Đảm bảo an toàn các đập, hồ chứa thủy điện trên cả nước

Hiện nay cả nước có 429 công trình thủy điện được đưa vào vận hành khai thác, các hồ chứa thủy điện có dung tích khoảng 56 tỷ m3 chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa nước trên địa bàn cả nước. Vấn đề an toàn và chất lượng các công trình này, đặc biệt là quy trình vận hành, xả lũ, đang được kiểm soát chặt chẽ trong bối cảnh mùa mưa bão tới gần.

Rà soát chất lượng, an toàn các đập, hồ chứa thủy điện

Trên cơ sở kết quả của các đoàn kiểm tra, rà soát, đánh giá do Bộ Công Thương thực hiện và báo cáo của các Sở Công Thương và chủ đập, hiện nay cả nước có 429 công trình thủy điện được đưa vào vận hành khai thác, các hồ chứa thủy điện có dung tích khoảng 56 tỷ m3 chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa nước trên địa bàn cả nước.

Có 401/401 đập được chủ đập thực hiện theo đúng quy định về đăng ký an toàn đập và báo cáo hiện trạng an toàn đập.

376/401 đập được chủ đập thực hiện bảo trì, kiểm tra, sửa chữa đập theo đúng quy định, 25 đập đang được chủ đập lập quy trình bảo trì; 350/401 đập, hồ chứa đã xây dựng phương án ứng phó thiên tai.

Tất cả các hồ chứa cũng đã xây dựng và được phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa, đồng thời có kế hoạch bảo trì các hạng mục công trình theo quy định tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.

Như vậy, nhìn chung, Bộ Công Thương đánh giá rằng tới nay, công tác bảo đảm chất lượng các công trình đập thủy điện là đáp ứng yêu cầu và các đập thủy điện đang vận hành an toàn, ổn định.

Riêng đối với 5 công trình thủy điện lớn trên bậc thang thủy điện Sông Đà, gồm Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, hàng năm trước mùa mưa lũ Hội đồng Tư vấn khoa học công nghệ về an toàn đập thủy điện trên bậc thang sông Đà do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm chủ tịch đi kiểm tra tại trường, công tác quản lý an toàn đập của chủ đập để đánh giá mức độ an toàn đập qua đó khuyến cáo chủ đập, Bộ Công Thương, Chính phủ về khả năng tích nước và vận hành an toàn đập các hồ chứa trên trong mùa lũ và được đánh giá là an toàn.

Quy trình xả lũ đảm bảo đúng quy định

Hiện nay, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp lý về quy trình xả lũ tại các hồ chứa thủy điện. Trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương đã được quy định cụ thể tại nội dung quy trình vận hành đơn hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đặc biệt, đối với chủ hồ chứa thủy lợi, hồ chứa thủy điện trên lưu vực phải vận hành theo liên hồ, hàng năm cần chủ động phối hợp với chính quyền địa phương cùng xây dựng và thống nhất Quy chế phối hợp, chương trình hành động và quy chế chung trong công tác vận hành xả lũ, tổ chức dự báo và đo đạc các yếu tố khí tượng, thủy văn phục vụ công tác vận hành hồ chứa.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các chủ đập, hồ chứa thủy điện trên cả nước đã tiếp tục rà soát, điều chỉnh Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện. Qua đó, hầu hết Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện được phê duyệt đã cơ bản phù hợp với pháp luật hiện hành, thực tế và điều kiện khí tượng thủy văn, địa hình hành lang thoát lũ.

Việc vận hành công trình theo quy trình vận hành nhìn chung đã được các chủ đập, hồ chứa thủy điện tuân thủ về nguyên tắc xả lũ, thao tác, phương thức vận hành các cửa van đập tràn, công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai và chế độ thông tin, báo cáo cho địa phương.

Căn cứ quy trình vận hành đơn hồ và liên hồ được duyệt và các Quy chế phối hợp giữa các chủ đập trên cùng bậc thang và giữa các chủ đập với địa phương, đa số chủ đập đã thực hiện đầy đủ thông tin về thông báo và thời gian thông báo cho cơ quan địa phương, các đơn vị liên quan trước và trong quá trình xả lũ. Trong phối hợp vận hành giữa các công trình trên cùng một lưu vực sông, tất cả các đơn vị đều tuân thủ nghiêm túc quy định về thông báo thông tin vận hành cho các Chủ đập ở phía hạ du. 

Bộ Công Thương cho rằng tới nay, công tác xây dựng, ban hành và thực hiện Quy trình vận hành đơn hồ và quy trình vận hành liên hồ chứa ở các công trình thủy điện được thực hiện theo đúng thẩm quyền quy định và hiện các chủ đập thủy điện đã tuân thủ trách nhiệm trong công tác cảnh báo, truyền tin, vận hành hồ chứa.

Trong đó, vận hành xả lũ theo quy trình vận hành được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo hiệu quả dùng nước và an toàn vận hành phát điện, tham gia làm giảm, chậm, cắt lũ cho vùng hạ du.

Thực tế, có một số chủ đập, hồ chứa có xả về mùa lũ ảnh hưởng tới hạ du như thủy điện Hố Hô ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, thủy điện Sử Pán 1 ở tỉnh Lào Cai khi có mưa lũ lớn phải xả để bảo vệ đập đã vi phạm quy trình và đã bị xử phạt hành chính theo quy định và khắc phục hậu quả sau mưa lũ.

Do đó, thủy điện xả lũ gây lũ chồng lũ trong thời gian qua đã từng bước hạn chế và vận hành dung theo quy trình vận hành đã được các cấp phê duyệt. 

PV