Cạnh tranh khốc liệt, dữ liệu người dùng rơi vào tay doanh nghiệp ngoại
Amazon, Alibaba, Airbnb… là những nền tảng tiên phong, đang làm thay đổi toàn bộ bức tranh các ngành E-commerce, Fintech, E-learning. Tại Việt Nam, các nền tảng số này cũng không còn xa lạ. Điểm lại, hầu hết các nền tảng lớn của thế giới đã phổ biến với người Việt: du lịch có Airbnb, TripAvisor; vận tải có Uber, Grab; bán lẻ có Amazon, Alibaba; mạng xã hội có Facebook, Instagram…
Cùng với sự đổ bộ của các nền tảng lớn trên thế giới, ở trong nước, nhiều doanh nghiệp Việt cũng đã chi hàng trăm triệu USD xây dựng các nền tảng nội như Be (vận tải); Asia Platform Travel (du lịch), Tiki, Vatgia, Adayroi (bán lẻ); Zalo, Lotus (mạng xã hội), VietnamWorks (việc làm), Topica (giáo dục)…
Rất nhiều nền tảng số của Việt Nam đã thành công. Chẳng hạn, trong lĩnh vực giáo dục, theo nghiên cứu của Ambient Insight, Việt Nam hiện nằm trong Top 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng E-learning lớn nhất thế giới.
Thế nhưng, với đại đa số doanh nghiệp đầu tư nền tảng số, đây là cuộc chơi đốt tiền, mà chưa chắc mang lại thành công. Mạng xã hội Lotus, Gapo vừa ra mắt đã biến mất, hàng loạt trang thương mại điện tử đóng cửa, sự chật vật cạnh tranh của Be với Grab…
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực số hóa, doanh nghiệp Việt nên đầu tư vào những lĩnh vực nền tảng có lợi thế địa phương, như giáo dục, y tế, nông nghiệp…, hơn là đầu tư vào những nền tảng đã được quốc tế hóa cao.
“Cần phải lựa chọn các lĩnh vực đầu tư để tránh lãng phí. Ví dụ, các mạng xã hội ở Việt Nam hầu hết sao chép lại Facebook. Facebook mỗi năm chi tới 3 - 4 tỷ USD để nghiên cứu, phát triển, trong khi doanh nghiệp trong nước khó “đào” ra 100 triệu USD để marketing. Vậy làm sao có cửa thắng Facebook?”, ông Trần Thanh Hải, cựu Tổng giám đốc Be Group đặt câu hỏi.
Tuy cho rằng, cần đầu tư chọn lọc, song ông Hải khẳng định, với những lĩnh vực mang tính đặc thù, liên quan an ninh kinh tế quốc gia, thì vẫn phải đầu tư, ngay cả khi thị trường đã có nền tảng ngoại mạnh.
Mặc dù đấu trường nền tảng số rất khốc liệt, song ông Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch sáng lập Upgen lại khuyến khích các doanh nghiệp nền tảng mạnh dạn khởi nghiệp, bởi dù không thắng thì sức chiến đấu của doanh nghiệp cũng sẽ tốt dần lên, các nền tảng sau sẽ tốt hơn.
Ngoài vấn đề vốn, việc nhiều nền tảng nội hụt hơi còn vì thiếu sức sáng tạo. Với kinh tế nền tảng, yếu tố quyết định thành công đầu tiên là sáng tạo, song đa số nền tảng ở Việt Nam là sao chép.
Yếu về sáng tạo, thiếu về chính sách, nền tảng Việt hụt hơi
Nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng, kỹ sư công nghệ của Việt Nam rất giỏi, song thói quen làm gia công quá lâu đã khiến sự sáng tạo bị bào mòn. Ngoài ra, nền giáo dục áp đặt, khuôn mẫu cũng không khuyến khích sáng tạo. Vì vậy, việc dịch chuyển từ nền kinh tế gia công sang kinh tế số, kinh tế sáng tạo sẽ mất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, môi trường chính sách ở Việt Nam cũng được coi là chưa hỗ trợ doanh nghiệp nền tảng phát triển.
Nhiều doanh nghiệp công nghệ cho rằng, các chính sách phát triển kinh tế nền tảng cần thực chất hơn. Nếu không, về lâu dài, người Việt sẽ lệ thuộc hoàn toàn vào ứng dụng ngoại. Khi đó, kho tài nguyên lớn nhất của kinh tế số - dữ liệu người dùng - cũng nằm trong tay doanh nghiệp ngoại. Việc ban hành các chính sách phát triển kinh tế nền tảng, nhất là hỗ trợ phát triển hệ sinh thái không thể chậm trễ.
“Đa phần các nền tảng đều lỗ trong thời kỳ đầu tiên - ít nhất 10 năm - song nhà đầu tư vẫn đốt tiền rất mạnh. Lý do bởi nguyên tắc kinh tế nền tảng là trả trước cho những thay đổi hành vi, mà hành vi muốn thay đổi phải mất rất nhiều thời gian. Khi hành vi thay đổi, chúng ta sẽ có một nền kinh tế rất khác. Nhà nước muốn khuyến khích kinh tế nền tảng, thì phải có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư. Việc hỗ trợ thuế là không có ý nghĩa, vì đa phần doanh nghiệp nền tảng lỗ ít nhất 10 năm”, ông Nam kiến nghị.
Một vấn đề nữa về phát triển các nền tảng số ở Việt Nam là khớp nối các nền tảng để tạo thành hệ sinh thái. Lãnh đạo một công ty chứng khoán Hàn Quốc ở Việt Nam cho rằng, Grab sống khỏe vì đây là một nền tảng đa dịch vụ. Trong đó, gọi xe là ứng đụng đốt tiền, các dịch vụ còn lại giúp họ kiếm tiền. Trong khi đó, Be khó khăn bởi chỉ có dịch vụ goi xe.
Đại diện công ty chứng khoán trên cho biết, họ rất muốn kết nối các nền tảng khác (ngân hàng, fintech, mạng xã hội…) để mở rộng khách hàng, song việc thuyết phục các nền tảng khác tham gia là không dễ. Vốn ít khó đầu tư rộng, cộng với hoạt động rời rạc đang làm cho các nền tảng Việt khó thành công.
Thực tế, trên thế giới, các nền tảng số thường phát triển trong một hệ sinh thái. Đơn cử, nền tảng Alibaba là sự tích hợp của rất nhiều nền tảng con, như thương mại, vận chuyển hàng hóa, cung cấp bản đồ, ví điện tử, cho vay…
“Google, Facebook có thể cho người dùng sử dụng miễn phí, song họ lại đang có tài nguyên rất lớn: dữ liệu hành vi người dùng. Nếu tiếp tục sử dụng những nền tảng số của nước ngoài, chúng ta mãi mãi chỉ là người sử dụng dịch vụ. Điển hình như quảng cáo online, rất đau xót là doanh nghiệp nội chỉ chiếm 10 - 20% thị phần, còn lại là Facebook, Google. Nếu muốn có một nền kinh tế sáng tạo sau 15 - 20 năm nữa, chúng ta phải xây dựng các nền tảng từ bây giờ để xây dựng cơ sở dữ liệu, dần lấy lại thị phần”.
Ông Trần Thanh Hải, cựu Tổng giám đốc Be Group