xã hội là vấn đề lâu dài. Tuy nhiên, việc này mới thực hiện chủ yếu trong các doanh nghiệp có hàng xuất khẩu sang các thị trường lớn (EU, Mỹ, Nhật…), nhưng trong tương lai tất cả các doanh nghiệp đều cần thiết phải thực hiện trách nhiệm xã hội. Vấn đề này trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Bởi vậy, cần phải bắt tay ngay vào nghiên cứu, xây dựng kế hoạch dài hạn và lộ trình thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn mới, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế.

5. Kết luận

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là vấn đề còn mới mẻ với Việt Nam. Song trong những năm gần đây, trước thảm họa về môi trường và những hậu quả tiêu cực của nó, vấn đề trách nhiệm xã hội được đặt ra một cách cấp bách. Ở Việt Nam, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của chiến lược phát triển bền vững. Để thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam, thì việc tuyên truyền, giáo dục trách nhiệm xã hội và hoàn thiện hành lang pháp lý để thực hiện nó là việc làm cấp thiết hiện nay.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2015), “Kết quả rà soát khung  thể chế  và  pháp lý về  kế  hoạch và  đầu  tư, năng  lượng, công  nghiệp  và  môi  trường  theo  hướng  tăng  trưởng xanh”.
  2. Vũ Tuấn Anh (2015), “Tiến tới nền kinh tế xanh của Việt Nam. Xanh hóa sản xuất”, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, H.2015.
  3. Đỗ Phú Hải (2017), “Thực hiện chính sách phát triển bền vững ở Việt Nam giai đoạn hiện nay”, Tạp chí Cộng sản, tháng 8/2017.
  4. Đào Quang Vinh (2003), “Báo cáo tóm tắt nghiên cứu CSR tại các doanh nghiệp thuộc hai ngành dệt may và da giày”.
  5. UN-DESA (2015), Report of the capacity building workshop and expert group meeting on  integrated  approaches  to  sustainable development planning and implementation.

Enhancing the implementation of corporate social responsibility of businesses in Vietnam towards the goal of sustainable development

Master. Tran Thi Tra My

Department of Business Operation Management Faculty of Business Administration

Thuongmai University

ABSTRACT:

In Vietnam, the implementation of corporate social responsibility (CSR) is considered an action to solve social issues for charitable and humanitarian purposes. Based on the current implementation of CSR of enterprises in Vietnam, this article  proposes a number of solutions to support Vietnamese businesses to better conduct their CSR.

Keywords: Corporate social responsibility (CSR), sustainable development, code of conduct, corporate culture.